Chúng ta

Ca sĩ Hồng Hạnh: ‘Thật tuyệt vời khi đứng trên sân khấu FPT’

Thứ hai, 13/4/2015 | 17:49 GMT+7

“Nói chính xác hơn là tôi thích hát cho khán giả có gu. Vậy nếu người FPT thích, chọn gu của tôi, tại sao chúng ta lại không thể có những kết hợp. Tôi hy vọng FPT sẽ xây dựng nhiều hơn những chương trình hay như thế nữa, và chúng ta có thể tiếp tục đồng hành”, ca sĩ Hồng Hạnh chia sẻ.

Đến với FPT nhờ mối duyên với nhạc Trịnh, nữ ca sĩ Hồng Hạnh chia sẻ với Chúng ta về sự gắn kết này. 

- Đây là lần thứ ba chị đến với người FPT, cảm giác của chị thế nào?

- Tôi cho đó là một cái duyên. FPT có thể nói là một điểm đến để tôi đưa âm nhạc của mình đến mọi người. Nếu người FPT không yêu thích âm nhạc nói chung và nhạc Trịnh nói riêng thì đã không có mối duyên này.

- Tháng 2/2014, chị đã tham gia biểu diễn trong đêm nhạc “Diễm xưa” - đêm nhạc cho người FPT và đối tác ở Nhật - được tổ chức tại thành phố Tokyo. Cảm xúc của chị ra sao khi nhận được lời mời từ TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc?

- Tôi rất bất ngờ và vinh dự, nhất là khi lời mời đến từ một vị Tổng Giám đốc yêu nhạc Trịnh như thế. Đó là áp lực lớn nhất từ trước đến giờ vì tôi phải chinh phục hai dòng khán giả: Người Việt ở Nhật và người Nhật bản xứ. Trong trường hợp đó, khán giả sẽ có sự so sánh, vì vậy chúng tôi phải tạo ra sự khác biệt.

DSC-8453-JPG-6345-1428912687.jpg

Ca sĩ Hồng Hạnh và Thái Hòa như cặp bài trùng trên sân khấu nhạc Trịnh.

- Vậy chị đã chuẩn bị gì cho chuyến đi ấy?

- Tôi đã mất ngủ nhiều ngày vì lo lắng cho chuyến lưu diễn. Tôi dành nhiều thời gian soạn các ca khúc Việt - Nhật, rồi tập hát, tập đàn với ca sĩ Thái Hòa và nhạc sĩ Đức Thịnh. Lúc đó chúng tôi chỉ có một mệnh lệnh trong tim là tự tin, nỗ lực, đoàn kết và hết mình.

Chuyến đi lần đó mang tầm vóc quan hệ trong và ngoài FPT, trong đó có cả đối tác của tập đoàn. Vì vậy, chúng tôi tự xem mình là những gương mặt đại diện cho FPT Việt Nam, mang âm nhạc như một món quà dành tặng những người Việt xa xứ và những người bạn ở đất nước hoa anh đào.

- Album Việt - Nhật “Diễm xưa - Utsukushii Mukashi”ra đời vào năm 2013 từ duyên cớ nào, thưa chị?

- Có một khoảng thời gian tôi rất hoang mang. Lúc đó, xoay quanh tôi là rất nhiều bản nhạc sưu tầm được, những quyển tập ghi chú việc cần làm, các ablum sẽ ra mắt… Thế nhưng tôi không thể tập trung. Tôi khóc vì quá yếu đuối để đi đến một quyết định chọn lựa giữa gia đình và đam mê. Cuối cùng, tôi cảm thấy làm việc mình thích là điều tuyệt vời nhất, thế là tôi lại hâm nóng đam mê.

Album là ý tưởng tôi đưa ra cùng ca sĩ Thái Hòa. Đặc biệt, từ lúc thu đến lúc sắp ra mắt album, tôi không hề biết anh Thái Hòa là Giám đốc Chiến lược của FPT. Tôi rất bất ngờ vì tôi không có bất cứ một chiến lược nào cho mình cả. Làm việc với Thái Hòa một thời gian, tôi mới hiểu mình cũng nên học chiến lược một tí. Đến giờ, sau gần 40 năm, sau ca sĩ Khánh Ly, tôi là người hát Diễm xưa tại Nhật trở lại. Tôi rất vui và hạnh phúc khi có thể đánh thức cảm xúc của người Nhật bằng một sáng tác Việt Nam và hát bằng tiếng Nhật.

DSC-8440-JPG-2095-1428912687.jpg

Tình ca da vàng là đêm nhạc thứ ba ca sĩ Hồng Hạnh đứng trên sân khấu FPT.

- Đã ba lần đứng trên sân khấu FPT, chị thấy các chương trình của FPT tổ chức như thế nào?

- Thật tuyệt vời khi tôi đã có ba cơ hội được đứng trên sân khấu FPT, đặc biệt có một lần ở Tokyo, tuy gặp một số trở ngại về thời tiết, phương tiện, mức sống đắt đỏ… nhưng vẫn đọng lại nhiều dư vị đẹp. Đời sống âm nhạc thiếu thốn nên người FPT tại Nhật vô cùng cuồng nhiệt, làm tôi rất cảm động, đó là chuyến đi mà tôi nhớ mãi.

Tôi đánh giá cao các chương trình âm nhạc do FPT tổ chức. Các chương trình có âm thanh tốt, gần gũi. Không khí luôn làm tôi và ê-kip hát cùng thấy thoải mái và dễ “phiêu”, đặc biệt khán giả cỗ vũ rất nhiệt tình cho chúng tôi.

- Không chỉ là một ca sĩ, chị còn là giám khảo của một số cuộc thi âm nhạc. Vậy chị đánh giá thế nào về khả năng ca hát của người FPT?

- Đánh giá khách quan thì tôi thấy các bạn có đam mê, khả năng có thừa, nhưng dường như do các bạn có ít thời gian chuẩn bị nên các phần trình diễn chưa được tốt lắm. Chỉ cần cố gắng thêm nữa thì chắc chắn sẽ có những phần trình diễn hay hơn.

- Đêm nhạc “Tình ca da vàng” gặp sự cố vào giữa chương trình, chị vẫn nán lại và cùng tham gia hát chay với khán giả, lúc đó chị nghĩ gì?

- Đây là một kỷ niệm đẹp với tôi. Đặc biệt, khi bị cúp điện, khán giả đã hô lên “Cúp điện vui hơn”. Có lẽ những sự cố như thế sẽ tạo không khí khác đi một chút, mang màu sắc mới mẻ, thể hiện sự biến hóa, sáng tạo, điều mà sân khấu nào cũng cần phải có. Tùy vào hoàn cảnh mà có những cách “chữa cháy” khác nhau.

DSC-8449-JPG-4061-1428912687.jpg

Cùng phiêu trong một ca khúc của Trịnh.

- Trịnh Công Sơn là một cái tên bất hủ tại Việt Nam. Chị có thể chia sẻ một số kỷ niệm của mình về ông?

- Tôi gặp cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào những năm 1990. Ngày đó Trịnh không già lắm nhưng dáng vẻ hơi yếu, suy tư, trầm ngâm, chỉ thỉnh thoảng cười và đặc biệt là trên tay luôn có điếu thuốc. Thời điểm ấy, đêm nào anh Sơn cùng bạn bè cũng đến phòng trà Cửu Long, giờ là khách sạn Majestic, nghe hát. Lúc đó tôi chỉ hát nhạc pop, nhạc nước ngoài, phong cách hát rực lửa, rất quậy. Anh Sơn đến gặp tôi và nói bằng chất giọng Huế: “Em hát hay lắm” rồi bỏ đi. Sau đó ít lâu, Trịnh Công Sơn mời tôi thu âm album tiếng Việt của anh mang tên “Này em có nhớ”.

Kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là có lần tôi đến nhà anh Sơn trong thời gian thu album, anh đã nói: “Em là con ngựa chứng, cần có người kiềm chế. Và anh mong là bằng âm nhạc, em sẽ thuần hơn. Em hãy hát nhạc Việt nhiều hơn nhé!”. Tôi gật gật và album ra đời.

- Chị đã hát bao nhiêu bài của Trịnh Công Sơn?

- Tôi không nghĩ mình sẽ phải đếm vì nhu cầu của tôi không phải là hát nhiều mà là hát hay.

- Nhạc Trịnh đóng vai trò như thế nào trong sự nghiệp ca hát của chị?

- Cha mẹ tôi cũng là nghệ sĩ, họ đã cho tôi nghe nhạc Trịnh từ bé. Với tôi, nhạc Trịnh đã vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Nhạc của Trịnh Công Sơn có đời sống lâu và riêng. Bất cứ ai dù muốn hay không cũng biết ít nhiều đến những sáng tác của ông. Nhạc Trịnh gõ cửa nhà tôi từ rất lâu. Như tôi đã kể về cái duyên của tôi với cố nhạc sĩ, tôi từng là ca sĩ trong album “Này em có nhớ” của ông.

- Nếu FPT tiếp tục mời chị biểu diễn trong các đêm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn, chị có nhận lời tham gia?

- Với tôi, nhạc Trịnh là dòng nhạc rất đẹp, có chất riêng. Nhạc Trịnh không phải là dòng nhạc khó hát, nhưng hát cho hay thì rất khó. Theo tôi, ai cũng có thể phát hành một ablum nhạc Trịnh cho riêng mình, nhưng khó có thể hiểu hết những gì ông gửi trọn trong từng nhạc phẩm, kể cả những người gần gũi với ông nhất.

Nhạc Trịnh vẫn luôn làm tôi say mê, tôi chỉ ước mình có thời gian nhiều hơn cho nó. Nếu người FPT cũng say mê, cứ điện thoại cho tôi! Cảm ơn các bạn đã yêu mến. 

Yến Nhi thực hiện

Ảnh: Hà Dương

Ý kiến

()