Ths. Huế hiện là Trưởng bộ môn Lý luận thẩm mỹ, chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số, Trường Đại học FPT phân hiệu TP HCM.
Trước sự phát triển nhanh của công nghệ, giảng viên này đánh giá công nghệ có sự ảnh hưởng khá mạnh mẽ tới nghệ thuật thiết kế như hiện nay, trong đó có thể xem đây là phương pháp hỗ trợ cho việc dạy và học. Theo chị Huế, nếu tiếp cận với công nghệ mới như AI, thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR)..., giảng viên có thể cùng sinh viên nghiên cứu, ứng dụng, từ đó, thực hiện bài tập với tinh thần cởi mở và khám phá lợi ích.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa công việc của giảng viên hoặc sinh viên sẽ phụ thuộc lớn vào công nghệ. Thay vào đó, phương pháp này giúp các nhà thiết kế tương lai đáp ứng yêu cầu thiết yếu của doanh nghiệp như tư duy làm chủ công nghệ, tối ưu thời gian, công sức và tiền bạc.
ThS. Nguyễn Thị Minh Huế - trưởng bộ môn Lý luận thẩm mỹ, chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật số, Trường Đại học FPT phân hiệu TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Để giúp sinh viên tiếp cận nhiều hơn với công nghệ, nữ giảng viên ĐH FPT thường xuyên tổ chức hoạt động kết hợp lý thuyết và thực hành; triển khai bài tập tạo tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong môi trường ảo, thiết kế, tổ chức triển lãm trong bảo tàng ảo; đưa sinh viên tham gia chuỗi trải nghiệm như làm gốm, nghiên cứu về áo dài, hoa văn hoạ tiết tại công trình văn hóa cổ...
"Sự thay đổi này không chỉ giúp sinh viên ghi nhớ kiến thức, yêu nghề hơn mà còn là cách để tôi hiện thực hóa mong muốn 'công nghệ sẽ chắp cánh cho di sản văn hóa Việt Nam' tỏa sáng, giữ những giá trị tinh hoa", nữ giảng viên nói thêm.
Về tương lai, ThS. Nguyễn Thị Minh Huế nhận định, sinh viên ngành này còn cần yếu tố "sống bền" với doanh nghiệp. Để tồn tại được trong môi trường thiết kế cạnh tranh hiện nay, việc tìm tiếng nói chung với doanh nghiệp là rất cần thiết.
Khi nhắc đến nghệ thuật, tính cá nhân, phong cách nhà thiết kế thường được đề cao. Chị luôn nhắc nhở sinh viên thể hiện cá tính đặc sắc trong mỗi thiết kế bởi đó là dấu ấn riêng khiến khách hàng nhớ đến tác giả.
"Tuy nhiên, thiết kế chưa bao giờ chỉ tồn tại độc nhất cái đẹp, sinh viên phải hiểu đó là tổ hợp của tính đẹp, khả thi và kinh tế. Khi hiểu đúng, các em sẽ có cái nhìn hài hòa với doanh nghiệp", chị Huế nhấn mạnh.
ThS. Nguyễn Thị Minh Huế cùng sinh viên sáng tạo nghệ thuật dựa trên chất liệu văn hóa dân gian. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sinh viên phải tìm hiểu kỹ đặc trưng riêng của doanh nghiệp, thể hiện qua giá trị, vị trí đơn vị trên thị trường để nhận biết điểm mạnh, điểm yếu, mong muốn hiện tại và tương lai. Sau đó, các bạn mới có thể đưa ra ý tưởng, phương án, kế hoạch thiết kế phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
Từng tham gia nhiều hội thảo về mỹ thuật trong và ngoài nước, ThS. Nguyễn Thị Minh Huế nắm bắt nhiều thông tin liên quan đến bối cảnh văn hóa, phương pháp giảng dạy, kiến thức chuyên môn về mỹ thuật, thiết kế, xu hướng công nghệ mới, từ đó, kịp thời cập nhật vào bài giảng.
Với những định hướng này, nữ giảng viên đánh giá cao về khả năng đầu tư trang thiết bị, chương trình đào tạo và chất lượng sinh viên của Trường Đại học FPT.
Theo chị Huế, sinh viên tại đây năng động, nắm bắt các ứng dụng công nghệ nhanh nhạy, thông thạo tiếng Anh và sớm rèn nhiều kỹ năng mềm. Nhờ đó, các bạn tự tin tương tác với giảng viên và làm việc tại doanh nghiệp.
Huệ Anh
Ý kiến
()