Chúng ta

'FPT là nơi phản ánh đúng năng lực của mỗi người'

Thứ hai, 12/12/2016 | 18:14 GMT+7

Kể lại câu chuyện của mình trong gần 2 năm gia nhập FPT, Trạng nguyên Nguyễn Đỗ Quyên cho rằng, nếu như tập đoàn không phải là nơi mang tới vầng hào quang danh vọng, thì ít nhất, đây là chỗ để mỗi người có thể định vị lại mình.

Chia sẻ trong phần xây dựng thương hiệu từ bên trong tại Hội nghị truyền thông FPT vào ngày 10/12, Giám đốc chương trình "We" love FPT Shop Nguyễn Đỗ Quyên đã lấy trải nghiệm bản thân tại FPT Retail để minh chứng cho nhận định: con người làm nên thương hiệu.

Sau hơn 10 năm làm việc tại một cơ quan nhà nước, chị Quyên đầu quân về FPT để thay đổi mình. Bất chấp lời can ngăn của người thân, bạn bè, chị quyết tâm gia nhập FPT Retail với công việc dưới kho tổng. "Giữa một đống người toàn đàn ông, cởi trần, mồ hôi nhễ nhại, một đứa con gái chỉ quen làm việc trên phố cổ, trong ngành ngân hàng trở nên lạc lõng. Tôi đã khóc tu tu như một đứa trẻ", chị nói về sự thất vọng ban đầu khi tiếp quản nhiệm vụ mới.

Trạng nguyên FPT cho rằng, văn hóa FPT cần được thử lửa bằng việc đưa ra bên ngoài.

Trạng nguyên FPT cho rằng, văn hóa FPT cần được thử lửa bằng việc đưa ra bên ngoài.

Chán nản, Đỗ Quyên quả quyết chị sẽ nghỉ việc không sớm thì muộn, Nhưng lời đề nghị của TGĐ FPT Retail Nguyễn Bạch Điệp khi ấy giống như một thách thức khiến kẻ hiếu chiến và bản lĩnh như Quyên không thể bỏ qua.

Lần đầu tiên, đám đàn ông lực lưỡng với ngổn ngang hàng hóa được làm việc theo quy trình, hàng lối. Khối lượng công việc của 90 ngày đã được Quyên giải quyết chỉ trong vòng một tháng. "Lúc ấy tôi cũng không hiểu vấn đề là gì, nhưng đã nhận lời thì phải quyết tâm làm thôi", Trạng nguyên FPT nói về nhiệt huyết của mình.

Từ thành công này, chị Quyên tiếp tục được thử sức trong những nhiệm vụ khác. Sau khi đảm trách dự án "We" love FPT Shop, chị đã giúp mở rộng hình ảnh của shop ra bên ngoài đơn vị, đồng thời trở thành dấu ấn của FPT Retail trong năm 2016. 

Về tổng thể, 32 cửa hàng được thí điểm dự án "We" love FPT Shop đều tăng trưởng tốt từ 6% đến 40%. Shop tốt nhất tăng trưởng 48% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỷ lệ khách hàng đông lên, nhưng nhân lực lại tinh gọn nhờ thay đổi chính sách và thói quen bán hàng. "FPT đã cho tôi cơ hội để vượt qua chính mình, tự tạo cho giá trị bản thân", chị nhận định về thành công.

Đối với một kẻ ngoại đạo như Quyên, khi gia nhập FPT đã được nhận rất nhiều cơ hội, thách thức, sự tôn trọng, sự sáng tạo... Bởi vậy, chị đưa lại quan điểm của mình về việc người FPT đừng nghi ngờ vào những giá trị mà công ty mang lại, đã đến lúc mỗi người hãy trả lại những gì nhận được từ công ty để tạo nên giá trị của bản thân, hay nói cách khác là thương hiệu bản thân.

Trạng nguyên FPT cũng cho rằng, văn hóa FPT cần phải được "thử lửa" bằng cách đưa ra ngoài công ty. Theo đó, chị Quyên đề xuất, thay vì Tôn - Đổi - Đồng - Chí - Gương - Sáng thành Tôn - Đổi - Đồng - Cần (cần cù, chăm chỉ) - Chuyên (chuyên nghiệp) - Tiến (cầu tiến, học hỏi).

"Mỗi người nên tự hảo về văn hóa, cố gắng tạo giá trị bản thân, phép cộng làm nên thương hiệu FPT. Văn hóa FPT cần có bên trong, nhưng cũng cần thay đổi phù hợp ra bên ngoài để tạo thành thương hiệu", chị đề xuất.

Phần chia sẻ của chị Quyên đã cụ thể hóa cho nhận định của những diễn giả trước đó là anh Phan Phương Đạt, Trưởng Ban Đào tạo Đại học trực tuyến FUNiX, với chủ đề xây dựng nội lực thương hiệu và Trưởng phòng Truyền thông và Cộng đồng FPT Software Lương Thanh Bình với nội dung Thương hiệu tuyển dụng từ văn hóa công ty.

Là người luôn trăn trở với triết lý, với văn hóa công ty, qua những trải nghiệm trong hơn 17 năm phụ trách mảng nhân sự, truyền thông, phong trào tại FPT, anh Đạt cho rằng, bản chất của marketing chẳng qua là kể câu chuyện. Mọi thông tin, tri thức đều được ghi nhớ nhanh, tự nhiên hơn qua những câu chuyện. Chẳng hạn như nói tới VnExpress, người ta nói tới tờ báo số hóa; FPT University là đại học trong doanh nghiệp...

Anh Đạt nhấn mạnh tới nguồn lực nội bộ trong xây dựng thương hiệu.

Anh Đạt nhấn mạnh tới nguồn lực nội bộ trong xây dựng thương hiệu.

Tuy nhiên, vấn đề anh Đạt đưa ra chính là sự định danh "người kể chuyện". Theo anh, thương hiệu FPT là một công ty chứ không phải một sản phẩm, dịch vụ cụ thể. Bởi vậy, mỗi CBNV sẽ đóng vai trò là người kể chuyện. Và đây là những người kể chuyện hai chiều: vừa kể cho khách hàng, vừa kể cho lãnh đạo. 

Mặc dù đang sở hữu cộng đồng "người kể chuyện" đông đảo, FPT lại thiếu một "đầu mối" để tập hợp và định hướng. Vì vậy, anh đề xuất, FPT nên áp dụng triệt đề Analytics trong SMAC để giải quyết bài toán này.

Biến nội lực của tổ chức trở thành sức mạnh marketing cũng chính là hướng đi của FPT Software trong những năm gần đây. Vì vậy, cụ thể hóa phần trình bày của anh Đạt, chị Lương Thanh Bình nhấn mạnh tới vai trò của công ty trong việc tạo ra môi trường lý tưởng để mỗi CBNV là một đại sứ thương hiệu. 

Phần mềm FPT hiện cán mốc 10.000 CBNV, việc hấp dẫn ứng viên đến với công ty đã là một chuyện khó. Làm sao để giữ chân nhân tài, để họ làm việc với động lực lớn nhất còn là một thách thức lớn hơn đối với đơn vị. 

Coi con người là tài sản quan trọng nhất, FPT Software xác định thương hiệu là công ty về nhân sự chứ không phải là công ty công nghệ. Xác định điều này, công ty đã có cách quản trị phù hợp. Khi xây dựng thương hiệu, FPT Software đã tạo ra hệ thống giá trị cốt lõi, trong đó, lấy văn hóa doanh nghiệp làm trung tâm.

FPT Software đã xây dựng văn hóa trở thành sự khác biệt so với các công ty khác, chẳng hạn như Cơ hội cho mỗi cá nhân; cơ hội trải nghiệm môi trường toàn cầu hóa; nhiều công việc hấp dẫn; môi trường thân thiện, tôn trọng cá nhân; văn hóa STCo... "Thuyết phục mọi người tin FPT Software có giá trị này và nó đang mang lại giá trị cho CBNV của mình", chị Bình nói.

Chị Bình cho biết, FPT Software xác định cách quản trị là công ty nhân lực.

Chị Bình cho biết, FPT Software xác định cách quản trị là công ty nhân lực.

Để giúp mọi người có thể hình dung, chị Bình ví dụ, nếu coi FPT Software là một cá thể thì những hoạt động như Ngày Phụ huynh chính là cách hành xử để mọi người hiểu về công ty như thế nào. 2016 là năm thứ 10 FPT Software duy trì sự kiện này, được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM, thu hút hàng chục nghìn người tham dự. Được truyền tải như một cầu nối giữa gia đình và công ty, chương trình đã giúp CBNV FPT Software gắn kết, khiến họ sẵn sàng chia sẻ với công ty lúc khó khăn và tự hào về công ty khi thành công. "Sau sự kiện, hàng nghìn con người tham dự sẽ kể những câu chuyện về chúng tôi. Mọi người kể bằng cảm xúc và sự trải nghiệm của chính họ mà không ai có thể sai khiến", chị kết luận.

Hội nghị truyền thông là sự kiện do Ban Truyền thông FPT tổ chức thường niên và bước sang năm thứ hai. Hội nghị lần này đã nghe các bài chia sẻ về câu chuyện nhân hiệu, thương hiệu với các diễn giả trong và ngoài FPT. Chiều cùng ngày, đội ngũ làm truyền thông của FPT nghe những chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị mình trong việc xây dựng thương hiệu như: Thương hiệu dịch vụ; Thương hiệu từ góc nhìn của Tuyển sinh; Định vị Sendo; Nhân hiệu trong thời đại số. Đặc biệt, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với chia sẻ về quá trình làm nên thương hiệu "Ông hoàng nhạc Việt" trong sự nghiệp 20 năm ca hát là điểm nhấn của Hội nghị năm nay.  

>> 'Qua Hội nghị Truyền thông học hỏi được tinh thần FPT'

Tô Ngà

Ý kiến

()