Chúng ta

Chủ tịch FPT: 'Học tập hứng khởi tạo ra cuộc cách mạng mới'

Thứ sáu, 17/6/2016 | 09:42 GMT+7

Chủ tịch Trương Gia Bình tin tưởng Constructivism là phương pháp duy nhất đúng giúp người học có thể hứng khởi và tự học để tự xây lâu đài tri thức cho bản thân.

Truong-Gia-Binh-620.jpg

Chủ tịch Trương Gia Bình rất tâm đắc với phương pháp kiến tạo. Ảnh: S.T.

- Constructivism - cách học tập kiến tạo được anh nhắc tới từ nhiều năm trước. Tuy nhiên từ đầu năm nay, anh liên tục nói chuyện với CBNV về chủ đề này và còn đích thân dạy sinh viên ĐH FPT môn Toán theo phương pháp kiến tạo, động lực nào đã thôi thúc anh làm điều đó?

- Tôi tin tưởng đây là con đường duy nhất đúng để thực học vì tạo sự hứng khởi trong học tập. Học tập nhồi nhét không tạo ra sự sáng tạo. Cách học kiến tạo là học thật tạo nên sự sáng tạo - đây là điều vô cùng cần thiết. Tôi mong muốn Constructivism triển khai rộng ở FPT thông qua đào tạo nội bộ MBA, MOOC, ĐH FPT... Nếu triển khai rộng khắp thì hiệu quả sẽ cao và tạo nên một cuộc cách mạng trong học tập.

- Vốn là dân chuyên Toán lại tự nhận mình đã khai phá phương pháp học tập kiến tạo từ sớm, vậy cuộc đời học tập của anh đã có những thành tựu ra sao khi học tập theo phương pháp này?

- Nhìn lại mới hiểu là trước đây tôi học tập theo phương pháp Constructivism. Rất may là tôi "rơi" vào môi trường phải Constructivism mới được. Ví dụ khi còn là học sinh chuyên Toán, phần thầy dạy trên lớp ít còn hứng khởi tự nghiên cứu nhiều. Khi sang Liên Xô cũ, tôi được tiếp cận phương pháp giảng dạy đặc biệt và có vị trí cao "khủng khiếp" trong nền giáo dục Xô Viết - ĐH Tổng hợp Moscow. Những kiến thức học tôi học theo Constructivism và làm việc sáng tạo với thầy thì đọng lại rất lâu.

- Constructivism rất nặng về lý thuyết. Vậy nếu tóm tắt ngắn gọn những đặc trưng cơ bản của phương pháp này, anh sẽ nói gì?

- Bản chất học kiến tạo là cá nhân hóa quá trình học tập. Học kiến tạo giúp mỗi cá nhân hứng khởi tìm kiếm tri thức, kỹ năng và trải nghiệm của chính mình trong nhóm và có sự hướng dẫn của giảng viên. Đó là con đường tìm kiếm kiến thức của riêng mỗi người.

Về nguyên tắc, điều kiện học lý tưởng Constructivism là trình độ của người học đồng đều. Tuy nhiên, nếu không phân lớp thì cho sinh viên chọn bài tập hợp, không ép họ làm bài quá khó. Học hứng khởi có hai điều quan trọng: Tiến bộ so với chính bản thân mình và tự học được. Trước kia, chúng ta kiểm tra bằng cách cho nhảy qua một thước nhảy chung. Giờ thước nhảy không quan trọng mà nên để người học tự lựa chọn thước nhảy phù hợp và mỗi ngày tiến bộ hơn so với mức của họ là thành công.

- Học kiến tạo bản chất là người học hứng thú và tự học bồi đắp lâu đài kiến thức cho mình. Vậy theo anh, ví trí của người thầy ở đâu?

- Người thầy sẽ sáng tạo ra cách giúp học sinh học tập hứng khởi.

- Tại sao anh lại bắt đầu Constructivism ở môn khoa học cơ bản là môn Toán - được đánh giá là khó để "constructivism"?

- Để học hứng khởi không quan trọng nội dung học là Toán, Kinh doanh, Chiến lược... Tuy nhiên, từng môn người thầy cần có sáng tạo tiếp theo để tạo hứng khởi cho học sinh. Tạo hứng khởi trong Toán học là khó nhất nên tôi thử xem sao.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ mình bắt đầu dạy Constructivism từ Toán thành công thì môn khác cũng làm được. Nhiều người nói khó, tôi nghĩ do họ chưa hiểu. Khi học Toán cần có sự chuẩn bị cấp này thì mới hiểu cấp kia. Nếu tập trung vào nội dung dễ lạc lối nhưng chú ý vào cách tạo hứng khởi thì lại khá đơn giản. Dù có nhiều hiểu lầm nhưng đi vào thực tiễn dễ ngộ ra cách dạy và cách học của mình.

- "Lý thuyết màu xám còn cây đời mãi mãi xanh tươi", dù tường thông về lý thuyết kiến tạo nhưng khi bước vào thực tế dạy môn Toán ở ĐH FPT, anh đã vấp phải những khó khăn gì?

- Khi chưa từng dạy Toán trong trường đại học, đó là một thách thức. Constructivism cần phải bắt đầu từ bài toán thực tiễn của ai đó, ví dụ đạo hàm, vận tốc, gia tốc, đại số liên quan đến các bài tính toán trong thực tiễn nên dễ hiểu. Tuy nhiên, có một số kiến thức thì không nhưng tôi không nhiều thời gian tìm ví dụ thực tiễn cho mọi người dễ hiểu hơn.

- Theo anh, ĐH FPT cần thực hiện lộ trình như thế nào để đưa thành công Constructivism vào giảng dạy?

- Tôi nghiên cứu về Constructivism thì thấy rất nặng về chữ, học thuyết này, học thuyết kia, dễ lạc lối. Nhưng chỉ quay quanh câu hỏi làm cách nào để mọi người hứng khởi tự học, đó chính là con đường của Constructivism.

Trên thế giới nhiều trường danh giá đã tạo nên các tỷ phú sáng lập ra Facebook, Google... Nếu làm được, ĐH FPT sẽ là trường đầu tiên triển khai phương pháp giáo dục này và có một vị trí rất đặc biệt trong nền giáo dục thế giới.

Thông thường, người đứng đầu trường đại học trên thế giới rất già, họ tin tưởng cách làm của mình đúng cộng thêm giảng viên cao tuổi, trong khi ĐH FPT có hiệu trưởng trẻ, thầy cô trẻ với tinh thần đổi mới vươn lên. Được học tập theo phương pháp kiến tạo, sinh viên FPT tốt nghiệp ra trường có thể nhanh chóng có việc làm và đi xa trong sự nghiệp của mình.

- Anh có gửi gắm thông điệp gì đến sinh viên và giảng viên ĐH FPT đang chuẩn bị cho công cuộc "cách mạng giáo dục" nhờ Constructivism?

- Học hứng khởi là niềm vui cho cả thầy và trò, khiến việc học tập vô cùng hiệu quả. Kết thúc mỗi buổi học, tôi thường hỏi sinh viên: "Hôm nay em có hiểu không, có nhớ không, học có thích không?", và câu trả lời là "Có". Trong buổi học, sinh viên sôi nổi tập trung học, không ai làm gì ngoài việc học. Đây là kết quả mà cách cũ không làm được. Với cách học này, sau khi ra khỏi lớp là nắm được từ khóa và thực sự hiểu bài. Phương pháp này khác cách học truyền thống, thầy cứ giảng, bên dưới học trò không quan tâm. Đến cuối kỳ thi, các em mới học gạo để đi thi.

Có ba yếu tố cốt yếu để tạo nên phương pháp học kiến tạo chính là: Hứng khởi, các "case" thực tế và học theo nhóm. Trong đó, Chủ tịch FPT nhấn mạnh nhất yếu tố "hứng khởi" của người học - linh hồn của Constructivism. "Bởi bản thân tôi trải qua hai quá trình. Học theo cách truyền thống thì không đọng được nhiều. Nhưng khi tôi tự học, tự sáng tạo và học theo cách kiến tạo thì không bao giờ quên". 

Quá trình học tập kiến tạo cần tìm hiểu (dùng trí não để nhận thức thế giới khách quan và tháo từng mảnh ghép để quan sát), nâng cấp (tìm mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng), "một thoáng lơ đãng" (đam mê, sáng tạo thoải mái mà lòng thanh tịnh) và sáng tạo (từ tất cả mảnh ghép trên kết nối mà thành kết quả). Để thúc đẩy quá trình này cần có sự tranh biện, học nhóm, cá thể hóa, kết nối, sử dụng học liệu mở...

>> Ba giờ học Toán kiến tạo với Chủ tịch FPT

Lưu Vân thực hiện

Ý kiến

()