FPT Software là câu chuyện khởi sự đầu tiên mà chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Telecom, chia sẻ với hơn 50 học viên của lớp định hướng MOOC (Massive open online courses - Cổng GD trực tuyến đại trà) do Trường Đào tạo Cán bộ FPT (FCU) tổ chức ngày 12/8. Chủ đề lần này có cùng tên gọi với khóa học trên Coursera: Khởi sự doanh nghiệp - Phát triển cơ hội kinh doanh (Entrepreneurship 1: Developing the Opportunity).
Từng đảm nhận nhiều vị trí cao cấp trong tập đoàn và ở các đơn vị, chị Hà mang tới nhiều câu chuyện sống động về sự ra đời của các đơn vị nhà F. |
Theo chị Hà, người đứng đầu (leader) của khởi sự doanh nghiệp là người dám thay đổi, chấp nhận mạo hiểm ngay khi công ty đang thành công, theo đuổi cơ hội kinh doanh mà không tính đến những nguồn lực đang kiểm soát. "Xuất khẩu phần mềm và FPT Software là minh chứng cho điều đó".
"FPT Software bắt đầu được các công ty Nhật để ý khi đạt chứng chỉ quy chuẩn quốc tế CMMi", chị Hà cho hay. Nhưng không chỉ có thế mà mọi chuyện thuận buồm xuôi gió. Lần đầu tiên có một đối tác Nhật sang thăm công ty, FPT Sofware đã tung ra đội quân giỏi nhất để thể hiện trình độ và thiện chí. Đáp lại, người FPT chỉ nhận được một lời hứa xã giao.
Không bỏ cuộc, tối hôm đó, anh em kéo đến khách sạn và mời bác Nhật đi ăn và hát tặng bài Đoàn FPT. Thật kỳ lạ, người Nhật với bản tính siêu cẩn trọng mở lời đề nghị hợp tác với nhà Phần mềm.
"Họ đã thấy điều mình cần ở FPT, đó là sự đoàn kết, quyết tâm đến cùng. Nhẫn nại và làm mọi cách để tạo ra cơ hội là điều mà những người làm khởi sự phải có, trong đó dấu ấn của người đứng đầu rất quan trọng", chị Hà chia sẻ.
Các học viên đặt nhiều câu hỏi cho chị Hà, đặc biệt là câu chuyện chọn thị trường của các khởi sự và bí quyết để FPT nắm bắt, vận dụng nhanh sự thay đổi của chính sách như cho phép thành lập đại học tư thục, giảm thuế nhập khẩu... Trong ảnh: Chị Cao Hoài Thương, PGĐ TT Quản lý cước miền Nam. |
Đi lên từ không ít thất bại nhưng với khẩu quyết "xuất hay là chết", FPT Software giờ đã nằm trong Top 50 doanh nghiệp nước ngoài tại Nhật, có mặt tại 12 nước và là đối tác của những doanh nghiệp tỷ đô sừng sỏ nhất thế giới như GE, Amazon... Thời điểm đó, nếu không có sự "nương tay", tầm nhìn của anh Trương Gia Bình về xuất khẩu phần mềm và quan trọng nhất chỉ cần buông lơi, nản chí thì FPT Software chắc không thể có tăng trưởng 30%/năm như hiện tại.
Tại FPT Telecom, nơi chị gắn bó từ khi mới ra trường đến nay, nữ Chủ tịch cũng từng trải qua nhiều giai đoạn khốn khó. "Công ty bị giới hạn không có hạ tầng riêng. Chúng tôi buộc phải lựa chọn thành công hay là chết". Sau những chày chật, giấy phép cung cấp dịch vụ internet là bước ngoặt lớn của nhà Viễn thông. Hiện tại, sau 20 năm, FPT Telecom đang có những khởi sự ngay trong lòng công ty như FPT Play, FShare, Truyền hình FPT.
Tuy khởi sự đồng hành cùng rủi ro nhưng theo chị Hà, người gánh vác khởi sự không phải là những kẻ mơ mộng mà cần có khả năng lập kế hoạch kinh doanh sát với thực tế bao gồm các bước Nghiên cứu thị trường, nhu cầu khách hàng; Cẩn trọng trong đầu tư, cân nhắc thấu đáo về chi phí; Vạch ra các giai đoạn hoàn thành rõ ràng, mạch lạc; Cam kết hoàn thành cao; Thường xuyên xem xét và điều chỉnh, chuyển hướng theo biến động thị trường và Tổ chức thực hiện đồng bộ.
Khi được người tham gia hỏi độ dày của bản kế hoạch thành lập nhà Viễn thông, chị Hà cho biết chúng dày hàng trăm trang. "Cho đến nay, mục tiêu mà chúng tôi nêu ra trong bản kế hoạch đó vẫn không thay đổi. Đó là liên tục mở rộng, mang đến dịch vụ trên nền tảng internet".
Trường hợp của FPT Online cũng vậy. Anh Thang Đức Thắng, TBT VnExpress, Chủ tịch FPT Online, khi còn làm việc ở báo Lao động từng là một khách hàng "rắc rối" của FPT Telecom vì thường xuyên hỏi han, mày mò về những giới hạn, cơ hội của internet. Thế nhưng, VnExpress ra đời không phải là kết quả của sự mơ mộng mà là với tầm nhìn trước kỷ nguyên thông tin số và kế hoạch thông tin rõ ràng.
Chị Trần Thu Trang, GĐ Ban dự án FPT Telecom chia sẻ những năm 2000, doanh nghiệp phải xếp hàng để đăng quảng cáo trên báo giấy thì VnExpress vẫn phải đi giải thích cho khách điểm ảnh (pixel) trên ô quảng cáo là gì. "Đến nay, khi mỗi ô quảng cáo trên VnExpress giá trị như một cửa hàng thì tôi chuyển sang chuyên tâm cho FPT Play, mong lịch sử sẽ lặp lại bởi truyền hình Internet, như báo điện tử trước kia, là xu thế", chị Trang nói. |
Từ kinh nghiệm của những dự án nhà Viễn thông, chị Hà khuyến khích các học viên sáng tạo, tìm ra hướng đi mới trong công việc của chính mình, giống như một khởi sự trong lòng doanh nghiệp, bộ phận. FPT Play từng là một website cung cấp những "món vặt" giải trí thêm cho người lắp mạng internet nhưng giờ đã là một dịch vụ giá trị gia tăng đa nền tảng, kết hợp với những nhà đài giải trí lớn.
"Bản thân chị Trần Thu Trang, Giám đốc ban dự án, là một người nhiều lần làm khởi sự doanh nghiệp", chị Hà cho biết. Chị Trang từng quản lý mảng quảng cáo trên VnExpress, là một trong những người từng trầy trật thuyết phục, mô tả cho khách hàng hiểu về một ô quảng cáo trên báo điện tử. Ở thời điểm VnExpress đứng đầu về quảng cáo trực tuyến, chị Trang lại đầu quân về Viễn thông để phát triển sản phẩm FPT Play.
Ngoài câu chuyện thành công của FPT Shop, Đại học FPT, FPT Telecom..., chị Hà cũng chia sẻ những dự án mà FPT đã buộc phải dừng lại vì không có khả năng tiến lên như mạng xã hội Vườn chim, game online.
Học viên trao đổi với chị Hà về những ý tưởng sáng tạo có thể thực hiện ngay trong công việc. |
Trong buổi học, chị Hà cũng phân định rõ giữa khởi sự và khởi nghiệp. Theo chị, khởi nghiệp (start-up) bắt đầu với một ý tưởng mới mẻ, mang tính cách mạng, chưa có ai làm, thường có quy mô khá nhỏ. Khởi sự không có ý tưởng táo bạo như khởi nghiệp nhưng lại định hình một hướng đi mới trong một doanh nghiệp hay với một cá nhân, nhóm người, đó là việc bắt đầu kinh doanh một ngành nghề, mặt hàng. Khởi sự có phần "nguy hiểm" hơn bởi thường cần sự đầu tư không nhỏ ngay từ đầu và người đứng đầu phải có trách nhiệm gánh vác.
Ngọc Dung
Ý kiến
()