Chúng ta

FPT Software liên tục ‘nã’ câu hỏi, FPT IS xoáy thẳng vấn đề

Thứ năm, 9/1/2020 | 18:23 GMT+7

Với hàng loạt câu hỏi sắc sảo, màn phản biện kéo dài 10 phút giữa đại diện hai đội sản phẩm akaBot và FPT.Fortuna đã đốt nóng bầu không khí, trở thành điểm nhấn của đêm chung kết iKhiến 2019.

Kết thúc phần trình bày kéo dài 20 phút, nhà Phần mềm và Hệ thống lập tức bước vào màn tranh biện. Đây được coi là giây phút kịch tính nhất chung kết khi hai đội phải liên tục đặt câu hỏi và trả lời cho đối phương trong thời gian 10 phút.

playoff-3-6123-1578561608.jpg

Hai đội Phần mềm và Hệ thống có cuộc chạm trán nảy lửa tại đêm chung kết iKhiến 2019

Ở lượt trận thứ nhất, Phạm Minh Tuấn và Mỵ Duy Long - nhóm tác giả FPT.Fortuna - đảm nhận vị trí phòng thủ, tiếp nhận và trả lời các câu hỏi từ thành viên đội dự án akaBot. Bầu không khí lập tức bị đốt nóng khi đội nhà Phần mềm liên tục tấn công với các câu hỏi về đăng ký bản quyền thương hiệu, tốc độ kỹ thuật...Thậm chí, thành viên đội akaBot không đợi anh Tuấn diễn giải mà thẳng thừng cắt ngang câu trả lời.

Lần đầu tiên tham gia đối kháng tại chung cuộc iKhiến, đại diện từ FPT IS không nao núng trước hàng loạt câu hỏi dồn dập của đội bạn. Trong 5 phút, nhà Phần mềm liên tục đặt  7 câu hỏi cho các vấn đề về FPT.Fortuna. Các câu hỏi đặt ra phủ khá rộng, từ khách hàng, thị trường đến kỹ thuật sáng tạo của FPT IS.

Sau nửa số câu hỏi, nam thành viên đội akaBot gây khó cho 2 tác giả nhà Hệ thống khi đánh vào điểm hạn chế liên quan đến xử lý dữ liệu của FPT.Fortuna. Trả lời câu hỏi: “Theo chúng tôi hiểu FPT.Fortuna cần customized (khách hàng hóa) phần mềm đối với mỗi khách hàng khác nhau?”, Phạm Minh Tuấn đã khéo léo chỉ ra câu chuyện xử lý dữ liệu phụ thuộc nhiều vào domain (tên miền) của khách hàng. Do đó, việc ứng dụng FPT.Fortuna cho khối chính phủ và doanh nghiệp sẽ khác biệt, cần có thời gian tiếp hoàn thiện.

playoff-4-8046-1578561608.jpg

Phạm Minh Tuấn không tỏ ra lo lắng trước hàng loạt câu hỏi tấn công từ phía đội bạn

Vào những phút cuối, Tuấn và Long bất ngờ lật ngược thế cờ tại câu hỏi về đối tượng khách hàng và thị trường. Anh Tuấn khéo léo vừa tấn công vừa phòng thủ khi chỉ rõ sản phẩm hiện tại không có đối thủ tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, akaBot phải giải quyết bài toán tranh giành thị trường với nhiều sản phẩm tương tự. Câu trả lời này của đội nhà Hệ thống nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả.

Nhận xét về phần phòng thủ của đội FPT IS, anh Bùi Đình Giáp đánh giá cao đội bạn “Cảm ơn đội FPT.Fortuna đã cùng tung hứng để có một cuộc thi rất 'đã'. Các bạn là đối thủ mạnh, là một đội đúng nghĩa làm sản phẩm, có đăng kí thương hiệu”, Giáp tự tin chia sẻ sau lượt đấu đầu tiên. “Tuy nhiên, với một số thế mạnh về việc tiến ra thị trường toàn cầu, chúng tôi đủ tự tin để giành chiến thắng"

Sau phần phản biện, Tuấn và Long chia sẻ vẫn giữ được sự tự tin. “Các câu hỏi đều nằm trong phần chúng tôi đã lường trước và chuẩn bị kỹ càng, vì vậy màn hỏi đáp này diễn ra suôn sẻ”, anh Phạm Minh Tuấn chia sẻ. “Chúng tôi đã làm hết sức mình và không hối tiếc gì”.

Trận đấu tiếp tục đến với lượt 2. Lần này, vai trò hai đội đảo ngược. Đặt ra 4 câu hỏi, nhưng đại diện FPT IS tại chung cuộc iKhiến đánh thẳng vào 2 vấn đề: thị trường quốc tế và bản quyền triệu đô tại Nhật của sản phẩm akaBot.

Khác với FPT Software thiên về đặt câu hỏi dồn dập, phủ rộng nhiều mặt, chiến thuật của thí sinh nhà Hệ thống là xoáy thẳng vấn đề. Theo đó vấn đề lớn anh Long cùng các cộng sự đưa ra cho akaBot của Bùi Đình Giáp chính là các thách thức khi sản phẩm tiến ra thị trường quốc tế.

Trả lời cho câu hỏi: “akaBot gặp nhiều đối thủ cạnh tranh lớn nếu muốn chinh phục thị trường toàn cầu thì làm thế nào?”. Anh Bùi Đình Giáp không ngần ngại nêu rõ 2 lợi thế giúp FPT Software chiếm thế thượng phong so với đối thủ. 

Đầu tiên định hướng toàn cầu của akaBot là tập trung vào thị trường châu Á, đây cũng là thị trường FPT Software có lợi thế lớn nhờ sở hữu đội ngũ bán hàng tại tất cả các quốc gia, mạnh hơn so với một vài đối thủ cạnh tranh. Cạnh đó giải pháp akaBot mang đến giúp khách hàng không phải làm việc với nhiều đối tượng để tạo nên quy trình. “Chúng ta có thể cung cấp tất cả. Ngoài ra FPT có lợi thế khi sở hữu hệ sinh thái về AI (trí tuệ nhân tạo), OCR (Nhận dạng ký tự quang học) giúp khách hàng chạy mọi thứ trong doanh nghiệp của họ, điều mà nhiều khách hàng gặp cản trở”. 

playoff-2-5399-1578561608.jpg

Sở hữu nhiều kinh nghiệm "chinh chiến", Bùi Đình Giáp và các cộng sự khá tự tin trong suốt phần phản kháng

Đại diện akaBot tiết lộ, điểm mạnh của sản phẩm sẽ được điều chỉnh linh hoạt theo từng thị trường. Ví dụ Nhật Bản, cách họ dùng excel khác các nước trên thế giới. Đối thủ của akaBot đã gặp khó khăn ở điểm này, không cung cấp giải pháp dùng excel thỏa mãn khách hàng Nhật. Vì thế akaBot đã cung cấp thêm một số giải pháp hỗ trợ, giúp họ giải quyết được những khó khăn đó. 

Phần trả lời được đội akaBot tự tin thực hiện. Dưới sân khấu, khán giả ồ lên sau mỗi câu hỏi được giải đáp cặn kẽ. Dù có 5 phút để liên tục hỏi và trả lời, nhưng Tuấn và Long để nhiều thời gian “chết” khi liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng hò reo cổ vũ của người Phần mềm và kết thúc phần hỏi sớm hơn 30 giây. FPT IS thừa nhận bị “cháy” câu hỏi khi bước lên sân khấu chỉ với 3, 4 câu xoáy vào akaBot.

Trở vào cánh gà sau phần tranh biện, hai thí sinh nhà Hệ thống cho rằng akaBot quả thực là một đối thủ mạnh. “Quả thật chúng tôi bị ‘cháy’ câu hỏi, tuy nhiên đội đã đánh thẳng vào những vấn đề trọng tâm của akaBot hiện nay”.

Phần đối kháng quyết liệt giúp giám khảo và khán gia có cái nhìn rộng hơn về hai sản phẩm thi chung kết. Chuyên gia công nghệ - anh Nguyễn Nhật Quang - Phó chủ tịch Vinasa nhận xét thi trình bày và tranh luận đối kháng giúp hé lộ điểm mạnh và điểm cần đầu tư của hai sản phẩm. Khách mời duy nhất ngoài FPT đánh giá akaBot có tiềm năng mở rộng, đặc biệt ở thị trường Nhật Bản. Tại đây, nền tảng có cơ sở để phát triển khi thương hiệu FPT đã có tên tuổi trên thị trường cùng hợp đồng license lớn. Trong khi đó, sản phẩm FPT.Fortuna của FPT IS giải quyết được ‘bài toán nan y’ của xã hội về tích hợp, cắt cứ dữ liệu ở khối nhà nước và doanh nghiệp. Ở điểm này, anh Quang đánh giá cao.

Ngoài đánh giá về chuyên môn, Phó chủ tịch Vinasa đánh giá cao sự thông minh, khéo léo lồng ghép ‘yếu tố marketing’ cùng sự ứng biến linh hoạt của tác giả Bùi Đình Giáp.

iKhiến là giải thưởng Sáng tạo FPT nhằm tìm kiếm, tôn vinh những sáng tạo của người FPT. Giải thưởng tạo điều kiện thúc đẩy, mang lại cơ hội đầu tư (tiền bạc và nguồn lực) cho tác giả và mở ra hướng phát triển mới với sự tư vấn của các chuyên gia. Đồng thời giúp các tác giả quảng bá được sáng tạo, kết nối với cộng đồng sáng tạo.

Tại iKhiến mùa 3, BTC trao giải Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến khích mỗi tháng, tương đương với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 500.000 đồng mỗi giải. Đặc biệt, iKhiến 2019 có thêm điểm mới hấp dẫn. Cụ thể, sáng tạo thuộc Chuyển đổi số đã nhận thêm phần thưởng 2 triệu đồng và Không khiến nhận 1 triệu đồng.

Giải Sáng tạo của năm trị giá 70 triệu đồng.

Hoàng Hương

Ảnh: Anh Tuấn

Ý kiến

()