Chúng ta

Cán bộ ĐH FPT sáng lập môn phái Nhị khúc côn

Thứ hai, 25/12/2017 | 15:11 GMT+7

Võ phái Đức Nam - Nhị khúc côn là một môn phái mới, gần đây được đông đảo giới trẻ quan tâm. Với người sáng lập Nguyễn Đức Nam – Trưởng phòng Công tác sinh viên ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng, để đi đến quyết định ra đời thương hiệu Nhị khúc côn, anh có quãng thời gian dài ấp ủ và tích lũy kinh nghiệm.

1-JPG.jpg

Anh Nguyễn Đức Nam, Trưởng phòng Công tác sinh viên ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng, là người sáng lập ra môn phái Đức Nam - Nhị khúc côn. Võ phái hiện có trụ sở tạm thời tại Lô 18 Nguyễn Minh Không, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Tên võ phái Đức Nam - Nhị khúc côn được thành lập với ba mục đích chính: Mục tiêu của người tập là rèn đức; Nhắc nguồn sáng lập võ phái là của người Việt Nam và Dụng cụ luyện tập của môn sinh.

Trước khi được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Cục bản quyền Việt Nam cấp giấy chứng nhận vào ngày 2/1/2016, anh Nam mất gần 20 năm làm quen, rèn luyện và học tập, đặc biệt tham gia các sân chơi võ thuật lớn nhỏ với tư cách vận động viên lẫn huấn luyện viên.

Cái duyên lĩnh vực này đến với anh từ khi còn là cậu nhóc ở quê nghèo tại Đăk Lăk. Do điều kiện kinh tế khó khăn, học tập vất vả, hoạt động vui chơi giải trí hầu như không có, cả một thị trấn chỉ có một lò võ Karatedo để thanh thiếu niên cùng sinh hoạt. Nhưng khác với nhiều đứa trẻ cùng trang lứa, anh Nam phải vượt hơn 12 km đường rừng để đến lớp học. Do chưa đủ tuổi và đường xa nên chàng trai trẻ phải đợi đến khi tốt nghiệp THCS mới được gia đình gửi ra thị trấn nhỏ để học, từ đó anh đến với môn võ Karatedo.

Theo đuổi tập luyện hết 3 năm tại quê nhà cho đến khi tốt nghiệp, chàng trai tiếp tục quyết định theo đuổi niềm đam mê với việc thi vào Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. Cứ thế, Nam ghi danh và theo học môn phái Vovinam vào những năm 2006.

Với những gì thu được qua việc học tập và rèn luyện, anh nghiệm ra một điều rằng, hoàn toàn có thể làm nên một môn phái góp phần làm phong phú văn hóa võ thuật nước nhà. “Bên cạnh rèn luyện và thi đấu Karatedo, Vovinam cũng như tiếp tục tìm hiểu các hoạt động võ thuật từ các môn võ khác trong khoảng thời gian 2006 đến năm 2010, tôi đã có những kiến thức cơ bản về võ thuật để vận dụng và luyện tập Nhị khúc côn. Đặc biệt, quá trình học ở trường Thể dục Thể thao chuyên ngành võ thuật giúp tôi nghiên cứu tài liệu chuyên môn, rút được nhiều bài học để chuẩn bị cho định hướng phát triển môn phái sau này”, anh Nam kể.

Anh nhận ra rằng, chưa có một môn võ nào chuyên sử dụng một loại phương tiện tập luyện là binh khí được xây dựng thành một chương trình hoàn thiện như một võ phái. 

2_1514175424.jpg

Anh cho biết, môn võ góp phần giúp môn sinh dưỡng nhân tính, rèn nhân cách, tu nhân đức để tự thắng. 

Khát khao muốn làm phong  phú nền võ học nước nhà, chung tay xây dựng một võ phái về binh khí đầu tiên cho người Việt cuối cùng được anh hiện thực hóa. Từ năm 2010 – 2013, anh tập trung xây dựng hệ thống và chương trình đào tạo. Nhận được sự hỗ trợ của ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng, anh đã tổ chức buổi lễ ra mắt võ phái chính thức vào ngày 29/9/2013 với sự chứng kiến của các huấn luyện viên và võ sư đến từ các bộ môn Vovinam, Karatedo, Teakwondo cũng như các cơ quan tại Đà Nẵng.

Từ năm 2014-2015, anh tiếp tục gấp rút chuẩn bị hồ sơ đăng ký chương trình huấn luyện của võ phái và liên hệ đến những người trẻ cùng niềm đam mê để để chia sẻ ý tưởng. Đến tháng 1/2016, chương trình huấn luyện của võ phái được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục bản quyền tác giả Việt Nam cấp chứng nhận. Môn võ cũng được công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật công nhận.

“Từ đó, võ phái liên tục đào tạo đội ngũ huấn luyện viên nòng cốt, mở nhiều võ đường ở các tỉnh, thành lập các trung tâm huấn luyện, Ban liên lạc nhằm giới thiệu võ phái đến nhân dân”, anh cho biết.

Trải qua 4 năm thành lập, từ những ngày đầu tiên với 14 võ sinh, đến tháng 6/2017, võ phái đã có 4 trung tâm huấn luyện tại Đăk Lăk, Gia Lai, Quảng Nam và Đà Nẵng; Ba ban liên lạc phát triển võ phái tại Huế, TP HCM, Australia, Ethiopoia cùng với 12 võ đường trực thuộc, đào tạo, cấp chứng chỉ đẳng cấp cho hơn 3.000 môn sinh tham gia tập luyện và sinh hoạt.

Võ phái Đức Nam – Nhị khúc côn sử dụng 4 loại Nhị khúc côn chính gồm: Nhị khúc côn, Nhị khúc trường côn, Đoản thiết lĩnh và Trường Thiết lĩnh cùng nhiều loại học cụ khác nhau để phục vụ cho các hoạt động rèn luyện và thi đấu như dao găm, đoản côn, trường côn… Kỹ thuật côn theo nguyên tắc “1 thành 3”, từ đòn, bài để xây dựng chương trình từ cơ bản đến nâng cao với các nội dung: thế, đòn, bài – đơn luyện, song luyện, đa luyện. Nét mới trong luyện nhị khúc Đức Nam là sử dụng các thế đòn gồm: Thế căn bản, Đòn đơn luyện, Bài đối luyện và Bài đa luyện.

Anh cho biết, Nhị khúc côn không chỉ là loại hình vận động thể dục thể thao giản đơn mà còn là sản phẩm văn hóa "võ đức thượng tôn võ đạo, trọng pháp luật, tôn sư trọng đạo". Đường lối phát triển của võ phái trước tiên là coi trọng võ đức, hiểu công lý, coi trọng học vấn. Vì thế, để chính thức nhận đẳng hiệu võ sư Đức Nam - Nhị khúc côn, môn sinh phải tốt nghiệp đại học và bảo vệ thành công luận án võ học côn nhị khúc trước hội đồng võ sư của Võ phái.

3.jpg

Anh Nam tặng hoa cho văn phòng tuyển sinh mới của FPT Polytechnic Đà Nẵng. Anh cho biết, môi trường ĐH FPT phù hợp với những cá nhân năng động, sáng tạo. Ở vai trò người làm công tác sinh viên, anh cố gắng lên ý tưởng, kế hoạch để gắn sinh viên, giảng viên và tạo môi trường đại học thế hệ mới, có triết lý giáo dục hiện đại, gắn liền đào tạo với thực tiễn cuộc sống và nhu cầu nhân lực của đất nước.

Hiện võ phái thường xuyên tổ chức các kỳ thi phong cấp đai, tập huấn chuyên môn, thống nhất kỹ thuật định kỳ, tìm nhân tố phù hợp phát triển võ phái; Giới thiệu võ phái qua các phương tiện truyền thông, để cho mọi người có thể tiếp cận với võ phái nhiều hơn; Tham gia hoạt động các hiệp hội võ thuật, giới thiệu võ phái…

Anh Nam là thế hệ đầu xây dựng ĐH FPT cơ sở Đà Nẵng. Gần 7 năm làm việc, anh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao từ giảng dạy, tuyển sịnh cho đến xây dựng hoạt động phong trào. Anh hy vọng, môn võ do mình sáng lập có thể được triển khai rộng rãi tại môi trường giáo dục của FPT bởi "môn võ tạo điều kiện cho sinh viên phát triển hài hòa, không chỉ biết duy nhất việc học văn hoá mà còn có cuộc sống tinh thần phong phú, có thể chất và ý chí, có đạo đức và trách nhiệm xã hội".

>> ĐH FPT định hướng nghề nghiệp cho học sinh

Việt Nguyễn

Ý kiến

()