Chúng ta

‘Tình ca da vàng’ - da diết ngày nhớ Trịnh

Thứ bảy, 11/4/2015 | 23:42 GMT+7

Dù gặp chút sự cố giữa chương trình, “Tình ca da vàng” đã mang đến cho khán giả một đêm nhạc nhiều cảm xúc và ý nghĩa với sự tham gia đặc biệt của các ca sĩ Hồng Hạnh, Nguyễn Hữu Thái Hòa và Lân Nhã.

Đêm nhạc tưởng nhớ 14 năm ngày mất của vị nhạc sĩ tài ba Trịnh Công Sơn. Chương trình do Ban văn hóa – Đoàn thể FPT (FUN) tổ chức vào tối 10/4 tại trường nhạc nhẹ MPU.

Có nhiều người cho rằng, Trịnh Công Sơn là một nhà thơ lớn. Với khối tác phẩm đồ sộ của ông, nhạc chỉ là ‘chiếc xe’, là phương tiện ‘chuyên chở’ ý tứ sâu lắng của thơ đến với mọi người. Ca từ trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn là những lời đẹp, ý sâu, âm điệu nhẹ nhàng, êm ái. Chính vì vậy, đối với nhiều người, nghe nhạc Trịnh Công Sơn cũng giống như nghe một câu kinh. Trong khi tàng đặc sắc ấy, ca khúc da vàng có dấu ấn riêng. Đó là những bài hát về quê hương, thân phận con người trong chiến tranh, là tiếng nói phản chiến và lời cổ vũ mạnh mẽ cho hòa bình. 

Không như những dòng nhạc khác, nhạc Trịnh luôn có vị trí trang trọng trong lòng người hâm mộ. Hưởng ứng chương trình, người FPT đã đến chật kín sân khấu ngoài trời, với hơn 450 người, theo đại diện Ban tổ chức. Trước giờ diễn, anh Hồ Đoàn Viết Thông, FUN HCM, khệ nệ bê thêm những chồng ghế cho những người đến sau và dành dự phòng. 

Khi MC tổ chức trò chơi để khởi động, có vài tiếng nói râm ran: “Nghe nhạc Trịnh nên ai cũng ăn mặc đẹp và lịch sự”. Nói đến Trịnh Công Sơn là nhắc đến thứ âm nhạc văn minh và nhiều tầng nghĩa. Vì vậy, người nghe nhạc Trịnh cũng dành cho ông cũng như các tác phẩm của ông sự trân trọng và yêu kính sâu sắc, mà thể hiện rõ nhất là qua cách ăn mặc chỉn chu của các khán giả. Người FPT cũng không ngoại lệ.

DSC-8395-JPG.jpg

Người FPT chỉn chu khi đi nghe nhạc Trịnh.

Tốp ca FPT mở đầu đêm nhạc với một ca khúc mà hầu như tất cả mọi người Việt Nam, từ người già đến trẻ nhỏ, đều biết đến: Nối vòng tay lớn. 

Bầu không khí trở nên trầm lắng khi MC Kim Ngọc kể về câu chuyện của Trịnh Công Sơn. Vào một ngày mùa hạ năm 1961, ở Huế, khi tiếng ve kêu râm ran trên những tàn cây như một giàn hợp xướng, và nắng nóng oi bức như địa ngục, người nhạc sĩ bị một cơn sốt nặng. Ông đã nằm mê man trên giường đến nổi không còn biết gì. Bỗng trong một lúc nào đó, có một hương thơm đã phủ khắp căn phòng của ông, nhạc sĩ đa tài cảm thấy mình như lạc giữa một khu rừng hoa trắng thơm ngào ngạt. Cái mùi thơm nồng nàn của dạ lý hương đã đưa Trịnh vào một giấc mơ mà ông không thể nào quên. Thế là “Hạ trắng” ra đời tình cờ như thế, từ một giấc mơ kết hợp cùng câu chuyện tình mà ông được nghe kể.

Cả không gian chìm trong sắc hương “Hạ trắng” qua sự trình bày của một gương mặt quen thuộc từ FPT IS ENT, anh Lê Huy Trạch. Rồi từ đó, lần lượt những “Biển nhớ”, “Mưa hồng”, “Huyền thoại mẹ”… được thể hiện qua những giọng ca mượt mà của người FPT.

DSC-8364-JPG-9374-1428743186.jpg

Chị Kim Ngọc Tuyền, FPT Trading, phiêu với Huyền thoại mẹ trong bài hát thứ 4 của đêm nhạc. Giọng hát dày, khỏe và nồng nàn của chị khiến sân khấu chìm vào một không gian âm nhạc mềm mại, đơn giản mà tinh tế. "Bài hát hay nhất từ đầu đến giờ. Ca sĩ thể hiện rất xuất sắc", chị Phan Quỳnh Mai, FPT Software, chia sẻ.

Ca sĩ Hồng Hạnh có mặt từ rất sớm, dù các ca khúc chị thể hiện sẽ đến với các khán giả vào giữa chương trình. “Tôi đến sớm, tập các ca khúc để chuẩn bị tốt nhất, mang đến những phần trình diễn chất lượng cho người FPT”, chị cho biết.

Bước lên sân khấu, Hồng Hạnh ôm chiếc guitar thùng trên tay và đắm mình vào sáng tác “Hoa vàng mấy độ”. Nữ ca sĩ tiết lộ, vào thời điểm những năm 1990 – 1991, chị thường hát nhạc nước ngoài, nhạc pop, nhạc rock, sau nhiều đêm dõi theo, có một lần nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khuyên nữ: “Em nên hát nhạc Việt. Anh sẽ chỉ em hát”. Và đó là cái duyên đưa Hồng Hạnh trở thành ca sĩ đầu tiên được mời hát trong album “Này em có nhớ” của cố nhạc sĩ.

Chương trình bị gián đoạn giữa chừng vì sự cố điện nhưng các khán giả vẫn nán lại. Ban tổ chức đã ‘chữa cháy’ bằng những màn hát chay vui nhộn của Thái Hòa, Hồng Hạnh, nhạc sĩ Đức Thịnh. 

DSC-8453-1.jpg

Ca sĩ Hồng Hạnh chia sẻ câu chuyện đến với nhạc Trịnh trước khi thể hiện một loạt bài hát.

Sân khấu lại sáng đèn sau khoảng 20 phút. Ca sĩ Thái Hòa, cũng là người phụ trách đơn vị chiến lược của FPT, chia sẻ về kỷ niệm khi nghe ca khúc “Cánh chim cô đơn”. Phần hòa giọng của anh và ca sĩ Hồng Hạnh trong ca khúc “Để gió cuốn đi” làm khán giả “nổi da gà” bởi sự thể hiện mới mẻ và sáng tạo. “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”… gần như tất cả khán giả đều vỗ tay hòa cùng nhịp điệu.

Lặng lẽ ở góc cuối không gian âm nhạc “Tình ca da vàng”, họa sĩ Dương Sen, một người bạn cũ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chia sẻ: “Chương trình rất hay và ý nghĩa. Là một người bạn của Trịnh Công Sơn, tôi cảm thấy vô cùng xúc động với việc FPT tổ chức đêm nhạc tưởng nhớ người bạn quá cố của mình”. Người họa sĩ già mong muốn sẽ có nhiều thêm những đêm nhạc như thế này để mọi người hiểu rõ hơn về người bạn của ông, về những sáng tác không bao giờ bị phai mờ bởi thời gian và những đóng góp to lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đối với nền âm nhạc Việt Nam.

Chương trình tiếp tục với phần trình diễn của ca sĩ Hồng Hạnh cùng tốp ca FPT. Sự có mặt của ca sĩ Lân Nhã đã góp thêm một màu sắc mới mẻ và đầy thi vị cho đêm nhạc “Tình ca da vàng” của người FPT.

DSC-8515-JPG.jpg

Các ca sĩ khác mời và giọng ca FPT xuống tận ghế khán giả để hát trong khoảnh khắc mất điện. Có khá nhiều gia đình gồm ông bà, bố mẹ và con cái cùng đi nghe nhạc Trịnh.

“Chương trình rất tình cảm, ca sĩ rất nhiệt tình. Tôi thấy đây là cơ hội để nghe và hiểu thêm về Trịnh Công Sơn. Qua đêm nhạc này, tôi có nhiều cảm xúc và chắc chắn sẽ tìm hiểu thêm và nghe nhạc Trịnh nhiều hơn”, Đinh Vĩnh Thành, FPT Software, chia sẻ.

Tuy có một sự cố nhỏ nhưng “Tình ca da vàng” vẫn đọng lại ở khán giả những tình cảm sâu lắng và da diết, đặc biệt là các ca khúc phản chiến phản ánh những ưu tư, trăn trở và tình yêu quê hương sâu sắc của cố nhạc sĩ. Từ khi nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh về với “một cõi”, dòng nhạc của ông càng thăng hoa trong đời sống âm nhạc, bám sâu vào tâm hồn, cảm xúc của người nghe nhạc ngày xưa và cả hôm nay. Như một ‘niềm mong mỏi’, tháng 4 hằng năm, người FPT ở khắp muôn nơi thường tổ chức những đêm nhạc để tưởng nhớ về một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc Việt Nam. Khi thì ở FPT Cầu Giấy, lúc ở Nhật và năm nay ở FPT Đà Nẵng và FPT HCM.

Yến Nhi

Ảnh: Hà Dương

Ý kiến

()