Chúng ta

Chủ tịch FPT Telecom: 'Để mỗi ngày đi làm của nhân viên đều vui tươi'

Thứ năm, 4/10/2018 | 19:23 GMT+7

“FPT luôn hướng tạo ra môi trường làm việc hạnh phúc, sáng tạo và đổi mới để tạo sự hứng khởi cho nhân viên làm việc hiệu quả”, nữ tướng Chu Thanh Hà chia sẻ tại Diễn đàn Văn hóa Doanh nghiệp 4.0.

Theo người đứng đầu Viễn thông FPT, văn hóa doanh nghiệp đơn giản là sự kết nối giữa những CBNV trong công ty, giữa lãnh đạo và cấp dưới. Văn hóa FPT được gói gọn trong 6 chữ Tôn - Đổi - Đồng - Chí - Gương - Sáng. Suốt 30 năm phát triển và tiên phong, 6 chữ vàng đó trở thành kim chỉ nam cho hàng nghìn CBNV công ty học tập, làm việc và cống hiến.

“Môi trường ở FPT là sự sáng tạo, cởi mở và đổi mới. Mỗi ngày, chúng tôi hy vọng nhân viên của mình đều cảm thấy hạnh phúc, tươi vui và thích đi làm", chị Hà nhấn mạnh và cho hay, nhân viên FPT đều có cơ hội như nhau để phát triển đúng khả năng.

“Chúng tôi có chính sách luân chuyển nhân viên hàng năm để họ tìm được đúng công việc theo nguyện vọng. Đó cũng là cách để chúng tôi thấu hiểu nhân viên của mình. Nhiều cuộc luân chuyển đã tạo ra nhiều thành công đáng kể. Đây cũng là lý do vì sao nhân viên truyền thông có thể chuyển qua làm công nghệ thông tin".

IMG-9414-JPG-7213-1538652515.jpg

Chị Chu Thanh Hà, Chủ tịch FPT Telecom, tham gia Diễn đàn văn hóa doanh nghiệp 4.0. Ảnh: Anh Tuấn. 

Chủ tịch FPT Telecom - chị Chu Thanh Hà chia sẻ với hàng trăm khán giả là những lãnh đạo doanh nghiệp trong nước về “Câu chuyện văn hóa FPT” tại Diễn đàn “Văn hóa doanh nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam và Hiệp hội nữ doanh nhân Thành phố Hà Nội (HNEW) tổ chức ngày 3/10.

Văn hóa doanh nghiệp là một trong những giá trị cốt lõi có ảnh hưởng quyết định tới năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của doanh nghiệptrong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). 

IMG-9442-JPG-8818-1538652515.jpg

Ông Võ Chí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương chia sẻ về văn hóa FPT. Ảnh: Anh Tuấn. 

Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghệ 4.0, chị Hà khẳng định: “Một thách thức lớn được đặt ra cho lãnh đạo đó chính là sự kết nối khi hầu hết mọi thứ được kết nối với mạng xã hội: Viber, zalo, Workplace… Văn hóa doanh nghiệp lúc này cũng phải thay đổi để kết hợp hài hòa với các yếu tố công nghệ như vậy”.

Tại FPT, công nghệ được xem như công cụ để mỗi nhân viên kết nối với nhau nhanh hơn, sự lan tỏa rộng hơn. Bên cạnh đó, các quyết định của lãnh đạo được đưa ra nhanh hơn. “Công nghệ 4.0 giúp người FPT gần nhau hơn. So với hại thì lợi ích nhiều hơn rõ ràng”, chị Hà chia sẻ.

IMG-9443-JPG-5649-1538652515.jpg

Diễn dàn quy tụ hàng trăm doanh nghiệp trong nước tham dự. Ảnh: Anh Tuấn. 

Một ví dụ điển hình cho nét văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ 4.0 là Hành trình kết nối của Công ty Viễn thông FPT. 31 ngày chạy miệt mài 2.650 km từ Lạng sơn đến Đất Mũi Cà Mau nhưng mọi hình ảnh, thông tin đều được cập nhật nhanh nhất trên mạng xã hội, Workplace của người FPT. “Qua đây, chúng tôi có thể cổ vũ, chia sẻ niềm vui với các đồng nghiệp. Điều này đã gắn kết hơn 33.000 người FPT với nhau”, chị Hà bày tỏ.

Theo chị Hà chia sẻ, văn hóa FPT có thể hiển diện ở tất cả mọi nơi, đó có thể là các chương trình sinh hoạt văn hóa văn nghệ, những giải bóng đá truyền thống, các hoạt động xã hội cho đến các quy định đã thành nếp như lãnh đạo không nhận quà, phong bì của nhân viên, lãnh đạo phải làm gương, không tham nhũng, không tư lợi cá nhân… Việc xây dựng, phát triển CLB Trường tồn để sẵn sàng cùng nhau chăm lo cho con em cán bộ nhân viên cũng là một nét văn hóa đẹp, rất FPT. Tất cả điều đó đã đóng góp quan trọng vào thành công của FPT hôm nay.

Nói về văn hóa FPT, ông Võ Chí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung Ương, nhận định: “FPT là môi trường làm việc cởi mở. Chỉ có hai điều có thể tóm tắt về nét văn hóa của doanh nghiệp này: Sáng tạo và Đổi mới. Người FPT biết cách tiếp nối gen văn hóa này. Đó cũng là lý do để họ phát triển trong 30 năm qua”.

Với chủ đề “Văn hóa doanh nghiệp 4.0”, diễn dàn còn có sự tham gia của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam, Chủ tịch HNEW. Tại đây, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, CMCN 4.0 đã và đang diễn ra trên toàn thế giới, với tốc độ lan tỏa nhanh chóng và sức ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhiều lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, tương lai của việc làm sẽ thay đổi trong kỷ nguyên 4.0, bởi khoảng 70% công việc hiện tại có khả năng biến mất hoặc bị biến đổi, hàng loạt công việc mới sẽ được tạo ra trong 10 năm tới. Theo đó, cũng giống như các doanh nghiệp trên toàn cầu nói chung, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ của CMCN 4.0 - kỷ nguyên của robot, nhất là làm thế nào để xây dựng chiến lược kinh doanh mới, chiến lược quản trị nguồn nhân lực đa dạng giữa con người - robot…

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khuyến nghị các doanh nghiệp: “CMCN 4.0 sẽ là bánh xe lớn thúc đẩy cho các doanh nghiệp nhảy cao hơn, xa hơn hoặc có thể sẽ bị bật ra ngoài vòng quay đó hay bị nghiền dưới bánh xe… Việc xây dựng văn hóa daonh nghiệp thời 4.0 tốt sẽ giúp hài hòa và tạo sự hợp tác - tương tác tốt giữa con người với robot trong công việc, từ đó, tận dụng được cơ hội mà CMCN 4.0 mang lại. Doanh nghiệp có phát triển được bền vững trong thời kỳ 4.0 hay không sẽ không chỉ dựa trên sự đầu tư vào công nghệ, mà còn dựa trên sự đầu tư vào văn hóa doanh nghiệp. Đó sẽ trở thành xu thế mới mà các doanh nghiệp cần thực sự chú trọng.

Hà Trần

Ý kiến

()