Tôi vốn là dân kinh tế, nhưng vì đam mê công nghệ nên đã sang Úc để học thêm về mảng này. Học được một thời gian thì tôi “ngứa ngáy chân tay”, nhớ việc quá nên xin làm part-time. May mắn là các sếp ở FPT Software rất cởi mở và chấp thuận.
Thời gian làm việc ở nước ngoài, tôi thực sự được “mở mắt”. Trước khi đạt được thành công thì thất bại đến liên tiếp. Thời gian đầu, những câu trả lời tôi nhận lại từ khách hàng chủ yếu là “không” và “không”. Có ngày, tôi “spam” đến 30 khách hàng, mỗi người lại “spam” tận 10-15 lần. Có người thân thiện gửi mail từ chối, nhưng có người thẳng thừng bảo đừng có gọi điện hay tiếp cận họ nữa.
Một trong những lí do là mình còn mới và ở Việt Nam thì FPT cũng được biết đến nhiều hơn ở đây. Chưa kể, là nữ và khá trẻ so với đồng nghiệp, có lúc tôi bước vào phòng họp mà gần như mọi con mắt đều đổ dồn vào, với một dấu hỏi, như thể là “cô kia có đi nhầm phòng không”.
Tôi không nhớ hết là biết bao lần về nhà mà mặt mũi nghệt ra, tâm trạng chán nản. Bạn tôi nói đùa, đó là “hội chứng học sinh giỏi”, không quen bị từ chối, không quen thất bại.
Rồi có một lần tôi đọc được cái post của anh Trần Đăng Hòa, đại ý tiếp xúc với khách hàng ít nhất 5 lần mới bắt đầu tiếp cận được họ, chưa kể để đi đến “chốt đơn” thì còn phải trải qua biết bao lần nữa. Tôi nhận ra rằng, đó là điều bình thường của thị trường, chứ không hẳn là năng lực mình có vấn đề hay mình quá kém cỏi.
Thế là tôi xốc lại tâm trạng, tự động viên mình, trong 10 người “say no” thể nào cũng có 1 người “say yes”. Tôi cố gắng thiết lập mạng lưới sales, tham gia nhiều event, cuộc gặp của các hội nhóm để tiếp thu kinh nghiệm. Điều hay ho nhất tôi nhận về đó là “đã làm nghề này mặt phải dày lên”. Bản thân tôi là người khá hướng nội, không ít lần, trong các event, tôi phải uống một chút để lấy dũng khí bước ra khỏi vỏ bọc của chính mình. Đến nay thì mặt tôi cũng… dày lắm rồi.
Với những người trẻ được giao trọng trách, tôi vẫn thường nói đùa, như trường hợp của mình là “bị thăng tiến”. Trong FPT thì điều này là bình thường, nhưng không ít khách hàng tỏ ra nghi ngại khi nhìn thấy mặt tôi. Thời gian đầu, tôi cũng bị xao động chút, nhưng rồi tôi nghĩ đó là việc của họ, mình sẽ chứng minh bằng việc cụ thể mà mình làm. Tôi chỉ băn khoăn nhất một điều là mình phải “lớn” nhanh hơn để đạt được mức doanh thu, tăng trưởng mà công ty và lãnh đạo kỳ vọng.
Từ sự thôi thúc đó, tôi hay “ngó nghiêng” xung quanh và cố gắng thay đổi cách tiếp cận bán hàng. Theo cách làm thông thường thì sẽ dựa vào mạng lưới của từng người để tiếp cận khách hàng. Dĩ nhiên, những sales có mạng lưới tốt thì sẽ hữu ích với công ty, nhưng không phải lúc nào cũng tìm được, và thường thì họ bán được hàng là dựa vào danh tiếng của bản thân nhiều hơn nên khi gắn với FPT cũng sẽ rất khó. Vì vậy, mình áp dụng thêm cách làm mới là tập trung vào mảng marketing, triển khai nhiều hơn các hoạt động xã hội để không chỉ tìm khách mà khách còn biết đến và chủ động tìm đến FPT. Như vậy, team sẽ nắm quyền chủ động hơn.
Có một điều tôi đúc rút ra là hãy cứ làm đi, hãy khám phá nhiều con đường, để biết là đường nào quang thì mình xông tới, đường nào tối thì mình tránh. Có đi mới biết đâu là thế mạnh của mình và đâu là giới hạn. Mọi người thường nói đến “vòng an toàn”, quả thực là tôi đã bước ra khỏi vòng an toàn của mình và hiện tại đang bằng lòng với điều đó.
Áp lực công việc và cuộc sống ở nước ngoài khiến tôi cũng không tránh khỏi đôi lúc mệt mỏi. Có lần, thấy tôi cáu kỉnh, con tôi đã nói một câu rằng, sao mẹ không làm công việc ngày trước, lúc đó mẹ ít cáu hơn. Tôi đã phải bình tĩnh và sắp xếp lại cảm xúc. Trong nhiều cuộc họp với team, có người xin về sớm đón con và chính tôi cũng có lúc phải vừa làm việc vừa tranh thủ nấu cơm. Cân bằng giữa công việc cuộc sống là quan trọng và tôi luôn cố gắng thực hiện điều đó cho mình và cả team, để không ai quá mệt mỏi và có năng lượng để tiếp tục với những dự định mới.
Trịnh Thanh Hà
Ý kiến
()