Chúng ta

'Nhiếp ảnh gia bất đắc dĩ' nhà F: 13 năm và chuỗi trải nghiệm luôn mới

Thứ bảy, 12/9/2020 | 15:50 GMT+7

Học chụp ảnh, học tiếng Nhật, chạy bộ, quản lý, đi công tác nước ngoài... anh Nguyễn Trung Hiền (FPT Japan) luôn tạo cho mình những cơ hội học tập, phát triển mới trong suốt 13 năm gắn bó FPT. 

Tại các sự kiện của Phần mềm FPT, người ta thường thấy một "thợ ảnh" trông thật ra dáng nghệ sĩ với mái tóc dài thỉnh thoảng được cột túm lại. Nhiều người tin anh là tay máy chuyên nghiệp của FPT Software, thuộc bộ phận truyền thông. Nhưng không, anh vốn là tester - người kiểm thử, dân công nghệ thông tin chính hiệu.

Trước khi gia nhập FPT Software, anh Nguyễn Trung Hiền làm kỹ sư IT bán thời gian cho một startup truyền thông của một đạo diễn khá nổi tiếng trong giới đạo diễn. Công việc của anh lúc đó là đi cài đặt win, phần mềm, máy in, và sau đó là lâu lâu đi diệt virus, phần mềm độc hại khi các chị trong công ty điện thoại báo sao tự nhiên máy đơ đơ, hay tự nhiên nhảy lên mấy cái quảng cáo này nọ...

Ngày 4/9/2007 là ngày đầu tiên Hiền đi làm ở FPT Software, công việc toàn thời gian đầu tiên. Công việc lần này không phải là đi cài đặt dạo hay diệt virus dạo nữa, mà làm tester (kiểm thử) - chuyên "bới lông tìm vết".

Ngay năm đầu tiên gia nhập nhà F, Nguyễn Trung Hiền đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng với bài viết trên Chợ Dưa - blog của công ty, với tựa đề "Thư gửi anh Châu" sau tổng kết năm 2008. Bài viết đó lọt vào top 5 bài viết 'hot' nhất Chợ Dưa với hơn 10 nghìn lượt xem và hơn 200 lượt bình luận. Sau này các khi giới thiệu anh với các đồng nghiệp ở các miền khác, đồng nghiệp thường đính kèm thông tin "Đây là tác giả của Thư gửi anh Châu". "À, hóa ra là chú mày", anh thường nghe phản hồi như vậy. 

Công việc của Hiền khi mới vào công ty là kiểm thử các sản phẩm máy ảnh. Anh được dùng thử các dòng máy mới, đang trong quá trình sản xuất, từ khi còn ở hình thái là các bo mạch. Vốn anh là người khá khó chịu khi làm việc với những khái niệm mà mình không nắm vững, lại quan niệm người kiểm thử cần hiểu người dùng thực tế sẽ sử dụng thế nào, có nhu cầu gì, kỳ vọng gì với sản phẩm của họ. Vì thế, anh đăng ký đi học nhiếp ảnh.

Giờ làm việc của công ty là 8h30 sáng đến 17h30. Lớp học nhiếp ảnh lại bắt đầu từ 17h ở quận 1, mất khoảng 30 phút đi xe máy. Hiền được cấp trên cho phép về sớm 1h để đi học, bù lại sẽ đi làm sớm 1h. Thế là anh đi học nhiếp ảnh và bắt đầu mê môn này. Từ đó anh trở thành tay máy chính trong các sự kiện của công ty, cung cấp không ít hình ảnh cho các ấn phẩm của công ty.

hiennt-3449-1599890539.jpg

Anh Nguyễn Trung Hiền trở thành tay máy chính trong các sự kiện của công ty, cung cấp không ít hình ảnh cho các ấn phẩm của công ty.

Bước sang năm 3, máy ảnh đã vững tay, anh quyết định đi học tiếng Nhật. Ngay từ lúc mới vào công ty, anh đã làm việc trong một số dự án với khách hàng Nhật Bản. Khi ngày càng khó chịu với việc không trực tiếp xem được tài liệu của khách hàng, anh xin đi học tiếng Nhật. 

Sau 2 năm kiên trì 'xin đi học', năm thứ 3 anh được cho đi học lớp tiếng Nhật đặc biệt: một năm được công ty trả lương để học tiếng Nhật. Sau khi hoàn thành khóa học, anh mất thêm 1 năm để thi đậu chứng chỉ N2, vừa đi làm vừa ôn luyện để thi.

Năm thứ 6 là lần đầu tiên Hiền đi nước ngoài, cũng là lần đầu tiên bước chân lên máy bay, là chuyến đi Nhật mùa hè 2013. Chuyến công tác 3 tháng lần đầu tiên đi Nhật, anh ở một vùng quê với đồi núi, đèo dốc khá giống quê nhà Đà Lạt. Thế là anh gọi nơi đó là quê hương ở Nhật. Sau này, mỗi lần có dịp sang Nhật anh đều sắp xếp ghé về "thăm quê", dù chuyến công tác chỉ kéo dài 5-7 ngày.

Dinh-Takao-san-9473-1599890540.jpg

Chàng trai FPT Software trên đỉnh núi Takao-san, Nhật Bản.

Một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ khác đến với chàng trai chuyên ngồi máy tính là chạy bộ. Anh bắt đầu trở thành "runner" vào năm thứ 8 khi đồng nghiệp rủ tập thể dục buổi trưa ở công ty. Sau buổi đầu tập mấy bài tập đồng nghiệp đưa ra, anh nhận thấy mình không phù hợp với mấy bài tập đó., thay vào đó anh tập chạy.

Thời trung học, Hiền từng tập chạy 10km mỗi sáng. Thời đại học, anh còn tham gia một giải chạy phong trào của quận 10 và giành giải Nhì. Đi làm, anh...chạy không nổi nữa. Thế là anh tập lại từ từ. Từ vài trăm mét, rồi 1km, 1.5km, 2 km... Sau 2 tháng, đều đều mỗi trưa chàng trai FPT Software đều chạy 5-8km. 

"Bố thằng điên, trưa trời trưa trật, nắng chang chang không lo ăn uống ngủ nghỉ mà còn đang nắng chạy long nhong", anh quen nghe "chửi" như thế riết rồi quen. Sau hơn nửa năm tập chạy, tôi tham gia HCMC Run ở cự ly bán marathon và hoàn thành trong 2h10p - một thành tích đáng tự hào

Ba năm trước, Hiền được bổ nhiệm quản lý một đơn vị khoảng 100 CBNV. "Điều may mắn là anh em trong đơn vị cũng thương tình cùng nhau nỗ lực trong công việc", anh ngẫm nghĩ về trải nghiệm mới này. "Năm đó đội bóng của chúng tôi vô địch, cũng có thể xem là một thành công", anh nói.

Năm 2019, Nguyễn Trung Hiền lên đường công tác Nhật dài hạn. Trải nghiệm nhiều hơn 3 tháng liên tục ở Nhật khác hẳn với trải nghiệm trước đây của anh. Anh nhìn thấy rõ bản thân mình hơn. Đồng nghiệp hay đùa rằng sau 13 năm, anh đã "đắc đạo" rồi. Với anh, 13 năm gắn bó, hơn cả những trải nghiệm thú vị mà anh có cơ hội có được, hẳn là một duyên nợ với nhà F.

Hiền luôn nhớ một câu nói trong bộ truyện tranh Nhật Bản 'Mankichi - đại tướng nhóc con': "Làm người phải biết vượt khó vươn lên, hơn nữa phải biết đi lên từ điểm thấp nhất". Số 13 thường được coi là số xui, vậy đó là khởi sự từ điểm thấp nhất, và khởi sự từ số xui thì các số sau đó đương nhiên là may mắn hơn lúc khởi sự, anh ngẫm nghĩ, và cho rằng "có lẽ tôi nên khởi sự 1 điều gì đó mới mẻ".

>> Gala Online 13/9: Lật mở những ‘Mảnh ghép 32’

Thủy Minh

Ảnh: NVCC

Ý kiến

()