Những ngày chuẩn bị
Trước khi lên đường, Cường đã dành sáu tháng để chuẩn bị cho giải đấu này. Sau khi tham dự giải Đà Lạt Ultra Trail vào tháng 3 năm nay, anh tập luyện chủ yếu ở mức nhịp tim thấp, nằm trong khoảng zone 1 hoặc zone 2 (ở mức 60% đến 70% của nhịp tim tối đa, cách tính nhịp tim tối đa thông thường: Số 220 trừ đi độ tuổi của bạn). Cường tập trung vào việc gia tăng quãng đường chạy, lên đến 200km/tuần. Điều này giúp anh xây dựng nền tảng thể lực vững chắc, bởi khi chinh phục những quãng đường dài, càng về sau thể lực càng suy giảm, nếu hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng đến mức không ăn được thì xem như “gãy”.
Anh Nguyễn Trần Cường với cờ FPT Runners trong ngày nhận Bib tại thánh địa Chamonix. |
Quá trình tập luyện cũng gặp nhiều khó khăn khi không ít lần anh bị ốm và tốn thêm thời gian để phục hồi. Tuy nhiên theo Cường, “việc tập 100 miles lại dễ hơn vì các cự ly khác còn phải cải thiện tốc độ, riêng giải này chỉ tập tốc độ cơ bản (easy), nhịp tim nhẹ mà không quá nặng nhưng cần khá nhiều thời gian, có tuần lên đến 15 tiếng”.
Dù vậy, mỗi buổi tập vẫn là một thử thách, khi anh vừa phải nỗ lực về thể chất, vừa phải đấu tranh với những cơn mệt mỏi. Nhưng chính những phút giây ấy đã tạo nên một Cường mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Anh không chỉ chạy để thi đấu, mà còn để tìm kiếm sự tự do trong từng bước chân, để giải tỏa những áp lực hàng ngày trong công việc và cuộc sống.
Trong thời gian đó, anh không chỉ luyện tập nghiêm túc mà còn phải cân bằng giữa công việc tại FPT và những buổi tập kéo dài hàng giờ đồng hồ. "Tôi cảm giác như mình đang chạy hai deadline cùng một lúc, một cho công việc và một cho giải chạy", anh chia sẻ. Nhưng chính sự hỗ trợ, động viên từ đồng nghiệp FPT, bạn bè và gia đình là động lực lớn giúp anh vượt qua những khó khăn trong quá trình chuẩn bị. Ngoài ra, để tham gia UTMB Finals, Cường còn phải gồng gánh chi phí từ thủ tục visa, mua sắm dụng cụ, di chuyển, ăn ở… vào khoảng 80 triệu đồng, dù đã tiết kiệm một phần nhờ thuê chung nhà ở Pháp cùng một số đồng run Việt Nam.
Thử thách ngày thi đấu
Giải chạy diễn ra vào lúc 18h nhưng trời vẫn còn khá sáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các vận động viên. Khi bắt đầu, không khí sôi động của giải đấu, sự cổ vũ nhiệt tình từ người dân khiến anh thêm phần phấn chấn, dù biết rằng đây sẽ là một hành trình rất dài và đầy thử thách.
Runner FPT trên hành trình chinh phục giải đấu danh giá nhất thế giới trong môn trail. UTMB, ra đời từ 2003, được xem như một "World Cup" của giới chạy trail, nơi quy tụ những chân chạy đường mòn, đường núi đỉnh cao từ khắp thế giới. |
Ngay từ những km đầu tiên, Cường đã cảm nhận được cái lạnh thấu xương. "Trong 60 km đầu tiên, tôi cảm thấy rét đến mức không thể tập trung. Cơ thể run lên như đang bị sốt rét", anh nói. Sự lạnh giá không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn làm cản trở quá trình lưu thông máu và chuyển hóa năng lượng trong cơ thể, buộc anh đã phải điều chỉnh tốc độ từ rất sớm và không thể giữ nhịp độ như mong muốn.
Chính giai đoạn này đã khiến Cường xuống sức rất nhiều và vỡ kế hoạch đề ra. Ban đầu, anh dự định sẽ giảm tốc độ sau 80 km, nhưng thực tế anh đã phải giảm tốc độ từ km thứ 60, qua 130 km thì cơ thể mới hồi lại sức và có thể đi nhanh hơn được.
Thị trấn Chamonix (địa điểm xuất phát, cách thủ đô Paris 613 km) nằm rất xa so với xích đạo, điểm thấp nhất ở độ cao 1.000m, nhưng 70-80% cung đường chạy lại từ 2.000m trở lên, không khí loãng rất khó thở. Nhịp tim giai đoạn đầu rất cao, buộc Cường phải cố gắng giảm nhịp xuống, dù thực tế anh chỉ dùng khoảng 60-70% sức lực so với lúc tập luyện tại Việt Nam. Rất nhiều runner cự ly 100miles bị ảnh hưởng bởi độ cao, trong đó có 1 chân chạy chung nhà với Cường phải bỏ cuộc (DNF) do khó thở, nhịp tim cao và bị chuột rút. “Theo tôi, nếu ai ở Việt Nam muốn tham gia giải này cần tham gia những giải trong nước trước, điển hình là Vietnam Mountain Marathon - nơi có độ cao trung bình khoảng 1.600m, để kiểm tra tình trạng sức khoẻ”, Cường chia sẻ.
Khi chinh phục các km tiếp theo, Cường đã trải qua một loạt các thử thách: độ cao, địa hình gồ ghề, và những cơn mệt mỏi ập đến. Anh không chỉ phải chạy mà còn phải leo lên những đỉnh núi, đôi khi phải bò qua các đoạn đường gồ ghề chỉ toàn đá cuội. Từ khoảng km 90 đến khoảng 110km, anh phải đi trên độ cao hơn 2.500m. Thời tiết tuy không quá nóng, cũng không quá lạnh, nhưng cái nắng lúc giữa trưa khiến da anh như bỏng rát.
Tổ chức vào tuần cuối cùng của tháng 8 hoặc đầu tháng 9, cự ly dài nhất của UTMB là 171km với tổng độ cao lên dốc khoảng 10 km. UTMB thường xuất phát từ Chamonix (Pháp), đi một vòng trên dãy Alps, bao quanh Mont Blanc, vượt qua biên giới các nước Pháp, Thụy Sĩ, Italy. |
Có một khoảnh khắc màu nhiệm khi anh dừng lại tại một checkpoint ở khoảng km160, sau hơn 38 giờ ròng rã trên đường. "Tôi chỉ gục mặt lên bàn và ngủ khoảng 20 phút và tự dậy không cần báo thức. Đó là giấc ngủ quý giá, giúp tôi phục hồi phần nào sức lực," Cường nhớ lại.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của các tình nguyện viên tại đây cũng rất quan trọng. Họ không chỉ cung cấp thức ăn, mà còn tiếp thêm động lực cho các vận động viên. Khi vượt qua các thị trấn nhỏ, Cường cảm nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ người dân. Họ hô vang "Allez, allez!" khiến anh thêm phần phấn chấn. Tinh thần thể thao tuyệt vời của cộng đồng đã thổi bùng ngọn lửa quyết tâm trong anh.
Cường cũng rất may mắn khi có thể ăn được các món ăn địa phương như phô mai, thịt nguội và bánh mì. "Đồ ăn ở đây rất mặn, cung cấp đủ muối cho cơ thể tôi mà không cần dùng thêm viên sủi nào," anh chia sẻ.
Phút giây tự hào
Cuối cùng, sau 44h17p07s nỗ lực không ngừng nghỉ, Cường đã hoàn thành cự ly 100 miles của UTMB Finals, xếp hạng 1368 trên tổng số 1760 runner hoàn thành. Có 10 chân chạy Việt Nam tham gia cự ly 100 miles, trong đó có 4 người bỏ cuộc, Nguyễn Trần Cường xếp thứ 4 trong số 6 người hoàn thành (sau Tiểu Đường, Hằng Lê và Vy Lê). Cảm xúc vỡ òa khi anh bước qua vạch đích, không chỉ vì thành tích mà còn vì những trải nghiệm quý giá đã tích lũy trong hành trình này.
Khoảnh khắc Nguyễn Trần Cường cầm cờ tổ quốc về đích sau hơn 44h leo núi. |
Trong suốt hành trình, Cường vừa trải qua những khó khăn về thể chất, vừa được đắm mình trong vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Anh chạy qua các thung lũng xanh, những ngọn núi tuyết phủ trắng và không gian trong lành của làng mạc yên bình vùng Alps. "Khung cảnh thật sự rất đẹp và hùng vĩ, điều này khiến tôi quên đi một phần mệt mỏi", Cường chia sẻ. Trên đường chạy chỉ có đá dăm, đá cuội, thỉnh thoảng là những cây lá kim nhưng tuyệt nhiên không một túi nilong hay mảnh rác nào, khiến anh thấy đây là cách mà người dân địa phương bảo vệ thiên nhiên đúng với bản chất nguyên sơ của nó. Bên cạnh, tất cả runner cũng đều ý thức mang những thứ bỏ lại về điểm checkpoint.
Học hỏi từ cuộc chinh phục
Sau khi chinh phục thành công cự ly 100 miles của UTMB Finals, Cường cảm thấy như được ra biển lớn với nhiều bài học quý giá. Giải đấu này mang đến rất nhiều sự khác biệt về thời tiết, đồ ăn, địa hình so với các giải ở Việt Nam và châu Á mà anh đã từng tham gia. Điều khác biệt tiếp theo là bản thân phải tập luyện thật sự nghiêm túc, bài bản mới có được thành tích ở cuộc thi đấu này. "Nếu ai muốn tham gia giải này, họ cần phải chuẩn bị tâm lý và thể lực tốt, có thể bắt đầu với các giải chạy ở Sapa để làm quen với độ cao," anh khuyên.
Đường đá là đặc sản của Alpes. Anh Cường cho hay, runner cần có kế hoạch luyện tập ý chí, cơ thể, kỹ thuật và trang thiết bị thật tốt trước khi đến UTMB. |
Trước đây, Cường từng chinh phục nhiều giải chạy địa hình ở trong lẫn ngoài nước. Với anh, nếu so về độ khó trên thang 20, Vietnam Mountain Marathon khoảng 10 điểm, Ultra Trail Chiang Mai (Thái Lan) tầm 12 điểm thì UTMB Finals phải lên đến 17-18 điểm. Và dự định trong năm tới của Cường sẽ là chinh phục một trong những giải chạy địa hình khó nhất thế giới - Rinjani 100 được tổ chức ở Công viên quốc gia núi Rinjani, thuộc tỉnh Tây Nusa Tenggara, Indonesia.
Bên cạnh độ cao khó chinh phục, Rinjani 100 còn được biết tới với địa hình hiểm trở, khiến việc leo núi trở nên khó khăn, khi VĐV phải vượt qua lớp đá và tro bụi núi lửa ở đỉnh ngọn núi này. Tổng độ cao tích lũy (gain) 15.064m cho cự ly 162km đồng nghĩa VĐV sẽ phải chinh phục độ cao 93m cho mỗi kilomet di chuyển. Trong khi, UTMB Finals yêu cầu mức gain khoảng 10.000m trên quãng đường 171km, tức độ cao 58,8 m cho mỗi kilomet.
Theo Cường, UTMB Finals luôn là giải đấu rất đáng để mọi người tham gia một lần để trải nghiệm. Hành trình của anh tại UTMB 2024 sẽ mãi là một kỷ niệm đáng nhớ, là động lực để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới trong tương lai. Và anh đặt mục tiêu 2-3 năm nữa sẽ quay lại đây để cải thiện thành tích của mình.
Cự ly 160km (100 dặm) của UTMB Finals có chiều dài thực tế 176km (106 dặm), đường chạy UTMB trải dài trên dãy Alps, từ Pháp, qua Italy, Thuỵ Sĩ, trên độ cao khoảng 10.000 mét. Giải ra đời từ năm 2003 và thường xuất phát tại thị trấn nhỏ Chamomix ở Pháp. Ngoài ra, UTMB còn có các nội dung ngắn hơn, như: Courmayeur-Champex-Chamonix (CCC, 101 km), Sur les Traces des Ducs de Savoie (TDS, 145 km), Petite Trotte à Léon (PTL), Orsières-Champex-Chamonix (OCC, 55 km), Martigny-Combe-Chamonix (MCC, 40 km).. Giải UTMB được xem là World Cup của các vận động viên chạy địa hình, nơi quy tụ những chân chạy đường mòn, đường núi đỉnh cao từ khắp thế giới. Để có suất tham gia thi đấu, các VĐV phải tích lũy điểm từ các cuộc đua thuộc hệ thống của UTMB. |
Sơn Thạnh
Ý kiến
()