Chúng ta

Chủ tịch FPT Telecom: 'Hãy là lãnh đạo vô danh của chính mình'

Thứ tư, 9/10/2019 | 11:21 GMT+7

Theo người đứng đầu nhà Viễn thông, để trở thành những lãnh đạo đích thực, mỗi người cần tự rèn tính tự giác, tạo ra kỷ luật cho bản thân.

Ai cũng mong muốn trở thành nhà lãnh đạo. Nhưng không phải ai cũng biết thế nào là lãnh đạo. Trong buổi chia sẻ với hơn 70 lãnh đạo gồm Ban điều hành, lãnh đạo các đơn vị và Ban giám đốc Vùng 7  được tổ chức ngày 9/10 tại FPT Telecom Kiên Giang, Chủ tịch Chu Thanh Hà khẳng định, trước khi làm lãnh đạo của ai đó, hãy trở thành lãnh đạo của chính mình.

Để làm được điều đó, hãy là một nhân viên giỏi. Giỏi ở đây không chỉ là về chuyên môn nghiệp vụ, mà còn là về tình yêu, nhiệt huyết với nghề. Rất nhiều bạn trẻ hiện nay đi làm đều đặt câu hỏi về mức lương trước nhất. Trong khi đó, nhiều người cho rằng đi làm là kiếm chỗ để thể hiện được tài năng của mình. Hai quan điểm khác nhau dẫn đến hai kết quả khác nhau. “Khi người ta tâm huyết, coi công việc thể hiện khả năng của mình, thì tiền đến sau nhưng bền vững, kết quả nhiều khi vượt mong đợi”, chị Hà trải lòng.

ky-luat-fpt-1-9540-1570590897.jpg

Chủ tịch nhà “Cáo” trong buổi Leader Talk vừa qua. Ảnh: Hà An.

Diễn giả chọn cách kể chuyện trong cuốn sách “Lãnh đạo không chức danh” để gửi thông điệp. Tác giả Robin Sama - người từng phục vụ trong quân ngũ, nhưng khi trở về làm kinh doanh lại không thích ứng được với cuộc sống và nhanh chóng cảm thấy chán nản. Sau đó, tác giả gặp được vị thầy từng là bạn của bố mình khi xưa. Khi nghe tác giả kể về câu chuyện của mình, ông thầy bèn đưa Robin đi gặp 4 người, mỗi người thể hiện tinh thần làm việc khác nhau. Từ đó, tác giả tự đúc rút ra kinh nghiệm cho bản thân.

Người đầu tiên mà ông thầy dẫn đến là cô gái tên Anna, nhân viên dọn phòng trong khách sạn nổi tiếng ở New York. Cô rất yêu nghề và còn được xướng tên là nhân viên dọn phòng giỏi nhất tháng, được toàn bộ ban lãnh đạo của khách sạn coi như viên ngọc quý trong tay. Thu nhập của Anna tăng cao và đủ khả năng gửi tiền đều đặn về quê nhà ở một đất nước khác.

Nhà F cũng đang triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy tinh thần yêu nghề của CBNV. FPT luôn yêu cầu tinh thần sáng tạo từ những năm 2015, với Xe cải tiến, iKhiến. Khi đi bán hàng tận nhà, các salesman cũng cần chú ý việc nẹp cái gì trên tường cho đẹp nhất, thuận tiện nhất để làm hài lòng khách hàng. Khi khách hàng không mua dịch vụ, cũng cần để lại trong lòng họ ấn tượng tốt nhất.

“Tôi từng nhận nhiều phàn nàn từ khách hàng, rằng họ không thấy thoải mái với thái độ của nhân viên chỉ vì họ muốn rời mạng. Điều này là không được. Để lại ấn tượng tốt với khách, chúng ta sẽ luôn được họ nhớ tới và giới thiệu bạn bè, người quen thân khác”, Chủ tịch nhà “Cáo” khẳng định.

Người thứ hai ông thầy dẫn Robin tới là VĐV trượt tuyết. Vị VĐV chia sẻ: Thời kỳ hỗn độn mới tạo nên những nhà lãnh đạo vĩ đại". Chị Hà cho hay, hơn 2 năm trước, FPT có một sự kiện “tam đảo” giữa 3 TGĐ: anh Nguyễn Văn Khoa - TGĐ FPT Telecom, anh Phạm Minh Tuấn - TGĐ FPT IS, anh Hoàng Việt Anh - TGĐ FPT Software. Khi đó, anh Khoa là người khó khăn nhất vì từ công ty xây dựng hơn 20 năm, anh phải tiếp nhận một nhà Hệ thống với lợi nhuận chỉ bằng 1/3 của FPT Telecom, nhưng có tới 3.000 nhân lực và mảng công việc khó khăn, phức tạp.

Tuy vậy, anh Khoa cho rằng nơi đang khó khăn nhất, lộn xộn nhất chính là cơ hội của mình. Và trong một năm rưỡi, tân CEO đã làm thay đổi không khí, cách thức kinh doanh và mối liên kết giữa các đơn vị trong FPT IS. “Thời thế tạo anh hùng, nhưng thái độ mới là điều quan trọng”, chị Hà cho hay.

ky-luat-fpt-4-2-9142-1570593555.jpg

Các lãnh đạo thảo luận trong buổi Leader Talk được tổ chức tại Kiên Giang. Ảnh: Hà An.

Người thứ ba là người đề cao teamwork, coi đó là kim chỉ nam trong kinh doanh. Việc hiểu rõ và thông cảm, chia sẻ với đồng nghiệp, đối tác là nguồn động viên để có teamwork đoàn kết. FPT thường xuyên có các hoạt động team building nhằm tạo dựng môi trường đoàn kết, hiểu nhau hơn giữa sếp và nhân viên, nhân viên với nhau để có kết quả kinh doanh tốt hơn. Các lãnh đạo của FPT phải luôn: Giúp đỡ, thấu hiểu, hoà nhập, có khiếu hài hước, nuôi dưỡng quan hệ thường xuyên.

Là sinh viên có kết quả học tập giỏi, từng được đề xuất công việc với mức lương 100 USD/ngày, nhưng chị Hà vẫn quyết định vào làm việc tại FPT dù chế độ đãi ngộ khi đó của nhà F không bằng. Gắn bó với nhà F ngay những ngày đầu, xuất phát từ vị trí sales với mức lương chỉ 280.000 đồng/tháng, nhưng chị Hà không từ bỏ. Chính môi trường trẻ trung, năng động, nhiều nhân tài của FPT Telecom và quan điểm “Chỗ khó mới có cơ hội” khiến chị quyết tâm trụ lại. Sau hơn 20 năm, sự kiên trì đó đã được đền đáp. Chị trở thành Chủ tịch nhà “Cáo”.

Thông qua câu chuyện của người thứ tư, chị Hà nhấn mạnh: “Để trở thành nhà lãnh đạo vĩ đại, trước tiên phải trở thành con người vĩ đại”. Muốn vậy, mỗi người phải có sức khoẻ, rèn luyện thường xuyên và chiến thắng bản thân mình. Mỗi ngày cần dậy từ 5h sáng để thiết lập mục tiêu và duy trì năng lượng tích cực bằng việc tập thể dục. Các đơn vị FPT Telecom đều có các hoạt động tăng cường sức khoẻ được hưởng ứng nhiệt liệt như Hành trình kết nối, FoxSteps….

Ngôi nhà FPT Telecom có vững chãi như hôm nay, ngoài nền móng cơ bản kế thừa từ những người sáng lập còn nhờ sự vun đắp xây dựng của đội ngũ đoàn kết, nhiệt huyết thiết và đầy kỉ luật. “Chính sự chăm chỉ, kiên quyết và khắt khe với nỗ lực của bản thân cho thành công của công ty hơn đối thủ khác đã là nền tảng của sức trẻ FPT Telecom”, chị Hà khẳng định.

Hoàng Hương - Hà An

Ý kiến

()