Cậu bé Nguyễn Thái Hiệp, Giám đốc FPT Telecom HCM, đặt chân đến Sài Gòn năm 18 tuổi khi chưa có một hình dung rõ nét nào về mảnh đất này. Anh sinh ra ở Ninh Bình, lớn lên ở Phú Yên, rồi lại chọn một vùng đất khác để gắn liền cuộc đời mình. Chính vì thế, mảnh đất phồn hoa này mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho anh.
Anh Hiệp trong chuyến tham quan ở Nhật đầu năm nay. |
“Năm 1993 tôi chính thức vào Sài Gòn. Ngày ấy thành phố này chỉ toàn xe đạp, kẹt xe là chuyện hiếm thấy”, anh Hiệp hồi tưởng. “Tôi nhớ vào mùa mưa, lũ con nít thường ùa ra ngoài đường tắm thỏa thích. Cứ chỗ nào có vũng nước là chúng lăn xuống, giống hệt trẻ chăn trâu ở vùng quê, vui lắm”.
Giờ thì khung cảnh mộc mạc và bình dị ấy đã trở thành dĩ vãng. Khi tốc độ đô thị hóa nhanh chóng mặt, nhà cửa mọc lên như nấm, xe máy chật kín đường, những nét dân dã của hai thập niên trước đã lùi dần, nhường chỗ cho sự phát triển vượt bậc của thành phố hiện đại nhất Việt Nam.
“Người dân nơi đây thân thiện, dễ gần, cởi mở và hiền hòa”, anh Hiệp nói về người Sài Gòn với một tình cảm tha thiết. Ấy là vùng đất thập cẩm với sự trộn lẫn của nhiều vùng miền khác nhau, tuy vậy vẫn giữ những nét đặc trưng vốn có của mình. “Tôi thấy nhiều người vùng khác đến nơi này cũng dần dần đồng hóa, trở thành những người Sài Gòn kiểu mẫu mang tính đặc trưng không lẫn vào đâu”.
Sự trung hòa của cái tên Sài Gòn cũng gắn với một số nhược điểm, như một lẽ tất yếu. Chị Nguyễn Như Trang, Phó ban Thời sự, báo VnExpress, kể lại, một ký ức không thể nào quên: “Đấy là lần duy nhất tôi vào TP HCM cho đến giờ. Có hôm tôi đeo ba lô tung tăng dạo phố, lúc ấy trên đường đang có một hoạt động nào đó rất náo nhiệt, thu hút nhiều người tham gia. Chiếc ba lô của tôi bất ngờ bị giật phăng đi. Tôi phải gọi điện thoại cầu cứu bạn mình, bởi chiếc ví của tôi nằm trong ba lô. Tôi không còn một đồng nào để đón taxi về khách sạn”. Câu chuyện 10 năm trước khiến cô gái Hà Nội lần đầu đến Sài Gòn nhớ mãi.
Chị Như Trang và anh Nguyễn Đông, phóng viên phụ trách Đà Nẵng, tại tòa soạn VnExpress tại Hà Nội. |
Tuy vậy, với chị Trang, vùng đất này cũng có những nét hấp dẫn khó cưỡng, chẳng hạn như lối sống về đêm. Ở Hà Nội, buổi tối mọi người thường ngủ sớm. Còn ngược lại, khi ấy Sài Gòn mới bắt đầu một nhịp sống mới, rộn ràng và tấp nập hơn. Những ánh đèn sáng choang, dòng người qua lại nhộn nhịp đã in vào chị một lối sống, một phong cách sống hiện đại và mở cửa với thế giới.
Sinh ra và lớn lên tại chính thành phố mang tên Bác, một thời tuổi thơ và tuổi trẻ gắn với hình ảnh một Sài Gòn của thay đổi và vươn lên, anh Phạm Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban dự án truyền hình trả tiền, FPT Telecom, như là một hình ảnh đại diện của thành phố sau năm 1975. “Tôi tự hào là đứa con của Sài Gòn những ngày thống nhất. Thành phố của tôi đã chuyển mình theo năm tháng”, anh Tuấn chia sẻ.
Còn đối với anh Vũ Minh Nhật, Trưởng phòng Bảo hành, FPT Trading, 31 năm sống ở Sài Gòn đi cùng với rất nhiều kỷ niệm. Trong số đó, có một kỷ niệm không lấy gì làm vui là bị cướp giật. “Lần đó tôi đến tòa nhà FPT vào buổi tối. Tôi gọi hoài nhưng không thấy bảo vệ ra mở cửa cho mình. Lần đầu tiên và duy nhất trong đời tôi bị giật điện thoại. Lúc đó tôi thấy vô cùng ngỡ ngàng và đứng bất động như người bị mê đi. Tôi không biết làm gì vì quá bất ngờ”.
Nhưng một người đã sống ở Sài Gòn hơn 30 năm như anh cũng yêu thương nó theo cách rất riêng. Đó là thứ cảm xúc khi hồi tưởng về cả một quãng đường dài với ký ức tuổi thơ và những ngày tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, với bao buồn vui sướng khổ của cuộc sống đời thường rất bình dị và thân thương.
Anh Nguyễn Khoa, Phó ban Kế hoạch kinh doanh, FPT IS, đến Sài Gòn năm 1998 từ miền quê Trà Vinh của sông nước Tây Nam bộ. Sài Gòn khác xa quá nhiều so với hình dung của chàng trai trẻ khiến anh phải đi từ ngạc nhiên này tới bất ngờ kia. “Lúc đó tôi nhận ra, ở đây mình không thể hành xử như nông dân được”, anh Khoa cười hóm hỉnh kể về những ngày “chân ướt chân ráo” đặt chân đến “Hòn ngọc viễn đông”.
Anh Nguyễn Khoa, FPT IS. |
“Ở Sài Gòn, tôi tìm thấy sự công bằng và rõ ràng trong lối sống. Nơi này luôn rộng mở mọi cơ hội cho bất cứ ai, miễn là người đó có cố gắng. Con người ở đây đối xử với nhau rất tốt, không xem trọng hình thức cũng như quá khứ của nhau, mọi người chỉ quan tâm đến hiện tại và tương lai, tôi yêu nhất là điều này”, anh Khoa bày tỏ.
“Tuổi của người sinh năm 1975 rất dễ tính, vì số lần kỷ niệm thống nhất đất nước chính là số tuổi của chúng tôi”, chị Như Trang dí dỏm về năm sinh của mình. “Có nhiều người đã trải qua vô vàn ký ức đau thương trong quãng thời gian đó. Những mất mát mà chiến tranh mang lại là không thể nào đong đếm được. Cá nhân tôi không trải qua những thời khắc ấy nhưng cũng cảm thấy vui lây vì năm mình sinh ra đã đánh một dấu mốc trong lịch sử đất nước”, chị Trang xúc động cho biết.
Những con người sinh năm 1975 ấy năm nay đều bước qua tuổi 40, như đúng con số kỷ niệm ngày thống nhất đất nước. Với riêng mỗi người, đây là một dấu mốc đặc biệt. Và không chỉ là của họ, mà còn với một Sài Gòn qua bao thăng trầm, tiến lên cùng thời đại và hòa mình vào thế giới.
Yến Nhi
Ý kiến
()