Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, suốt 75 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, quân đội ta đã lập nên những chiến công vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử, cùng toàn dân đánh thắng các kẻ thù xâm lược, giải phóng dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội”. Bên cạnh lý tưởng chiến đấu, kỷ luật quân đội là điểm mấu chốt tạo nên sự thống nhất cao độ trong nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ - đặc biệt là trên chiến trường. Kỷ luật là những điều bắt buộc, ràng buộc và là động lực quan trọng tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội.
Nguyên tắc kỷ luật quân đội được thể hiện trong lời thề của quân nhân: “Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh cấp trên. Khi nhận nhiệm vụ phải tận tâm. Thi hành nhanh chóng và chính xác”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, chính sách đúng và kỷ luật nghiêm. Trong đó, giáo dục để cho mỗi chiến binh khi vào trận biết mình hy sinh cho ai, vì điều gì… Họ sẵn sàng đánh đổi cuộc sống của mình cho những điều cao quý hơn, đó là độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Giáo dục khéo là đi vào từng nhiệm vụ, từng con người cụ thể để họ giác ngộ nhiệm vụ của mình.
Chia sẻ với các lãnh đạo FPT trong Sơ kết 6 tháng đầu năm 2019, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho biết trong quân đội, chế độ báo cáo và kỷ luật thời gian là thường xuyên và bắt buộc, như máu thịt của mình. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Chính sách đúng là thưởng phạt nghiêm minh, sự đãi ngộ về tinh thần, vật chất một cách thỏa đáng, kích thích lòng hăng hái, sự phát triển con người trong từng nhiệm vụ.
Kỷ luật nghiêm tạo ra sự thống nhất hành động muôn người như một trong từng đơn vị cũng như đối với toàn quân. Với đặc thù là loại hình tổ chức vũ trang, do đó, đã là quân đội thì nhất thiết phải có kỷ luật. Xuất phát từ bản chất của quân đội cách mạng, kỷ luật trong quân đội ta là kỷ luật nghiêm minh và tự giác. Mọi quân nhân đều được quán triệt sâu sắc về nội dung, hình thức kỷ luật để tự giác chấp hành nghiêm túc.
Trong quân đội, chế độ báo cáo và kỷ luật thời gian là thường xuyên và bắt buộc, như máu thịt của mình. Không nhận được báo cáo đầy đủ, chính xác, kịp thời của cấp dưới, thì cấp trên không thể chỉ huy được. Bước vào chiến đấu, không thể có chuyện các cấp tùy tiện đưa quân vào bất cứ lúc nào. Vào sớm dễ bị lộ, vào muộn thì mất thời cơ, lỡ hợp đồng theo kế hoạch chung. Trong điều kiện ngặt nghèo như vậy, yếu tố kỷ luật báo cáo và kỷ luật thời gian phải được tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc.
Quân đội càng hiện đại, vũ khí càng tối tân, thì tính kỷ luật càng chặt chẽ, khắt khe. Những loại vũ khí hiện đại, việc thao tác liên quan đến nhiều người, buộc những cá nhân liên quan phải làm đúng chức năng mới tạo ra sự đồng bộ. Một quả tên lửa muốn phóng được thì các thành viên, các bộ phận phải làm gì; một chiếc máy bay muốn cất cánh được thì thợ máy và phi công phải làm ra sao… Mọi việc đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Đó là yêu cầu kỷ luật của quân đội chính quy hiện đại.
Tôi cho rằng, muốn phát huy được từng cá nhân, tổ chức tuân thủ thì công tác giáo dục, thuyết phục thì phải gắn liền với phổ cập, tuyên truyền và thực thi kỷ luật.
Là người lãnh đạo, việc kiểm tra, giám sát là điều bắt buộc. Giao nhiệm vụ mà không ấn định thời gian hoàn thành thì coi như không giao nhiệm vụ. Lãnh đạo mà không kiểm tra, giám sát, thì coi như không lãnh đạo. Khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, cấp trên phải có những điều kiện đảm bảo cho cấp dưới hoàn thành.
Kỷ luật trong quân đội được thi hành bình đẳng, nhất quán, triệt để từ trên xuống dưới, không phân biệt đối xử. Có 8 hình thức kỷ luật trong quân đội, gồm: Khiển trách, Cảnh cáo, Giáng chức, Cách chức, Hạ bậc lương, Hạ cấp bậc quân hàm, Buộc thuộc việc, Tước danh hiệu quân nhân. Mỗi hình thức kỷ luật đều tương ứng với mức độ vi phạm kỷ luật cụ thể của từng quân nhân, công nhân viên quốc phòng.
Việc thực thi kỷ luật phải bảo đảm: chính xác, kịp thời, đúng nguyên tắc thủ tục. Cấp nào được ra quyết định kỷ luật đối với cấp nào cũng được phân định rõ. Có như thế mới bảo đảm được sự công tâm, khách quan và ý nghĩa tác dụng của việc thi hành kỷ luật. Đối tượng bị kỷ luật hiểu được vì sao mình bị thi hành kỷ luật và răn đe được người khác.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu cho rằng: "Tập đoàn FPT với số lượng lao động trong nhiều lĩnh vực, để phát tiếp tục phát triển tốc độ cao hơn, bền vững hơn, thì xây dựng hoàn chỉnh quy chế kỷ luật dân chủ, nghiêm minh trở thành một nhu cầu thiết yếu khách quan. Ảnh: Nguyễn Thắng. |
Trong mỗi tập thể, thực hiện kỷ luật là mục tiêu chung. Kỷ luật là điều cần thiết, là cứu cánh cho sự phát triển của tổ chức. Bởi tổ chức lớn mạnh mới tạo điều kiện cho cá nhân phát triển.
Mỗi tổ chức theo những quy mô, tính chất khác nhau, nhưng có thể ví nó như một cỗ máy. Đơn giản hơn, có thể ví nó giống như một chiếc xe đạp, gồm 3 bộ phận: tay lái, động lực và phanh. Không có tay lái, xe sẽ không đi đúng đường. Không có động lực, xe không chuyển động được. Còn không có phanh, xe sẽ lao vào những chỗ nguy hiểm. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, xe đạp càng chạy nhanh thì xe càng vững. Xe đạp muốn chạy nhanh, tay lái càng phải giỏi, bộ phần truyền động lực phải tốt và phải có bộ phanh chắc chắn. Bộ phanh đó được hiểu như các quy định về chế độ kỷ luật. Mỗi tổ chức, doanh nghiệp cần có bộ phanh để xác lập giới hạn cần thiết, cảnh tỉnh, cảnh báo. Bộ phanh sẽ chỉ cho mỗi thành viên trong tổ chức biết phải tuân thủ theo những quy chế, quy định ràng buộc.
Có nhiều người đặt câu hỏi: “Kỷ luật có thui chột, làm mất đi tính sáng tạo của các thành viên hay không?” Tôi cho rằng, chúng ta cần phải kết hợp hài hòa, thỏa đáng giữa dân chủ với kỷ luật. Mọi người có quyền đề đạt, đề xuất, kiến nghị những phương án của mình trong hoạt động kinh doanh của đơn vị. Bản thân nhân viên được quán triệt thấu đáo thì khi tổ chức thực hiện sẽ không bị gò bó, họ làm tự nguyện.
Trên cơ sở quán triệt nhận thức đầy đủ nhiệm vụ được giao, những việc phải làm, làm như thế nào, giới hạn phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của từng người, từng tổ chức,… tức là theo những điều tất yếu, thì con người được tự do hành động trên hành lang pháp lý cho phép.
Tôi được biết, Tập đoàn FPT có số lao động tới 36.000 người, hiện diện tại 63 tỉnh thành trong cả nước và 45 quốc gia trên thế giới. Người xưa từng nói: “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Ở đâu và bao giờ cũng vậy, bất cứ tổ chức nào cũng đều cần có quy chế hoạt động. Trong quy chế đó, chế độ kỷ luật là điều không thể thiếu.
Tập đoàn FPT với một số lượng lớn lao động trong nhiều lĩnh vực trải ra trên một không gian rộng lớn, để tiếp tục phát triển tốc độ cao hơn, bền vững hơn, thì xây dựng hoàn chỉnh một quy chế kỷ luật dân chủ, nghiêm minh trở thành một nhu cầu thiết yếu khách quan. Quy chế đó thể hiện được hài hòa mối quan hệ biện chứng giữa dân chủ và kỷ luật. Nó vừa là điều kiện phát huy dân chủ, phát triển sự sáng tạo của mọi thành viên trong thực thi công việc chung, đồng thời vừa là điều kiện tạo ra sự thống nhất hành động, đảm bảo cho dân chủ thực hiện có hiệu quả.
Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu
Ý kiến
()