Chúng ta

Anh Nguyễn Thành Nam: 'Thầy giáo không dạy, học sinh sẽ làm gì?'

Thứ ba, 6/12/2016 | 12:05 GMT+7

Tiếp cận vấn đề thay đổi cách giáo dục từ những việc đời thường nhất, hai bài tham luận về thầy giáo không cần giảng bài, hay làm thế nào để sinh viên không ngủ gật của Hiệu trưởng FUNiX Nguyễn Thành Nam tại EduCamp thu hút đông đảo người quan tâm. 

anh-Nam-620.jpg

Bài tham luận "Khi giáo sư 'mất dạy'" của anh Thành Nam thu hút đông đảo khán giả.

Ba mùa EduCamp, mỗi bài tham luận của anh Nguyễn Thành Nam đều có sức hút lớn bởi cách anh chọn đề tài "không đụng hàng". Năm nay, với chủ đề "Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục", anh gây sốc với bài tham luận "Khi giáo sư 'mất dạy'" với cách tiếp cận hoàn toàn mới: Không bàn đến dạy thế nào cho hiệu quả mà nên chăng bỏ việc giảng dạy để đạt hiệu quả hơn so với cách truyền thống. 

Mở đầu bài tham luận, anh liên tục đặt ra các ví dụ giả tưởng theo mức độ tăng tiến cho người nghe phải "động não": "Tưởng tượng thế này, sau khi vào lớp, thầy tuyên bố: Hôm nay tôi "mất dạy", các em muốn làm gì thì làm nhưng không được ra khỏi phòng này (nhà trường kiểm tra) cho đến hết tiết". Lập tức, anh Nam đặt ngược lại câu hỏi: "Nếu thầy không dạy thì học sinh sẽ làm gì trong buổi học?". 

Theo diễn giả, có 4 loại tạm đặt tên là A, B, C, D, trong đó: A (1-2 em chạy lên hỏi thầy có mấy câu thắc mắc từ lâu chưa dám hỏi), B (3-4 em tranh thủ mở sách ra đọc), C (2-3 em ngủ), D (khoảng 20 em sẽ chơi trò chơi, lướt web, chat).

Ở một tình huống khác, thầy báo từ hôm trước, buổi học hôm sau sẽ không dạy nhưng vẫn có mặt ở lớp và học sinh vẫn phải đến lớp theo quy định của nhà trường. Lúc đó, có lẽ số em loại C vẫn không thay đổi, loại B cũng vậy. Loại A có thể tăng lên 1-2 em. Loại D khả năng có thể mất 1-2 em. 

Táo bạo hơn, thầy báo trước cả môn không dạy. Nhưng hôm nào thầy cũng sẽ lên lớp và các em cũng vẫn phải lên lớp. "Liệu chỉ bằng sự có mặt và tận tình trả lời câu hỏi của thầy, sẽ có bao nhiêu học sinh chuyển từ trạng thái bàng quan sang chủ động?" - diễn giả đặt vấn đề khá gai góc.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng FUNiX nhìn nhận, những tình huống giả định trên chưa thể sánh với việc một nữ giáo sư ở Mỹ. Bà Christine Ortiz, Giáo sư trưởng khoa tại MIT, xin nghỉ để xây dựng trường đại học không có môn học, không có lớp học và không có bài giảng. Mỗi sinh viên khi vào trường sẽ được phân ngay một dự án lớn, hứng khởi đến đâu tùy theo ước mơ của từng em. Kiến thức chủ yếu học qua online, cần gì sinh viên hỏi giáo sư, hoàn thành dự án là tốt nghiệp. Mặc dù chưa đặt tên cho trường, bà đã tin là sẽ có 10.000 sinh viên và 1.000 giáo sư tham gia dự án này. Tóm lại, 100% sinh viên loại A. "Ở ta có ai dám làm không?" - câu hỏi chốt lại bài tham luận như gieo vào lòng của người nghe nhiều đáp án. 

Ở phần thảo luận, các "câu hỏi xoáy" xoay quanh vấn đề như cách kiểm soát chất lượng học sinh, tỷ lệ sinh viên qua môn học thấp, nhà trường bị đánh giá về chất lượng đào tạo..., diễn giả Thành Nam cho rằng: "Dù không dạy nhưng trường vẫn tiến hành đánh giá, kiểm tra. Cách làm này thúc đẩy học sinh tự học, tự nghiên cứu tìm hiểu để biết được thực lực của mình. Mặt khác, thầy giáo không phải luôn luôn đúng".

Chị Trần Thị Thu Hương, Ban tổ chức EduCamp, nhìn nhận: "Phần chia sẻ của Hiệu trưởng FUNiX sôi nổi, hấp dẫn. Người tham gia vui vẻ, góp ý nhiệt tình cho bài tham luận". Theo chị, anh Nam không đi vào vấn đề học thuật hay vĩ mô mà đặt một vấn đề "lệch chuẩn" khác tư duy thông thường. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, đi lối mòn không thể đem lại thành quả mà cần phải nghĩ khác và làm khác. Bài tham luận này như một phát súng mở màn để người làm giáo dục phải nghĩ khác và dám làm khác trong thời đại mới đang thay đổi từng ngày, từng giờ.

dat-620.jpg

"Bí quyết 'dỗ' sinh viên" là tham luận của TS. Phan Phương Đạt, Trưởng ban Đào tạo FUNiX.

Tại EduCamp năm nay, diễn ra ngày 4/12 tại Hòa Lạc, ngoài các phần trình bày của diễn giả ngoài, người FE cũng có nhiều đóng góp cho Tổ chức giáo dục FPT tại các phiên thảo luận ở 5 phòng hội thảo. 

Cũng xoay quanh vấn đề và phương pháp giáo dục mới của FUNiX, chủ đề "Bí quyết 'dỗ' sinh viên" của TS. Phan Phương Đạt, Trưởng ban Đào tạo FUNiX, cũng thu hút sự quan tâm của rất đông cán bộ, giảng viên. Xuất phát từ thực tế ít người hiểu đúng phương pháp học trực tuyến và việc học qua Internet cũng khiến người ta khó duy trì được sự tập trung, FUNiX đã đưa Hannah - nhân vật đóng vai trò hỗ trợ, kết nối học viên, mentor và chương trình học với nhau vào hoạt động dạy và học.

Theo Trưởng ban Đào tạo FUNiX, Hannah có thể hỗ trợ học viên qua 4 giai đoạn: Chỉ đường, huấn luyện, cổ vũ, chiêm ngưỡng. Hoạt động của Hannah trong mỗi giai đoạn căn cứ vào tâm lý tiếp nhận của người học. Ở giai đoạn “chỉ đường”, khi học viên đang rất hào hứng với chương trình học mới nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, Hannah đóng vai trò cung cấp thông tin, hướng dẫn. Ở giai đoạn “huấn luyện” khi học viên đã quen với việc học trực tuyến, có thể nảy sinh tâm lý lơ là việc học thì người hỗ trợ học viên cần biết cách trò chuyện, khích lệ, động viên. Càng ở các giai đoạn sau, Hannah càng chuyển dần vai trò từ hỗ trợ học thuật sang hỗ trợ thiết lập mối quan hệ, để học viên chuyển dần từ phụ thuộc, độc lập đến giúp đỡ các học viên khác.

Theo dõi chủ đề “Bí quyết “dỗ” sinh viên”, chị Hoàng Phương Dung, giáo viên Phát triển cá nhân của THPT FPT, chia sẻ: “Tôi rất thích những chia sẻ của TS. Phan Phương Đạt về chủ đề này. Với kinh nghiệm thực tế từ FUNiX, TS. Đạt đã cho tôi những gợi ý về cách thức kết nối với học sinh gần gũi hơn, giúp cho việc học của các em hiệu quả hơn”.

anh-hiep-620.jpg

Anh Phạm Hùng Hiệp, Trưởng phòng Đào tạo FE Hà Nội (phải) chọn chủ đề về đảm bảo và kiểm định chất lượng Đại học.

Anh Phạm Hùng Hiệp, Trưởng phòng Đào tạo FE Hà Nội và chị Đỗ Thị Minh Thủy, Trưởng phòng Kiểm định chất lượng FE Hà Nội, cùng chọn chủ đề về Đảm bảo và kiểm định chất lượng đại học.

Anh Phạm Hùng Hiệp chia sẻ: “Đảm bảo chất lượng đại học quyết định đến việc các chuyên gia, nhà khoa học và cả sinh viên có tìm đến với trường đó hay không”. Hiện nay, các bảng xếp hạng ĐH uy tín nhất trên thế giới có thể kể đến gồm: Thượng Hải, QS, THE, Webometrics. Trong đó, ĐH FPT đã tham gia bảng xếp hạng QS và đang tiến hành làm kiểm định ACBSP và CDIO đối với FPT Polytechnic. 

Còn chị Đỗ Thị Minh Thủy đi sâu phân tích bảng xếp hạng đại học QS. “QS Stars là tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục quốc tế, đến năm 2016 tiêu chuẩn này được áp dụng tại 47 quốc gia trên thế giới. Ngưỡng điểm cho các sao QS được đánh giá ở mức độ từ 1 star đến 5 stars plus. Đây là hệ thống tiêu chuẩn mà nhiều trường đại học tại Việt Nam đang hướng tới” - chị Thủy cho biết.

Trao đổi sau phần trình bày của hai diễn giả, nhiều cán bộ cho rằng, khi một trường muốn được xếp hạng cao cần chuẩn bị tốt ngay từ khi mới thành lập để minh chứng được chất lượng và tạo uy tín cho trường, niềm tin cho người học. Đó là nền tảng để các trường đại học Việt Nam được công nhận nhiều hơn trên các bảng xếp hạng quốc tế.

anh-Trung1-620.jpg

TS. Trần Thế Trung chia sẻ quan điểm “Nghiên cứu tại ĐH FPT theo QS Stars”.

Bàn về Tiêu chuẩn quốc tế trong việc kiểm định chất lượng đào tạo, TS. Trần Thế Trung chia sẻ quan điểm “Nghiên cứu tại ĐH FPT theo QS Stars”. Anh cho biết, một trong các mục tiêu chiến lược của ĐH FPT là được xếp hạng quốc tế. Hiện tại, ĐH FPT được xếp hạng 3 Stars QS và đặt ra mục tiêu đến năm 2018 đạt được 550 điểm QS, ứng với mức 4 Stars QS. Để làm được điều ấy, ĐH FPT cần tập trung vào các tiêu chuẩn đánh giá có khả năng đạt được chất lượng cao, bao gồm: Nghiên cứu, trích dẫn trên bài báo, mức độ được biết trong giới, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu.

Bên cạnh kiểm định QS Stars, ACBSP (hội đồng kiểm định các trường và chương trình đào tạo về kinh doanh) là một tiêu chuẩn được giới thiệu và phân tích trong EduCamp. TS. Trương Công Duẩn đã trình bày bài tham luận với chủ đề: “Pathways to success a global Accreditation: Attaining ACBSP Standards”. Anh khẳng định, tầm quan trọng của việc tham gia kiểm định quốc tế, ý nghĩa của các tiêu chuẩn trong kiểm định tác động đến quá trình cải tiến liên tục chương trình đào tạo các ngành kinh doanh nhằm đạt sự hài lòng của người học, giảng viên và đáp ứng nhu cầu xã hội. ACBSP là tiêu chuẩn kiểm định chuyên ngành giá trị, uy tín bậc nhất của Mỹ. Với mong muốn thúc đẩy và khẳng định chất lượng các chương trình đào tạo ngành kinh doanh phù hợp với các trường kinh doanh hàng đầu thế giới, ĐH FPT đã chủ động tích cực gia nhập vào sân chơi kiểm định ACBSP từ đầu năm 2016.

anh-trung-620.jpg

“Giải cứu tàu đắm như thế nào” của anh Bùi Duy Linh, Giảng viên Khối Liên kết Quốc tế ĐH FPT, đi vào bàn luận vấn đề có tính thực tiễn ở môi trường anh đang giảng dạy.

Là một số những chủ đề gây tò mò tại EduCamp năm nay, “Giải cứu tàu đắm như thế nào” của anh Bùi Duy Linh, Giảng viên Khối Liên kết Quốc tế ĐH FPT, bàn luận vấn đề có tính thực tiễn ở môi trường anh đang giảng dạy. “Tàu đắm” mà giảng viên trẻ này nhắc tới là những sinh viên yếu kém và cách giúp những sinh viên ấy lấy lại động lực và hứng thú học tập.

Anh Linh khẳng định: “Giảng viên cần chủ động tiếp cận trực tiếp, sẵn sàng chia sẻ giải đáp các thắc mắc của sinh viên”. Qua đó, việc “giải cứu tàu đắm” trải qua 3 bước: từ xác định vấn đề, tiếp vận và chia sẻ.

Những chia sẻ của giảng viên Bùi Duy Linh không chỉ thu hút sự quan tâm của nhiều cán bộ, giảng viên khác mà các sinh viên ĐH FPT cũng có mặt, theo dõi phần trình bày này. Ngô Minh Hải, sinh viên khóa 12, cho biết: "Lớp em chưa có hiện tượng “tàu đắm” nhưng em vẫn rất thích bài diễn thuyết của thầy Linh. Em cảm nhận thầy là một người rất quan tâm đến sinh viên, không chỉ việc học mà cả những suy nghĩ, tình cảm. Qua đây, em cũng rút ra một số bài học về phương pháp học tập cho mình".

FPT EduCamp là hội thảo mở được FE tổ chức hằng năm nhằm kết nối các giảng viên, chuyên gia, các nhà hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhằm chia sẻ các kinh nghiệm, tri thức và ý tưởng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục Việt Nam nói chung và FE nói riêng. Năm 2014 và 2015 các chủ đề của EduCamp lần lượt là "Đổi mới giáo dục và đào tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa", "Vận hành tổ chức giáo dục".

Năm thứ ba, FPT EduCamp tập trung vào chủ đề “Hướng tới chuẩn quốc tế trong tổ chức giáo dục". Với tổng cộng hơn 30 bài tham luận xoay quanh 3 chuyên đề trọng tâm, hội thảo “Hướng tới chuẩn quốc tế trong Tổ chức giáo dục” đã mang đến những kiến thức thực tế hữu ích cho người tham dự. 


Lưu Vân - Ngọc Trâm

Ảnh: FE

Ý kiến

()
 

Hãy là người đầu tiên
bình luận