Lần đầu tiên tham dự Hội thảo giáo dục FPT Educamp, anh Lê Ngọc Tuấn đã có những chia sẻ thú vị về chủ đề “Học về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cho người trẻ”. Anh cho biết, chủ đề mình chọn "rộng và khá phức tạp" nhưng anh tiếp cận nó ở khía cạnh những việc cần làm để tạo động lực tìm hiểu về CNTT cho giới trẻ, để họ sẵn sàng trước những cơ hội và thách thức mà Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đem tới..
Anh Lê Ngọc Tuấn - Trưởng phòng IoT (Ban Công nghệ FPT). |
Từ những sự kiện lớn tham gia cùng các bạn trẻ như hội thảo công nghệ dành cho 2.000 kỹ sư toàn thế giới; đưa học sinh THPT FPT dự thi Olympic robot quốc tế FIRST Global; đồng hành cùng sinh viên ĐH FPT trong “Cuộc đua số” năm 2016… Điều anh nhận ra sau những trải nghiệm này là người trẻ Việt Nam có niềm yêu thích không nhỏ với lĩnh vực CNTT.
"Với sức mạnh số trong tay, họ có nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp trong tương lai", anh Tuấn nhận định.
Nhưng FPT Under 35 năm 2017 cũng cho hay: "Nhiều sinh viên khi mới tiếp cận lập trình, code, thường bị ngợp và cảm thấy khó khăn. Trong khi ở nước ngoài, học sinh, sinh viên thậm chí là trẻ em bắt đầu được tiếp cận những công nghệ này từ khi còn rất nhỏ. Thông qua các hoạt động thực tế, trò chơi, các em sẽ dễ cảm thấy yêu thích lập trình".
Ở Việt Nam, có một số tổ chức đang phát triển các dự án giúp nâng cao kỹ năng tự học và niềm yêu thích CNTT như FabLab Hà Nội, Maker Hà Nội… Tham gia vào các dự án này, học sinh, sinh viên, thậm chí là người đã đi làm đều có thể tìm thấy những kiến thức thú vị về lập trình, robot… dần dần tạo động lực và niềm yêu thích công nghệ cho mình.
"Đây có thể là bước khởi đầu để các bạn trẻ tự tin bước vào cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, tự học và trải nghiệm với một nền tảng kiến thức vững chắc", anh Tuấn chốt lại phần tham luận của mình.
Cùng trình bày về chủ đề "e-Learning vẫn còn sớm tại Việt Nam?", hai diễn giả là Nguyễn Đình Khiêm (Giám đốc Công nghệ giáo dục, Đại học Thành Tây) và TS. Trần Vũ Hùng (Giám đốc Công nghệ giáo dục, iSmart Education) đã có những chia sẻ thẳng thắn về ưu/nhược điểm của e-Learning và những xu hướng, mô hình tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Theo nhận định của anh Nguyễn Đình Khiêm, e-Learning là xu thế không thể chối bỏ. Ưu điểm của nó là người học có thể học mọi lúc và mọi nơi, tiết kiếm được chi phí và thời gian. Đây là phương thức học tập linh hoạt, tối ưu và nhất quán nội dung truyền tải. Phương thức này được sự hỗ trợ của công nghệ giúp hệ thống hoá việc đánh giá tiến độ, phân tích dữ liệu và giải đáp thông tin.
"Tuy nhiên, nhược điểm của phương thức này chính là thiếu đi yếu tố cảm xúc và không gian, hạn chế sự tương tác trực tiếp giữa người dạy và người học. Để có thể áp dụng được phương thức này, phụ thuộc nhiều vào sự chủ động của sinh viên", anh Khiêm nói.
Anh Nguyễn Đình Khiêm (ngoài cùng bên phải) và TS. Trần Vũ Hùng (giữa) |
Theo hai diễn giả, e-Learning là một xu hướng của thế giới với nhiều chương trình học nổi tiếng như Coursera, Edx, Khanacademy... dạy kỹ năng qua Youtube, các khoá học trực tuyến về từng chuyên đề và kỹ năng cụ thể không đòi hỏi bằng cấp. Tại Việt Nam, các chương trình đại học trực tuyến như FUNiX, Topica... đã áp dụng phương thức eLearning vào giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, yếu tố then chốt vẫn phụ thuộc vào tính tự giác và động lực của người học.
Cũng trong phiên trình bày buổi sáng, nhiều diễn giả đã lựa chọn bài tham luận liên quan đến chủ đề "Trải nghiệm". Có cơ hội được sống và làm việc tại Cần Thơ, anh Trần Vũ Quang mang đến “Câu chuyện trải nghiệm của sinh viên miền Tây”. Theo anh, tâm lý vùng miền ảnh hưởng rất nhiều tới sinh viên. Tại nơi anh công tác, sinh viên rất ngại nói lên chính kiến và ngại đấu tranh cho ý kiến của mình.
Theo thống kê của phòng Công tác sinh viên (CTSV), với mỗi lớp sĩ số 30 sinh viên có từ 3-6 sinh viên gặp vấn đề về mặt giao tiếp. Nguyên do phụ thuộc vào yếu tố tâm lý và những kỹ năng sống mà sinh viên còn thiếu khi bước vào môi trường mới. Có trường hợp sinh viên gặp bế tắc về việc xử lý các vấn đề tâm lý đã dẫn đến những hành động tiêu cực khó kiểm soát.
Anh Trần Vũ Quang, người có kinh nghiệm về giải quyết các vấn đề tâm lý của sinh viên, đưa ra ý kiến mỗi trường đại học cần có một bác sĩ tâm lý. |
Để giải quyết bài toán này, anh Quang đề xuất mỗi trường đại học nên có chuyên gia tâm lý về tâm lý học đường. Hiện anh cùng các đồng nghiệp thuộc bộ phận CTSV đang nỗ lực xây dựng nhiều chương trình ngoại khóa đề cao hoạt động trải nghiệm, tạo điều kiện cho sinh viên được va chạm và gắn kết với nhau nhiều hơn.
Cũng trong chủ đề trải nghiệm, anh Võ Ngọc Hiền - ĐH FPT HCM - đã đặt ra một câu hỏi trong tham luận "Đi nước ngoài học hay đi học nước ngoài”. Anh Hiền định nghĩa: “Học ở nước ngoài hay đi du học tạm gọi là đi học nước ngoài. Còn ra nước ngoài để học những điều hay, tham gia các chương trình có cơ hội ra nước ngoài, tạm gọi là đi nước ngoài học".
Đưa ra những phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức khi sinh viên tham gia hai hìn thức học tập này, bài tham luận của anh giúp ngời tham dự có những thông tin thiết yếu để lựa chọn phương pháp học tập phù hợp.
Bàn về những phương pháp làm tăng sự hứng khởi của sinh viên trong lớp học (Activites to boost student engagement), giảng viên La Thị Cẩm Tú - cán bộ khoa Quản trị kinh doanh ĐH FPT - đã mang tới không khí sôi nổi, tươi mới cho buổi Hội thảo. Mở đầu bằng một trò chơi mang tên "Ballon Game", chị đã truyền đạt thông điệp về đàm phán phía sau một hoạt động tâp thể vui nhộn.
Chị Tú cho biết, đây là một trong những phương pháp chị thường sử dụng trong việc giảng dạy hàng ngày. Nắm được tâm lý thích học theo phương pháp ứng dụng và thực hành bài học của sinh viên, chị đã đưa ra một số phương pháp sáng tạo trong việc kích thích khả năng học tập của sinh viên.
Một số phương pháp như mô phỏng đóng vai, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề thông qua các tình huống thực tế, kết hợp học online và offline... được chị Cẩm Tú giới thiệu và đưa ra các dẫn chứng cụ thể.
Chia sẻ về "Các phương pháp học tập chủ động", anh Doãn Trung Tùng, giảng viên ĐH Greenwich (Việt Nam), cho biết, sinh viên hiện nay học tập rất thụ động. Phân tích kim tự tháp học tập dựa trên nghiên cứu tại Mỹ, anh chỉ ra số liệu kiến thức mà sinh viên thu nhận dựa trên phương pháp học thụ động và phương pháp học chủ động.
"Khi sinh viên càng chủ động thì khả năng tiếp thu bài càng cao. Để sinh viên chủ động, giảng viên phải hướng sinh viên làm trung tâm, đưa ra các mức yêu cầu/kỳ vọng ở sinh viên", anh Trung cho biết.
Nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp giảng dạy giúp sinh viên chủ động ngay tại lớp học của mình. Anh Trung nhận được các kết quả khả thi, từ mức sinh viên đưa ra được quan điểm cá nhân tới mức cao nhất là sinh viên tự giải quyết những vấn đề chưa được dạy.
FPT EduCamp là hội thảo mở được FPT Edu tổ chức hằng năm nhằm kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FPT Edu nói riêng. Năm thứ ba, FPT EduCamp tập trung vào chủ đề “Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục". Năm 2014 và 2015, các chủ đề của EduCamp lần lượt là "Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa", "Vận hành tổ chức giáo dục". EduCamp năm nay có 4 chủ đề thảo luận chính gồm: Phương pháp dạy học; Phương pháp học tích cực; Trải nghiệm và Hệ thống hỗ trợ, quản lý việc tự học của sinh viên. Sau các phiên toàn thể với sự tham gia chia sẻ của PGS. TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội (buổi sáng), và Phó Giám đốc phụ trách quản lý và phát triển của Singapore Polytechnic Soh Kim Fai, diễn giả cùng người tham dự đã tham gia các phần tham luận với thời lượng 30 phút/phiên, được tổ chức đồng thời ở 6 phòng hội thảo. |
Đức Anh - Hậu Đặng
Ý kiến
()