Theo đó, anh Châu là Cố vấn cao cấp về Văn hóa trong khi anh Nam là Cố vấn cao cấp về Sáng tạo cho Tập đoàn. Trước đó, bác Ogawa Takeo, nguyên Giám đốc FPT Japan, đã được bổ nhiệm là Cố vấn Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT từ ngày 1/1/2012.
Chia sẻ sau khi được bổ nhiệm, anh Hoàng Minh Châu cho biết, vị trí mới giúp anh có cơ hội “Tư duy nền tảng không” (Zero based thinking) với việc nhìn nhận trở lại vấn đề để bắt đầu công việc theo tư duy và cách làm hoàn toàn mới.
Là người đa tài, anh Châu (áo trắng) không chỉ là nhà lãnh đạo tài năng, nhà kinh doanh giỏi (đặc biệt ở khả năng thuyết phục khách hàng) mà anh còn xuất sắc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Ảnh: V.N. |
Là Giám đốc Chi nhánh FPT HCM từ ngày đầu thành lập (năm 1990 đến 10/2009), và Giám đốc đầu tiên của FPT Đà Nẵng (năm 1999), anh Châu đã góp công lớn xây dựng các đơn vị này trở thành những công ty hàng đầu tại hai thành phố lớn của Việt Nam. Ngoài kinh doanh, anh Châu còn được coi là linh hồn của văn hoá doanh nghiệp FPT, một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển con người của Tập đoàn.
Năm 2002, FPT trở thành công ty cổ phần, anh Hoàng Minh Châu được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT công ty. Tháng 2/2013, HĐQT FPT thông qua phương án mở Văn phòng đại diện tại Myanmar. Tháng 7 cùng năm, Công ty FPT Myanmar được thành lập với Chủ tịch là anh Hoàng Minh Châu. Anh Châu tốt nghiệp khoa Toán, Đại học tổng hợp Kishinhov, Cộng hòa Moldova; Khoa Quản trị kinh doanh cao cấp, Đại học Amos Tuck, Mỹ.
Không chỉ là một trong những người sáng lập FPT, anh Nguyễn Thành Nam, nick name là Nam "Già", được coi là hiện thân đặc trưng nhất cho văn hóa STCo với sự sáng tạo, hết mình và những "lối nghĩ khác", "những kết luận mới cho những câu chuyện quen thuộc". Sự hài hước, dí dỏm, giản dị, chân thành của anh Nam luôn khiến nhân viên FPT yêu mến, quý trọng. Anh là một trong những Viện sĩ STCo của tập đoàn. Ảnh: V.N. |
Trong khi đó, trước khi được bổ nhiệm chức danh Cố vấn Sáng tạo, anh Nguyễn Thành Nam là Phó Chủ tịch ĐH FPT, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế FPT.
Anh Nguyễn Thành Nam sinh năm 1961, là cựu học sinh khối chuyên Toán, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội khóa 11 (1976-1979). Năm 1988, anh tốt nghiệp khoa Toán - Đại học Tổng hợp Quốc gia Matxcơva mang tên Lomonosov (Liên Xô cũ) và bảo vệ luận án Tiến sĩ toán tại trường đại học này.
Cùng thời gian này, anh về nước cùng với 12 người khác, đứng đầu là anh Trương Gia Bình, sáng lập ra Tập đoàn FPT. Anh đã trải qua các chức vụ: Giám đốc Trung tâm Giải pháp Phần mềm của FPT (1995-1999); Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Phần mềm FPT (2000 - 2004); Từ năm 2005, anh Nam trở thành thành viên HĐQT FPT, TGĐ Công ty FPT Software. Từ 13/4/2009 đến 23/2/2011, anh Nam đảm nhiệm cương vị TGĐ FPT.
Ông Ogawa Takeo, cựu TGĐ Hitachi Software và FPT Japan, được người FPT gọi thân mật là bác Ogawa, sinh năm 1939, bắt đầu gia nhập Công ty chế tác Hitachi vào tháng 4/1995. Ông phụ trách công tác phát triển phần mềm và quản lý tại Hitachi Software với cương vị Tổng Giám đốc. Tháng 6/2006, sau khi thôi giữ chức Tổng Giám đốc Hitachi Software, ông trở thành Chủ tịch danh dự của công ty này và kiêm nhiệm một số vị trí khác như: Phó Chủ tịch Hiệp hội CNTT Nhật Bản, Ủy viên Ban Nghiên cứu tổng hợp Hitachi.
Bác Ogawa đã mang đến cho FPT một luồng gió mới để thành công trong một môi trường CNTT khắc nghiệt như Nhật Bản. Ảnh: Hồng Nhung. |
Năm 2006, khi Đại học FPT được thành lập, ông Takeo Ogawa đã nhận lời làm Cố vấn cấp cao của trường. Ngày 1/1/2010, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc FPT Japan. Sau đó 2 năm, ngày 1/1/2012, ông Ogawa Takeo thôi giữ chức Giám đốc FPT Japan để đảm nhận cương vị Cố vấn Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.
Ngày 3/2/2012, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình đã trao tặng HC Sao Mai cho ông Ogawa Takeo vì những đóng góp to lớn vào thành công của FPT trong nhiều năm qua. Xúc động trước tấm lòng của người FPT, ông chia sẻ: “Tôi sẽ mượn sức mạnh của các bạn để nỗ lực hơn nữa, nâng cao vị thế của Tập đoàn FPT ở thị trường Nhật Bản”.
Văn Nghệ
Ý kiến
()