Chúng ta

‘FPT.Fortuna và akaBot cân tài, ngang sức’

Thứ năm, 9/1/2020 | 09:43 GMT+7

Chiều ngày 8/1, tầng 13 tòa nhà FPT Cầu Giấy (Hà Nội) như "vỡ trận" với sự hò reo của hàng trăm người tham dự chung kết iKhiến 2019. Phó Chủ tịch FPT Bùi Quang Ngọc đánh giá cao 2 sản phẩm thi vòng cuối cùng.

Ngay từ 15h30, dù chương trình chưa bắt đầu nhưng hội trường tầng 13 đã chứng kiến cuộc “tổng tấn công” ồ ạt, đầy bất ngờ của các cổ động viên FPT IS. Hầu hết thành viên đều khoác trên mình chiếc áo phông trắng có in dòng chữ “FPT Fortuna” - niềm tự hào của nhà Hệ thống. Các logo hashtag #Ngàymới, #iloveiKhiến, #MadebyFIS và hình chibi ngộ nghĩnh anh Phạm Minh Tuấn, Mỵ Duy Long - hai "diễn viên" chính của FPT Fortuna - được nhiều người cầm trên tay.

“Chút nữa thôi, mọi người sẽ thấy sự bùng nổ của FPT IS hôm nay”, anh Tống Quốc Việt, lập trình viên dự án FPT Fortuna, tự hào nhìn xuống chiếc áo mình đang mặc. Giữa một “đội quân” áo trắng hùng hậu, có một bà bầu 37 tuần tuổi dù không thể bước nhanh, nhưng trên tay cầm rất nhiều biển cổ vũ, hashtag cổ động FPT IS với gương mặt háo hức. “Vì bầu bí nên chẳng có áo cổ vũ nào đủ rộng để tôi mặc như các đồng nghiệp, tiếc ơi là tiếc!”, giọng chị pha chút dỗi hờn. Chị là Nguyễn Thị Thúy - một kiểm thử viên trong nhóm 10 người xây dựng dự án FPT.Fortuna. Chị phấn khởi: "Không chỉ áo đồng phục đâu, chúng tôi còn có cả một đội chuẩn bị các “đạo cụ” cổ vũ ở phía dưới nữa. Tôi tự tin đội nhà sẽ giành chiến thắng”.

Chỉ ít phút sau đó, các cổ động viên của FPT Software cũng tràn lên lấp đầy tầng 13. Anh Vũ Văn Tùng (FPT Software) cho biết đây là lần đầu tiên tham dự chung kết iKhiến. Anh vừa bất ngờ vì chương trình được tổ chức khá hoành tráng, cũng vừa hồi hộp trước khi các đồng đội của mình tranh tài ngôi vương. Dự đoán khả năng thắng bại, Tùng cho rằng akaBot có 70% giành chiến thắng trong cuộc thi hôm nay, 30% còn lại phụ thuộc vào ban giám khảo và các yếu tố khác. Dù rằng đội nhà chưa kịp chuẩn bị băng-rôn, sticker, hashtag nhiều như đối thủ, anh khẳng định: “Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng về tinh thần cổ vũ hơn là đạo cụ, đó mới là điều quan trọng”.

Không đến từ cả hai đơn vị FPT Software hay FPT IS, anh Phạm Văn Phước (FPT Telecom), một trong 9 tác giả giải Vàng iKhiến 2019, cũng xuất hiện từ rất sớm cùng bà xã. Anh Phước hơi tiếc vì năm nay nhà "Cáo" không có đại diện nào lọt chung kết. Tuy nhiên, anh khẳng định hai sản phẩm akaBot và FPT.Fortuna đều xứng đáng khi được chọn vào vòng gay cấn nhất này. Phước hào hứng nói sẽ cổ vũ nhiệt tình cho cả hai đội thi hôm nay.

Trước giờ G, đi đi lại lại trong cánh gà, Giám đốc sản phẩm akaBot anh Bùi Đình Giáp trầm ngâm: “Tôi hồi hộp. Bởi vì đây là lần đầu tiên tôi tham gia một cuộc thi có nhiều người cổ vũ đến vậy”. Đứng kế đó, anh Mỵ Duy Long, thành viên đội thi FPT.Fortuna, xúc động: “Tôi thật sự cảm kích trước tinh thần của các anh chị em nhà mình. Dịp cuối năm “nhà bao việc”, vậy mà mọi người vẫn dành thời gian tới cổ vũ chúng tôi nhiệt tình như vậy. Còn gì hạnh phúc hơn”.

Ở một góc khuất phía dưới khán trường, có một nhóm chị em nhà Hệ thống vẫn miệt mài cắt dán những chiếc “vương miện giấy” để cổ động đội nhà. Còn khu vực của nhà Phần mềm, anh Lê Hồng Quân, Trưởng ban Văn hóa - Đoàn thể FPT Software và cũng là “đội trưởng đội cổ vũ”, đang ra sức tập dượt 1001 cách hô vang slogan cổ vũ cho các thành viên đội mình.

Đúng 16h30, chương trình chính thức bắt đầu với màn vinh danh 9 sáng tạo lọt vào bán kết iKhiến 2019 là: Lê Anh Dũng và nhóm CodeIt với AkaDev, Phạm Văn Phước và nhóm INF và ISC Bắc Nam với Giải pháp số hóa quản lý hạ tầng viễn thông, Cao Văn Việt cùng đội ngũ Code Learn và Fresher Academy với Code Learn, Bùi Đình Giáp và nhóm với akaBot, Phan Khánh Toàn cùng nhóm với Hệ thống Auto Network Operation, Nguyễn Bá Minh Đăng cùng đồng đội với POS Hóa đơn điện tử, Lê Việt Cường cùng cộng sự với Giải pháp ký hợp đồng điện tử xác thực bởi chữ ký số FPT.eSignCloud, Phạm Minh TuấnMỵ Duy Long cùng cộng sự với Nền tảng tích hợp và xử lý dữ liệu FPT.Fortuna, Vũ Thị Giáng Hương cũng đội ngũ phát triển sản phẩm Hi FPT, Vũ Xuân Phát cùng cộng sự với sáng tạo Quản lý mạng lưới tối ưu DIP.

Anh Cao Văn Việt (Codelearn, FPT Software) khiến mọi người cười ồ vì câu giận dỗi: “Sẽ không thi tiếp các mùa sau vì đã hai năm liền liên tiếp vô duyên với giải Vàng năm của iKhiến”. Sau khi khiến cả khán phòng bật cười, Việt mới lý giải năm 2020, anh và các cộng sự hướng tới đưa Codelearn ra thị trường quốc tế. Mục tiêu này được các sếp nhà F đồng loạt vỗ tay ủng hộ.

chungket-ikhien-2-5445-1578514097.jpg

Anh Cao Văn Việt tỏ ý "dỗi" iKhiến ra mặt. Ảnh: Trâm Nguyễn.

Chị Bùi Nguyễn Phương Châu, đại diện Ban tổ chức, trao tặng những món quà tri ân tới các Đại sứ và Giám khảo iKhiến 2019. Anh Vũ Anh Tú, PTGĐ FPT Telecom và cũng là đại sứ iKhiến nhà “Cáo”, được vinh danh “Đại sứ của năm” với những đóng góp thúc đẩy tinh thần sáng tạo của đơn vị. Cụ thể, năm vừa qua, FPT Telecom là đơn vị có số lượng sản phẩm iKhiến cao nhất với 43 sáng tạo.

Chia sẻ về dự định phát triển chương trình iKhiến sắp tới, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa khẳng định tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn cho cuộc thi, đặc biệt là các sáng kiến liên quan đến lợi suất, các sản phẩm có tính thương mại hóa cao. Đặc biệt, anh tiết lộ, giải thưởng iKhiến 2020 sẽ gấp 5 lần năm 2019. Người đứng đầu FPT tung tin nóng hổi, công bố phần thưởng cho giải Vàng iKhiến 2020 sẽ là một chiếc ô tô. Thông tin này lập tức khiến người F trầm trồ, nhận về tràng pháo tay vang dội và những tiếng xì xào lan khắp tầng 13 toà FPT Cầu Giấy.

Đã thành thông lệ trong các vòng chung kết iKhiến, người đứng đầu FPT - anh Trương Gia Bình bắt đầu chỉ định ngẫu nhiên các thành phần trong Hội đồng giám khảo vòng Chung kết. Theo đó, đích thân anh Bình và anh Bùi Quang Ngọc (Phó Chủ tịch HĐQT FPT), anh Nguyễn Văn Khoa (TGĐ FPT), anh Lê Trường Tùng (Chủ tịch ĐH FPT), anh Nguyễn Nhật Quang (Phó Chủ tịch Vinasa kiêm Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa, Chủ tịch Công ty CP Công nghệ phần mềm Hài Hòa) đóng vai trò “cầm cân nảy mực” trong cuộc thi đầy gay cấn này.

Phần play-off giữa hai đội thi chính thức khởi tranh lúc 17h15. Đội thi FPT.Fortuna bốc thăm và giành phần thi trước đội akaBot.

Anh Phạm Minh Tuấn, đại diện đội FPT.Fortuna, trình bày về sản phẩm trong 10 phút. Trong khi diễn thuyết, dù nhận được một số động thái hưởng ứng từ giám khảo và sự cổ động nhiệt tình từ đội nhà, nhưng Tuấn đôi khi vừa nói vừa nhìn xuống đất. Kết thúc 10 phút, chuyển sang phần tóm tắt sản phẩm trong 24 giây và 7 từ, Tuấn nói với MC Hoàng Cao Chung: “Từ từ đã. Tôi… hơi run”, anh ngại ngùng. Cả khán phòng bật cười vì sự đáng yêu và thật thà của chàng trai tài năng nhà Hệ thống, không quên dành một tràng pháo tay để tiếp thêm sự tự tin cho anh. Tự nhận mình run nhưng sau đó, Tuấn vẫn hoàn thành suôn sẻ, đúng giờ phần thi với 7 từ ấn tượng nói về FPT.Fortuna: “Trái tim chuyển đổi số Việt Nam”. Đây cũng là 7 từ do đích thân TGĐ nhà Hệ thống Nguyễn Hoàng Minh dành cho FPT.Fortuna, thể hiện rõ vai trò và định hướng trong 3 năm tới đây của sản phẩm này.

chungket-104-5962-1578514097.jpg

Anh Tuấn chọn "Trái tim chuyển đổi số Việt Nam" để nói về FPT.Fortuna. 

Thuyết trình chẳng còn là điều lạ lẫm với Bùi Đình Giáp, anh hoàn thành phần trình bày về akaBot khá trơn tru và hiếm để thời gian chết. Anh cho biết đội ngũ đã triển khai với 13 khách hàng đến từ 6 thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan… Trong đó có tập đoàn lớn như King Power. Nhật Bản sẽ là thị trường trọng điểm của akaBot trong năm tới, anh khẳng định và kết lại bằng 5 từ nói về sản phẩm: “akaBot - Empowering your digital workforce”.

Bước vào phần phản biện về FPT.Fortuna, không khí hội trường lập tức bị “đốt nóng” khi đội Phần mềm liên tục tấn công với các câu hỏi về đăng ký bản quyền thương hiệu, tốc độ kỹ thuật... Thậm chí, thành viên đội akaBot còn thẳng thừng cắt ngang câu trả lời của anh Phạm Minh Tuấn - đại diện của FPT.Fortuna.

Những tưởng FPT Software đã thắng thế, Tuấn và Long của nhà Hệ thống lại bất ngờ lật ngược thế cờ tại câu hỏi về đối tượng khách hàng và thị trường. Anh Tuấn khéo léo vừa tấn công vừa phòng thủ khi chỉ rõ sản phẩm hiện tại không có đối thủ tại thị trường Việt Nam. Trong khi đó, akaBot phải giải quyết bài toán tranh giành thị trường với nhiều sản phẩm tương tự. Câu trả lời này của đội nhà Hệ thống nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của khán giả.

chungket-116-8969-1578514097.jpg

Phần tranh biện "tám lạng, nửa cân" giữa hai đội thi FPT.Fortuna và akaBot. 

Bước xuống sân khấu sau phần phản biện với đội akaBot, Phạm Minh Tuấn và Mỵ Duy Long vẫn giữ được sự tự tin. “Các câu hỏi của đội bạn đều nằm trong phần chúng tôi đã lường trước và chuẩn bị kỹ càng, vì vậy màn hỏi đáp này diễn ra suôn sẻ”, anh Phạm Minh Tuấn chia sẻ. “Chúng tôi đã làm hết sức mình và không hối tiếc gì”.

Trận đấu tiếp tục đến với lượt 2. Lần này, đội tấn công là các tác giả nhà Hệ thống. Đặt ra ít câu hỏi, nhưng đại diện FPT IS tại chung cuộc iKhiến đánh thẳng vào 2 vấn đề: thị trường quốc tế và bản quyền 6,5 triệu USD tại Nhật của sản phẩm akaBot. Tuy nhiên, dù có 15 phút để liên tục hỏi và trả lời, nhưng đáng tiếc Tuấn và Long để nhiều thời gian “chết” khi liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng hò reo cổ vũ của người Phần mềm. Hơn nữa, đội tấn công cũng thừa nhận bị “cháy” câu hỏi khi bước lên sân khấu chỉ với 3-4 câu xoáy vào akaBot.

Vòng 2 của cuộc thi được bắt đầu bằng màn “hỏi xoáy đáp xoay” từ Hội đồng giám khảo dành cho từng đội. Bắt đầu với FPT Fortuna, anh Lê Trường Tùng thắc mắc vì sao trong 7 từ tóm tắt sản phẩm của đội lại xuất hiện “Việt Nam”, điều này thể hiện ý nghĩa gì. Anh Phạm Minh Tuấn không chần chừ trả lời ngay: “Vì Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển của FPT IS trong thời gian tới”. Anh Trương Gia Bình nhắc đến những tên tuổi công nghệ uy tín của Mỹ và “FPT.Fortuna sẽ làm gì để vượt trội như họ?”. Anh Minh tự nhận đây là một câu hỏi khó. Sản phẩm của nhóm đã được kiểm thử rất kỹ càng, nhóm tự tin về mức độ bảo mật của sản phẩm. “Dù sao chúng em vẫn còn những khuyết điểm và sẽ tiếp tục cải thiện trong thời gian tới”. Anh Bình nhận xét, trong tương lai, tất cả mọi người đều cần đến FPT.Fortuna. Cả hội trường hò reo không ngớt.

chungket-130-6487-1578514097.jpg

Chủ tịch Trương Gia Bình đánh giá cao sản phẩm FPT.Fortuna.

Trả lời cho câu hỏi của CEO FPT Nguyễn Văn Khoa về việc “FPT.Fortuna liệu có dành cho doanh nghiệp? Nếu có, mất bao lâu để triển khai?”, tác giả không chần chừ: “Từ 1 đến 3 tháng, tùy “kích thước” của doanh nghiệp”. Anh Khoa hỏi tiếp, sản phẩm liệu có áp dụng vào chiến lược chuyển đổi số của toàn tập đoàn. Anh Tuấn cho hay nhóm cũng đang tìm cách giải quyết, bắt đầu từ việc áp dụng cho FPT IS. "FPT.Fortuna là sản phẩm đầu tiên về tích hợp dữ liệu. Rất nhiều công ty đang chào hàng về sản phẩm chia sẻ dữ liệu, nhưng đó là họ thêm vào”.

Phó Chủ tịch Vinasa Nguyễn Nhật Quang cũng góp ý thêm một số yếu tố liên quan đến cải tiến công nghệ, tái cấu trúc để kéo dài vòng đời sản phẩm cho nhóm dự án FPT.Fortuna.

Với akaBot, CEO FPT Nguyễn Văn Khoa thắc mắc: “Hạ tầng mà các bạn cung cấp ở Nhật gồm những gì?”. Giáp trả lời, đội chỉ cung cấp phần mềm, không có hạ tầng. Giáp cũng cho biết, một con bot chạy ở Việt Nam tốn 3 USD trong khi của đối thủ hết 8 USD. Đó chính là lợi thế của akaBot. Anh Bình băn khoăn: “Sản phẩm của em là máy thay người, vậy với công ty 100 người sẽ còn bao nhiêu người nếu sử dụng máy?”. “Điều đó phụ thuộc vào độ trưởng thành của doanh nghiệp. Ví dụ, một doanh nghiệp có 15 thành viên nhưng từ khi dùng akaBot thì chỉ cần 5 người”, Giáp trả lời tự tin. Anh Ngọc đặt câu hỏi, ngoài môi trường back office, còn chỗ nào khác có thể sử dụng akaBot. Giám đốc sản phẩm cho hay chúng ta có thể dùng OCA để nhận diện và tương tác.

Kết thúc phần play-off là lễ trao giải phụ. Theo đó, giải thưởng “Đơn vị có nhiều sáng tạo nhất” được trao cho FPT Telecom với 43 sáng tạo gửi về. Giải thưởng “Sáng tạo có vote nhiều nhất” thuộc về Hi FPT của chị Võ Thị Giáng Hương, anh Hồ Anh Tuấn cùng cộng sự FPT Telecom. Nhà “Cáo” càng “được mùa” hơn nữa khi giải thưởng “Tác giả có nhiều sáng tạo đạt giải nhất” cũng thuộc về một thành viên đơn vị này là anh Nguyễn Thành Công với 1 giải Bạc, 1 giải Vàng và 2 giải Chuyển đổi số. Anh Lê Hồng Việt (CTO FPT, Trưởng Ban chỉ đạo iKhiến) thay mặt BTC trao giải thưởng cho tập thể và cá nhân đạt giải.

Phần được nhiều người hồi hộp ngóng chờ nhất chính là màn trao giải Sáng tạo của năm. Trước ngày diễn ra sự kiện, BTC thông báo phần công bố kết quả chung kết iKhiến 2019 sẽ là điểm sáng bất ngờ với việc sử dụng sản phẩm đậm chất công nghệ. Vì thế, khi MC Hoàng Cao Chung mời anh Nguyễn Văn Khoa lên sân khấu trao giải, một cây kéo đặt trên chiếc khay phủ khăn đỏ được trao cho CEO FPT trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Sau vài chục giây, cả khán phòng đã ồ lên khi thấy chiếc drone (máy bay không người lái) bay từ cánh gà ra, mang theo kết quả chung cuộc được cuộn lại thành ống giấy, từ từ tiến tới khu vực sân khấu và dừng lại trước mặt anh Khoa. Hàng tràng vỗ tay hò reo tán thưởng màn công bố kết quả độc đáo này. Anh Bùi Quang Ngọc đồng hành anh Khoa xướng tên "Sáng tạo của năm" thuộc về sản phẩm akaBot của tác giả Bùi Đình Giáp cùng cộng sự. Các cổ động viên nhà Phần mềm nhảy cẫng, hân hoan ôm nhau ăn mừng trong hạnh phúc.

Là “lính mới”, lần đầu đi tới vòng chung kết iKhiến nhưng nhà Hệ thống đã xuất sắc giành giải Bạc của năm. Ngay sau khi kết quả được công bố, hai lãnh đạo FPT IS là TGĐ Nguyễn Hoàng Minh và PGĐ Công nghệ Đào Gia Hạnh cùng đi về phía các tác giả FPT.Fortuna để an ủi và động viên tinh thần anh em.

Cho rằng chiến thắng của akaBot là thuyết phục, anh Phạm Minh Tuấn cũng khẳng định: “Chúng tôi đã nỗ lực hết mình tại cuộc thi. Giây phút nào trong trận hôm nay cũng đều khiến tôi và cộng sự tràn đầy ý chí chiến đấu”.

Đánh giá về hai sáng tạo FPT.Fortuna và akaBot, anh Trương Gia Bình tâm đắc: “Ở đây chúng ta không phải bàn luận nhiều, vì cả hai sản phẩm đều được thị trường chấp nhận, trong đó có các thị trường quốc tế khó tính nhất”. akaBot đã được xếp hạng bởi các hiệp hội trên thế giới, và có những doanh nghiệp Nhật đã từ chối dùng sản phẩm hàng đầu hiện nay để chuyển sang akaBot, điều ấy khẳng định đẳng cấp của FPT Software.

Còn FPT.Fortuna, FPT IS đang giải quyết là bài toán trọng yếu mà muốn chuyển đổi số thì phải có công cụ đó, Chủ tịch FPT nhận định. Công cụ đó hiện nay đều là những công ty lớn nhất trên thế giới đưa ra. Và sản phẩm của FPT IS có thể chưa nhiều chức năng nhưng có thể giải quyết tốt nhất những bài toán của FPT về chuyển đổi số, cụ thể trong những doanh nghiệp đối tác.

Thành viên Hội đồng giám khảo - anh Bùi Quang Ngọc đánh giá cả hai đội đều tương đối cân sức cân tài. Những sản phẩm này đều có giá trị ứng dụng, mang lại uy tín, thương hiệu và doanh thu cho FPT. “Đó là thành công của cuộc thi hôm nay”. Tuy nhiên, với cách trình bày của hai đội, Phó Chủ tịch FPT cho biết chỉ hài lòng vừa phải. “Vì là người trong nghề nên tôi nghe còn hiểu được. Nhưng nếu người ngoài ngành nghe hai đội trình bày thì chưa chắc đã hiểu sản phẩm của các bạn là cái gì, mang lại giá trị gì… Rất tiếc là cả hai đội đều chưa làm tốt việc đó”.

Anh Bình và anh Ngọc đều ấn tượng với không khí cổ vũ sôi động, náo nhiệt trong chung kết iKhiến mùa 3. Bên cạnh đó, anh Ngọc góp ý về giải thưởng vì "phần thưởng cho giải Nhì không nên cách biệt quá nhiều so với giải Nhất". Ở một số chương trình, phần thưởng cho giải Nhì thường bằng 1/2 giải Nhất. Theo anh, giá trị giải thưởng cho giải Nhì của chương trình chưa ấn tượng, chưa xứng đáng với đội đã vào đến vòng chung kết.

Nhắc đến iKhiến, anh Ngọc tâm đắc nhất ở yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo của nhân viên FPT. “Với số lượng nhân viên FPT đông như hiện tại, chúng ta trông đợi sẽ có nhiều kết quả sáng tạo hơn nữa trong tương lai”, anh kỳ vọng. “Nếu những năm sau vẫn được tín nhiệm làm giám khảo của vòng chung kết iKhiến, tôi sẵn sàng tham gia với lòng nhiệt tình nhất”.

iKhiến là giải thưởng Sáng tạo FPT nhằm tìm kiếm, tôn vinh những sáng tạo của người FPT. Giải thưởng tạo điều kiện thúc đẩy, mang lại cơ hội đầu tư (tiền bạc và nguồn lực) cho tác giả và mở ra hướng phát triển mới với sự tư vấn của các chuyên gia. Đồng thời giúp các tác giả quảng bá được sáng tạo, kết nối với cộng đồng sáng tạo.

Tại iKhiến mùa 3, BTC trao giải Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến khích mỗi tháng, tương đương với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 500.000 đồng mỗi giải. Đặc biệt, iKhiến 2019 có thêm điểm mới hấp dẫn. Cụ thể, sáng tạo thuộc Chuyển đổi số đã nhận thêm phần thưởng 2 triệu đồng và Không khiến nhận 1 triệu đồng.

Giải Sáng tạo của năm trị giá 70 triệu đồng.

Khánh Linh - Hoàng Hương

Ý kiến

()