Chúng ta

CNTT vào top lương cao

Thứ bảy, 23/5/2015 | 08:14 GMT+7

Theo báo cáo thống kê mức lương thực tế từ hơn 60.000 việc làm đăng tuyển trên Jobstreet.com, CNTT đều lọt top lương cao ở cả ba vị trí: Nhân viên, quản lý cấp trung và quản lý.

Công ty Jobstreet.com Việt Nam vừa đưa ra công bố “Minh bạch mức lương trong tuyển dụng tại Việt Nam”.  Theo báo cáo này, ở vị trí nhân viên, nhân sự ngành Y tế có thể nhận mức lương cao nhất 24 triệu đồng/tháng, đứng đầu Top 10 ngành nghề nhận mức lương cao hiện nay. Hai vị trí còn lại trong Top 3 là  trợ lý/thư ký - điều hành (18,9 triệu đồng) và CNTT (18,8 triệu đồng). Các ngành quản lý khách sạn, kỹ sư, kinh doanh bán hàng, phóng viên, biên tập viên, bất động sản, tiếp thị phát triển kinh doanh có thể nhận mức lương từ 17,2 triệu đồng/tháng trở lên.

fptsoftware-2-9410-1432342434.jpg

Tại Việt Nam, nhân lực CNTT thuộc nhóm lương cao trong ba vị trí: Nhân viên, quản lý cấp trung và quản lý. Còn trên thị trường quốc tế, mức lương trung bình hằng năm của ngành phần mềm là 147.274 USD. Tờ Fortune dẫn số liệu từ IbisWorld cho thấy, nhu cầu tuyển dụng đội ngũ phát triển ứng dụng smartphone nói riêng sẽ tăng đến 37,6% mỗi năm trong khi mức tăng trưởng dự kiến của ngành công nghiệp phần mềm nói chung là 15,5%.

Ở vị trí nhân sự cấp trung, nghề Quản trị viên đứng Top đầu trong 10 nghề nhận lương cao với mức lương 27 triệu đồng/tháng. Tiếp đến là y tế 21,5 triệu đồng/tháng, phóng viên/biên tập viên 20,6 triệu đồng/tháng… CNTT đứng thứ 7 với mức lương 18,9 triệu đồng.

Ở vị trí quản lý, nhân sự Hỗ trợ kỹ thuật có thể nhận mức lương 55 triệu đồng/tháng, tiếp đến là kinh doanh 30 triệu đồng/tháng, luật/dịch vụ pháp lý 27,3 triệu đồng/tháng, quản trị viên 27,1 triệu đồng/tháng, điều hành sản xuất 26,6 triệu đồng/tháng… CNTT đứng thứ 6 với 24,3 triệu đồng.

Theo bà Angie SW Phang, Tổng Giám đốc Jobstreet.com Việt Nam, Việt Nam chưa có thông tin minh bạch về mức lương tuyển dụng, bản mô tả công việc khá sơ sài… Nếu minh bạch được mức lương sẽ làm thay đổi thị trường tuyển dụng tại Việt Nam. Mức lương của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực do trình độ và năng suất lao động thấp hơn, và có đến 60% số người được Jobstreet.com khảo sát nói rằng mức lương của họ không đủ sống, dù tỷ lệ tăng lương bình quân của Việt Nam gần đây là 2 con số, cao hơn mức tăng trưởng lương của nhiều nước trên thế giới chỉ ở mức một con số.

Vì vậy, để tiết kiệm được thời gian tìm nhân sự, dễ dàng thu hút ứng viên và đàm phán trong quá trình phỏng vấn, nhà tuyển dụng nên chia sẻ thông tin về mức lương - yếu tố thường được "bảo mật" - trong nội dung tuyển dụng.

Đối với ứng viên, việc biết trước mức lương khi tìm việc cũng sẽ giúp họ dễ dàng so sánh giữa các công việc với nhau, dễ dàng đàm phán với nhà tuyển dụng, cân nhắc chọn lựa vị trí công việc phù hợp với khả năng và mức lương mong muốn của mình, đồng thời có khuynh hướng nâng cao năng lực bản thân để đáp ứng được công việc có mức lương cao, theo JobStreet.

Tờ Fortune mới công bố kết quả nghiên cứu của IbisWorld nhận định, thị trường việc làm cho các kỹ sư phần mềm, phát triển ứng dụng, lập trình viên sẽ liên tục phát triển trong nhiều năm tới. Kết quả nghiên cứu chỉ ra nhu cầu tuyển dụng đội ngũ phát triển ứng dụng smartphone nói riêng hằng năm sẽ tăng đến 37,6% trong khi mức tăng trưởng dự kiến của ngành công nghiệp phần mềm nói chung là 15,5%. Hãng nghiên cứu thị trường cho biết mức lương trung bình hằng năm của ngành là 147.274 USD, cao nhất trong nhóm.

Theo số liệu từ Ban Nhân sự FPT, tổng số CBNV FPT đến cuối tháng 4 là 23.381 người. FPT Software là đơn vị có đông CBNV nhất với 8.106 người. Hai vị trí tiếp theo trong Top 3 là FPT Telecom có 5.423 nhân viên và FPT Retail 3.870 người. Các công ty còn lại là: FPT IS - 2.961; FPT Trading - 1.309; khối Giáo dục - 909; FPT Online - 417; FPT HO - 195; Sendo - 124; FPT châu Á - Thái Bình Dương (FAPAC) có 14 người và FPT Myanmar có 10 nhân viên.

Năm 2014, FPT đã tuyển mới 4.597 CBNV, tăng 26,39% so với 2013. Với việc bổ sung nhân sự này, tính đến ngày 31/12/2014, tổng số cán bộ, nhân viên trong toàn FPT là 22.016 người, hiện diện tại 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, tỷ lệ cán bộ, nhân viên nam vẫn chiếm ưu thế so với nữ, tương ứng 13.855 người so với 8.161 người (xấp xỉ 1,7 lần).

Toàn FPT cũng có gần 700 CBNV là người nước ngoài, trong số này có đóng góp đáng kể từ FPT Slovakia sau thương vụ FPT mua lại RWE IT Slovakia hồi tháng 6/2014.

Năm nay, FPT dự kiến tuyển mới khoảng 7.000 nhân sự. Trong đó FPT Software cần tuyển 4.000 nhân sự mới với khoảng 500-1.000 nhân viên phục vụ cho định hướng phát triển các dịch vụ mới trên nền công nghệ S.M.A.C.

Nguyên Văn

Ý kiến

()