Chúng ta
Thứ ba, 20/8/2024 | 13:57 GMT+7

Hành trình một thập kỷ thay đồng đội 'bên con'

"Cùng bố mẹ bên con" đã đi được chặng đường 10 năm, trở thành ngọn đuốc ấm áp, thắp sáng cuộc đời của những em nhỏ có bố hoặc mẹ làm việc tại FPT không may mất sớm. Với sự đồng hành của hàng vạn trái tim người FPT, các em luôn được chở che, yêu thương và lớn lên cùng sự trường tồn của Tập đoàn.

Hành trình một thập kỷ thay đồng đội 'bên con' 

"Cùng bố mẹ bên con" đã đi được chặng đường 10 năm, trở thành ngọn đuốc ấm áp, thắp sáng cuộc đời của những em nhỏ có bố hoặc mẹ làm việc tại FPT không may mất sớm. Với sự đồng hành của hàng vạn trái tim người FPT, các em luôn được chở che, yêu thương và lớn lên cùng sự trường tồn của Tập đoàn.

Nhìn con gái chạy nhảy tung tăng khi lần đầu trong đời được đi ra nước ngoài trong chương trình do dự án “Cùng bố mẹ bên con” tổ chức, chị Trần Ngọc Mai (mẹ của Mai Chi) rưng rưng với nhiều cảm xúc khó tả.

Siết tay chị Trương Thị Thanh Thanh (Giám đốc Trách nhiệm xã hội FPT, Chủ tịch Quỹ Hy vọng), chị Mai tưởng chừng như bật khóc. “Chắc chị không nhớ em…”. Câu nói ấy mở ra kí ức của 6 năm về trước, khi chị Thanh Thanh và đoàn FPT đến thăm gia đình chị Mai. Lúc đó, bé Chi mới có 18 tháng tuổi. Một tay chị bồng con gái, nép sau lưng là cậu con trai cũng mới hơn 5 tuổi, phía trên là ban thờ còn nghi ngút khói hương của người chồng vừa mất. Hoàn cảnh éo le đến cùng cực ấy vẫn khiến chị Mai đau lòng khi nhớ lại.

“Hôm đó là 49 ngày của anh. Vừa thấy anh chị là em đã oà khóc, các anh chị cũng khóc”. Mất đi chỗ dựa, trụ cột của cả gia đình, khiến chị Mai vừa kiệt quệ về tinh thần, vừa nơm nớp nỗi lo kinh tế. Phúc Lâm sắp sửa vào lớp 1, Mai Chi thì ốm yếu, quấy khóc. Tiền sữa, tiền thuốc… đè nặng lên vai chị. Có những lúc, chị Mai tưởng mình không vượt qua được, nhưng vì con, chị phải gắng bước tiếp. Gặp lại chị Thanh Thanh, bao nhiêu kí ức năm đó ùa về.

“Suốt 6 năm qua, FPT vẫn luôn nhớ đến 3 mẹ con em, là chiếc phao tinh thần và cả vật chất, giúp gia đình em vượt qua phần nào cú sốc và nỗi đau quá lớn…”. Cái nắm tay chặt hơn, chị Trương Thị Thanh Thanh cũng nghẹn ngào. Mai Chi - đứa bé ngày nào giờ đã lớn hơn từng ngày, vui đùa, chạy nhảy và tò mò với thế giới mới lạ. Nỗi đau tạm gác lại, nhường chỗ cho một cánh cửa mới với nhiều hy vọng.

Cũng bước ra từ mất mát, cô bé Trịnh Nhật Vân Nhi (12 tuổi) đang dần khôn lớn, trong vòng tay yêu thương của hàng triệu trái tim ấm áp FPT. Tuổi thơ của Vân Nhi cũng in đậm tình cảm của ‘các cô chú áo cam’ đến thăm nhà. Ký ức ấy được tô điểm hơn với hành trình khám phá nước ngoài.

Chuyến đi Singapore và Malaysia đã qua, nhưng cô bé vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi. Bao nhiêu kí ức đẹp cứ ùa về, khiến cô bé chỉ mong trời nhanh sáng để sang kể với đám bạn trong xóm.

Cảm xúc ấy giống hệt 2 năm trước đây, khi cô bé được các cô chú FPT đưa ra thành phố Đà Nẵng chơi. Vân Nhi lần đầu được đến thành phố biển miền Trung, lần đầu được xem cầu Rồng phun lửa, đi chơi phố cổ Hội An, ăn những món ngon xứ Quảng. Đặc biệt, cô bé còn vinh dự trở thành Đại sứ Hy vọng, tham gia giải chạy FPT 35 năm - Dấu chân Hạnh phúc với hơn 3.500 VĐV là CBNV FPT, người thân và những người yêu thể thao trên toàn quốc.

Cô bé mãi không quên cảm xúc khi hoàn thành cự ly 3.5km, được cô chú FPT nắm tay bước qua vạch đích. Đây là lần đầu tiên trong đời em tham gia một giải chạy. Hãnh diện và tự hào. Tấm huy chương của giải năm đó vẫn được treo trang trọng ở kệ sách, gần bàn học tập - như một ký ức thật đẹp của tuổi thơ. Lần này, trên kệ sách ấy còn có một cuốn tập - là món quà mà cô chú FPT Asia Pacific tặng các bé khi đến thăm trụ sở. Cuốn tập ấy đặc biệt bởi cô bé đã dùng để ghi chép lại toàn bộ hành trình ở Singapore và Malaysia, những điều mới lạ, những câu chuyện thực tế mà cô bé học được.

Không còn gương mặt ủ rũ đứng nép sau cánh cửa mỗi khi có người lạ đến chơi nhà, Vân Nhi nay tự hào đã được ra tận nước ngoài. Tự tin chào hỏi, làm quen bằng tiếng Anh với những người bạn ngoại quốc.

Sự thay đổi rõ rệt sau mỗi chuyến đi “Cùng bố mẹ bên con” cũng thấy ở cô bé Nguyễn Lê Vân (10 tuổi). Cô bé đã học được cách tự đi ngủ đúng giờ, rèn luyện tính tự giác… Hơn hết, bé Vân đã có thêm nhiều bạn mới, giúp cô bé nói chuyện nhiều hơn, không còn rụt rè khi thấy người lạ. Chuyến đi ra nước ngoài vừa qua còn giúp Vân quyết tâm hơn về việc học ngoại ngữ.

Nhìn lại hành trình ấy, chị Dung, mẹ bé Vân lại thầm biết ơn vì luôn có sự đồng hành của người FPT. Tập đoàn đã không quên mẹ con chị, luôn đồng hành giúp gia đình có thêm hy vọng vào tương lai.

Hồi tưởng về những ngày đầu “Cùng bố mẹ bên con ra đời”, chị Trương Thị Thanh Thanh vẫn bồi hồi, xúc động. 10 năm trước, khi nhận những thông tin có CBNV FPT không may qua đời vì tai nạn, chị Thanh lại thẫn thờ. Với chị, đó là niềm xót thương khó nói thành lời. Thi thoảng, chị lại nhận được tin một người đồng đội FPT ra đi. Chị chậm lại một chút rồi trầm tư: “Có những bạn đang đi kéo cáp quang, trên đường về thì gặp tai nạn; có những bạn ở nước ngoài phát hiện ung thư, vẫn cố làm xong dự án rồi mới về Việt Nam chữa bệnh, vài tháng sau thì mất. Cũng 10 năm trước, một nữ đồng nghiệp sau khi nghỉ sinh, ngày đầu tiên đến FPT Tân Thuận làm việc trở lại thì gặp tai nạn, ra đi mãi mãi…”.

“Bất kì người đồng đội nào mất đi cũng đều xót xa, và mình cảm thấy FPT nợ các bạn. Vì các bạn đã góp công sức, đổ mồ hôi và cống hiến vì công ty”, chị Thanh giãi bày về mục đích ‘Cùng bố mẹ bên con ra đời’, để ‘trả nghĩa’ những người đồng đội kém may mắn.

21 năm trước, CLB Trường tồn ra đời với khát khao đưa con em FPT được học ngoại ngữ, được đi ra nước ngoài học tập, thì năm 2014, CLB Trường tồn có thêm sứ mệnh mới mang tên “Cùng bố mẹ bên con”. Với sứ mệnh bù đắp phần nào mất mát, chị Thanh và những cộng sự đã có hàng loạt chuyến đi từ Bắc chí Nam. Ngày đó, đường xá còn trở ngại, có những trường hợp chồng là người FPT không may mất đi, để lại vợ làm công nhân, một mình với đứa con nhỏ. Căn phòng trọ nằm sâu trong nhiều con hẻm, chiếc xe máy chỉ vừa lọt, trên là mái tôn xập xệ… nhìn hoàn cảnh mà cả đoàn không kìm lòng được. Vừa nhìn thấy đoàn áo cam FPT, chị vợ oà khóc nức nở… đó là những hồi ức mà chính chị cũng không bao giờ quên. Và cũng là “sứ mệnh” để ‘Cùng bố mẹ bên con’ bền bỉ đi tiếp.

Cứ thế, những chuyến đi cứ kéo dài, “chớp mắt” đã 10 năm. Chị Trương Thị Thanh Thanh cũng không nghĩ, dự án đã đi được hành trình dài với đầy ắp yêu thương như thế. Hàng năm, Cùng bố mẹ bên con sẽ đến thăm các gia đình, tặng quà cho FPT Small. Đều đặn và không thiếu một trường hợp nào, dù ở xa đến đâu, tất cả con của người FPT không may mất sớm đều nhận được quà cho đến hết 15 tuổi. Ngoài hỗ trợ tiền mặt được trích từ Quỹ Trường tồn, người FPT cũng vận động chung tay mua thêm sách vở, đồ dùng học tập hay là những chiếc cặp sách, áo ấm… dành tặng các em.

10 năm với đầy ắp yêu thương. Chuyến đi Singapore và Malaysia vừa qua, chị Thanh nhận được sự gửi gắm 2 đứa con nhỏ của mình “nhờ các cô chú FPT dẫn các con đi ra nước ngoài”. 5 năm trước, bố của Bảo Châu và Khánh Linh không may bị đột quỵ khi đang làm việc tại FPT Singapore. Tuy đã 5 năm trôi qua, nhưng gia đình vẫn chưa nguôi ngoai nỗi mất mát. Chị Trương Thị Thanh Huyền, mẹ của hai bạn nhỏ, xúc động nhắn nhủ: “Thực sự em không đủ dũng cảm để quay lại Singapore - nơi anh ấy mất. Nhờ các chị dẫn hai con sang thăm lại nơi bố đã từng làm việc”. Nói đến đây, cả đoàn ai cũng rưng rưng. Khởi hành bằng chính những yêu thương đó, 2 bạn nhỏ được đồng nghiệp cũ của bố đón với thật nhiều tình cảm, kể lại những câu chuyện kỷ niệm, về người bố đã khuất.

Đồng hành với dự án từ ngày đầu thành lập, chị Trần Thị Thu Hà, Chủ tịch Công đoàn FPT chia sẻ thêm, người FPT chăm lo các con rất sát sao chứ không chỉ đến thăm hỏi và tặng quà hàng năm. Nếu các con mắc bệnh hiểm nghèo, chương trình sẽ hỗ trợ khẩn cấp chỉ trong vòng 5 phút sau khi tiếp nhận thông tin từ phía CTTV, số tiền sẽ được chuyển về tài khoản. Việc hỗ trợ khi mắc bệnh hiểm nghèo cũng dành cho tất cả con của CBNV FPT.

Chị Hà cũng chia sẻ thêm: “Công tác này được thực hiện nhanh chóng và chu đáo trong nhiều năm qua nhờ sự chung tay của hàng vạn trái tim người FPT, với mong muốn san sẻ mất mát của con trẻ và gia đình những CBNV kém may mắn. FPT còn tổ chức các hoạt động giao lưu, gắn kết trong những sự kiện đặc biệt của công ty. Bằng tinh thần đồng đội và lòng nhân ái, sẽ tài trợ giải thưởng cho các cuộc thi hàng năm của FPT Small cấp Tập đoàn. Mọi hoạt động của chương trình đều được chăm chút để có hiệu quả tối đa cho các cháu, nhằm giúp cho các cháu có phát triển tốt về sức khỏe trí tuệ và tâm hồn.

Thắp nén nhang thơm cho người đồng nghiệp đã mất, anh Lê Chí Cường (FPT Software) ngậm ngùi, nhớ về những hồi ức khó quên, về khoảnh khắc nhận được tin người đồng nghiệp mới sáng nào còn ngồi chung khoang làm việc, bỗng rời xa vĩnh viễn sau một tai nạn.

Đồng nghiệp ra đi, để lại vợ và cô con gái lúc đó mới 8 tuổi. Bé Nguyễn Lê Vân còn quá non nớt, cứ khóc đòi bố, túm chặt lấy vạt áo của mẹ mỗi khi thấy người lạ. Nhìn cảnh ấy khiến anh Cường và những đồng nghiệp khác lúc nào cũng đau đáu. Cũng từ đó, anh biết đến ‘Cùng bố mẹ bên con’ và đồng hành với dự án suốt nhiều năm qua. Với anh, chương trình đã cho anh sợi dây kết nối với gia đình đồng đội cũ.

Anh Nguyễn Lê Hưng (FPT Software) cũng đều đặn tham gia hoạt động thăm và tặng quà bé Nguyễn Lê Vân. Nhìn cô bé trưởng thành hơn mỗi ngày, dạn dĩ và hiếu động hơn so với trước, anh Hưng phần nào cũng thấy nhẹ bớt gánh nặng trong lòng. Với anh, giá trị lớn nhất mà chương trình mang lại đó là tính nhân văn và tình người, thể hiện rõ giá trị cốt lõi "Đồng đội" của FPT.

“Việc đồng hành cùng các con đến khi tròn 15 tuổi là một sự quan tâm lâu dài, bền vững. Sau mỗi chuyến đi, mình như nhận lại một món quà tinh thần to lớn. Vui khi nhìn thấy bé Vân lớn lên mỗi ngày, thấy ấm lòng khi nhớ về đồng đội cũ, xen lẫn đó là niềm hạnh phúc và tự hào về một nơi làm việc giàu tình thương, lòng nhân ái như FPT”, anh Hưng bồi hồi chia sẻ.

Mặc dù chưa lập gia đình nhưng chị Trương Thị Thuỳ Dung (FPT Software) khi biết về dự án cũng cảm thấy được tăng thêm động lực, an tâm gắn bó lâu dài với FPT. “Bố mẹ mình đang rất tự hào khi có con gái làm việc tại FPT. Còn mình thì tự hào vì mình được làm việc tại một nơi mà không chỉ bản thân mình mà bố mẹ, con cái cũng được hưởng những sự chăm sóc rất chu đáo”, Dung tâm sự.

Nhắc đến “Cùng bố mẹ bên con”, chị Nguyễn Khoa Diệu Hiền (FPT Telecom) lúc nào cũng say sưa kể về những câu chuyện mà chị đã đồng hành với dự án. Chị Hiền đã đồng hành với chương trình hàng chục năm nay. Theo chị, đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa nhất và sát với tên gọi của Quỹ Trường tồn. Chương trình không chỉ giúp giảm bớt nỗi đau của các con, mà hơn thế là sự chung sức, thay đồng nghiệp không may lìa trần khi vẫn đau đáu con còn thơ bé.

Chị Hiền nhớ hết tên của các cháu của nhà “Cáo” thuộc chương trình, xúc động khi thấy các con mỗi năm lại chững chạc và trưởng thành hơn năm trước. Chị luôn coi các bạn nhỏ và gia đình như những người thân của mình. “Sau mỗi chuyến đi, tôi lại tự hào hơn với một tổ chức nơi mình may mắn được làm việc, được cống hiến, nơi tình cảm đồng đội đã gần như là tình thân đong đầy”.

Chúng ta

Thiết kế: Khôi Phạm

Ý kiến

()
 
Tags: