Chúng ta
Thứ sáu, 20/3/2020 | 11:59 GMT+7

Công nghệ FPT thay đổi cuộc sống hàng triệu người Việt

Đã thành thói quen, tan làm, Đoàn Minh Đức (quận Tân Bình, TP HCM) liền bật ứng dụng giao thông trên điện thoại, chọn đường thoáng nhất về nhà để tránh kẹt xe.

Công nghệ FPT thay đổi cuộc sống hàng triệu người Việt

Đã thành thói quen, tan làm, Đoàn Minh Đức (quận Tân Bình, TP HCM) liền bật ứng dụng giao thông trên điện thoại, chọn đường thoáng nhất về nhà để tránh kẹt xe.

Công việc trong ngày hoàn thành, anh Đoàn Minh Đức (nhà quận Tân Bình, TP HCM) nhìn đồng hồ: 17h40. Mở điện thoại, anh bật ứng dụng TTGT TP HCM (Thông tin giao thông thành phố Hồ Chí Minh), chọn xem camera giao thông trên đường về. Mục đích đầu tiên của anh là xem... trời có mưa không, kế đến là soi tình trạng mật độ, tránh đường kẹt. Công ty nằm ngay quận 1, cách nhà 12 km, anh lướt nhìn qua những vạch xanh - đỏ - vàng trên bản đồ của ứng dụng, cẩn thận xem các thông tin rồi nhanh chóng quyết định tránh những con đường có dấu hiệu ùn tắc và chọn lộ trình nhanh nhất.

Trước đó, kẹt xe là nỗi ám ảnh của anh Đức, như bao người dân Sài thành, trong nhiều năm liền. Để đi được quãng đường nhẽ ra chỉ tốn 15-20 phút, anh thường phải mất đến 1 giờ. Cảnh tượng ùn ứ, tắc nghẽn, tiếng còi xe inh ỏi, tiếng gọi í ới... trở nên quen thuộc. Lắm lúc anh chỉ ước mình có khả năng... bay lên để nắm được toàn cảnh giao thông, đặng chọn con đường hợp lý. Từ ngày biết đến ứng dụng giao thông thông minh của FPT, anh nhẹ nhõm hơn mỗi ngày đi làm.

Cùng lúc đó, tại Trung tâm Giám sát và điều khiển giao thông thành phố, một hệ thống hàng chục màn hình có độ phân giải cao liên tục hiển thị hình ảnh giao thông các con đường của Sài Gòn, giúp nhân viên trung tâm điều hành kịp thời và xử lý ngay các tình huống phát sinh. Đây chính là đội ngũ kiểm soát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu, giám sát và cung cấp thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm.

Chuyên gia công nghệ Nguyễn Đức Minh Quân (áo cam) cùng các chuyên gia của Sở Giao thông đang theo dõi hệ thống tại Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông TP HCM. Hàng loạt tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh đầu tiên ở các nút giao quan trọng của TP HCM được lắp đặt bởi FPT IS SMC. Ảnh: Mạnh Trường.

Ra mắt vào tháng 1/2017, ứng dụng thông tin giao thông được FPT phát triển trên cả hai nền tảng iOS và Android. Phần mềm được phát triển dựa trên những công nghệ hiện đại bao gồm công nghệ xử lý ảnh và máy học, cung cấp các nhóm thông tin gồm: tình trạng giao thông theo thời gian thực, mật độ giao thông, tốc độ lưu thông; khu vực đang thi công công trình; thông tin các vị trí tổ chức phân luồng giao thông, thông tin các giấy phép lưu thông, giúp cho người dân có những thông tin một cách trực quan và chính xác.

Với khả năng điều khiển đèn tín hiệu từ xa và thông báo những điểm đang có sự cố giao thông như xe chết máy, tai nạn, cây xanh ngã đổ..., ứng dụng giúp cảnh sát giao thông và người có trách nhiệm bớt phần việc thủ công và thuận tiện hơn trong việc tiếp cận hiện trường để xử lý.

Đông đúc, chen chúc không chỉ là chuyện ngoài đường sá, còn là cảnh tượng thường thấy tại các ga tàu. "Đi tàu không bị tắc đường, chỉ có xếp hàng mua vé tàu mới khổ" là câu đùa của tụi sinh viên xa quê. Mấy năm đầu đại học, Nguyễn Minh Khang, sinh viên Đại học Y Hà Nội, mỗi lần sắp về quê đều phải lặn lội lên ga, gửi xe, vào xếp hàng lỡ như quên mang theo chứng minh nhân dân là lại phải quay về. Từ ngày biết đến trang web bán vé dsvn.vn, cậu chỉ cần chọn chuyến tàu cần đi, nhập thông tin cá nhân rồi thanh toán trực tuyến là có ngay vé với QR code, không cần in.

Đội tình nguyện của FPT IS có mặt tại ga Sài Gòn để hỗ trợ người dân mua vé tàu Tết trực tuyến. 
Ứng dụng "Staff Terminal" quản lý hành khách. 

Thông tin của những hành khách như Khang lập tức được anh Trần Xuân Khải, nhân viên Xí nghiệp Đầu máy Sài Gòn, ghi nhận vào ứng dụng "Staff Terminal" trên điện thoại. Ứng dụng cho phép anh Khải không còn mất thời gian công sức soát vé từng người như trước mà thuận tiện quản lý tất cả khách mua vé lên tàu, gồm tên tuổi, thông tin giấy tờ tùy thân, ga đi, ga đến, số chỗ khách sử dụng, và đối tượng sử dụng như người cao tuổi, thương binh liệt sĩ, học sinh sinh viên, CBNV đường sắt...

Khi ai cần thông tin về đầu máy hay toa xe, hàng hóa vận chuyển đang ở đâu, anh Đỗ Duy Tiến, điều độ viên đường sắt, phải hỏi là hàng đi tàu nào, đi bao giờ, số toa xe chở hàng để lần ngược lại. Sau khi giở hết tập giấy ra mà không thấy, anh sẽ phải sang tìm ở các điều độ khác, rồi gọi điện khắp nơi để nhờ tìm. Chưa kể, trường hợp nghe số toa xe qua điện thoại không chính xác do giọng vùng miền hoặc tạp âm sẽ mất thời gian.

Từ đầu năm 2018, anh Tiến chỉ cần vài thao tác gõ phím và nhấn chuột là biết chi tiết toàn mạng lưới. “Chỉ cần vào ô tìm kiếm toa xe, đánh số xe, nhấn enter là xong, cả doanh nghiệp và nhân viên đường sắt đều biết hàng đang trên tàu nào, ở đâu, vừa giảm được tác nghiệp thủ công, thời gian nhanh hơn”.

Điều độ viên tra tìm thông tin đoàn tàu trên hệ thống quản trị vận tải hàng hóa. Ảnh: Thanh Thúy.

Đây là một trong nhiều tính năng mà hệ thống quản trị online đang được FPT xây dựng và vận hành tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Hiện nay, trên màn hình trực quan đã thể hiện tất cả các tàu đang hoạt động trên tuyến và biết tàu đang ở khu đoạn nào, giờ xuất phát ở ga gốc, ga đến, các thông tin đoàn tàu như có bao nhiêu toa xe, trọng lượng bao nhiêu, dài bao nhiêu mét, số hiệu đầu máy, tên của tài xế, tên của trưởng tàu, số điện thoại...

Hệ thống số hóa được toàn bộ quá trình vận tải, bao gồm chuẩn hóa các mẫu biểu báo cáo, thống kê, hỗ trợ người điều hành quản trị tốt hơn. Mặt khác, điều này còn giúp giảm chi phí, giảm lao động thủ công đáng kể.

Thoăn thoắt các thao tác trên máy tính, Nguyễn Anh Dũng (Công ty TNHH Dược phẩm Hạ Long) nhanh chóng truy cập trang web của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ của công ty mình. Nếu trước đây, để nộp và xử lý, nhận lại hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, anh phải mất 4, 5 lần đi lại. Nay tất cả được rút gọn trong một tiếng click chuột. Không phải kê khai hàng chồng hồ sơ giấy, không phải đi lại nhiều lần, Dũng chỉ phải nộp hồ sơ qua mạng.

“Ngồi văn phòng, tôi có thế gửi hồ sơ qua mạng, theo dõi xem hồ sơ đã được xử lý đến khâu nào. Nhờ dịch vụ công trực tuyến, doanh nghiệp chúng tôi hầu như không phải mất thời gian đi lại, tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí”, anh Dũng cho hay.

Vốn là một xã vùng sâu của huyện miền núi Bình Liêu, Quảng Ninh, nhưng trong vài năm qua, xã Tình Húc đã có trên 10.000 công văn nhận và chuyển qua mạng Internet. Toàn bộ công văn, chỉ thị, báo cáo… đến và đi từ xã lên huyện, tỉnh, các sở, ngành và ngược lại đều được xử lý trên mạng. Nếu thực hiện như trước đây, thì phải in 10.000 công văn đó và đem ra bưu điện gửi - không chỉ tốn kém thời gian mà còn công sức và tiền bạc.

Hệ thống chính quyền số mà xã Tình Húc cũng như toàn tỉnh Quảng Ninh đang sử dụng được FPT chính thức xây dựng và phát triển từ năm 2014. Đây là một trong những dự án lớn, được coi là trọng điểm của FPT. Đồng thời cũng là mô hình thí điểm chính quyền điện tử đầu tiên trong cả nước được Trung ương đánh giá cao, nhận sự ghi nhận, ủng hộ từ người dân và doanh nghiệp.

Suốt 4 năm, FPT đồng hành cùng Quảng Ninh giải quyết những vấn đề cần tháo gỡ trong quá trình triển khai, không chỉ về kỹ thuật mà còn là con người. Thời điểm đó, do chưa có hành lang pháp lý, chính quyền Quảng Ninh cũng như đơn vị thầu dự án là FPT đều phải thận trọng bước từng bước ngắn.

Thời gian đầu triển khai hệ thống, cả chính quyền và người dân còn gặp nhiều khó khăn. Từ trước đến nay, mỗi địa phương, mỗi ngành vẫn có tư tưởng “cát cứ dữ liệu”, coi đó là của riêng mình và không muốn chia sẻ ra bên ngoài. Trong khi cốt lõi của một chính quyền điện tử là dữ liệu tập trung, công khai, minh bạch. Cạnh đó, trình độ sử dụng CNTT của người dân vẫn còn hạn chế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi.

Sau 4 năm "vừa làm vừa gỡ", đến tháng 5/2018, Quảng Ninh hoàn thành việc chuyển đổi hạ tầng Chính quyền điện tử. Cùng năm, tỉnh đứng đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh PCI, chỉ số cải cách hành chính PAR Index.

Đến nay, hệ thống giúp trực tuyến hoá toàn bộ 100% văn bản, giấy tờ tại Trung tâm hành chính công của tỉnh. Gần 250 đơn vị khác thuộc tỉnh Quảng Ninh cũng đang xử lý hồ sơ trên hệ thống điện tử. Ước tính, hệ thống này giúp người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm tới hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội lên tới 70 tỷ đồng mỗi năm.

Bước xuống từ taxi, chị Đỗ Thảo Vân (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) dìu bà nội đã hơn 80 tuổi bước vào Bệnh viện Bạch Mai. Đỡ bà ngồi xuống hàng ghế chờ, Vân nhanh chóng mang theo giấy tờ tuỳ thân cần thiết, cầm chiếc điện thoại, tiến về phía quầy tiếp đón và đăng ký khám cho bà tại khoa Y học Cổ truyền. Toàn bộ thủ tục được hoàn thành nhanh chóng trên hệ thống FPT.eHospital. Chỉ mất khoảng 1 phút, Vân được nhân viên thông báo tầng, số phòng khám và bác sĩ phụ trách.

Hai năm nay, bà của Vân là “gương mặt thân quen” với các y bác sĩ khoa Y học Cổ truyền. Trước đây, vì sợ cảnh chen chúc đông người trong viện Bạch Mai, bà kiên quyết không khám tại bệnh viện dù con cháu hết lời khuyên nhủ. “Bạch Mai là bệnh viện có tiếng, mọi người trong nhà nhiều lần bảo đưa bà đi khám. Nhưng tuổi già chân đau, lưng đau, bà đâu có chịu”, Vân chia sẻ.

Mãi đến đầu 2018, đầu gối bà đau nhức không nhấc lên được, chỉ có thể nằm yên một chỗ, con cháu kiên quyết đưa bà vào viện cấp cứu. Hôm đó, Vân là người làm thủ tục nhập viện cho bà. “Để đề phòng thủ tục giấy tờ lằng nhằng, nhà tôi còn chia người đưa bà vào cấp cứu trước, người lo thủ tục song song”, chị cười. “Thế mà nhoằng cái đã xong, lúc tôi vào phòng mọi người còn hỏi ‘Chưa làm thủ tục à?’. Cứ tưởng đâu phải xếp hàng dài lắm!”.

Từ lần đó, bà nội của Vân cũng dần bớt e ngại khi nhắc tới việc đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai. Sau hai năm, bà còn thông thuộc trình tự đăng ký khám hơn cả chị. Vân nhẩm tính, một buổi đi khám thông thường của bà tại Khoa Y học Cổ truyền chỉ mất khoảng 20-30 phút, tính cả thời gian làm thủ tục đăng ký, xuất đơn.

Bà của Vân là một trong số rất nhiều khách hàng của ứng dụng FPT.eHospital, hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện của FPT đang được triển khai tại Bệnh viện Bạch Mai. Nhờ hệ thống, bệnh viện có thể tiếp đón thành công trung bình 9.000 bệnh nhân/ngày, tăng 15-20% so với trước đó, gấp 15 lần một bệnh viện cấp tỉnh. Trung bình mỗi bệnh nhân chỉ mất 1 phút 40 giây đăng ký và chờ khám. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp rút ngắn thời gian khám, chờ đợi của bệnh nhân.

FPT.eHospital 2.0 là hệ thống phần mềm toàn diện cho một bệnh viện, quản lý toàn bộ hoạt động thông suốt từ lúc tiếp nhận bệnh nhân vào viện cho đến khi ra viện, tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn lực.

Đối với bệnh nhân, FPT.eHospital giúp tương tác với bệnh viện thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh hay trên cổng thông tin để đặt hẹn; xem hồ sơ y tế cá nhân; web/mobile/kiosk check-in; được nhắc nhở y khoa với trợ lý ảo, trao đổi tìm thông tin bệnh viện qua chatbot, trí tuệ nhân tạo; khám chữa bệnh với hàng đợi thông minh kèm thời gian chờ cụ thể; thanh toán viện phí trực tuyến…

Chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân được cũng được nâng cao thông qua việc bác sĩ có thể tra cứu nhanh hồ sơ bệnh án điện tử, giúp chẩn đoán bệnh nhanh chóng, chính xác.

Hệ thống do FPT xây dựng cũng giúp các y bác sĩ được làm việc trong môi trường bệnh viện hiện đại, có thể khám chữa bệnh, xem bệnh án điện tử trên các thiết bị di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh, có thể khám chữa bệnh từ xa… Từ đó hạn chế được các sai sót trong y khoa thông qua việc cảnh báo các tương tác thuốc, sự trùng lặp thuốc trong các toa thuốc của các chuyên khoa khác nhau cho cùng một bệnh nhân.

Đồng thời, bệnh viện cũng tiết kiệm tới 75% thời gian hoàn thành thủ tục đăng ký khám bệnh cho một bệnh nhân (từ 4 phút xuống 1 phút), giảm 40% thời gian kê toa và giúp thời gian làm thủ tục viện phí nhanh hơn gấp rưỡi với độ chính xác cao hơn. Hiệu quả sử dụng nguồn lực của bệnh viện tăng lên gấp 2-3 lần.

Với khát vọng góp phần mang đến cuộc sống thuận tiện, tốt đẹp hơn cho người dân Việt Nam, FPT đã bắt tay xây dựng nhiều hệ thống thông tin, công nghệ trong các lĩnh vực thiết yếu như hành chính công, giao thông, y tế, góp phần giải các bài toán của xã hội. 

1 triệu ngày công/năm là thời gian người dân tiết kiệm được khi đăng ký khám chữa bệnh tại 300 bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT e.Hospital cho đến nay. 

Hơn 36 triệu vé tàu người dân mua dễ dàng trên Hệ thống vé tàu điện tử của Đường sắt Việt Nam trong 6 năm qua.

Nội dung: Hoàng Hương - Hà An
Ảnh: ĐVCC

Ý kiến

()
 
Tags: