Chúng ta

‘FPT tiếp thêm cho em động lực học tập, trưởng thành’

Thứ năm, 12/3/2020 | 14:32 GMT+7

Vũ Công Minh (sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự) chưa từng nghĩ rằng việc tham gia một cuộc thi do FPT tổ chức đã mở ra cho cậu một cánh cửa tương lai hoàn toàn khác. Không chỉ Minh, trong hơn 30 năm qua, rất nhiều người đã trưởng thành từ những sân chơi do FPT kiến tạo. 

Sau khi cuộc thi Cuộc đua số mùa 3 kết thúc, Minh cùng 3 người bạn trong đội MTA-R4F lên đường sang Mỹ để bắt đầu chuyến đi đặc biệt: hành trình trải nghiệm số. Đây là chuyến đi do chính BTC cuộc thi dành tặng riêng Quán quân Cuộc đua số mùa 3.

Minh và các bạn đã có rất nhiều trải nghiệm thú vị. Tại Mỹ, các chàng trai trẻ được tận mắt chứng kiến ứng dụng công nghệ hiện hữu khắp mọi nơi, như trong mua sắm, đi lại, quản lý thành phố,... Nhờ có hành trình đặc biệt, Minh được trải nghiệm với Amazon Go (cửa hàng tiện lợi tính tiền hoàn toàn tự động), xe Tesla model X (xe điện với khả năng tự lái), các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt, xe đạp điện,… Tất cả đều được đặt qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Không chỉ vậy, Minh còn đi thăm một số bảo tàng khoa học tại Los Angeles, thăm đài quan sát thiên văn trên ngọn đồi Hollywood. Nhóm được xem các công nghệ của tàu con thoi và được trao đổi với những người trực tiếp tham gia đội phát triển tàu con thoi từ trước.

Chuyến khám phá ở xứ sở Cờ Hoa thêm phần thổi bùng ngọn lửa đam mê công nghệ trong trái tim những chàng trai trẻ. Được đi Mỹ hoàn toàn miễn phí ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường, được đặt chân tới những nơi “tinh hoa công nghệ” của nhân loại là một ước mơ không chỉ của riêng Minh mà còn của rất rất nhiều thanh niên Việt Nam.

“Sau Cuộc đua số, chúng em được cải thiện và tiếp xúc với rất nhiều kiến thức, công nghệ mới. Danh hiệu quán quân Cuộc đua số cũng là động lực để cả đội học tập và làm việc chăm chỉ hơn”, Lại Tiến Đệ, đội trưởng MTA-R4F, hồ hởi nói.

Minh cũng như Đệ, là 1 trong 12 người xuất sắc từng được BTC Cuộc đua số tài trợ chuyến đi tới Mỹ và Nhật Bản. Đó cũng chính là tham vọng của FPT: mang trí tuệ Việt ra biển lớn, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới. Họ cũng là 1 trong hơn 3.000 sinh viên đã được hưởng những giá trị mà Cuộc đua số mang lại. Với 3.000 sinh viên, đồng nghĩa 5% sinh viên hàng đầu các trường đại học tại Việt Nam được tiếp cận kiến thức, quy trình làm AI. Trong đó có gần 400 thí sinh được hỗ trợ thực hành, tiếp cận xe mô hình 1/7 từ các vòng bán kết.

Quan-quan-Cuoc-dua-so-mua-3-tai-My.jpg

Đội MTA - R4F ghé thăm trụ sở Facebook tại thung lũng Silicon, California, Mỹ. Ảnh: Lê Ngọc Tuấn

Trước đó, bắt đầu từ năm 2013, FPT đã tổ chức cuộc thi S.M.A.C Challenge về lập trình robot, tạo điều kiện cho gần 2.000 sinh viên Việt Nam tiếp cận với những bài toán mà các “ông lớn” nền công nghệ thế giới đang giải quyết. Tương tự Cuộc đua số, sân chơi này giúp sinh viên được thể hiện ý tưởng công nghệ của chính mình, được đào tạo trực tiếp bởi chính các kỹ sư lập trình cao cấp của FPT.

Tại Việt Nam, FPT là một trong số ít các doanh nghiệp công nghệ đã đầu tư lâu dài, bền bỉ để tạo sân chơi công nghệ cho giới trẻ. Hơn 3 thập kỷ qua, FPT đã tổ chức nhiều cuộc thi công nghệ dành cho học sinh, sinh viên, như: "Mobile Lab" (2008 - 2009), "Mobile Robot Challenge" (2013), "S.M.A.C Challenge" (2013 - 2015), "Cuộc đua số" (từ 2016 đến nay)...

Mở màn cho những sân chơi công nghệ của FPT là Trí Tuệ Việt Nam. Đầu năm 2000, sau cuộc khủng hoảng bong bóng Dot-com, nền công nghệ thế giới chuyển mình bước sang một trang mới. Thởi điểm đó, FPT đã tổ chức cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam để khích lệ tinh thần nghiên cứu công nghệ của sinh viên nước nhà. Quán quân Trí Tuệ Việt Nam 2001 là anh Vương Vũ Thắng với sản phẩm Hệ thống trao đổi thông tin trực tuyến. Thấm thoát đã 20 năm, chàng trai trẻ tài năng ngày nào giờ đã trở thành ông chủ của một “đế chế” công nghệ không nhỏ tại Việt Nam - VCCorp. Cùng với Thắng, nhiều thí sinh cũng đã trưởng thành sau Trí Tuệ Việt Nam, tạo dựng những doanh nghiệp lớn, có đóng góp tích cực vào nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với các cuộc thi, hàng năm, FPT cũng trao các học bổng Nguyễn Văn Đạo, học bổng FYT cho học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, nhằm tìm kiếm và trau dồi kỹ năng, bồi dưỡng nhân tài đất nước. 

Gần đây nhất, tháng 8/2019, FPT ra mắt Hệ thống học trực tuyến sử dụng trí tuệ nhân tạo VioEdu. VioEdu mang đến cơ hội học tập hiệu quả bằng các ứng dụng công nghệ cao cho hàng triệu học sinh trên mọi miền Tổ quốc.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bắt đầu xuất hiện và có diễn biến phức tạp tại Việt Nam từ đầu năm nay. Ngay lập tức, FPT đã nhanh chóng mở miễn phí toàn bộ hệ thống VioEdu để hỗ trợ học sinh, giáo viên, trường học toàn quốc duy trì việc dạy và học. Tính đến nay, VioEdu đã phủ rộng tới 63/63 tỉnh thành, 15.000 trường có học sinh sử dụng hệ thống để dạy và học trực tuyến và hơn 80 triệu lượt câu ôn luyện được thực hành trên hệ thống. Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng nói chung và ngành Giáo dục và Đào tạo nói riêng, mới đây, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo đã quyết định tặng Bằng khen cho Hệ thống giáo dục trực tuyến VioEdu.

Hoc-sinh-vioedu-4641-1583754108.jpg

Trong thời gian ngắn, rất nhiều học sinh cả nước đã đăng ký tài khoản và học tập trên VioEdu mỗi ngày. Ảnh: VioEdu

Công cuộc phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đã được FPT quan tâm từ rất sớm. Năm 1989, chỉ 1 năm sau khi thành lập tập đoàn, trung tâm đào tạo tin học đầu tiên của FPT đã được ra đời dưới sự quản lý của anh Nguyễn Hoài Phương, sau đó là anh Bùi Việt Hà. Trải qua hơn 3 thập kỷ, hành trình phát triển nguồn nhân lực của FPT sẽ còn tiếp tục với nhiều hơn các dự án, hoạt động nâng đỡ, tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho thanh thiếu niên nước nhà.  

Phát triển nguồn nhân lực là một trong 5 giá trị cốt lõi mà nhà F hướng tới cộng đồng trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, gồm có: Phát triển nguồn nhân lực, Giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp và xã hội, Sẻ chia cộng đồng; Xây dựng môi trường bền vững; Giúp đỡ cộng đồng nội bộ.

Ngày "FPT vì cộng đồng" là hoạt động thường niên của FPT, tổ chức nhắm nâng cao nhận thức hướng đến cộng đồng của từng cán bộ, nhân viên đang làm việc trong tập đoàn.

Từ năm 2010, FPT chọn ngày 13/3 là "Ngày FPT Vì cộng đồng" để mỗi cán bộ, nhân viên tham gia đóng góp một phần nhỏ bé cho xã hội bằng những hành động cụ thể. Trong 9 năm qua, FPT đã chọn các chủ đề ý nghĩa cho ngày 13/3 như: "Chia sẻ nỗi đau, mang lại nụ cười"; "Tặng nụ cười - Trao hạnh phúc"; "Chung tay góp sách, chắp cánh ước mơ"; "Tôi tử tế",… Năm nay, sự kiện FPT Vì cộng đồng bước sang năm thứ 10.


Khánh Linh

Ý kiến

()