"Bà Chu Thanh Hà là lãnh đạo nữ cấp cao hiếm hoi tại FPT và giới công nghệ Việt Nam", Forbes Việt Nam viết về Chủ tịch FPT Telecom. "Ngay sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội năm 1994, bà đầu quân cho FPT và gắn bó liên tục với tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam trong 23 năm qua".
Trong số Top 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 do Forbes Việt Nam công bố, lĩnh vực kinh doanh chiếm ưu thế với 20 nhân vật. Ảnh: Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà (bìa phải) cùng các nữ doanh nhân trong buổi chụp hình cho Forbes Việt Nam. |
Chị Chu Thanh Hà sinh năm 1974, có bằng cử nhân Kinh tế - Đại học Kinh tế Quốc dân và bằng thạc sĩ Quản trị Kinh doanh - Đại học Hawaii (Mỹ). Gia nhập FPT từ năm 1995, chị gắn bó với FPT Telecom (tiền thân là Công ty Truyền thông FPT) kể từ khi ra đời đến nay và đã có nhiều đóng góp quan trọng để đơn vị này trở thành công ty viễn thông hàng đầu tại Việt Nam. Tháng 3/2011, chị Chu Thị Thanh Hà được bổ nhiệm làm PTGĐ FPT kiêm Chủ tịch FPT Telecom. Từ 4/2015, chị Hà thôi làm PTGĐ tập đoàn để chuyên tâm cho Viễn thông FPT. Trong vài năm gần đây, đơn vị đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, từ hiệu quả kinh doanh đến vận hành theo xu hướng doanh nghiệp chuyển đổi kỹ thuật số.
Viễn thông FPT hiện có 7.000 người, sở hữu tuyến trục Bắc - Nam dài hơn 9.200 km, hiện diện ở 59 tỉnh thành và không ngừng mở rộng vùng phủ ra ngoài biên giới Việt Nam với văn phòng tại Campuchia và Myanmar. "Hai năm gần đây, FPT Telecom phát triển nhanh với lượng thuê bao tăng trưởng khoảng 40 lần từ dưới 50.000 thuê bao lên gần hai triệu khách hàng".
Chia sẻ với Forbes Việt Nam, chị Hà đánh giá FPT Telecom mạnh về dịch vụ viễn thông cố định nhưng mục tiêu lớn nhất hiện nay là đưa công ty bước chân vào thị trường viễn thông di động, trở thành một doanh nghiệp viễn thông đầy đủ, đạt tầm quốc tế với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp, sáng tạo.
Chủ tịch Chu Thanh Hà nằm trong danh sách nữ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 cùng các lãnh đạo: Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm CEO PNJ; Dương Thị Mai Hoa, CEO Vingroup; Đinh Thị Hoa, Chủ tịch kiêm CEO Thiên Ngân (Galaxy Studio); Nguyễn Thị Thanh Huyền, CEO May 10; Phạm Thị Huân, CEO Ba Huân; Thái Hương, Chủ tịch TH; Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát; Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Vĩnh Hoàn; Mai Kiều Liên, CEO Vinamilk; Trần Thị Lệ, CEO NutiFood; Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch kiêm CEO Tiến bộ Quốc tế (AIC); Lưu Thị Tuyết Mai, Sáng lập & CEO Mesa Group; Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch SeaBank, Tập đoàn BRG; Nguyễn Thanh Phượng, Chủ tịch chứng khoán Bản Việt (VCSC); Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Sovico Holding, CEO Vietjet Air; Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm CEO REE; Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam; Lê Minh Trang, CEO Satra và Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Trafaco.
Forbes Việt Nam cho biết, việc xếp hạng nhân vật sử dụng các tiêu chí: Ảnh hưởng tài chính, tầm ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng tích cực, mức độ xuất hiện trên truyền thông. Đây là phương pháp đánh giá được Forbes sử dụng cho danh sách “Phụ nữ quyền lực thế giới” hằng năm, có điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh và môi trường Việt Nam. Theo Forbes Việt Nam, lĩnh vực kinh doanh có nhiều gương mặt nữ nổi bật nhất, 20 người, và ảnh hưởng của họ có thể thấy rõ từ những công ty có vị trí dẫn đầu trong nền kinh tế do họ lãnh đạo.
“Nhờ những tiến bộ vượt bậc về vấn đề bình đẳng giới trong những năm gần đây, nhiều phụ nữ đã phát huy được năng lực của mình trong các lĩnh vực ở xã hội Việt Nam, và đang trở thành lực lượng tạo ra ảnh hưởng tích cực đến mọi mặt của đời sống. Điểm chung của những người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn là sự mạnh mẽ, bền bỉ giúp họ vươn lên và thành công trong lĩnh vực của mình”, tạp chí này bình luận.
Đây là năm thứ hai Forbes Việt Nam công bố danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất. Để ủng hộ sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, Forbes Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Phụ nữ 2017vào ngày 12/4 tại TP HCM. Dự kiến đây là sự kiện có quy mô nhất về phụ nữ trong năm 2017, với sự tham dự của hơn 1.000 người.
Trước đó, Chủ tịch FPT Telecom Chu Thanh Hà cũng giành danh hiệu “Lãnh đạo của năm 2016” - hoạt động do Chúng ta khởi xướng từ năm 2013, nhằm tôn vinh người có nhiều đóng góp, cống hiến và ảnh hưởng tích cực đối với FPT, để lại dấu ấn đậm nét.
Mới đây, trang web của Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) vừa đăng bài viết về Chủ tịch FPT Telecom trong hành trình 20 năm tham gia dẫn dắt "nhà Cáo". Trong đó, Chủ tịch Chu Thanh Hà bật mí bí quyết giúp FPT Telecom trở thành doanh nghiệp chuyển đối kỹ thuật số thành công trong bối cảnh Việt Nam bằng ba từ khóa: Nguồn lực, cơ sở hạ tầng riêng và tất cả vì khách hàng.
>> Sếp FPT Telecom tiết lộ 3 bước thành doanh nghiệp chuyển đổi kỹ thuật số
Nguyên Văn
Ý kiến
()