Chúng ta

Nam sinh FPT Polytechnic biết thổi 14 loại sáo

Thứ bảy, 19/7/2014 | 10:25 GMT+7

Nguyễn Ngọc Sơn, sinh viên khóa 9.3 ngành Lập trình di động, FPT Polytechnic, biết thổi 14 loại sáo của người Mông. Ngoài ra, Sơn còn có thể chơi piano và organ rất thành thạo.
> 'Việt Nam trong tim tôi' giành giải Nhất FU Talent Show / FU Talent Show thể hiện sự đoàn kết của sinh viên FPT

Hòa trộn trong người hai dòng máu dân tộc Kinh của bố và dân tộc Thái ở mẹ, nam sinh Ngọc Sơn lại rất tài tình khi thổi 14 loại sáo của người Mông. Trong đêm chung kết FU Talent Show, chàng trai rắn rỏi đến từ miền Tây Bắc đã gây được ấn tượng đặc biệt với Ban giám khảo và khán giả. Tiết mục của cậu và đội tình nguyện Poly giành được giải Nhì tại FU Talent Show 4, lần đầu tiên được tổ chức trên toàn khối Giáo dục.

a

Nguyễn Ngọc Sơn, sinh viên khóa 9.3 ngành Lập trình di động, FPT Polytechnic, biết thổi 14 loại sáo của người Mông.

Ngọc Sơn chia sẻ với Chúng ta về niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc của mình sau đêm chung kết FU Talent Show mùa thứ 4 được tổ chức tối ngày 15/7 tại Nhà hát Âu Cơ, Hà Nội.

- Cảm xúc của Sơn thế nào sau khi trình diễn xong phần thi?

- Trước giờ diễn, em cảm thấy rất hồi hộp và lo lắng. Nhưng khi diễn, trước sự cổ vũ của khán giả, em đã thoải mái hơn và thể hiện hết mình.

- Vì sao Sơn lại quyết định tham gia cuộc thi và cùng các sinh viên Cao đẳng mang tới tiết mục Sáo Mông?

- Em muốn mang nét đẹp của vùng miền mình đến cuộc thi để giao lưu cùng các sinh viên khối Giáo dục. Trong cuộc sống ồn ào náo nhiệt này, âm nhạc chính là nốt lặng để mọi người thư giãn.

- Sơn và nhóm đã tập luyện ra sao cho tiết mục này?

- Trước đêm chung kết 10 ngày, nhóm em đã luyện tập. Rất may mắn là 4 trong 5 thành viên trong đội lại trọ cùng nhà. Vì vậy, sau giờ đi học, buổi tối mọi người lại tụ tập để tập luyện.

- Kỷ niệm mà Sơn nhớ nhất trong quá trình luyện tập?

- Em nhớ nhất kỷ niệm trong lúc luyện tập thiếu "đạo cụ", các thành viên trong nhóm đã "chế" mắc quần áo thành khèn. Tập xong, cả nhóm lại ăn uống và "chém gió" vui vẻ.

Nguyễn Ngọc Sơn

Quê quán: Mai Sơn, Sơn La.

Sở trường: Chơi nhiều nhạc cụ như sáo, piano, organ.

Thành tích: Giải Nhì cuộc thi Xã Bản Thôn Văn hóa 2012.

- Trong tiết mục, mọi người ấn tượng nhất tiếng sáo quyến rũ. Để có thể thổi lên được âm thanh đó, Sơn đã phải tập luyện ra sao?

- Em phải học trong 5 năm mới có thể thành thạo được. Rất may mắn, từ nhỏ đã được nghe tiếng sáo của mẹ em - người dân tộc Thái. Mẹ có thể chơi được nhiều nhạc cụ như đàn bầu, đàn tranh, sáo, trống, guitar... Tiếng sáo réo rắt, ngân vang và đam mê với nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật của mẹ truyền sang em từ thuở bé. 

Sau đó, từ năm lớp 3 đến lớp 7, em đã theo học trường Cao đẳng Nghệ thuật Tây Bắc chuyên ngành piano. Từ lớp 7 đến lớp 10, em lại theo học thầy giáo ở gần nhà và tập luyện ngoài thời gian học trên lớp.

a

Sơn (ngoài cùng bên trái) đã thổi live bài "Con bướm xuân" bằng sáo khi được Ban giám khảo yêu cầu.

- Tố chất nào để có thể chơi tốt các nhạc cụ dân tộc, đặc biệt là sáo?

- Theo em, quan trọng nhất khi theo học nghệ thuật là phải có đam mê. Với sáo, khó khăn nhất là việc lấy hơi, luyện ngón. Thời gian đầu luyện tập, em gặp phải trở ngại khi không biết lấy hơi, ép hơi, các ngón tay cứng không linh hoạt. Tuy nhiên, với niềm đam mê và sự quyết tâm không nản chí, sau 5 năm tập luyện, em đã thổi thành thạo 14 loại sáo. Mỗi loại sáo chỉ thổi được một tông duy nhất. Với "nhãn quan" và cảm nhận của người gắn bó với sáo, em sẽ biết loại sáo phù hợp với từng bài hát.

- Cơ duyên nào đã đưa chàng trai yêu nghệ thuật như Sơn theo học ngành Công nghệ thông tin tại FPT Polytechnic?

- Được bạn bè giới thiệu nên em đã biết đến Cao đẳng Thực hành FPT. Sau khi tốt nghiệp THPT Mai Sơn, Sơn La, em dự tuyển vào trường. Em rất hài lòng với môi trường tại FPT Polytechnic khi được học tập theo phương pháp mới, phát triển cá nhân toàn diện và tiếp xúc doanh nghiệp khi còn ngồi ghế nhà trường.

Anh Lê Đình Lộc, Trưởng Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT, khen "tiếng sáo của Sơn rất quyến rũ".

"Giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng thì hồ nghi: "Không biết thí sinh này có thổi nhép không", nhưng khi thấy thí sinh "nuốt nước bọt" và thổi live "Con bướm xuân" bằng sáo, vị giám khảo FU Talent Show này đã bị thuyết phục.

Theo Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ nhiệm CLB Tình nguyện Poly, trong lần tổ chức sinh nhật 2 tuổi của CLB, một sinh viên ở Sơn La đã giới thiệu Sơn có tài thổi sáo. Sau khi tiếng sáo của Sơn cất lên, mọi người rất thích thú. Tham dự bữa tiệc còn có anh Đinh Công Sáng (Ban Văn hóa - Đoàn thể FPT), anh đánh giá cao tài năng của Sơn và mong có dịp cậu sẽ tham gia vào Đoàn Văn công FPT.

Lưu Vân

Ảnh: Nguyên Anh

Ý kiến

()