Chúng ta

Kỷ niệm nhớ đời của ‘giảng viên’ FPT IS

Thứ sáu, 18/11/2011 | 09:55 GMT+7

"Vui nhất khi đào tạo cho khách hàng chính là lúc được gọi là 'cô giáo'", Hoa Phong Lan, cán bộ Tư vấn triển khai ERP, Công ty TNHH Dịch vụ ERP FPT (FPT IS ERP), chia sẻ.

Lan kể, nhiều lúc cô phải khó xử khi đào tạo cho khách hàng hơn tuổi bố mẹ mình, nên khi lên bục giảng nhiều khi không biết xưng hô thế nào. Có lần, Lan gọi khách hàng là bác, được nhắc nhở là gọi là anh thôi cho tiện trao đổi. Hồi đầu cũng ngượng lắm, nhưng sau cũng quen dần.

Với đặc thù làm việc với nhiều dự án nên FPT IS ERP là nơi có nhiều thầy cô giáo nghiệp dư nhất. Đúng dịp 20/11 này là kỷ niệm 5 năm Nguyễn Thị Thu Hoài, Ngô Thanh Hương và Hoa Phong Lan, cán bộ Tư vấn triển khai ERP, Công ty TNHH Dịch vụ ERP FPT chính thức vào FPT.

a

Chị Thu Hoài, Phong Lan và Thanh Hương, FPT IS ERP, có 5 năm làm đào tạo cho khách hàng. Ảnh: L.V.

Vào FPT 5 năm cũng là từng ấy thời gian ba chị gắn bó với cái nghiệp đào tạo: khách hàng, tân binh và nội bộ.

Lần đầu tiên đào tạo cho khách hàng thường là một kỷ niệm khó quên với chị Lan. Chị cho biết: “Đi làm việc với khách hàng đều phải khai man tuổi để không bị chê là trẻ con. Trước khi đào tạo chuẩn bị nhiều cộng thêm lo lắng quá mức nên khi ngủ cũng mơ đến khách hàng, tài liệu đào tạo, cảm giác như mình chìm nghỉm với buổi đào tạo sắp tới”. Lúc này, chị mới thấm thía câu hát trong bài “Giấc mơ ERP” - chế theo bài "Giấc mơ Chapi": “Trong cơn mơ, nửa đêm còn thấy khách hàng réo gọi… ERP”.

Khách hàng của chị Lan cũng rất hài hước. Chị hướng dẫn khách hàng bấm phím F1 thì khách hàng cứ bấm đồng thời hai phím F+1, rồi cứ thắc mắc là làm giống hướng dẫn rồi mà kết quả không ra như của cô giáo.

Còn với Thu Hoài, bị cận mà buổi đào tạo đầu tiên đã bị rơi kính, phải mượn kính với độ cận nhỏ hơn nên mọi thứ trước mặt đều mờ mờ ảo ảo. Lúc trình bày, thay vì nhìn lên màn hình máy chiếu thì lại chăm chăm vào màn hình laptop. Khi khách hàng hỏi thì phải nghe tiếng, xác định vị trí rồi từ từ tiến lại gần khách hàng để nhìn rõ mặt…

a

Chị Phong Lan đứng lớp trong một khóa đào tạo cho khách hàng. Ảnh: L.V.

Gặp nhiều sự cố trong buổi đầu tiên, nhưng các chị an ủi phần nào khi học viên khen: “Đọc tài liệu thì thật khô, sao em đào tạo thấy dễ hiểu thế!”.

Khách hàng hiểu rõ nghiệp vụ của đơn vị họ hơn cán bộ đào tạo rất nhiều. Nếu không nắm chắc nghiệp vụ của khách hàng trước khi đào tạo thì rất dễ bị khách hàng “hỏi xoáy”, lúc đó chỉ còn tìm mọi cách để “đáp xoay” để chữa cháy ngay tức thời.

Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, chị Lan cho biết: “Mình yếu chỗ nào thì mình phải củng cố chỗ đó. Phải khảo sát kỹ để nắm được nghiệp vụ khách hàng.Tranh thủ ý kiến của những vị khách hàng ủng hộ để thuyết phục những khách hàng chưa đồng thuận. Trao đổi trước nhiều lần với khách hàng về các nội dung chính trong buổi đào tạo để khách hàng hiểu rõ hơn các giải pháp mình đưa ra”.

Là “lão làng” trong việc đào tạo cho khách hàng với 10 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Dương Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ERP cho khối công lập - FPT IS ERP nhớ nhất là lần đào tạo cho một lớp các học viên đến từ khu vực Tây Nguyên.

Tuy nhiên, khó khăn về chuyên môn chưa thấm tháp vào đâu so với kỹ năng “đứng lớp” hay còn gọi là kỹ năng sư phạm. Anh Cường chia sẻ: “Đứng trước một lớp với trên 100 học viên với đủ loại lứa tuổi từ thanh niên đến các cụ sắp về hưu, hướng dẫn họ thực hiện công việc họ làm hằng ngày vài chục năm dưới một hình thức khác thì áp lực đối với giảng viên lớn thế nào. Chỉ cần giảng viên yếu một chút là có thể vỡ khóa đào tạo ngay”.

a

Anh Dương Quốc Cường đào tạo cho khách hàng trong dự án. Ảnh: L.V.

Gần chục cô gái học viên trẻ nhất lớp lên ngồi bàn đầu để “chiếu tướng” và làm đủ mọi cách để trêu thầy để không cho thầy giảng bài trong suốt mấy ngày đào tạo.

Trước đó, anh Cường chủ yếu chỉ được trau dồi một số khóa học chuyên môn liên quan đến nội dung đào tạo mà chưa hề được dạy về kỹ năng sư phạm. Vì vậy, anh Cường liên tục học hỏi mọi lúc mọi nơi và rút ra kinh nghiệm hoàn thiện mình sau mỗi giờ lên lớp.

Bí quyết của anh Cường khi đào tạo chỉ gói gọn trong 3 chữ: Logic - đơn giản - phù hợp văn hóa của học viên. Ngược lại, từ đào tạo cho khách hàng này giúp anh rất nhiều từ kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ đến vốn sống, vốn văn hóa của bản thân.

Thâm niên đào tạo dự án cho khách hàng hơn 2 năm rồi, Hoàng Ngọc Ánh, Cán bộ triển khai tại FPT IS ERP ấn tượng với hai dự án.

Dự án triển khai ERP cho Ngân hàng Quân đội có quy mô toàn quốc nên có nhiều học viên lặn lội từ Cần Thơ, Bình Thuận, Vũng Tàu… ra Hà Nội học. Có chị vừa nghỉ sinh xong, phải để con ở nhà để tham gia khóa đào tạo dài một tuần.

Số lượng học viên đông và nhiều hoàn cảnh khác nhau, ngoài chuyên môn, Ngọc Ánh phải in ấn tài liệu, điểm danh học viên, làm tài liệu đào tạo, chấm bài kiểm tra, xếp lịch đào tạo, làm công tác hậu cần cho khóa đào tạo… Thậm chí, chị phải cài cắm máy móc để đào tạo như một cán bộ công nghệ hay giúp đỡ học viên những việc rất cá nhân.

a

Ngọc Ánh rèn được kỹ năng nói cho cả trăm người nghe mà không cần micro, kỹ năng pha trò, kỹ năng câu giờ cho giáo án bị cháy… sau các khóa đào tạo. Ảnh: L.V.

Với trong dự án nâng cấp hệ thống ERP của FPT, Ánh cũng phải toát mồ hôi với cường độ làm việc của các anh chị học viên là các “key user” của FPT đều giỏi cả về nghiệp vụ, chuyên môn và tư duy. Là khách hàng nội bộ nên các anh chị rất nhiệt tình tìm hiểu và đặt câu hỏi cho giảng viên. 

Ánh thường áp dụng “chiêu”: “Đặt câu hỏi ngược lại cho học viên, đề nghị học viên bất kỳ trả lời câu hỏi mà học viên khác đưa ra, đưa ra một câu trả lời sai khiến tất cả các học viên phản ứng lại để gây sự chú ý”.

Nhưng khó khăn trên không thấm tháp vào đâu với việc nhanh trí xử lý các sự cố xảy ra. Sự cố do hệ thống, đường truyền, phương thức liên lạc, nhiều sự cố đến từ phía khách hàng khiến đội dự án cũng vừa thương, vừa giận, vừa khó xử…

Ánh hóa giải những khó khăn bằng cách chuẩn bị thật kỹ lưỡng và lường trước được các sự cố để có phương án dự phòng. Cộng thêm, thời sinh viên, cô từng cọ xát thuyết trình trước nhiều người nên dạn dĩ và tự tin hơn trước sự cố bất thình lình.

Từ vô vàn khó khăn đó, rèn cho Ánh các kỹ năng xử lý sự cố trên trời dưới bể, kỹ năng sắp xếp công việc đúng lịch, kỹ năng phối hợp nhóm… Đặc biệt là kỹ năng nói cho cả trăm người nghe mà không cần micro, kỹ năng pha trò, kỹ năng câu giờ cho giáo án bị cháy…

Là đơn vị lớn trong FPT IS, FPT IS FSE cũng có mảng đào tạo cho khách hàng. Vũ Việt Phương, Trung tâm tư vấn dịch vụ Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FSE (FPT IS FSE) cũng tham gia mảng đào tạo này với nhiệm vụ của dạy cả khóa học về mạng và bảo mật.

Khó khăn nhất của anh Phương, khách hàng cử đi đào tạo thì lại chưa đủ kiến thức cơ bản để nắm được theo nội dung khá chuyên sâu về các vấn đề cụ thể theo hợp đồng. Thậm chí, công việc của người cử đi tham gia đào tạo còn không liên quan đến nội dung mình đào tạo.

a

Tửu lượng của anh Vũ Việt Phương tăng lên khi đáp lại thịnh tình của mỗi học viên. Để tỏ lòng, mỗi người thường cố gắng mời thầy một cốc sau khi kết thúc khóa học. Ảnh: L.V.

Nắm được nhược điểm đó, anh không quá tập trung vào phần nội dung đào tạo, chỉ dạy những cái cơ bản nhất và cố gắng đưa ra nhiều bài lab cụ thể để học viên nắm được vấn đề kĩ hơn. Ngoài ra, nhắc đi nhắc lại các nội dung quan trọng vào giữa buổi, cuối buổi đào tạo và đầu buổi đào tạo kế tiếp. Thời gian còn lại chia sẻ thông tin theo yêu cầu của học viên.

a

Sau mỗi khóa đào tạo, anh Phương có thêm rất nhiều người bạn. Ảnh: L.V.

Với anh Phương, buổi học không chỉ dừng lại ở truyền đạt kiến thức, quan trọng hơn là tạo được mối quan hệ với khách hàng. Sau đó, trong quá trình triển khai sẽ được khách hàng hỗ trợ tốt hơn.

Ngoài kỷ niệm trên lớp, các buổi giao lưu tổng kết khóa đào tạo cũng là dấu ấn đáng nhớ với anh Việt. Nhờ đó, tửu lượng của anh tăng lên khi đáp lại thịnh tình của mỗi học viên, để tỏ lòng mỗi người thường cố gắng mời thầy một cốc.

Đào tạo khách hàng là một giai đoạn rất quan trọng để cán bộ đào tạo chỉ ra cho khách hàng kết quả công việc sau một quá trình dài hai bên đã cùng nhau phân tích, xây dựng. Đồng thời, đây cũng là giai đoạn để khách hàng làm quen với hệ thống. Qua đó, hai bên cùng nhìn lại những giải pháp đã xây dựng để có những điều chỉnh hợp lý (nếu có), chuẩn bị cho giai đoạn khách hàng kiểm thử và vận hành hệ thống.

Lưu Vân

Ý kiến

()