Chúng ta

Mắc Covid khi mang thai, vợ cán bộ FPT được hỗ trợ kịp thời

Thứ ba, 21/9/2021 | 10:09 GMT+7

"Đó là một cơn ác mộng kinh hoàng", chị Nguyễn Hồng Đào - vợ anh Chung Quốc Huy, FPT Telecom - nhớ lại những ngày chiến đấu với Covid-19 khi mang thai ở tháng thứ 7.

Giữa tháng 8, theo lịch hẹn, anh Chung Quốc Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 5 - đưa vợ đi khám thai. Nhưng chị dần lả đi trong tay anh, thở dốc trên ghế chờ bệnh viện. Không thể chờ đến lượt, anh đưa chị về nhà. 

Chị Nguyễn Hồng Đào, cũng là đồng nghiệp cũ của anh tại Viễn thông FPT, đang mang thai ở tuần 28. "Cơ thể cô ấy lúc đó rất yếu. Tôi nhận thấy nếu không có sự hỗ trợ kịp thời thì sẽ không ổn. Thực sự bấy giờ tôi chưa biết phải làm gì ngoài việc cầu cứu bệnh viện và những đồng nghiệp có hiểu biết về Covid". Sau khi được tư vấn, anh cố tỏ ra bình tĩnh nhất có thể để chị an lòng, và sắp xếp lại trong đầu cách ứng phó đúng đắn, kịp thời nhất với mỗi tình huống xấu tiếp theo nếu có.

Một máy hỗ trợ oxy nhanh chóng được chuyển tới trước khu căn hộ ở quận 10 với sự hỗ trợ của chị Đỗ Thanh Chi, Phó chánh Văn phòng FPT Telecom và anh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng Hành chính.

Trước đó một tuần, anh Quốc Huy xuất hiện các triệu chứng mệt, sốt nhẹ, mỏi cơ, uể oải. Chị Hồng Đào cũng bắt đầu sụt sịt. Nhưng 2 vợ chồng chỉ nghĩ do chuyển mùa, chị lại mang thai nên giảm đề kháng, dễ cảm.

Sau đó, anh khỏe lại dần sau khi bổ sung vitamin C và 4 liều paracetamol hạ sốt (anh đã tiêm một mũi vaccine Covid tại công ty). Ngược lại, chị bắt đầu thấy cơ thể lừ đừ dần, ho nặng, khô họng, rồi cao điểm là sốt nhẹ. Có hôm anh nấu cháo, nhưng chị mệt tới mức không nuốt nổi. Hai vợ chồng quyết định test nhanh, kết quả đều âm tính. Nhưng chị khó thở dần. 

Sau khi có máy hỗ trợ oxy do đồng nghiệp FPT đem đến, chị Hồng Đào thở tốt hơn. Tuy nhiên, 2 ngày sau, tình hình không khả quan hơn vì chị chỉ có thể thở được với sự trợ giúp của máy, vẫn mệt kèm thở dốc khi bỏ hỗ trợ. Anh quyết định chở chị đi xét nghiệm PCR.

Đến bệnh viện Đại học Y dược, nhân viên y tế thấy bà bầu thở khó nên cho đo nhanh Spo2 - nồng độ oxy trong máu. Kết quả thấp báo động (dưới 85). Chị được khuyên qua bệnh viện Hùng Vương khám và xét nghiệm. Chị ngày càng yếu đi. 4h chiều, về tới nhà, chị không còn cầm cự được nữa. Mỗi việc lên xuống xe máy hay bước đi, chị cũng không có sức. Thấy mình rất không ổn và lo lắng nhiều hơn cho sự an toàn của em bé trong bụng, chị quyết định nói anh đưa đến thẳng khoa cấp cứu, bệnh viện Từ Dũ, để bảo vệ 2 mẹ con.

Lần này, một lần nữa, nhờ sự hỗ trợ từ xa của các cán bộ quản lý tại FPT Telecom và Tập đoàn, chị Nguyễn Hồng Đào đã được nhập viện và chính thức được làm hồ sơ bệnh án lúc 2h sáng.

"Chúng tôi đã hầu như không ra khỏi nhà, chỉ anh ra ngoài lấy mẫu xét nghiệm tập trung ở chung cư, nên không hiểu bệnh lây từ đâu. May mắn rằng anh đã tiêm vaccine rồi nên có kháng thể và hồi phục nhanh hơn. Trước đây tôi cũng có ý định tiêm, nhưng Bộ Y tế khuyến nghị phụ nữ mang thai là đối tượng hoãn tiêm, đến lúc thay đổi thành đối tượng ưu tiên thì tôi đã nhiễm", chị Hồng Đào tâm sự.

Nhận được kết quả xét nghiệm từ bệnh viện Hùng Vương khi đang nằm Từ Dũ, chị Đào được lấy mẫu máu và chuyển lên tầng 5, khoa Sản để nhận giường, tiến hành điều trị. Lúc này, chỉ số CT (nồng độ virus) của chị trên 30, tức gần như ko còn khả năng lây nhiễm và hoàn toàn có thể cách ly tại nhà. Nhưng vì đã trải qua giai đoạn dài virus xâm nhập, phổi chị bị ảnh hưởng, phần hô hấp bị liên đới theo, tình trạng không tốt cho thai nhi. Chị phải ở viện để điều trị.

Trong một tuần nằm viện, mỗi ngày thai phụ F0 đều được tiêm thuốc chống đông phổi 2 lần (có 3 ngày cao điểm tiêm 3 mũi/ngày). 4 ngày đầu, chị vẫn phải dùng máy hỗ trợ oxy vào buổi trưa - khi không khí oi nóng và buổi tối - khi ngủ. Trước đây, chị tập yoga một thời gian dài nên trong lúc điều trị, nghe bảo tập thở để mau chóng bình phục, chị tìm hiểu và tập vào mỗi lúc tỉnh táo, nhất là buổi chiều tối khi trời mát, có gió nhẹ.

Trong những đêm không ngủ được, chứng kiến cảnh các hộ lý liên tục đẩy xe chở bình oxy tươi đến các phòng, chị nhói lòng. "Nằm trong đó rồi mới thấy y bác sĩ cực như thế nào, chưa kể có lúc nghe lỏm họ tâm sự với nhau về việc bao nhiêu tháng chưa được về nhà, có người mới cưới đã đi làm nhiệm vụ...", chị bồi hồi nhớ lại. "Y hệt như những cảnh trong phim tài liệu "Ranh giới". Không phải nhiều, mà rất nhiều, phụ nữ mang thai bị nhiễm Covid".

Sang ngày nằm viện thứ 5, dù còn mệt và thở hơi sâu khó, chị chủ động trả máy để các hộ lý có thể đưa cho các mẹ bầu khác nặng hơn và cần hơn. Chị nhớ nhà, nhớ anh. Nhưng hơn hết, chị muốn nhường giường, nhường thiết bị khi liên tục có những bà bầu khác trở nặng, phải thở oxy tươi liên tục được chuyển lên. Sau khi kiểm tra tình trạng của thai phụ, bác sĩ đồng ý cho chị xuất viện. 

hongdao-quochuy_1632197893.jpg

Vợ chồng  anh Chung Quốc Huy, PGĐ trung tâm kinh doanh FPT Telecom Sài Gòn 5 và chị Nguyễn Hồng Đào.

Từng là thành viên nhà F, chị Nguyễn Hồng Đào không còn lạ văn hóa tương thân tương ái của FPT. Nhưng chị không ngờ có lúc bản thân mình lại cần đến nhiều sự giúp đỡ như thế. "Tuy mỗi doanh nghiệp, tổ chức đều có những chính sách hỗ trợ, nhưng tôi thấy chính sách thường chỉ hướng đến CBNV, hiếm chạm đến cả người thân CBNV như FPT. Trước đây tôi cũng nhờ có đồng nghiệp cũ mà mua được thuốc bổ cho thai phụ. Dù xa rời nhà F rồi nhưng cảm giác người trong nhà vẫn y như thuở nào", cựu cán bộ truyền thông nhà "Cáo" trải lòng.

"Thậm chí, chị Thanh Chi (Phó chánh Văn phòng FPT Telecom) còn gọi điện cho tôi hỏi tình hình lúc chờ nhập viện ở Từ Dũ. Tôi không dám kể những anh chị em đã hỗ trợ vì sợ... sót", chị Hồng Đào nói thêm. 

Anh Huy và chị Đào thường nói với nhau, sau vụ này, vợ chồng "nợ ngập đầu" - không phải nợ tiền bạc, mà nợ ân tình của mọi người. "Vậy nên sau này, bất kỳ ai cần gì, miễn trong năng lực, phải giúp lại hết". 

>> FPT mở cổng đăng ký hỗ trợ y tế cho CBNV và người thân

Hà An

Ý kiến

()