Chúng ta

Âm thịnh dương suy

Thứ năm, 30/12/2010 | 04:23 GMT+7

Nhân dịp 15 năm thành lập, Chúng ta "trân trọng" giới thiệu bài viết về bản báo của "Giáo sư Cù Trọng Xoay".


Xưa nay ở làng nào cũng có "cán bộ truyền thông" nội bộ của làng, đơn giản gọi là "thằng Mõ". Đặc điểm của các "cán bộ" này là chuyện nhà nào họ cũng biết. Ngoài ra, họ còn có khả năng "biên tập" lại để thông tin hấp dẫn hơn. Họ luôn đi chợ rõ lâu không phải vì mua bán mặc cả mà vì và trong họ luôn luôn cháy bỏng đam mê được đưa những thông tin này cho ai đó.

Người đi làm ăn xa lâu ngày về làng, chỉ cần gặp một "cán bộ truyền thông" của làng, là coi như đã cập nhật đầy đủ tình hình làng xóm. Thông thường, các "cán bộ" này là các bà các cô bởi lẽ họ đã được cài đặt "phần mềm" tò mò ngay từ khi được Thượng đế sinh ra. Chính tố chất này khiến khả năng săn tin của họ luôn vượt trội so với đa phần nam giới.

Vốn là người hâm mộ văn hóa làng xã truyền thống Việt Nam, anh Bình hiểu rất rõ vai trò của công tác truyền thông nội bộ và đương nhiên anh cũng thừa biết nên kiếm một phụ nữ đảm nhận vai trò này là hợp lý nhất. Thế nên 15 năm trước, chị HảiVT được mời về FPT để đưa công tác truyền thông truyền miệng truyền thống của làng quê lên một tầm cao mới - Báo Chúng ta.

Suốt 15 năm qua, Báo Chúng ta đã đi được một chặng đường dài và tích lũy một khối lượng thông tin khổng lồ, ghi lại đầy đủ sự phát triển và đời sống trong FPT. Khởi đầu với mấy tờ giấy photo được đích thân Tổng Biên tập, (kiêm biên tập viên, kiêm phóng viên, kiêm đọc morat, kiêm phát hành viên...) HảiVT hì hục photo, đến nay số lượng in ấn, phát hành cả nước lên tới vài ngàn bản mỗi tuần. Số lượng nhân sự từ một người đã phát triển thành cả một Tòa soạn đồ sộ với đầy đủ các nhóm chức năng. Tuy nhiên vẫn giữ nguyên nguyên tắc "Âm thịnh dương suy".

Tòa soạn cũng có lác đác vài mống nam giới. Đa phần họ đảm nhận những công việc nặng nhọc như khuân vác, chạy đi chụp ảnh, quay phim, đi mua đồ ăn... Sống trong môi trường âm thịnh khiến họ ít nhiều bị ảnh hưởng. Kẻ hay dỗi hờn, kẻ thích làm điệu, kẻ thì giọng nói luôn ở âm vực cao, nhất là khi đánh cờ thua hoặc chơi tá lả bị mất cây chốt.

Đông chị em nên đa phần Tòa soạn làm việc theo nhóm. Chị em đi đâu cũng có nhau, luôn có thể chụm đầu lại như kiến để "trao đổi thông tin". Mọi phần thưởng luôn được quy đổi thành liên hoan và ăn uống ở những nơi chị em có thể ăn thỏa thích nhiều món ngon, còn anh em được bố trí ngồi một mâm, uống nước lọc với tôm luộc.

Ngoài hạn chế nặng chất giới tính như không thể làm việc nặng khi sơn móng tay chưa khô hoặc không thể đi lấy tin khi trời nắng to, chị em đảm đương mọi trách nhiệm khác một cách hoàn hảo. Họ luôn có khả năng nhận biết thông tin rất nhanh và có thể thu nhận thông tin "mọi lúc - mọi nơi", từ lúc đi ăn, đi vệ sinh hoặc đến khi đi ... vắt sữa.

Cũng bởi "Đàn ông nông nổi giếng khơi, đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu" nên chị em bớt được phần công sức cân nhắc thông tin. Vì vậy, không có chuyện ưu tiên tin này, hạn chế tin kia mà tất cả đều được ưu tiên như nhau. Có tin là biên tập lại cho hay rồi "chạy" ngay. Bao giờ "nạn nhân" nhảy lên như con choi choi, mail qua mail lại phản đối, họ mới cân nhắc xem có nên đính chính không hoặc nên cãi lại thế nào.

Chị em biết mình là phái yếu, luôn được cưng chiều, nên có lỡ đưa tin sai thì chỉ "mắt chớp chớp" trực khóc là các anh đã cuống hết cả quýt, đang tư thế trách móc lại phải lăn ra xin lỗi, dỗ dành đủ kiểu. Vậy nên không ít lần chị em thoát hiểm một cách ngoạn mục!

Gần đây các anh cũng đã luống tuổi và phải đối mặt với những khủng hoảng tâm lý lứa tuổi, nên yếu tố "phái yếu" không còn được coi trọng như trước. Đã vài lần chị em bị đem ra kỷ luật vì cái tội cả tin, nghe xúi dại đưa tin chưa được phép! Chị em đi họp kỷ luật về, mặt ai cũng nặng như cái đe, nhưng chỉ cần một người rủ "đi ăn bún đậu mắm tôm" là tất cả lại hớn hở, đồng thanh hưởng ứng. Bao nhiêu nhắc nhở với cả dọa dẫm bay mất sạch. Chị em lại xúng xính áo quần, trang điểm xinh tươi để đi ăn món khoái khẩu này.

Từ thủy tổ đã có nhiều người bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu về phụ nữ. Thế nhưng ai cũng phải kết luận rằng một đời cũng chưa đủ để hiểu về họ, bởi vì họ quá đơn giản, đơn giản đến mức khó hiểu.

Họ vẫn luôn là một trong những điều vô cùng đáng yêu của cuộc sống dù cánh đàn ông chẳng biết tại sao. Cho nên "Âm thịnh dương suy" cũng chẳng có gì là xấu cả. Và FPT cũng luôn đồng tình rằng Chúng ta chẳng có gì là xấu cả.

DũngDT4

Các bài liên quan:

Thư Ban Biên tập

Nhật ký nàng Kiều Chúng ta

"Bình loạn" Chúng ta

Người đi qua đời tôi

Chuyện nhà Chúng ta

Sống trong Sợ hãi

Sốc, sợ, chán và nhiều hơn nữa

Những cái tên trong "sổ đen"

Những lá bùa của sếp

Chuyện cái loa làng

Vài kỷ niệm vui về Chúng ta

Cười với Chúng ta

Bí mật

Ý kiến

()
 

Hãy là người đầu tiên
bình luận