Cán bộ FPT chạy bộ rước đuốc chào mừng kỷ niệm sinh nhật FPT 13/09/2008, một hoạt động thể thao hiếm hoi được tổ chức với đông đảo CBNV tham gia.
QuýLV (G10, FPT Software) và vợ anh, HươngVTL3 (FHO) là một trong số rất ít những cán bộ FPT có "tinh thần thể dục" cao và thường xuyên vận động hàng ngày.
Từ nhiều tháng nay, việc Văn phòng FPT bịt "lỗ" thông tầng giữa hai tầng 13 và 14 của Tòa nhà FPT Cầu Giấy, đã tạo ra một không gian "sân chơi" cho vài CBNV FPT HO chơi một môn thể thao đơn giản: Đá cầu.
Cứ tầm 17h30 mỗi ngày, lại có một nhóm cán bộ từ các phòng ban chức năng khác nhau mang cầu ra khoảng "sân chơi" riêng này để thư giãn. Điểm mặt thấy Ban Nhân sự (FHR), Ban Truyền thông và Cộng đồng (FCC), Ban Tài chính Kế toán (FPF) và Phòng Nghiên cứu không gian (FSpace). Phong trào này còn kéo thêm được cán bộ từ những đơn vị khác như QuýLV, hay KỳVN, cựu nhân viên FCC mới chuyển xuống TienPhongBank.
"Cả ngày ngồi dán mắt vào máy tính, bọn em cũng cần vài chục phút vận động để giãn gân cốt trước khi cùng nhau về nhà lo cơm nước", HươngVTL3, cán bộ FPF nói. Hai vợ chồng Hương ở riêng, tự chủ về thời gian, nên sau giờ làm việc có thể ở lại đá cầu được. "Không đá cầu thì bọn em cũng chả có thời gian để chơi thể thao vì công việc của cả hai đều bận. Mà hình như anh em FHO chả thấy ai chơi thể thao cả", Hương nhận xét.
Nhận xét của Hương vừa đúng vừa không đúng, vì thực tế thì trong FHO có rất nhiều anh em đam mê bóng đá, vẫn tham dự các đội bóng bên ngoài FPT. Chỉ có điều, họ chẳng mấy khi chơi thể thao với đồng nghiệp.
Chả thế mà chuẩn bị cho Cúp C1 sắp tới, cũng như mọi lần trước, đội trưởng FHO lại phải e-mail cho toàn thể FHO: "Có ai vẫn đang đá bóng thì mời tham gia đội bóng nhé!".
Có lẽ, do mỗi ban chức năng ở FHO đang dần đóng cửa trở thành "mảnh trời riêng" nên khó tập hợp nhau lại cùng chơi một môn gì đó. Trong năm 2009, được sự chỉ đạo trực tiếp của TGĐ Nguyễn Thành Nam và sự hỗ trợ nhiệt tình của Tổng hội FPT, cả HO mới tập hợp lại thi đấu với nhau được 2 trận bóng đá, sau đấy lại...im lìm.
Cái thời mà anh em cùng tham gia chơi những trận bowling tới tận nửa đêm hay cùng vùng vẫy trên bể bơi mỗi mùa hè đang xa dần. Hay đó chính là lý do mà anh Nam "già" yêu cầu "dồn cục - phẳng hóa" FHO?
"Người FPT suốt ngày ngồi làm việc với máy tính, ít vận động nên nguy cơ đau cột sống, vai gáy rất cao", bác sĩ Cao Thúy Tạo, Phòng Y tế FPT đã cảnh báo. Thực tế, đợt khám sức khỏe thường niên tại FHO năm ngoái đã phát hiện tới trên 30% cán bộ FPT bị mắc các chứng bệnh về cột sống, mỏi lưng, đau vai gáy...
Trong đợt điều trị các bệnh về cột sống cho cán bộ FPT sau kỳ khám sức khỏe năm ngoái, các bác sĩ của Trung tâm Vật lý trị liệu đã khuyến cáo: "Sau khoảng 1 giờ làm việc trên máy tính, nên tạm rời máy và làm vài động tác thể dục đơn giản như vươn vai, lắc cổ... để giãn xương và thư giãn cơ bắp". Tuy nhiên, thực tế cho thấy ít người có thể dứt được màn hình để thực hiện lời khuyên này.
Để khắc phục, trong các đơn vị thành viên, FPT Software đã tiên phong đưa việc tập thể dục giữa giờ của nhân viên trở thành nếp hàng ngày.
Việc tập thể dục ở FPT Software Hà Nội được học từ kinh nghiệm của các đối tác Nhật Bản của công ty, và được tiến hành từ năm 2005, khi Đài phát thanh nội bộ (VOF) được thành lập và trụ sở đơn vị còn đặt bên tòa nhà HITC. Từ hồi ấy, cứ vào giữa buổi sáng và chiều, VOF lại vang lên thông báo yêu cầu mọi người tạm dừng công việc để cùng tập thể dục theo tiếng nhạc vui nhộn. Rất nhiều khách tham quan đã rất ấn tượng trước hình ảnh này của công ty.
Được biết, việc phát loa cũng chỉ là để nhắc mọi người nên tập thể dục vì sức khỏe của mình, chứ FPT Software không phổ biến bài tập thể dục cụ thể nào cho mọi người cùng thực hiện. Nhưng nhận thấy lợi ích của nó, hầu hết cán bộ công ty đều nhiệt tình tham gia tập thể dục giữa giờ.
Mới đây, FPT Media Hà Nội cũng bắt đầu áp dụng quy định tập thể dục giữa giờ, và được anh chị em CBNV hưởng ứng một cách vui vẻ.
Thể dục thì thế, còn thể thao? So với FHO, tinh thần đồng đội lẫn tinh thần thể thao ở các đơn vị thành viên vẫn rộn ràng hơn nhiều. Mặc dù, phần lớn các hoạt động thể thao này tương đối tự phát.
Ít người biết rằng, trong tòa nhà FPT Cầu Giấy, có tới 2 bàn bóng bàn ngày ngày vẫn vang lên những tiếng "lách cách" của trái bóng nhựa. Đó là bàn bóng của FPT Media và của TienPhongBank.
Giữa năm 2009, có một dạo các cán bộ TienPhongBank kê bàn bóng lên căng-tin tầng 15 để thi đấu mỗi chiều, nên nhiều người còn biết đến sự có mặt của bàn bóng này. Thế rồi sau đó, chả ai biết bàn bóng đó được kéo đi đâu.
Hóa ra bây giờ, bàn bóng đang được bố trí ở góc cầu thang bộ tầng 0 của tòa nhà, chiều nào cũng có dăm bảy cán bộ ngân hàng thi đấu với nhau.
Cũng nằm ở "góc khuất" như bàn bóng của TienPhongBank là bàn bóng của FPT Media. Được bố trí ở phía thang hàng tầng 5, bàn vẫn thu hút các cán bộ đơn vị này mang bóng, vợt ra thi đấu với nhau hàng ngày. Do chỗ làm việc của FPT Media cũng khá tách biệt với các bộ phận khác nên ít người ngoài đơn vị biết mà tham gia CLB bóng bàn này.
Người FPT cũng biết cần vận động để bù cho nhiều giờ ngồi lì trước máy tính, nhưng để tham gia chơi thể thao đều đặn, người chơi cũng cần nhiều điều kiện, bên cạnh niềm đam mê.
Rất nhiều cán bộ FPT Software và FIS đam mê cầu lông đã lập CLB để luyện tập thường xuyên, nhưng đều phải vất vả tìm địa điểm để thi đấu.
Nguyễn Hải Thanh (ThanhNH3), cán bộ Trung tâm Đào tạo Tư vấn Quốc tế (ITC) thuộc FIS ERP, một người yêu cầu lông cho biết, từ hồi Thanh làm việc trong FIS HCM, anh vẫn thường xuyên tham gia chơi cầu lông cùng đồng nghiệp. Chuyển ra Hà Nội, Thanh gia nhập ngay CLB cầu lông của FIS ERP, thi đấu mỗi tuần 2 buổi, vào tối thứ Ba và Chủ nhật tại Nhà thi đấu Bộ Công an (đường Láng).
"Anh em yêu thích cầu lông nên tự góp kinh phí để thuê sân bãi, ngoài việc tự trang bị vợt, cầu, giày, áo...", Thanh nói. "Thỉnh thoảng, bọn mình cũng tổ chức giao hữu với CLB cầu lông của FPT Software hay ĐH FPT. Họ cũng có nhiều cao thủ lắm".
Được biết, ở cấp G của FPT Software, cấp trung tâm ở FIS hay các chi nhánh ở FPT Telecom, anh em cán bộ vẫn tổ chức các CLB tennis, cầu lông, bóng bàn... thi đấu với nhau một cách tự phát. Tinh thần thể thao, dù chưa hẳn mạnh mẽ, vẫn đang... len lỏi trong các ngõ ngách của Tập đoàn.
Theo anh Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Tổng thư ký (TTK) Tổng hội FPT Telecom phía Nam, thì "tự phát" chính là cách giúp phong trào thể thao phát triển. "Anh em có "máu" thì phong trào mới sống được, chứ trước đây Tổng hội có hỗ trợ kinh phí nuôi CLB Cầu lông, nhưng chỉ được vài tháng là "đứt". Trong khi đó, CLB tự lập của những anh em máu mê lại sinh hoạt rất lâu dài", anh Tuấn kết luận.
"Anh em ở Đà Nẵng là sướng nhất", ThanhNH3 xuýt xoa. "Tòa nhà mới ở KCN Massda có cả sân bóng mặt cỏ, sân cầu lông có mái che và sân tennis, anh em tha hồ chơi".
CườngTAQ, TTK Tổng hội FPT Đà Nẵng xác nhận, Tổng hội hỗ trợ tiền sân cho CLB Cầu lông chơi vào các tối thứ Ba, Năm, Bảy, cũng như hỗ trợ chi phí sân bãi luyện tập và thi đấu cho đội tuyển bóng đá khi có giải. Còn với đội bóng của các đơn vị thuộc FPT Đà Nẵng, hiện BQL Tòa nhà FPT Đà Nẵng cũng đã tiến hành thu phí.
Nhờ hệ thống cơ sở vật chất tốt, nên anh em ở FPT Đà Nẵng tham gia thể thao có phần hăng hái hơn các đơn vị khác trong Tập đoàn. "Gì chứ cứ làm xong bước ngay xuống sân để làm vài trận cầu lông là sướng nhất rồi, chứ mất công về nhà lấy đồ thì chỉ những người "máu mê" như mình mới chơi đều được", ThanhNH3 vẫn chưa hết ghen tị với các đồng nghiệp miền Trung.
Tuy nhiên, từng là TTK Tổng hội FIS HCM, ThanhNH3 thẳng thắn nhìn nhận, lượng người chơi thể thao thường xuyên ở FPT không nhiều trong số hơn 11.000 nhân viên Tập đoàn. "Ngày nào cũng cặm cụi ngồi máy tính 8-10 giờ mà không vận động và chơi thể thao, thì kiểu gì chả phải lên tầng 14 để gặp Bác sĩ Tạo!", Thanh hài hước nhận xét khi tham gia vài đường đá cầu cùng vợ chồng Quý - Hương và anh em FHO trước khi về nhà lấy quần áo, vợt để sinh hoạt cùng CLB Cầu lông của mình.
Bệnh nhiều - tốn kém nhiều
Theo thông tin từ phòng Y tế FPT, trong năm 2009 có tổng cộng 3.719 lượt CBNV đến khám bệnh tại phòng Y tế.
Rất nhiều CBNV FPT bị mắc các chứng bệnh về cột sống, vai cổ do ít chơi thể thao và vận động.
Thống kê trong số 2.036 ca khám, chữa bệnh trong 6 tháng cuối năm, ngoài các trường hợp tai nạn và các chứng bệnh chuyên khoa, bệnh ngoài da hay tiêu hóa, có tới 69,1% trường hợp mắc các bệnh về hô hấp, 36,73 trường hợp mắc các bệnh về thần kinh và 17,63%. Theo bác sỹ Cao Thúy Tạo, đây là những chứng bệnh mắc phải do lười vận động hay không thường xuyên luyện tập thể dục, thể thao.
Theo số liệu của FHR, chỉ trong vòng 8 tháng, từ 01/06/2009 - 28/02/2010, toàn Tập đoàn FPT có tới 4.256 hồ sơ của CBNV FPT (từ L1-L6) yêu cầu thanh toán FPT Care. Tổng số tiền mà phía bảo hiểm đã thanh toán cho CBNV FPT trong 8 tháng đó lên tới 5,227 tỷ VND, một con số không nhỏ.
LongLT6
Ý kiến
()