Lễ kỷ niệm 10 năm sinh nhật FPT Asia Pacific diễn ra chiều tối ngày 31/3 tại Intercontinental Singapore, số 80 Middle Road, Singapore. Sau 10 năm hoạt động, FPT châu Á - Thái Bình Dương (FPT APAC - FAP) tại Singapore đã trở thành nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất tại đây với số vốn đầu tư 4,5 triệu USD và cũng là công ty CNTT Việt Nam lớn nhất tại đảo quốc sư tử.
Anh Hùng tại lễ kỷ niệm 10 năm FAP, nơi anh có hơn 9 năm gắn bó. |
Anh Nguyễn Trần Hùng, Giám đốc Kinh doanh FAP, người có chặng đường dài gắn bó với đơn vị chia sẻ về công việc và cuộc sống tại nơi "đắt đỏ nhất thế giới".
- Cơ duyên và vị trí công việc mà anh đã trải qua trong chặng đường gắn bó với FAP như thế nào?
- Cuối năm 2007, khi đang đảm nhiệm công việc trưởng nhóm dự án của khách hàng Mỹ ở một đơn vị chuyên thị trường non-Japan của FPT Software HCM, tôi được giao nhiệm vụ đi mở đường sang Singapore để mang thêm việc về. Đầu năm 2008, tôi lên đường và cơ duyên với FAP bắt đầu từ đấy.
Từ 2008-2011, tôi trải qua các công việc kỹ sư phầm mềm, trưởng nhóm kỹ thuật dự án, quản lý dự án, quản lý điều hành sản xuất. Đầu năm 2012 đến nay, tôi chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh và bán hàng của FAP.
- Với anh, đâu là thời khắc khó khăn nhất khi làm việc tại FAP?
- Khó khăn nhất có lẽ là giai đoạn cuối năm 2015 khi quy trình, thủ tục thực hiện cư trú làm việc cho nhân viên của FAP bị vướng phải vấn đề quy chế cấp phép vốn rất nghiêm ngặt của Bộ Lao động Singapore.
Đơn vị đang phát triển với hơn 250 con người, 36 khách hàng khối chính phủ và 19 khách hàng khối doanh nghiệp, công ty như đoàn tàu lao vun vút về trước bỗng khựng lại, va đập. Người đi người ở, anh em dao động. Mấy tháng sau, FAP chuyển từ FPT HO quản lý về lại FPT Software. Quá trình tái cấu trúc diễn ra, chúng tôi làm lại kế hoạch năm 2016. Các đơn vị của FAP, đặc biệt là đơn vị phát triển kinh doanh và bán hàng, lại loay hoay với bài toán giá trị đối với guồng phát triển chung của FPT Software.
"Chỉ những con cá chết mới trôi theo dòng nước", tôi tâm niệm và cá nhân khi đó cũng loay hoay với bài toán giá trị và không muốn "trôi theo dòng" nên tôi có ý định rời nhà F. Tuy nhiên, được Ban lãnh đạo FPT Software ủng hộ các đề xuất và tiếp thêm động lực, tôi quyết định ở lại tiếp tục chiến đấu.
Khi đó, công ty vẫn đang xử lý vấn đề quy chế, cách duy nhất tôi có thể làm để cùng đơn vị vượt qua khó khăn là đốc thúc anh em chuyên tâm làm việc, tiếp tục phát triển thị trường và hoàn thành kế hoạch doanh số cam kết. Có lẽ do cặm cụi nên kết thúc năm 2016, chúng tôi vượt kế hoạch doanh số thêm 200.000 USD, có thêm 6 khách hàng mới trong mảng doanh nghiệp, trong đó có 2 công ty thuộc Top châu Á.
- Theo anh, đâu là thách thức lớn nhất cho FAP trong mục tiêu Sing 100?
- Thách thức không phải ở con số 100 mà là khi nào cán mốc 100. Nếu tạm lấy mốc năm 2020, với tăng trưởng tự nhiên 40-45% như hiện nay, chắc chắn là không kịp. Thách thức thực sự nằm ở một mô hình chiến lược hợp lý và quyết liệt để tạo đột biến (có thể là 2-3 khách hàng lớn đòn bẩy hoặc là M&A).
- Gia đình anh đang ở Singapore. Anh có thể chia sẻ câu chuyện về dịch chuyển và cuộc sống tại đảo quốc sư tử?
- Tôi và vợ quen nhau từ hồi làm ở FPT Software HCM, được một năm thì tôi sang FAP, vợ tôi sang FPT Japan. Sau 4 năm bay qua lại như thoi, hai đứa quyết định cưới nhau. Vợ tôi vốn thích Singapore và lúc đó cũng dự định đầu quân cho một công ty Nhật ở Singapore nên cũng không cần thuyết phục gì, cứ thế xách túi theo chồng (cười). Hiện chúng tôi có một cháu trai hơn 2 tuổi đang đi nhà trẻ.
Anh Hùng và vợ, cũng là đồng nghiệp cũ, và cậu con trai sắp vào nhà trẻ tại Singapore. |
Ổn định cuộc sống, con cái luôn là vấn đề lớn nhất. Trẻ ở Singapore có rất nhiều thuận lợi vì môi trường sống rất an toàn, không khí trong lành, các cơ sở hạ tầng vui chơi công cộng rất tiện lợi và phong phú.
Tuy nhiên, về chuyện học hành, việc chọn trường cho trẻ ở Singapore khá gian truân. Các phụ huynh thường phải đăng ký trước và chờ từ 6 tháng đến một năm. Tôi cũng không ngoại lệ. Nhưng trường gần nhà thì hết chỉ tiêu, trường còn lại xa nhà, không tiện cho các bà đưa đón cháu. Chúng tôi đang loay hoay chọn trường, may sao nhà trẻ ngay trước nhà còn một suất do bé khác vừa chuyển đi. Ngay tuần sau, con tôi vào nhà trẻ luôn, lúc 18 tháng tuổi. Do vợ chồng tôi đều đi làm nên việc đưa đón cháu giao cho bà nội, bà ngoại thay phiên.
- Việc cả gia đình cùng sống ở Singapore - thành phố đắt đỏ nhất thế giới - có thuận lợi và khó khăn như thế nào?
- Môi trường kinh doanh ở Singapore rất nhanh và năng động, đòi hỏi cả người bản xứ và người nước ngoài đều phải liên tục thay đổi để luôn đạt hiệu quả và năng suất cao. Tất nhiên, 8 giờ mỗi ngày chưa bao giờ là đủ. Với guồng việc như thế, khó khăn lớn nhất của tôi có lẽ là cân bằng công việc với cuộc sống gia đình. Tôi vẫn nhớ ngày vợ đột ngột chuyển dạ phải vào bệnh viện lúc 18h nhưng tôi mải ngồi họp với khách hàng không để ý điện thoại. Đến 20h mới xong, sau đó tôi hộc tốc chạy qua bệnh viện, may là đến gần sáng bà xã mới sinh nên vẫn kịp trải nghiệm cái cảm giác hạnh phúc "hộ đê" cho vợ. Giờ nhiều khi nghĩ lại vẫn thấy mình có lỗi ghê gớm.
Ngoài ra, việc ở Singapore không có trứng vịt lộn và nem cuốn Khánh Hòa, món ăn yêu thích, cũng là những khó khăn đáng kể mà chúng tôi phải vượt qua.
- Ở thời khắc kỷ niệm FAP 10 năm, anh nhớ nhất câu chuyện nào?
- Những trải nghiệm đầu tiên thường có ảnh hưởng sâu sắc nhất. Tôi nhớ nhất hai dấu ấn đầu tiên của mình ở đảo quốc sư tử.
Lần đầu tiên làm việc ở nước ngoài. Đầu năm 2008, lúc mới sang FAP, tôi làm cho một dự án của Cục thuế Singapore mà đơn vị làm thầu phụ cho liên minh Avanade và Accenture. Tôi vẫn nhớ đó là một dự án rất lớn với gần 500 con người ngồi kín 3 tầng lầu. Rất nhanh, tôi bị đẩy vào một guồng máy chuyên nghiệp và "bơi". Trưởng nhóm của tôi là một người bên Accenture, anh này chỉ có hai thú vui là làm giải pháp kiến trúc phần mềm và xem phim; còn lại thì ở rất bẩn, "cú đêm" và cả tháng mới gặp bạn gái một lần. Có lẽ, do cơ duyên, tôi và anh dần rất thân nhau trong công việc và cuộc sống. Anh khó tính và nghiêm khắc kinh khủng, nhưng rất tận tình chỉ bảo và công tâm. Sau 9 tháng tham gia dự án, tôi bị ảnh hưởng rất nhiều từ anh: Hay đặt câu hỏi, tính hiệu quả, sự quyết liệt (đôi khi đến cực đoan) và không thoả hiệp với những gì "tạm được".
Gần 10 năm, anh hiện là Giám đốc điều hành một mảng lớn của Accenture. Đầu 2016, anh là người đã giới thiệu tôi với Phó Chủ tịch cấp cao IT (SVP IT) của CapitaLand, cũng là người từ Accenture chuyển sang. Mối lương duyên giữa FPT và CapitaLand bắt đầu từ đó.
Anh Hùng (thứ hai từ trái sang) cùng Ban lãnh đạo FAP, FPT Software và FPT tiếp đoàn CapitaLand đến thăm tập đoàn tại Hà Nội ngay trước lễ kỷ niệm 10 năm FAP. |
Mốc đáng nhớ nữa là lần đầu làm kinh doanh. Năm 2012, tôi rẽ sang làm phát triển kinh doanh và bán hàng. Tôi làm việc trực tiếp với anh Nguyễn Hoàng Trung, CEO FAP, lúc bấy giờ. Mặt lạnh, trông rất "nguy hiểm". Chẳng nói chẳng rằng, anh vứt huỵch cái kế hoạch doanh số và mấy cơ hội của khách hàng để chạy. Anh chẳng mấy khi hướng dẫn chi tiết, cứ thế tạo sân chơi, trao quyền tối đa và xuất hiện đúng lúc khi tôi va vấp để chỉ dẫn. "Đánh trận" với anh, tôi được rèn luyện thói quen suy nghĩ chiến lược và đặc biệt là phải luôn nghĩ lớn nhưng thực tiễn và không chung chung.
Với cách nghĩ và cách làm như thế, giữa năm 2013, với sự tham vấn từ anh, tôi ký thành công hợp đồng triệu đô trọn gói cho các ứng dụng cộng tác nội bộ với Sở Cảnh sát Singapore (SPF). Thú vị hơn, FPT đã vượt qua HP để giành được gói thầu này.
Hai con người, câu chuyện và chuỗi kết nối đã tạo nên tôi của ngày hôm nay. Tôi đặc biệt trân trọng những trải nghiệm quý giá đó.
>> ‘Không chỉ outsourcing, StarHub chọn FPT để triển khai digital transformation’
Ý kiến
()