Ngày 13/9/1988, FPT ra đời với tên gọi Công ty Công nghệ Thực phẩm (tiếng Anh: The Food Processing Technology Company). Anh Trương Gia Bình đảm nhận vị trí Giám đốc công ty.
Với tố chất của một người thuyền trưởng, anh Trương Gia Bình đã tập hợp được những tài năng xuất chúng nhất trong thế hệ mình. FPT lúc mới thành lập là một công ty không vốn liếng, không tài sản, không tiền mặt…, chỉ có 13 nhà khoa học trẻ tuổi, đầy hoài bão, tin tưởng vào bàn tay và trí óc của mình để tâm quyết làm nên nghiệp lớn.
Dưới sự dẫn dắt của anh, FPT đã có những hợp đồng đầu tiên. Năm 1989, FPT có hợp đồng cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, đặt nền móng cho hướng kinh doanh tin học của FPT. Tháng 10/1990, công ty đổi tên thành Công ty Phát triển và Đầu tư Công nghệ (tên viết tắt là FPT). Hợp đồng phần mềm thương mại đầu tiên của FPT được ký vào cuối năm này.
FPT còn từng bước ghi những dấu ấn quan trọng như: Bước vào lĩnh vực phân phối với mục tiêu đưa các sản phẩm công nghệ mới vào Việt Nam (1994); Tham gia vào lĩnh vực Internet, tạo bước phát triển đột phá (1997); Tiến ra thị trường nước ngoài với hướng đi chiến lược là xuất khẩu phần mềm; Nhận chứng chỉ ISO 9001, đặt nền móng cho hệ thống quản trị toàn diện FPT (2000); Ra mắt VnExpress - một trong những tờ báo điện tử đầu tiên tại Việt Nam (2001)…
Tháng 4 năm 2002, FPT trở thành Công ty cổ phần. Anh Trường Gia Bình kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc FPT.
Lễ nhậm chức của anh Nguyễn Thành Nam, tháng 4/2009. |
Ngày 23/12/2008, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình ký quyết định bổ nhiệm anh Nguyễn Thành Nam (Chủ tịch HĐQT FPT Software) giữ chức Tổng giám đốc Công ty Cổ phần FPT. Thời gian nhậm chức là ngày 13/4/2009.
Anh Nguyễn Thành Nam là 1 trong 13 thành viên sáng lập FPT. Từ năm 1988 đến 1994, anh đảm nhận vai trò Giám đốc dự án. Từ 1995 đến 1999, anh Nguyễn Thành Nam là Giám đốc Trung tâm Giải pháp Phần mềm của FPT. Từ 2000 đến 2004, anh là Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Phần mềm của FPT. Từ 2005, anh trở thành thành viên Hội đồng quản trị của FPT, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phần mềm FPT (nay là Công ty TNHH Phần mềm FPT - FPT Software), trước khi giữ chức Tổng giám đốc FPT năm 2009.
Anh Nguyễn Thành Nam là người góp công lớn trong việc xuất khẩu phần mềm, đưa vị thế của FPT đứng đầu Việt Nam trong lĩnh vực CNTT. Với biệt danh "Nam già", anh còn được coi là thủ lĩnh phong trào của FPT, đồng thời là nhân vật nổi tiếng, biểu trưng cho văn hóa STCo của nhà F.
Năm 2011, anh Nguyễn Thành Nam có đơn xin từ nhiệm sau gần 3 năm giữ vị trí Tổng giám đốc. Ngày 22/2/2011, HĐQT FPT ra nghị quyết chấp thuận đơn từ nhiệm xin thôi chức vụ Tổng giám đốc FPT của anh Nguyễn Thành Nam và bổ nhiệm anh Trương Đình Anh làm Tổng giám đốc FPT.
Anh Trương Đình Anh (cravate đỏ) trong lễ nhậm chức, tháng 3/2011. |
Nếu anh Nguyễn Thành Nam góp công lớn trong việc xây dựng FPT Software thì anh Trương Đình Anh là người tiên phong đưa FPT Telecom chiếm lĩnh thị trường. Gia nhập FPT từ năm 1993 với vị trí là Chuyên gia Máy tính, sau 4 năm, anh Trương Đình Anh trở thành Giám đốc Trung tâm Internet FPT. Đến năm 2003 – năm Việt Nam bùng nổ dịch vụ Internet, anh được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Truyền thông FPT (FPT Telecom). Đây là nơi ghi dấu ấn sâu sắc của anh Trương Đình Anh trước khi trở thành Tổng giám đốc FPT vào năm 2011.
Trên cương vị mới, anh Trương Đình Anh cũng để lại nhiều bước tiến quan trọng. Trong đó có việc đầu tư mở rộng chuỗi bán lẻ FPT và Thương mại điện tử (Sendo.vn)
Ngày 26/9/2012, anh Trương Đình Anh gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc FPT. Cùng ngày, HĐQT FPT phê duyệt việc từ nhiệm này, đồng thời bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình tạm kiêm nhiệm điều hành tập đoàn từ ngày 26/9/2012 cho đến khi được Đại hội đồng cổ đông thường niên FPT, diễn ra vào đầu năm 2013, phê chuẩn chính thức.
Sáng ngày 31/7/2013, HĐQT FPT tiến hành cuộc họp qua hệ thống Telepresence. Tại cuộc họp này, 7 thành viên HĐQT FPT đã thảo luận và biểu quyết lựa chọn Tổng giám đốc FPT trong 3 ứng viên được đề cử. Kết quả, anh Bùi Quang Ngọc có số phiếu biểu quyết cao nhất và được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc FPT.
Anh Trương Gia Bình (trái) và anh Bùi Quang Ngọc. |
Cuối năm đó, FPT đạt mức doanh thu gần 29.000 tỷ đồng, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 5%, có mặt tại 19 quốc gia và đặc biệt, lần đầu tiên trong lịch sử ghi nhận doanh thu thị trường nước ngoài đến từ cả 6 công ty thành viên.
Quyết đoán và kiên định, anh Bùi Quang Ngọc đã chèo lái con thuyền FPT không chỉ tăng trưởng vững chắc mà còn mạnh mẽ vươn tầm đến một tập đoàn toàn cầu. Với vai trò chiến tướng tối cao của FPT, anh đã tận lực duy trì phát triển mọi mặt của hoạt động kinh doanh.
Anh chỉ huy những dự án đồ sộ, mang tính bước ngoặt của Tập đoàn như thống nhất Công ty FPT trên toàn quốc (2002); Tiến hành cổ phần hóa FPT (2002); Tái cấu trúc sở hữu 3 đơn vị thành viên FPT IS, FPT Software, FPT Trading (2011)…
Dưới thời của anh, FPT đã tiến hành thương vụ M&A đầu tiên trong lĩnh vực CNTT của Việt Nam tại thị trường nước ngoài; Doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được cấp Giấy phép Viễn thông tại Myanmar; Tiên phong đồng hành cùng các tập đoàn hàng đầu thế giới nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ mới thay đổi phương thức hoạt động và mô hình kinh doanh trong nền kinh tế số; Ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo toàn diện FPT.AI; Mua 90% cổ phần của Intellinet - Công ty tư vấn công nghệ hàng đầu của Mỹ… Những thành công đó của FPT đều có bóng dáng của vị lãnh đạo kỳ cựu Bùi Quang Ngọc.
Ngày 8/3/2019, HĐQT FPT thông qua nghị quyết bổ nhiệm anh Nguyễn Văn Khoa đảm trách vị trí Tổng Giám đốc FPT thay thế anh Bùi Quang Ngọc kết thúc 6 năm điều hành với nhiều dấu ấn quan trọng.
Lễ chuyển giao vị trí Tổng giám đốc FPT giữa anh Bùi Quang Ngọc và anh Nguyễn Văn Khoa được tổ chức đậm chất STCo, tháng 3/2019. |
Lễ chuyển giao vị trí Tổng giám đốc FPT giữa anh Bùi Quang Ngọc và anh Nguyễn Văn Khoa được tổ chức đậm chất STCo, mang ý nghĩa truyền trao giữa 2 thế hệ nhà F. Anh Nguyễn Văn Khoa, có hơn 20 năm gắn bó, trưởng thành tại FPT qua nhiều vị trí công việc khác nhau, am hiểu sâu sắc các hoạt động kinh doanh, công nghệ với khách hàng.
Năm 2012, ở tuổi 35, anh Nguyễn Văn Khoa là CEO công ty thành viên chủ chốt trẻ nhất FPT khi được bổ nhiệm vị trí Tổng giám đốc FPT Telecom. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý nòng cốt, cùng những quyết sách và tầm nhìn mới mẻ, anh đã dẫn dắt FPT Telecom giữ vững vị trí Top 3 công ty cung cấp dịch vụ Internet hàng đầu Việt Nam, liên tục thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ và phương pháp quản trị mới.
Sau khi đảm nhận vị trí Tổng giám đốc FPT, anh Khoa đã đưa con tàu FPT vững vàng vượt Covid, tăng trưởng bất chấp những ảnh hưởng từ đại dịch. Năm 2020, FPT tăng trưởng doanh thu 7,6% so với cùng kỳ khi đạt mốc gần 29.000 tỷ đồng và lợi nhuận cũng tăng trưởng 12,8% so với cùng kỳ khi đạt 5.261 tỷ đồng, với các điểm sáng tới từ mảng chuyển đổi số và dịch vụ công nghệ thông tin.
Năm 2020, FPT đã trở thành đối tác ưu tiên số 1 của hãng ôtô lớn hàng đầu tại Mỹ và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Malaysia, giành nhiều hợp đồng hàng trăm triệu USD. Đây là một cột mốc đánh dấu sự chuyển mình vượt bậc của FPT trên đấu trường quốc tế khi ký kết nhiều hợp đồng tư vấn chuyển đổi số toàn diện, giá trị lớn cho các tập đoàn hàng đầu toàn cầu.
FPT còn đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số với mục tiêu doanh thu từ khối công nghệ thông tin đạt 1 tỷ USD. Dưới sự dẫn dắt của anh, FPT đã nâng tầm đẳng cấp trở thành công ty chuyển đổi số toàn diện; Nâng tầm vị thế trên toàn cầu với loạt sản phẩm, giải pháp Made by FPT như: akaBot, akaChain, Cloud MSP; Bứt phá mạnh mẽ trong và sau đại dịch Covid; đưa FPT đồng hành thúc đẩy chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường…
Anh Nguyễn Văn Khoa là đại diện cho thế hệ kế cận tại nhà F, mang nguồn gen của FPT với tinh thần máu lửa, nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm… Anh cũng là “thủ lĩnh” tinh thần khi có thể tập hợp, truyền cảm hứng, thúc đẩy và cổ vũ động viên đội ngũ cùng hướng về mục tiêu chung.
F-Story ra mắt với chủ đề “F ta 35 năm” mong muốn tạo không khí sôi nổi, lan tỏa, truyền cảm hứng tự hào về hành trình FPT 35 năm nói chung và quy mô phát triển của Tập đoàn. Từ đây, người FPT sẽ được hòa mình vào những tháng ngày tươi đẹp của FPT trong 35 năm qua. Chương trình sẽ bao gồm 2 nội dung chính: chuỗi minigame diễn ra thứ Tư hàng tuần trên Workplace FPT Chungta News với giải thưởng lên tới 10.000 Gold và loạt câu chuyện truyền cảm hứng trong hành trình 35 năm lên sóng vào thứ Sáu. Hoạt động sẽ kéo dài từ 26/7 - 13/9/2023, trong 8 tuần với các chủ đề hấp dẫn, “thâm cung bí sử” FPT. |
Hà Huy
Ý kiến
()