Chúng ta

Nhà báo VnExpress - Mọi khó khăn chỉ là thử thách

Thứ ba, 21/6/2022 | 11:04 GMT+7

Tại tòa soạn VnExpress luôn có những phóng viên nhiệt thành và đầy đam mê, có người được đào tạo bài bản, có người không, nhưng khi đã quyết định lựa chọn và gắn bó với nghề báo, đồng nghĩa với việc họ sẽ cố gắng phấn đấu không ngừng để hoàn thành tốt nhiệm vụ để trở thành những cây bút thực thụ, theo tôn chỉ đưa sự thật đến người đọc một cách nhanh nhất, chính xác.

Vô tình chọn thế là thành nhà báo

Dành trọn 16 năm gắn bó với nghề và 13 năm gắn bó với VnExpress, anh Hồ Đức Đồng, phóng viên ban Thể thao, bồi hồi kể lại những ngày mông lung vô định vì không biết chọn ngành nào: “Thực ra khi còn là học sinh, tôi không định hình được mình sau này sẽ làm gì ngoài việc có thể thi vào sư phạm rồi trở về làm thầy giáo như các thầy cô. Tuy nhiên, trong những năm học cấp ba, tôi có năng khiếu về văn học, viết chữ đẹp… thế là khi đăng ký thi đại học, tôi lại mạnh dạn chọn báo chí”.

Nhờ quá trình học tập và tìm hiểu trong lĩnh vực báo chí, anh Đồng mới hình dung ra nghề báo là như thế nào. Quá trình học tập và làm việc với “con chữ” kết hợp cùng với niềm đam mê thể thao, nhất là bóng đá đã dẫn lối anh trở thành phóng viên mảng thể thao và gắn bó đến tận bây giờ.

Anh-1-1722-1655784092.jpg

Anh Hồ Đức Đồng chuẩn bị “đồ nghề” sẵn sàng tác nghiệp tại sân Cẩm Phả, Quảng Ninh, trước giải bóng đá nữ, SEA Games 31, tháng 5/2022.

Đức Đồng cho biết, khi tác nghiệp, anh và đồng nghiệp thường nói vui rằng: “Không biết gì mới đi làm báo, mà không biết làm mảng nào mới làm thể thao”. Bởi phóng viên thể thao nhìn thì khó nhưng khi đã quen thì dễ. Dân thể thao rất hào sảng và dễ tiếp cận. Bởi đa số dân thể thao và cả người viết thể thao đều nghèo tiền bạc nhưng giàu tình nghĩa. Điều đó khiến anh theo đuổi với thể thao. 

Chàng phóng viên tóc xù không ngần ngại “bóc phốt” những bí mật của phóng viên ban thể thao: “Dân thể thao ăn nhậu cực khoẻ và phóng viên theo mảng này cũng thế. Làm thể thao, chúng tôi được tiếp cận các sự kiện lớn, được xem miễn phí các trận đấu, các sự kiện và được tiếp xúc gần gũi với các nhân vật thể thao, các ngôi sao nổi tiếng…” - Đức Đồng dí dỏm kể.

Theo anh, điều may mắn nhất của phóng viên Thể thao ở VnExpress chính là được tác nghiệp ở hàng trăm sự kiện thể thao lớn như Asiad, World Cup, SeaGames, AFF Cup… Anh Đồng tự hào: “Tôi may mắn đã đi được hàng chục quốc gia nhờ theo đuổi các sự kiện thể thao, các đoàn thể thao… tôi may mắn được gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều nhân vật thể thao lớn… chính những điều hấp dẫn đó khiến tôi gắn bó đến lúc này”.

Khi được hỏi lý do vì sao quyết định lựa chọn gắn bó với VnExpress, anh Đồng trải lòng: “Ở VnExpress có cách làm báo riêng, độc đáo, sáng tạo, có đội ngũ “sếp” hùng hậu vững tay nghề, có tập thể đồng nghiệp giỏi chuyên môn, vững tay nghề… giúp tôi học hỏi rất nhiều trong công việc, chính vì thế tôi không thể nào rời xa nơi này”.

Phụ nữ làm báo và nỗi vất vả trăm bề

Bén duyên VnExpress từ năm 2009, tính đến thời điểm hiện tại, chị Hoàng Dung - phóng viên mảng Giải trí, gắn bó với VnExpress tròn 13 năm. Với chị Dung, phóng viên muốn phản ánh sự việc một cách chân thực, khách quan, thì phải dám dấn thân, thâm nhập thực tế. Khác với những nghề viết khác, báo chí không cho phép sự tưởng tượng, hư cấu, vì thế phóng viên luôn lấy sự thật là nguyên tắc tối thượng. Đặc biệt là phóng viên mảng giải trí thường phải đi những sự kiện rất khuya. “Có những hôm, đi sự kiện về khuya, nhưng để đảm bảo tiến độ bài vở phải thức đêm viết để ban biên tập kịp lên bài. Vì thế ngủ lại tòa soạn là chuyện bình thường như cơm bữa”.

Công việc nào cũng có khó khăn và thuận lợi riêng, nghề báo cũng không ngoại lệ. Làm báo không ngại khó, ngại khổ. Nếu ai mới thấy khó khăn đã nản chí, cho rằng nghề báo là gian khổ, vất vả thì không thể làm báo được. Nhớ lại những tháng ngày áp lực lúc mới sinh con, câu chuyện vừa chăm con vừa “gõ phím” để kịp đăng bài khiến chị Dung nhiều lần muốn bỏ cuộc. Chia sẻ về động lực mạnh mẽ nào đã khiến cho nữ phóng viên mảng giải trí có thể vực dậy sau những thử thách đầy khó khăn, chị Dung đúc kết: “Quan trọng là phải giữ được lửa đam mê, làm nghề báo phải yêu, phải say mới có thể gắn bó lâu dài được”.

Anh-2-4466-1655784092.jpg

Một nét rạng rỡ khi tác nghiệp của phóng viên Hoàng Dung, ban Giải trí VnExpress.

Với chị Dung, qua mỗi đề tài, mỗi nhân vật chính là một dấu ấn đáng nhớ, không thể nào quên được. Kể về một kỉ niệm đáng nhớ trong lần tác nghiệp gần nhất, chị Dung xúc động kể về câu chuyện “behind the scenes” khi làm tuyến bài phóng sự về nghệ sĩ Mạc Can - một nhà văn tận tụy và một người nghệ sĩ, ảo thuật gia tài ba trên màn ảnh phim Việt những năm 90. Đằng sau ánh hào quang một thời vang bóng, đó chính là hình ảnh một người nghệ sĩ già “không muốn phiền ai”. Bài phóng sự này đã tạo được nhiều dấu ấn và đánh thức lòng trắc ẩn trong lòng độc giả.

“Tôi cảm thấy hạnh phúc và yêu say nghề báo thiết tha qua mỗi câu chuyện, mỗi mảnh đời tôi gặp, mỗi bài tôi viết. Nhờ có đề tài đó, mà nhiều tấm lòng hảo tâm tìm đến nhà bác Mạc Can để giúp đỡ, để sẻ chia nhiều hơn” - nữ phóng viên xúc động nói.

Theo chị Dung, dũng cảm, đam mê và kiên trì, chính là 3 tố chất quan trọng không thể thiếu ở người làm báo. Phóng viên phải dám dấn thân và không ngừng nỗ lực trong quá trình tác nghiệp, bên cạnh sự nhanh nhẹn, mình cần làm việc trách nhiệm, cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ nhất, suy xét, tìm hiểu cặn kẽ đa, luôn thể hiện được góc nhìn khách quan, đa chiều thì bài viết mới có “sức nặng” để đứng lại với thời gian.  

Làm báo cực nhưng vui

Nếu được chọn hai từ để miêu tả về nghề báo, chắc chắn anh Trần Như Quỳnh - phóng viên Ảnh tại VnExpress chẳng đắn đo mà trả lời ngay rằng: “Nghề báo cực nhưng vui”. Vui ở đây chính là cảm giác được ngắm nhìn “đứa con” của mình tạo ra được ban biên tập duyệt và đăng bài.

Bên cạnh đó, phóng viên ảnh còn được ưu tiên hơn trong câu chuyện tác nghiệp vì thị hiếu của độc giả chính là “trăm nghe không bằng một thấy”, vì thế vai trò của bức ảnh trong bài viết cực kỳ quan trọng, dẫn đến vị thế của phóng viên ảnh cũng được ưu ái hơn. Đứng ở vị trí tác nghiệp tốt hơn trong sự kiện, tại hiện trường thì ưu tiên được tiếp cận nhanh chóng với nguồn tin - anh Quỳnh cho hay. 

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, làm phóng viên ảnh cũng có nhiều những khó khăn, như luôn phải có mặt tại hiện trường không thể ngồi một chỗ tại tòa soạn để viết bài như những phóng viên ban khác. Anh Quỳnh cho biết, bất chấp không gian và thời gian, khi có một sự kiện xảy đến thì anh phải là người có mặt đầu tiên để “bắt đúng” khoảnh khắc có đầy đủ giá trị thông tin nhất. Ngoài ra, phóng viên ảnh thường xuyên phải mang vác nhiều thứ, một balo máy ảnh, một túi đựng ống kính, thẻ nhớ. Nó đòi hỏi phóng viên chuyên ảnh phải có sức khỏe tốt để hoạt động trong môi trường thường xuyên phải di chuyển.

Anh-3-4195-1655784092.jpg

Phóng viên Như Quỳnh trước giờ tác nghiệp tại chốt kiểm soát dịch năm 2021.

Theo anh, hình ảnh trong báo chí không chỉ cần đẹp, đúng bố cục mà phải có nội dung, phải là câu chuyện. Khác với “style book” của các tòa soạn báo khác, trong một bài phóng sự ảnh không cần phải có quá nhiều ảnh, chỉ cần 3 tấm hình “đắt giá” nhất thôi cũng đủ làm nên dấu ấn và cung cấp giá trị thông tin trong lòng người đọc.

Gần 10 năm làm báo và hơn 5 năm gắn bó với VnExpress với vai trò phóng viên ảnh, động lực khiến anh Quỳnh ngày nào cũng có động lực đi làm đó chính là vì môi trường ổn định, đồng nghiệp thân thiện và không ngừng hỗ trợ đồng đội khi khó khăn. Với phóng viên ảnh Như Quỳnh, anh rất thích bộ nguyên tắc làm việc tại VnExpress.net, vì theo anh, đây chính là sự đúc kết những kinh nghiệm quý giá của thế hệ đi trước, làm nên “dấu ấn” riêng, một “lối chơi khác biệt” của một tòa báo. 

Nhà báo là người đãi cát tìm vàng

Hơn 12 năm gắn bó với nghề báo. Đến cuối năm 2009, chị Hoàng Thùy - phóng viên ban Thời sự, lại có cơ duyên về VnExpress để thực tập. Sau đó khi ra trường vào năm 2010, chị đã gắn bó với tờ báo điện tử nhiều người đọc nhất Việt Nam cho đến nay.

Công việc của chị Thùy tại ban Thời sự của VnExpress chính là theo sát mảng chính trị (gồm Quốc hội, Chính phủ, các ban Đảng Trung ương) nhiều năm. Đây là mảng rất quan trọng, yêu cầu cao vì ngoài nhanh, chính xác, tin bài còn phải có dấu ấn. Ở mảng này, chỉ cần sai một từ, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, những thông tin mảng chính trị lại khá khô khan, buộc chị phải tìm cách xử lý mềm mại bằng cách hiểu của mình, hoặc thông qua phân tích của chuyên gia, để độc giả tiếp nhận dễ dàng.

“Nhân vật của mảng chính trị cũng rất khác các mảng khác, vì họ là quan chức cấp cao. Đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành… Để xây dựng mối quan hệ, xây dựng nguồn tin tốt, phóng viên cũng phải chủ động, khéo léo” - nữ phóng viên nội chính cho biết.

Những khó khăn như đã kể ở trên, lại chính là những điều hấp dẫn chị Thùy. Vì theo chị cái gì càng khó, chúng ta lại càng thích chinh phục và khám phá. Chia sẻ về quan điểm cũng như góc nhìn về nghề báo, chị Thùy khẳng định: “Nhà báo với tôi là một nghề như bao nghề bình thường khác. Do đó tôi phác họa chân dung của nhà báo cũng vô cùng giản dị và gần gũi. Đó là người kể chuyện, không ngại khó và tinh tế”.

Sở dĩ nhà báo là người kể chuyện vì mỗi bài báo là một câu chuyện, một thông tin người viết kể lại, truyền đạt lại cho người đọc, từ những gì mắt thấy, tai nghe. “Chuyện" có hay, có hấp dẫn hay không cần “người kể chuyện có nghề, có duyên, ngắn gọn nhưng đầy đủ, với lối kể hấp dẫn.

Anh-4-7049-1655784092.jpg

Chị Hoàng Thùy trao đổi với Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ - Huỳnh Thành Đạt bên hành lang Quốc hội, tháng 6/2022.

Theo chị, nhà báo phải là những người “không ngại khó” bởi vì khi có các sự cố xảy ra như mưa bão, sạt lở, dịch bệnh…, người khác phải chạy thật xa, tìm nơi an toàn. Người làm báo lại phải đến thật gần những nơi xảy ra sự cố để tìm hiểu, xác minh, chụp ảnh, quay phim, viết bài. Muốn có một bài viết sắc sảo, hấp dẫn… đòi hỏi chúng ta phải lặn lội đến tận nơi, để “mắt thấy, tai nghe, tay sờ” dù đường xa cách trở, dù thời tiết cực đoan, thậm chí lúc đêm khuya hay rạng sáng.

Nhà báo là người “tinh tế”, bởi vì trong hàng trăm sự kiện xảy ra mỗi ngày, biết chọn sự kiện hay, có ích cho độc giả, có tác động đến công chúng để truyền tải, biết "đãi cát tìm vàng”.

Nhớ lại những ngày đầu, kể từ khi về VnExpress làm việc, Hoàng Thùy đã được các anh chị yêu thương dìu dắt. Không chỉ ở Ban Thời sự, mà lãnh đạo báo cũng dành cho chị sự quan tâm tận tình. Ngoài sự giúp đỡ tiến bộ trong nghề nghiệp, các anh chị cũng quan tâm, động viên khi gia đình chị có biến cố.

Có lẽ, tòa soạn và ban Thời sự không chỉ là nơi làm việc mà còn là ngôi nhà thứ hai, chị Thùy trải lòng: “Có một câu tôi rất tâm đắc khi bắt đầu làm ở Ban Thời sự của VnExpress chính là “ở VnExpress không có ngôi sao cá nhân”, mỗi người đều làm tốt việc của mình, hỗ trợ đồng nghiệp khi cần thiết, như vậy, cả ban sẽ phát triển lên”.

Kim Quyên

Ý kiến

()