Chúng ta

‘Mama’ trong lớp học

Thứ bảy, 13/10/2012 | 15:00 GMT+7

“Mama tổng quản là những người “làm dâu trăm họ”. Lúc nào cũng tươi cười, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, luôn lắng nghe và thấu hiểu học viên. Tuy nhiên, không bao giờ quên trách nhiệm của mình là phải đảm bảo chất lượng hỗ trợ dịch vụ lớp học tốt nhất”, “mama đại tổng quản” Nguyễn Thị Thanh Minh chia sẻ về công việc của mình.
> FSB thành lập đội ngũ cố vấn học tập

a

Chị Minh có thâm niên hơn 7 năm kinh nghiệm. Hiện chị quản lý khoảng 100 mama dưới quyền. Ảnh: NVCC.

Khuôn mặt tươi như hoa, giọng nói nhẹ nhàng truyền cảm, dường như chưa bao giờ người ta thấy chị cáu kỉnh hay giận dữ dù có bực mình đến đâu. Hỏi chị bí quyết, chị chỉ mỉm cười chia sẻ: “Do nghề mình làm phải thế và đó là một trong những tiêu chí hàng đầu để tuyển chọn các mama”.

Gia nhập Viện Quản trị Kinh doanh FPT (FSB thuộc Đại học FPT) từ năm 2004, đến nay, chị Minh đã có thâm niên gắn bó với công việc này hơn 7 năm. Hiện chị là mama đại tổng quản, quản lý gần 20 mama dưới quyền.

Công việc của các cán bộ hỗ trợ học viên (được gọi là mama) không đơn thuần chỉ là triển khai tổ chức và quản lý một lớp học nào đó. Quan trọng hơn, các mama phải thực sự tạo ra được sự kết nối giữa học viên với nhau, giữa học viên với nhà trường và ngược lại.

Chị Minh đánh giá đây là một công việc đặc biệt thú vị, nhất là với những bạn trẻ thực sự yêu nghề, năng động và thích giao lưu. “Các mama có cơ hội được sống và làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp. Mỗi học viên đều đại diện cho những cá tính, những lĩnh vực khác trong xã hội. Chính vì vậy, làm mama, chúng tôi cũng có cơ hội được trải nhiệm, hiểu biết thêm rất nhiều những khía cạnh khác nhau của xã hội, có cơ hội học hỏi, lắng nghe những bài giảng và tiếp xúc với nhiều doanh nhân thành đạt”, chị nói.

Là một trong những người tiên phong trong nghề, khi chuyển sang làm mama, chị Minh không tránh khỏi bỡ ngỡ vì không có ai chỉ bảo. Đặc biệt là vào thời điểm 2005, khi gần như chưa có cơ sở giáo dục nào có dịch vụ hỗ trợ học viên như HSB/FSB thì chị phải vừa làm việc vừa tranh thủ hoàn thiện quy trình công việc của mình sao cho công tác triển khai được chuẩn hóa.

Nhiều người cho rằng, mama tổng quản là một nghề đơn giản, không yêu cầu trình độ. Tuy nhiên, những người thực sự làm công việc này sẽ thấy nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng mềm như: giao tiếp, xử lý tình huống nhanh nhạy… và cũng phải đối mặt với không ít khó khăn.

Khó khăn nhất là các mama phải luôn đối đầu với những áp lực công việc mang tính chất sự vụ, cái gì cũng gấp, cái gì cũng phải xử lý ngay, cố gắng giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp để học viên không phải mất thời gian chờ đợi dẫn đến sự khó chịu không đáng có.

Ngoài ra, luôn quan tâm, mềm mỏng, nhẹ nhàng với học viên, nhưng trong công tác quản lý học viên cũng phải nghiêm ngặt. “Có những học viên vì lý do bất khả kháng mà nghỉ học quá thời lượng cho phép, đôi khi cũng tạo áp lực cho mama để có sự chiếu cố hoặc gian lận trong công việc”, chị Minh chia sẻ.

a

Sau khoảng thời gian bỡ ngỡ với công việc, Trang nhanh chóng vào guồng và yêu thích nghề mama. Ảnh: NVCC.

Dương Thùy Trang, sinh viên ĐH Ngân hàng, có hơn một năm bén duyên với nghề “mama tổng quản” của FSB từng phát khóc vì bỡ ngỡ trong những ngày đầu tiên đi làm.

“Mọi quy trình làm việc tại FSB đều phải tuân theo những chuẩn mực và quy định đã được đề ra, từ những việc bé nhất nếu một khâu có lỗi thì các khâu khác cũng trục trặc. Ngay như việc bị lỡ thông tin cũng sẽ khiến cho việc triển khai lớp gặp khó khăn. Ngoài ra là những tình huống liên quan đến học viên. Các mama vẫn bảo nhau rằng, một năm làm mama bằng hai năm học free kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp”, Trang chia sẻ.

Đoàn Thị Hậu, mama mới vào nghề chưa đầy một năm, thì cho rằng, khó khăn nhất là việc giao tiếp và xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa mama và học viên, cũng như tạo cầu nối giữa các học viên trong lớp. Thời gian làm việc cũng là một trong những trở ngại bởi các cô thường phải làm vào buổi tối hoặc cuối tuần.

Để vượt qua những điều ấy, không thể thiếu được tình yêu nghề và một vài kinh nghiệm nho nhỏ “lót tay” để hóa giải.

Chị Minh cho rằng, nếu các mama thực sự yêu nghề, yêu học viên, có tính cách năng động và một chút năng khiếu về văn nghệ, tổ chức sự kiện… thì sẽ rất dễ “lấy lòng” các học viên. “Vẻ xinh xắn, nhẹ nhàng và luôn tươi tắn cũng là yếu tố để “ghi điểm” và hóa giải những khó khăn”, chị nói.

Hậu và Trang cũng có những bí kíp của riêng mình để trở thành mama giỏi và vượt qua những rào cản trong công việc. “Để làm một mama tốt phải biết mềm dẻo, linh hoạt bên ngoài và cứng rắn bên trong. Điều quan trọng nhất là luôn phải tươi cười”, Hậu chia sẻ.

a

Ngoài triển khai tổ chức và quản lý một lớp học, các mama phải thực sự tạo ra được sự kết nối giữa học viên với lớp học. Ảnh: NVCC.

Còn Trang lại luôn cố gắng chủ động trong công việc và học hỏi thêm ở những mama đi trước. Trong cách giải quyết công việc, cô luôn xuất hiện câu hỏi: “Tại sao chị ấy lại làm như thế?” và cứ làm thêm một thời gian, vấp váp vài lần là cô lại khám phá ra câu trả lời.

Phần lớn đều trẻ trung, xinh xắn và dễ gần nên trong quá trình làm việc, các mama thường được các học viên yêu quý, chẳng thế mà mỗi cô đều có một “bồ” kỷ niệm để kể.

Chị Minh nhớ nhất là lần bị các học viên thân yêu cho “leo cây” bằng cú lừa ngoạn mục. Hôm đó, đã 22h đêm, một học viên bất ngờ gọi cho chị bảo anh quên điện thoại và laptop ở lớp học, thế là chị lo lắng học viên sẽ bị mất đồ liền phi một mạch từ nhà đến trường để tìm cho anh. Đến nơi, chẳng thấy điện thoại hay laptop đâu cả thì nhận được tin nhắn: “Mama dính lừa rồi nhé, anh trêu vì tưởng đang đi chơi với người yêu”.

Hậu thì lại được một anh học viên người nước ngoài hâm mộ. Số là, trong quãng thời gian làm mama cho lớp SBF (đoàn doanh nhân của Singapore sang tìm kiếm cơ hội đầu tư ở Việt Nam), Hậu thường xuyên trò chuyện và trao đổi với một học viên. Đến khi sắp kết thúc khóa học, có lẽ vì quá cảm mến cô mama xinh đẹp mà học viên này đánh liều hát tặng cô nguyên một bài tiếng Việt, dù anh chưa hề biết nói ngôn ngữ này.

Chính những tình cảm đó đã khiến cho chị Minh, Hậu và rất nhiều mama khác tìm được niềm vui và sự yêu thích với nghề.

Mama tổng quản là một công việc mà quyền lợi của nó mang lại giống như một tảng băng. “Phần nổi thì ai cũng nhìn thấy. Nhưng cái quan trọng hơn, chiếm tỷ lệ lớn hơn lại là phần chìm. Đó là những kiến thức mang lại từ những bài giảng của thầy, từ các anh chị học viên và từ những trải nghiệm thực tế”, một mama nhận xét.

Năm 2005, khi HSB/FSB lần đầu tiên áp dụng mô hình đào tạo thạc sĩ liên kết với nước ngoài (IeMBA), Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình và lãnh đạo HSB/FSB đã chủ trương ngay từ đầu bằng việc triển khai đào tạo có sự khác biệt - đó là khác biệt về dịch vụ đào tạo và chăm sóc khách hàng dạng 5 star service. Có nghĩa, không chỉ đơn thuần khi học viên đến học tập những kiến thức trong chương trình đào tạo chuẩn, các học viên còn được hưởng dịch vụ chăm sóc gần như hoàn hảo (đối với tất cả dịch vụ liên quan tới vấn đề học tập) bởi đội ngũ trợ lý lớp học (mama) để làm sao học viên có điều kiện học tập tốt nhất và được tôn trọng, chăm sóc một cách tận tình, chu đáo. Tính đến nay, có gần 100 mama đã và đang cần mẫn với công việc này.

Bình Nguyên

Ý kiến

()