Chúng ta

Anh Trương Gia Bình là Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam

Thứ hai, 30/9/2019 | 08:26 GMT+7

Đại hội lần thứ I (2019-2024) của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam diễn ra ngày 29/9 ở Hà Nội đã bầu Chủ tịch FPT Trương Gia Bình làm Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.

Từ nền tảng Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (VYEA), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam ra đời nhằm củng cố sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết, tập hợp nguồn lực để cùng lan tỏa và phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa với mục tiêu tối thượng “Giàu từ Nông nghiệp - Prosperity by Agriculture”.

vida-1-8774-1569805975.jpg

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao lẵng hoa chúc mừng Đại hội của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Tùng Đinh.

Tại Đại hội, đại diện Bộ Nội vụ đã trao quyết định thành lập Hiệp hội (VIDA) cho Trưởng Ban vận động Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam Trương Gia Bình. Đồng thời, Đại hội bầu ra 25 thành viên Ban Chấp hành và chín thành viên Ban Thường vụ. Sau đó, các Đại hội đã bầu Chủ tịch FPT Trương Gia Bình làm Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam.

Chia sẻ tại Đại hội lần thứ nhất của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã nhắc tới nhiều cái tên như Hoàng Anh Gia Lai, May Hồ Gươm, Tập đoàn Hoà Phát...

"Chưa bao giờ có trào lưu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và ứng dụng số hoá vào lĩnh vực này như hiện nay", ông Cường nhấn mạnh và kể gần 20 năm trước khi gặp Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nói về công nghệ, phần mềm nhưng "chẳng được mấy ai tin". Và giờ mọi mặt hàng, ngành nghề đều được số hoá, trong đó có nông nghiệp.

vida9-1-5313-1569805975.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại lễ ra mắt VIDA. Ảnh: Tùng Đinh.

Trào lưu doanh nghiệp lớn ở lĩnh vực bất động sản, tài chính, thép... chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp bắt đầu từ năm 2013. Mở đầu là Hoàng Anh Gia Lai, khi bầu Đức tuyên bố sẽ rút lui khỏi thị trường bất động sản, tái cấu trúc lại doanh nghiệp vào 2 lĩnh vực chính là nông nghiệp và bất động sản tại Myamar.

Sau doanh nghiệp của bầu Đức, loạt tập đoàn khác như Vingroup, Hoà Phát và gần nhất là Thaco... cũng lấn sân vào lĩnh vực này thông qua việc trở thành cổ đông chiến lược của các công ty sản xuất nông nghiệp hoặc lập doanh nghiệp mới.

Phần lớn doanh nghiệp này đã thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang làm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ tự động hoá và quản trị trên nền tảng số hoá 4.0 theo chuỗi giá trị khép kín, chuyên biệt.

Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, quy tụ những tên tuổi doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, theo ông Cường, là hướng đi rất đúng đắn. Hiệp hội được thành lập hồi tháng 6 trên cơ sở quyết định của Bộ Nội vụ. 

Chủ tịch VIDA Trương Gia Bình cho rằng, nông nghiệp số trong thời đại 4.0 là ngành tinh vi nhất trong tất cả các ngành. "Nông nghiệp động đến bí mật quan trọng nhất của cuộc sống, đó là công nghệ sinh học, công nghệ gen, và đó chính là số", anh nói. 

fpt-1-2012-1569805975.jpg

“Nông nghiệp số Việt Nam quyết tâm. Nông dân sung túc. Doanh nghiệp trường tồn. Đất nước phồn vinh”, anh Trương Gia Bình nhấn mạnh trong bài khai mạc.

Theo Chủ tịch FPT, nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó, từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể hỏi và robot sẽ trả lời những kiến thức cần biết.

Người đứng đầu VIDA lấy ví dụ, trước nay nông dân Việt Nam thường đi bắt sâu, lúc chúng ta nhìn thấy thì bắt được, nhưng không bao giờ nhìn thấy hết. Để chọn cách an toàn, bà con phải phun rất nhiều thuốc bảo vệ thực vật, làm cho nông sản của chúng ta bẩn hơn, giá thấp. Vậy thay đổi nó như thế nào? 

Anh Bình sau đó tự trả lời: “Chúng ta phải nghiên cứu khoa học công nghệ, để có thể thả một máy bay không người lái bay trên những thửa ruộng. Các thiết bị chuyên dụng sẽ tự chụp ảnh cánh đồng và trí tuệ nhân tạo tự đọc bức ảnh đó, phát hiện những vị trí có sâu. Loại sâu đó trị bằng thuốc gì, liều lượng bao nhiêu, thì máy tính sẽ báo cho người nông dân biết, nên lượng thuốc bảo vệ thực vật có thể giảm đi hàng trăm lần”.

Nhờ ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp kết nối với nông dân thông qua smartphone. Qua đó từng hộ sản xuất có mọi thông tin cần thiết, có thể hỏi và robot sẽ trả lời cho họ tất cả những kiến thức cần biết.

"Chúng ta sẽ làm nông nghiệp theo những cách chưa từng có, là quốc gia hiện đại nhất về ngành nông nghiệp, chứ không phải quốc gia chấp nhận đi sau", anh Trương Gia Bình nhấn mạnh và kỳ vọng, doanh nghiệp Việt Nam có thể giàu vì nông nghiệp số.

Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cho hay Hiệp hội dự kiến sẽ hỗ trợ phát triển những dự án quy mô lớn nhằm hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, giới thiệu các trung tâm giới thiệu nông sản chất lượng cao trên thế giới, sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu, triển khai hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp số cho Việt Nam và khu vực, các trung tâm chế biến và bảo quản nông sản tại các vùng.

Cũng trong khuôn khổ ra mắt, Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam đã ký kết hợp tác với Ngân hàng BIDV, Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (EURO Charm)...

Các Phó Chủ tịch Hiệp hội gồm:

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung; ông Thân Văn Hùng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Visimex.

Ông Võ Quan Huy, Tổng giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình; bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Hồ Gươm.

Ông Nguyễn Đức Tùng, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Hội đồng tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng, được bầu giữ chức Tổng Thư ký kiêm Ủy viên Thường vụ Hiệp hội.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nafoods Group và ông Đỗ Văn Huệ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Trùng hạ thảo, được bầu làm ủy viên thường vụ Hiệp hội.

Ông Vũ Mạnh Hùng,Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn.

Tân Phong

Ý kiến

()