Chúng ta
Thứ ba, 1/6/2021 | 09:13 GMT+7

Nỗi đau tiền tỷ và "cuộc cách mạng" về thiết bị thông minh

Sáng kiến ATOMP Device Farm của Nguyễn Hồng Nhu và cộng sự ra đời đã chấm dứt cảnh đền bù thiết bị lên đến cả tỷ đồng cho đối tác. Đây là sản phẩm hứa hẹn tạo ra "cuộc cách mạng" trong mảng thiết bị thông minh.

Nỗi đau tiền tỷ và "cuộc cách mạng" về thiết bị thông minh

Sáng kiến ATOMP Device Farm của Nguyễn Hồng Nhu và cộng sự ra đời đã chấm dứt cảnh đền bù thiết bị lên đến cả tỷ đồng cho đối tác. Đây là sản phẩm hứa hẹn tạo ra "cuộc cách mạng" trong mảng thiết bị thông minh.

Nhu vẫn nhớ như in cảm giác đau đớn, vì tiếc của và tiếc công khi chiếc ti-vi trị giá đến 300 triệu đồng của đối tác trong một dự án bị hỏng. Đó đều là những mẫu ti-vi mới chưa hề có trên thị trường. Hỏng chiếc nào phải đền đối tác số tiền tương ứng, tổng tiền đền bù lên đến cả tỷ đồng.

Một con số quả thực khiến người ta choáng váng. Mà nguyên nhân dường như rất lãng xẹt. Đó là do quá trình vận chuyển thiết bị giữa đội ngũ phát triển sản phẩm và tester phải diễn ra nhiều lần. 

Chứng kiến điều đó, Nguyễn Hồng Nhu không cam lòng. 

Chưa kể, chuyện đau đầu không kém là hiện trạng quản lý và sử dụng các thiết bị thông minh (smart devices) vẫn đang thực hiện thủ công trên excel, tản mát “mỗi nơi một phách”. Nhiều khi dự án này có thiết bị rồi, dự án khác lại vẫn mua, gây lãng phí. Nếu biết thông tin và muốn mượn thiết bị của nhau, người dùng lại phải qua khâu liên hệ, chờ đợi. 

Hai lí do đó khiến Nhu nung nấu về một sản phẩm mới, giúp bản thân làm việc hiệu quả hơn và công ty thì tránh mất tiền oan. 

Nghĩ là làm, anh Nhu cùng các cộng sự đã bắt tay vào phát triển ATOMP Device Farm với mục tiêu ban đầu là điều khiển thiết bị từ xa, tránh việc di chuyển, ảnh hưởng chất lượng thiết bị. 

Ngay khi áp dụng vào một dự án vào cuối năm 2019, sản phẩm này đã chấm dứt hoàn toàn việc làm hỏng thiết bị. Nghĩ tới số tiền phải đền bù trước kia, nỗi nhức nhối trong Nhu giờ đây đã được hóa giải.

Dưới hình thức một website thân thiện, hệ thống quản lý tập trung toàn bộ smart devices. Truy cập vào website, người sử dụng sẽ nhìn thấy ngay trạng thái hiện tại là khả dụng hay đang bận. Công tác tra cứu và mượn thiết bị được quản lý khoa học và nhanh chóng. 

Không chỉ thế, người sử dụng ngồi ở bất kỳ đâu cũng sẽ điều khiển được thiết bị. Trong thời buổi làm việc tại nhà vì dịch bệnh như hiện nay, ATOMP Device Farm lại càng phát huy tác dụng và thực sự trở thành người đồng hành tin cậy trong mọi dự án. 

“Lợi ích mà ATOMP Device Farm mang lại là có thể trông thấy, nhưng để phát triển sản phẩm, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt có nhiều thứ mình là người làm đầu tiên trên thế giới, chưa ai từng làm”, Nhu chia sẻ.

Điểm khó nhất với người tiên phong là có nhiều giải pháp tự nghĩ, tự làm từ đầu, nên tốn khá nhiều thời gian mày mò. Theo anh Nhu: “Việc truyền màn hình của thiết bị tới trình duyệt của máy chủ hay phát triển một hệ thống phức tạp, kết nối rất nhiều kho thiết bị ở nhiều vị trí khác nhau… đều chưa có tiền lệ. Làm sao để truyền âm thanh của thiết bị đến trình duyệt của người dùng cũng là một thách thức không nhỏ”.

“Trong khi đó, team lại bắt đầu với toàn là sinh viên thực tập, tôi và bạn quản lý dự án thì đều là người mới trong lĩnh vực mobile devices”, anh Nhu cho hay. “Thế nhưng, các bạn trẻ rất “máu chiến”, còn chúng tôi thì quyết tâm cao và được sự dẫn dắt của các anh có kinh nghiệm trong đơn vị, nên nhóm vẫn nỗ lực vượt qua mọi thử thách”. Đó là điều “tân binh quả cảm” này cực kỳ tâm đắc về đội ngũ đồng hành.

Nhờ thế mà trong khoảng 1 năm từ giữa 2019 đến 2020, nhóm ATOMP Device Farm đã hoàn thành sản phẩm, áp dụng trong nội bộ đơn vị và hỗ trợ những dự án khác của nhà Phần mềm.

Một kỷ niệm được anh Nhu nhớ mãi là khi triển khai Device Farm cho một đơn vị ở Nhật Bản. Do Covid-19 và để tiết kiệm chi phí, nhóm không thể trực tiếp cài đặt hệ thống. Mọi việc từ mua thiết bị, kết nối với hạ tầng của khách hàng, cài đặt… đều làm từ xa, cực kỳ khó khăn. Thường nhóm chỉ mất 1 tuần là cài đặt xong, còn trường hợp này thì kéo dài đến gần 1 tháng rưỡi. “Đích thực là “double remote” - cài đặt từ xa một hệ thống quản lý từ xa. Tuy nhiều trở ngại nhưng đó lại cũng chính là cơ hội để nhóm thể hiện hết thế mạnh của mình”, anh Nhu tự hào.

Chính vì vậy, tại vòng chung khảo iKhiến số 3 ngày 24/5 vừa qua, nhóm rất vui vì được hội đồng thẩm định đánh giá cao. Chánh chủ khảo Vũ Anh Tú khẳng định: “Công ty nào chẳng muốn có sản phẩm này!” Còn giám khảo Trần Thanh Hải thì đặt hàng luôn cho đơn vị mình, “để công nhân không phải trực tiếp ra ngoài hiện trường làm việc với thiết bị nữa”. Nhu không khỏi vui mừng chia sẻ: “Chỉ cần được ghi nhận và ủng hộ đã là cái “khoái” của những người sáng tạo nên một sản phẩm mới”. 

Hiện nay, hệ thống này đã triển khai cho nội bộ đơn vị phần mềm chiến lược của FPT Sofware, một số đơn vị tại Đà Nẵng, TP HCM và IVS - đơn vị kiểm thử phần mềm độc lập. Mức doanh thu ghi nhận khoảng 100.000 USD cũng mới là bước khởi đầu. Nhóm ATOMP Device Farm vẫn tiếp tục tiến tới với khát vọng lớn hơn.

Dự kiến cuối năm nay, những con người “không chịu dừng lại” này sẽ triển khai một tool mới là Device Farm di động. Với Device Farm hiện tại, để cài đặt cần có hệ thống máy chủ phức tạp, hướng tới những công ty lớn, có sẵn hạ tầng. Còn khi triển khai tool mới, nhóm hướng tới các khách hàng nhỏ lẻ, không cần có hệ thống mà sẽ được cài trên ứng dụng. “Máy tính của cá nhân hoặc ti-vi gia đình có thể dễ dàng điều khiển từ xa với ứng dụng này”.

Đại diện nhóm ATOMP Device Farm khẳng định, khi Device Farm di động hoàn thiện sẽ có những điểm ưu việt nổi bật. 

Cụ thể như Device Farm di động sẽ cho phép người dùng điều khiển thiết bị phức tạp với toàn bộ thao thác như khi sử dụng trực tiếp. Qua đó đem đến trải nghiệm hoàn hảo cho khách hàng.

“Mục tiêu của nhóm trong năm 2021 là triển khai Device Farm cho 15 dự án ở Nhật Bản, 25-30 dự án tại FPT Software”, Nguyễn Hồng Nhu bày tỏ quyết tâm. 

Thực hiện: P.D

Thiết kế: Chungta

Ý kiến

()
 
Tags: