Từ marathon đường bằng đến trail Sơn Trà
Năm 2021, Nguyễn Thị Kiều Loan, quản lý kiểm thử (test lead) tại FPT Software Đà Nẵng, lần đầu thử sức với marathon đường bằng (road). Tuy nhiên, thành tích hơn 6 giờ khiến chị không thỏa mãn. Giới runner thường trêu đùa, chạy với tốc độ này là pace rùa. Khi nghe đồng nghiệp kể về niềm vui khi chạy địa hình/đường mòn (trail), chị quyết định tìm hiểu. Cột mốc đầu tiên là vòng chạy 28km quanh bán đảo Sơn Trà. “Tôi dùng Google Map chứ cũng chưa biết đường đi, mất hết 6h để hoàn thành, rồi bắt đầu đi Sơn Trà nhiều hơn”, chị nhớ lại. Chính nơi đây đã trở thành chứng nhân cho hành trình vượt qua giới hạn của chị.
Nguyễn Thị Kiều Loan (giữa), quản lý kiểm thử (test lead) tại FPT Software Đà Nẵng, trong khu expo VMM ở Sapa. |
Ban đầu, những buổi chạy lên Sơn Trà là chuỗi ngày đầy thử thách. Từ việc học cách kiểm soát hơi thở, giữ thăng bằng trên những đoạn đường mòn, đến việc thích nghi với nắng gió miền Trung, tất cả đều mới mẻ. "Ban đầu là vì đi trail nên lên Sơn Trà, còn giờ là vì thích Sơn Trà nên đi trail," chị Loan bộc bạch.
Những bước chân vượt qua giới hạn
Từ 70km năm 2022 đến 100km năm 2023, Kiều Loan không ngừng thử thách bản thân. Đặc biệt, tại giải Dalat Ultra Trail 2024, chị xuất sắc đạt Top 3 lứa tuổi cự ly 112km với thời gian 26 giờ 5 phút 17 giây. Cột mốc này càng củng cố quyết tâm chinh phục cự ly 160km của Vietnam Mountain Marathon (VMM) 2024.
"Tôi quyết định đi 100 miles (160km) sau khi hoàn thành cự ly 70km năm 2022. Lúc đó thấy anh chị em ở Đà Nẵng tập luyện vui quá nên cũng muốn thử sức. Kế hoạch 160 km đã có từ 2023, nhưng vì năm đó BTC không tổ chức nên phải dời sang 2024," chị Loan chia sẻ. Ý nghĩ chinh phục cự ly dài nhất trong giới trail không chỉ là thử thách về thể lực mà còn là hành trình vượt qua nỗi sợ và sự hoài nghi chính mình.
Bào mòn Sơn Trà và những ngày tập luyện dài đằng đẵng
Từ tháng 12/2023, chị Loan bắt đầu tập luyện nghiêm túc cho cự ly 160km. Các buổi chạy dài cuối tuần tại Sơn Trà trở thành thói quen không thể thiếu, nơi chị và nhóm runner thân thiết được mọi người gọi vui là "3 con trâu Sơn Trà" cùng nhau chinh phục những con dốc bất tận. Trong tuần thì sau 17h đến 22h, còn cuối tuần thì từ 8h sáng đến 22h. Có hôm chị tập xuyên đêm.
Runner FPT trên đường lên Đồi Bò, Sapa. |
Chị leo lên leo xuống liên tục để “cày gain” (tích lũy độ cao) ở đỉnh Bàn Cờ nhiều đến nỗi ai nhìn thấy cũng hỏi: “Chị đó bị gì vậy?”. "Tuần cao điểm nhất, tôi chạy đến 162km và cày 7.500m gain. Ngày mưa thì mặc áo mưa chạy, nắng thì đeo khẩu trang. Ai lên Sơn Trà đều quen mặt tôi, từ mấy anh gác barrier, bé bán nước đến cả... voọc. Mùa nắng thì phơi da thành mực một nắng luôn," chị kể lại.
Những buổi tập không chỉ đơn thuần là những vòng chạy. Đó là những lần chân mỏi rã rời nhưng lòng vẫn không bỏ cuộc. Những con dốc dài ngoằn ngoèo, đôi khi chìm trong sương sớm, đôi khi ngập trong nắng gắt, nhưng với chị, mỗi buổi chạy là một cơ hội rèn luyện cả thể chất và ý chí.
"Nhiều lúc sáng thứ Bảy, tôi định nằm thêm chút nữa, nhưng tay chân tự động dậy lấy đồ đi tập. Vì nghĩ đây là giải cuối mình đi trail, tôi tự nhủ phải hoàn thành chuỗi ngày tập luyện này," chị nhớ lại. Để chuyên tâm tập luyện, chị Loan cũng từ giã các buổi tiệc tùng, cà phê. Ba mẹ chỉ biết cười trừ vì mỗi lần gọi điện đều nghe một câu quen thuộc: “Con đang ở Sơn Trà, sóng yếu lắm”. Dù sao khi thấy chạy bộ giúp chị khỏe lên nên hai bác cũng ủng hộ.
Tháng 9, thời điểm giải VMM phải hoãn lại vì bão Yagi khiến nhiều runner tụt hứng. Không tránh khỏi điều đó nhưng chị Loan ráng động viên mình dù gì cũng phải “làm cho xong”, từ tập peak (tập cường độ cao) rồi taper (giảm cường độ), xong peak lại, taper lại từ đầu với những bài tập mới cho đỡ chán.
Trong suốt quá trình này, chị Loan luôn nhận được sự quan tâm, động viên từ các sếp tại FPT Software Đà Nẵng. "Mỗi lần gặp, các anh chị lãnh đạo không chỉ hỏi thăm về công việc mà còn rất quan tâm đến quá trình tập luyện của tôi. Những lời động viên như vậy giúp tôi có thêm động lực hoàn thành mục tiêu của mình," chị bày tỏ.
Chinh phục đỉnh cao 160 km
Bước vào giải Vietnam Mountain Marathon 2024, Kiều Loan chuẩn bị kỹ lưỡng từ kế hoạch dinh dưỡng, di chuyển đến chiến thuật. Để không bỏ sót, chị lên một file kế hoạch, chia thành các mục, xong rồi khi nào rỗi thì ngồi kiểm tra lại. “Tôi sắp xếp từ rất sớm, chắc trước giải tận 3-4 tháng, vì muốn chốt những việc nhỏ trước để đỡ phải suy nghĩ tính toán nhiều, giai đoạn tập luyện căng thẳng thì chỉ tập trung vào tập thôi”, chi chia sẻ.
Vào giải, chị tự nhủ sẽ đi được bao nhiêu thì đi, thậm chí tính luôn trường hợp DNF (bỏ cuộc). “Đôi lúc, tôi cũng lo lắng vì thấy mọi người đều có pacer, mà mình thì không có, nhưng thôi kệ, chơi tới luôn”. Để thích nghi với thời tiết Sapa, nữ runner ra trước 3 hôm. Ngày đầu tiên, Sapa có mưa phùn, Loan rất lo vì sợ lạnh nên chuẩn bị áo giữ nhiệt và lên kế hoạch cho điểm hỗ trợ (checkpoint - CP) nào nên thay áo giữ nhiệt nào. Tuy nhiên vào sáng thứ Sáu, thời tiết lại ủng hộ, không mưa, không sương mù, cũng ít lạnh, “giống như được ủng hộ vậy”.
Nữ runner nhận xét đường chạy của VMM xứng đáng với danh xưng khó nhất Việt Nam. |
Ban đầu, Loan lầm lũi đi một mình, phải tới CP M4, chị mới gặp runner Lê Thị Hằng và quyết định đi cùng để trò chuyện. Từ CP M8, hai chị em cùng đi trong đêm và hẹn cùng nhau về đích. Đến CP Topas, hai người gặp đồng nghiệp Nguyễn Thị Ngọt trên đường, nên ba chị em cùng nhau đi trong đêm.
Ban đầu, Loan lầm lũi một mình, phải tới CP M4, chị mới gặp runner Lê Thị Hằng và quyết định đi cùng để trò chuyện. Từ CP M8, hai chị em đồng hành trong đêm và hẹn sẽ cùng về đích. Đến CP Topas, hai người gặp đồng nghiệp Nguyễn Thị Ngọt trên đường. Nhóm trở thành bộ ba.
Qua từng con dốc, ai leo lên trước thì sẽ chờ 2 người còn lại leo lên, cùng đi, cùng nghỉ mệt. Với Loan đó thật sự là kỷ niệm đáng nhớ. “Đến khi Ngọt phải ở lại chăm sóc y tế ở CP1, khi qua các CP khác, chúng tôi vẫn hỏi thăm Ngọt đi tiếp chưa và sau này được tin em ấy phải dừng lại. Tôi nhớ nhất là đoạn trong đêm ba chị em dắt tay nhau đồng hành”, chị nhớ lại.
Ban tổ chức Vietnam Mountain Marathon 2024 công bố giai thưởng hạng 3 chung cuộc nữ cự ly 100 miles. |
Đến km103, đồng hồ hết pin, Loan chẳng biết mình còn bao nhiêu km, cứ thế mà đi. Chân chị có lúc căng cơ tưởng như đi không được, nhưng Loan vẫn gắng gượng bước tiếp. “Khoảnh khắc 7km cuối là tuyệt nhất, vì sau 153km rồi mà tôi vẫn có thể đẩy xuống pace 5. Trước đó, tôi không dám chắc mình có thể về đích chứ đừng nói là sub36. Lần thứ 3 đi VMM, đây mới là lần đầu tôi mới bước qua finish line lúc trời còn sáng, cảm giác ấy thật không tưởng tượng nổi”, chị Loan xúc động. Kết quả, với 35:30:01, chị Nguyễn Thị Kiều Loan giành vị trí đồng hạng 3 chung cuộc với runner Lê Thị Hằng. Đây cũng là thành tích tốt nhất trong cự ly 100 miles của các chân chạy nhà FPT.
Nhớ lại quãng đường 160km, với chị, đây không chỉ là một cuộc đua mà còn là bài học về sự kiên trì, khả năng thích nghi và ý chí sắt đá. Những giờ đồng hồ chiến đấu với cơn buồn ngủ, những phút giây vượt qua nỗi đau cơ bắp, hay những khoảnh khắc thấy mình bé nhỏ giữa thiên nhiên hùng vĩ, tất cả đã hun đúc nên chiến thắng của nữ runner FPT.
Runner nổi tiếng Hà Hậu đại diện BTC trao huy chương hoàn thành 100miles cho chị Kiều Loan. |
Hành trình từ cô gái từng hoàn thành marathon đường bằng trong 6 giờ đến nữ chiến binh chinh phục cự ly 160km tại VMM là sự chuyển mình của Kiều Loan từ những điều nhỏ nhặt nhất. Từng giọt mồ hôi rơi xuống Sơn Trà, từng buổi sáng tự đấu tranh với chính mình để bước ra khỏi giường, từng bước chân trên cung đường đá sỏi là từng mảnh ghép hoàn chỉnh tạo nên kỳ tích hôm nay. Câu chuyện của chị không chỉ là về chạy bộ, mà còn là bài học về ý chí và sự kiên trì, nhắc nhở chúng ta rằng: "Giới hạn duy nhất là giới hạn bạn tự đặt ra cho mình."
Sơn Thạnh
Ý kiến
()