Chúng ta

Ba giờ học Toán kiến tạo với Chủ tịch FPT

Thứ tư, 18/5/2016 | 11:13 GMT+7

Anh Trương Gia Bình lần đầu tiên đứng lớp giảng dạy môn Toán cho sinh viên khóa 11 của ĐH FPT vào chiều ngày 17/5 tại phòng 406 nhà Beta, cơ sở Hòa Lạc, Hà Nội.

620-2-3286-1463537257.jpg

Lần đầu tiên Chủ tịch FPT đứng lớp môn Toán theo phương pháp đào tạo kiến tạo.

Hiện thực hóa việc đưa phương pháp giảng dạy kiến tạo vào ĐH FPT, Chủ tịch FPT đã đứng lớp thử nghiệm môn Toán học cho sinh viên của trường. Buổi học có sự tham dự của hơn 20 sinh viên khóa 11 ngành Kỹ thuật phần mềm và các thầy cô giáo trong CLB Constructivism (giảng dạy theo phương pháp kiến tạo). 

Trước đó, để chuẩn bị cho buổi dạy này, anh Bình đã trao đổi và làm việc rất chi tiết với anh Đinh Thành Trung, Chủ nhiệm khoa Toán, ĐH FPT. Kiến thức của môn Toán trải rộng trên hai cuốn giáo trình dày cộm được thu gọn qua 79 slide. Trước khối lượng kiến thức khổng lồ, anh Bình nhanh chóng sắp xếp một cuộc nói chuyện trực tiếp với Chủ nhiệm khoa Toán ĐH FPT.

Trong hai giờ đồng hồ trao đổi và thảo luận, ý tưởng, format cho buổi học theo phương pháp mới đã được anh Bình vạch ra. Theo đó, 79 slide rút gọn chỉ còn 2 slide, giáo trình dày cộm sẽ được thay bằng video, hình vẽ. Sau đó, anh Bình ngồi soạn giáo án và viết công thức tỉ mỉ ra giấy, chuẩn bị cho giờ lên lớp.

Vừa bước vào lớp học của sinh viên ĐH FPT, anh bộc bạch: "Tôi thường dạy Quản trị kinh doanh, Vật lý... Lần đầu dạy môn tay trái về khoa học cơ bản là Toán học. Đây là minh chứng cho việc môn học nào cũng có thể dạy và học theo phương pháp kiến tạo".

620-6716-1463537257.jpg

Các sinh viên rút ví để đánh cược. Trong cả giờ học, tổ nào xuất sắc hơn sẽ nhận được tiền từ nhóm thua cuộc và tiền tài trợ của anh Bình.

22 sinh viên của lớp học nhanh chóng chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm có 7-8 thành viên. Đặc biệt, anh đã khiến cả lớp xôn xao khi bày ra cuộc thi các nhóm sẽ thi đua với nhau và nhóm giành chiến thắng sau buổi học sẽ nhận thưởng bằng tiền mặt từ nhóm thua cuộc.

Không bắt đầu tiết học bằng bài giảng mới, anh Bình dành 10 phút kiểm tra kiến thức cũ bởi theo anh "văn ôn võ luyện, kiểm tra kiến thức cũ giúp sinh viên viên sẵn sàng tiếp thu bài mới". Sinh viên hoàn thành bài sớm sẽ được cộng điểm cho nhóm mình. Khi 10 phút kiểm tra kết thúc, các nhóm sinh viên được hoán đổi bài để chấm chéo nhau. Đây cũng là một cách giúp sinh viên phải liên tục làm việc, đồng thời ôn lại kiến thức nhiều lần.

Để lôi cuốn sinh viên vào bài học mới, anh Bình bật mí: "Sau đây, tôi bật cho các bạn xem video mà chưa trình chiếu ở đâu, kể cả người FPT cũng chưa được xem". Ngay sau đó, đèn trong lớp học tắt, rèm cửa cũng được kéo xuống, những âm thanh và hình ảnh sống động về cuộc chiến tranh kiểu mới khiến sinh viên tập trung ngay từ đầu.

620-1-5187-1463537257.jpg

Với sinh viên chưa nắm được kiến thức, anh Bình còn đến tận nơi để dạy trực tiếp.

Khi video khép lại, anh Bình liền đưa ra liên kết giữa cuộc chiến tranh giữa các vì sao, tên lửa... và các thuật Toán, đặc biệt là đạo hàm - nội dung của buổi học. Vậy là chỉ với một sợi dây liên kết rất tài tình, bỗng chốc nội dung khô khan của Toán học không hề viển vông mà thực sự đi sát vào thực tiễn cuộc sống.

Anh lý giải những công thức khô khan luôn từ ví dụ thực tế và sinh động của cuộc sống. Bài giảng luôn có sự đóng góp từ hai phía thầy và trò. Sinh viên liên tục phải động não suy nghĩ để trả lời và nắm được kiến thức mới.

Mỗi lần sinh viên trả lời đúng, có sáng kiến, đóng góp cho bài học, thậm chí là dũng cảm nói "em chưa hiểu" cũng được cộng điểm cho nhóm. Đây là một cách truyền cảm hứng, khiến mọi vấn đề đều trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng giúp sinh viên hào hứng với giờ học. "Linh hồn của phương pháp đào tạo kiến tạo chính là tạo hứng khởi để người học tự học, tự tìm hiểu và xây dựng tòa tháp kiến thức cho riêng mình", anh Bình chia sẻ. 

Sau gần 3 giờ học tập miệt mài, nhóm có điểm số cao nhất được trao thưởng tiền mặt. Cuối buổi, sau khi tổng kết kiến thức, anh Bình liền quay sang hỏi sinh viên về cảm nhận khi học phương pháp mới. Mỗi sinh viên chia sẻ cảm nhận của mình một cách ngắn gọn như: "Đau đầu, bối rối, hay, dễ hiểu, độc đáo, lạ, mới mẻ, sáng tạo, cô đơn, trống trải...". Tuy nhiên, trên gương mặt ai nấy đều hào hứng.

Với vẻ rạng rỡ, Nguyễn Hữu Hoàng Tùng, sinh viên ngành Kỹ thuật Phần mềm, khoá 11, ĐH FPT, chia sẻ: "Em thấy rất hào hứng sau buổi học Toán với Chủ tịch FPT. Em được liên tục hoạt động, động não chứ không chỉ nghe giảng một chiều. Đặc biệt, khi làm việc và thi đua giữa các nhóm giúp em có tinh thần ganh đua để giành chiến thắng. Em muốn học thêm nhiều giờ học kiến tạo nữa về môn Toán và những môn khác để tiếp thu nhiều kiến thức nhất, giúp làm chủ tương lai sau khi ra trường".

620-3-8714-1463537257.jpg

Các thầy giáo trong CLB Constructivism dự giờ giảng của anh Bình.

Ngồi dự giờ giảng của anh Bình, anh Trần Đình Trí, Chủ nhiệm bộ môn Software engineering (SE), cho biết: "Điểm mới của cách giảng dạy kiến tạo là các em được chia nhóm làm việc ngay tại lớp. Trước khi vào bài, anh Bình kiểm tra nội dung bài cũ để sinh viên nhớ lại kiến thức và không thu động khi tiếp cận bài mới".

Theo anh Trí, ưu điểm của phương pháp sư phạm kiến tạo là bắt buộc người học phải hoạt động chứ không tiếp nhận thụ động bởi "học là lao động". Tuy nhiên, với cách tinh giản nội dung bài học, yêu cầu người học hứng thú tìm hiểu, đọc sách và tự học. Vì vậy, việc áp dụng phương pháp đào tạo mới không thể lý trí mà cần thí điểm, rút kinh nghiệm, đào tạo cho giáo viên rồi mới đưa vào đại trà.

Dự kiến, anh Bình sẽ dạy thử nghiệm 3 buổi học môn Toán cho sinh viên khoá 11, ĐH FPT.

Constructivism sẽ giúp đào tạo có sự khác biệt và sáng tạo các giá trị mới chứ không chỉ đơn thuần thuần thục các kỹ năng như một bộ máy. Có ba yếu tố cốt yếu để tạo nên phương pháp học kiến tạo chính là: Hứng khởi, các "case" thực tế và học theo nhóm. Trong đó, yếu tố "hứng khởi" của người học chính là linh hồn của Constructivism. 

Quá trình học tập kiến tạo cần tìm hiểu (dùng trí não để nhận thức thế giới khách quan và tháo từng mảnh ghép để quan sát), nâng cấp (tìm mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng), "một thoáng lơ đãng" (đam mê, sáng tạo thoải mái mà lòng thanh tịnh) và sáng tạo (từ tất cả mảnh ghép trên kết nối mà thành kết quả). Để thúc đẩy quá trình này cần có sự tranh biện, học nhóm, cá thể hóa, kết nối, sử dụng học liệu mở...

>> 'Giáo dục theo Constructivism tất yếu sẽ lan tỏa'

Lưu Vân

Ý kiến

()