Sáng thứ Hai, như thường lệ, anh Trần Thanh Danh - Trưởng Ban Tuyển sinh & Công tác Sinh viên trường Đại học FPT Cần Thơ, chuẩn bị đến trường cho tuần làm việc mới. Nhưng khác với các tuần trước, sáng nay anh Danh phải lấy túi nilon bọc chân và kéo cao để tránh triều cường.
Đồ đi làm sáng thứ Hai của anh Danh có thêm túi nilong bọc giầy chống nước. |
“Từ nhà đến trường 7km mà có đến 6km bị ngập khoảng 30cm nên tôi bọc cho chắc”, anh Danh than vãn.
Từ ngày 28/9 đến nay, triều cường dâng cao tại nội ô TP Cần Thơ, trong đó có nhiều đoạn ngập sâu gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Một số tuyến đường ngập sâu như: Trần Văn Hoài, 30 Tháng 4, Mậu Thân… Theo Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai - Tìm kiếm Cứu nạn TP Cần Thơ, do ảnh hưởng của triều cường cùng với nước đầu nguồn đổ về, mực nước trên sông, rạch ở địa bàn thành phố bắt đầu lên cao.
Trưa nay (ngày 30/9), Sở giáo dục và đào tạo Cần Thơ vừa có thông báo cho học sinh nghỉ học trong những ngày triều cường đầu tháng Chín âm lịch. Theo đó, Sở đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện và các cơ sở giáo dục cho phép học sinh được nghỉ học 1 ngày (1/10).
Triều cường là một trong 4 giai đoạn biến đổi của hiện tượng thủy triều (nước lớn - triều cường - nước ròng - triều thấp), là lúc nước dâng lên đến điểm cao nhất của nó do sự thay đổi lực hấp dẫn từ mặt trăng (chủ yếu) và mặt trời tại một điểm bất kỳ trên bề mặt trái đất khi trái đất quay. Triều cường xảy ra khi Mặt trăng, Mặt trời và Trái đất nằm thẳng hàng nhau, tức vào ngày 30 và 15/16 âm lịch hàng tháng. Triều cường chỉ ảnh hưởng trong khoảng 2-2,5h/ngày. |
Trong khi đó, Trưởng Ban Tuyển sinh & Công tác Sinh viên trường Đại học FPT Cần Thơ cho hay, những ngày triều cường, trường đã cảnh báo sinh viên về việc tham gia giao thông khi các con đường bị ngập sâu. “Sinh viên đi trễ sẽ không bị điểm danh trong các ngày này”, anh Danh cho hay.
Trước tình hình diễn biến bất thường của triều cường, ngay sáng thứ Hai, Trung tâm Xây dựng và Quản lý Hạ tầng miền Nam của FPT Telecom (INF) đã thông tin đến toàn bộ chi nhánh, đơn vị nhà ‘Cáo’ Vùng 7 - miền Tây Nam bộ. INF nhận định, những ngày qua toàn miền Tây triều cường lớn, khả năng nước dâng cao sẽ ảnh hưởng Pop và lũ đe dọa các tuyến trục băng sông.
“INF đề nghị anh em khối Hạ tầng – Kỹ thuật bám sát tình hình thời tiết; rà soát toàn bộ các đài trạm, chủ động trước các phương án dự phòng cho vị trí cáp mất an toàn”, PGĐ Lê Minh Hiếu cho hay.
Sáng 30/9, trên đường di chuyển, gặp nữ đồng nghiệp FPT Retail Cần Thơ đang gặp khó khăn, anh Trần Thanh Danh - Trưởng Ban Tuyển sinh & Công tác Sinh viên trường Đại học FPT Cần Thơ, đã xuống hỗ trợ. |
Theo anh Nguyễn Phong Phú, PGĐ Vùng 7 kiêm GĐ FPT Telecom Cần Thơ, chiều 30/9, triều cường gây ngập hầu hết tuyến đường ở thành phố Tây đô. "Tuy nhiên, người dân địa phương cũng quen rồi. Công tác quản lý hạ tầng và kinh doanh không ảnh hưởng nhiều; anh em tranh thủ làm việc khi nước sắp lên và sẽ nhanh chóng triển khai bán hàng tiếp bởi nước rút sau khoảng 2 giờ".
Khác với Cần Thơ, sáng nay, người F ở TP HCM ít bị ảnh hưởng bởi triều cường. Trong giờ cao điểm đi làm, nước đã rút nên các tuyến đường đến FPT Tân Thuận – điểm thường xuyên bị nước dâng cao - gần như khô ráo.
Tuy vậy, theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ khoảng 17h30 chiều nay (30/9), đỉnh triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn) đạt mốc lịch sử đạt 1,75 mét và 1,77 mét tại trạm Nhà Bè. Thống kê từ đợt triều năm 2018 cho thấy với đỉnh triều đạt 1,71 mét đã gây ngập ít nhất 11 tuyến đường.
Các tuyến đường bị ngập gồm: Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Phú Định (quận 8), đường Hồ Học Lãm (quận 8 - Bình Tân), đường Nguyễn Văn Hưởng (quận 2), quốc lộ 50, đường Chánh Hưng nối dài, đường quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh) và đường Bình Quới, Bình Lợi (Bình Thạnh).
Vì vậy, khi đỉnh triều đạt 1,75 mét khả năng các tuyến đường này tiếp tục bị ngập với mức độ nặng hơn, có đoạn ngập hơn nửa bánh xe, xe máy qua các đoạn đường ngập sâu có thể bị chết máy.
Đỉnh triều xảy ra lúc 17h30 nhưng các chuyên gia khuyến cáo từ khoảng 17h nước đã gây ngập đường nên người dân cần chọn thời gian di chuyển hoặc lộ trình thay thế để hạn chế bị ảnh hưởng bởi triều cường.
“Đặc biệt những tuyến đường gần sông rạch, người dân cần cẩn trọng không di chuyển gần mép bờ tránh tình trạng rơi xuống kênh rạch”, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ khuyến cáo.
Tân Phong
Ý kiến
()