Người F mê đạp xe: ‘Tôi được nhiều thứ hơn chứ không chỉ sức khoẻ’
"Với xe đạp, tôi có thể tận hưởng từng cây số, cả những mệt mỏi, những giọt mồ hôi. Xe đạp có thể đưa tôi đến những vùng đất xa hơn đôi chân mình có thể" - anh Quách Tô Phong (FPT Telecom) chia sẻ.
Năm 2012, Quách Tô Phong (Phó phòng phát triển sản phẩm của Ban dự án Hi FPT - FPT Telecom) còn là một thanh niên có cân nặng quá khổ. Một ngày, cha anh - một người mê chạy xe đạp - bảo: "Nhà còn dư một chiếc xe đạp đó, tập thể dục đi!". Thế là hai cha con cùng đạp xe từ quận 6 lên quận 1. "Ba tôi sau đó đã cảm thấy hối hận vì con trai đã vượt mặt mình nhanh chóng", Phong cười.
Hai ngày sau, Phong nảy ý định thử đi xa. Anh lẳng lặng lấy xe đạp xuống Tòa thánh Tây Ninh - cách nhà gần 90km. Phong lên xe với tâm thế vô tư, không mang theo dụng cụ sửa xe nào, không lo lắng chuyện thời tiết, chấn thương hay sự cố, chỉ hào hứng về chuyến đi kết hợp tham quan. Chiếc xe ngày ấy cũng chỉ là một chiếc xe đạp bình thường, không phải xe thể thao hay chuyên dụng. Lúc này anh cũng chưa quen biết ai trong giới đạp xe.
Những điều thú vị của đạp xe đường dài ngay lập tức hấp dẫn Phong. Anh vốn có hứng thú với “du lịch bụi” và từng phượt xe máy. Xem qua báo mạng, Facebook, thấy những người châu Âu chở theo đồ đạc đi xe đạp du lịch bụi, Phong vô cùng thích thú.
Sau lần đó, nhận thấy mình có khả năng đi được xa, Quách Tô Phong bắt đầu tập luyện, lên mạng tìm những nhóm đạp xe. Biết chồng một cô bạn cũ mở shop xe đạp và cũng mê đạp đường dài, Phong nhờ ráp một chiếc xe "đủ dùng" đầu tiên và thực hiện những chuyến đi chung.
Ở Việt Nam lúc bấy giờ, đạp xe đường dài còn là điều mới mẻ. Tới tận những năm 2015-2016, khi anh đạp xe qua những làng xã miền Tây, người dân vẫn chào anh "Hello" vì nghĩ là người nước ngoài đi du lịch.
Đạp xe cho Phong cảm giác tự do tự tại. "Đạp được mấy chục, 100 km đến nơi thấy rất sướng". Với xe đạp, người ta có thể biến những chuyến đi bình thường thành những chuyến đi đáng để sung sướng và tự hào.
"Cũng hành trình đó, đi xe máy hay đi xe đò, xe buýt thì thấy bình thường, có khi ngủ một giấc là tới nơi. Nhưng với xe đạp, tôi có thể trải nghiệm trên từng cây số. Cả những mệt mỏi, những giọt mồ hôi. Cảm giác chinh phục từng km sướng hơn là đi xe đò hay chạy xe máy nhiều".
Khi đi du lịch bình thường bằng xe ô tô, người ta chỉ thật sự "tận hưởng" khi tới nơi. Nhưng xe đạp cho phép người đi được "tận hưởng" trong suốt chuyến đi. Xe đạp biến từng quãng đường thành trải nghiệm đặc biệt. Khác với phương tiện khác không thể dừng giữa chừng, lướt qua những cảnh đẹp hồi nào không biết, với xe đạp, anh có thể thong dong nhìn ngắm những cảnh đẹp xung quanh, liếc trái ngó phải, thích là dừng lại "chụp hình sống ảo".
Quan trọng hơn, đạp xe - cũng như chạy bộ, còn cho Phong sức khỏe, sức đề kháng, sức bền, và đưa cân nặng về con số lý tưởng.
Phó phòng Ban dự án Hi FPT giải thích, môn đạp xe chia ra 3 loại: xe đạp đua - chú trọng tốc độ, người đạp xe không chở đồ, thường để tập luyện thi đấu; hai là xe đạp địa hình - đi đường khó như đường rừng, núi, đá, sình lầy; ba là xe đạp touring - đi đường trường, có tải đồ.
Thể loại yêu thích của Phong là loại thứ ba. Anh thích thồ cả lều bạt, quần áo, túi ngủ, bếp cồn, xoong nồi…thường đến 30-40kg. Vì tải đồ, tốc độ đạp xe ở khoảng 20-25km/h, và anh thường dừng lại nghỉ ngơi mỗi 20-25km. Nhờ sẵn đồ đạc, anh có thể thong dong tự xoay sở trong suốt hành trình, cắm trại ngoài bãi biển, tự chuẩn bị cho mình tách cà phê để nhâm nhi buổi sáng ở một nơi xa…
Qua việc kết nối những người thích đạp xe ở Sài Gòn, chàng trai nhà "Cáo" đã trải nghiệm nhiều chuyến đi ở những địa hình khác nhau. Vui có, buồn có, và rất nhiều trải nghiệm, những cuộc gặp gỡ bất ngờ với những người xa lạ. Hơn hết, niềm vui với xe đạp giúp anh cân bằng, lấy lại tinh thần và năng lượng sau những giờ miệt mài với dự án, kế hoạch hay những dòng code.
“Tôi từng đi là qua những cung đèo nguy hiểm lên Đà Lạt. Hồi đó tôi còn chưa có nhiều kinh nghiệm, sức cũng chưa tốt, đánh liều đạp qua chuỗi đèo Bảo lộc, Mimosa. Đi từ tối hôm trước, 6h chiều hôm sau đến đèo Bảo Lộc - có miếu Ba Cô, nghe đồn có ma, run bắn người, nhớ mãi. Nhưng nhờ những chuyến vậy mới đẩy sức bền lên bậc mới.”
Chuyến đi xa nhất với xe đạp của Phong là hành trình "xuyên nửa Việt": TP HCM - Huế kéo dài 16 ngày cùng vài người bạn thân. “Sợ nhất là đổ đèo. Chiều ra Huế, ngày nào cũng mưa, có lần leo đèo Khánh Hòa - Phú Yên, từ trên đỉnh đổ đèo xuống, đường trơn, sau lưng mình toàn là xe container. Không chỉ người đi xe đạp mà cả xe máy cũng sợ. Thắng của xe đạp lại không mạnh như xe máy, phải cố giữ chặt thắng hai bên để kìm".
Nhưng có lẽ hành trình kịch tính nhất với anh là hành trình một mình đi Phnom Penh - Campuchia. Tới cửa khẩu Mộc Bài vào lúc chiều tối, Phong xin ngủ nhờ ở khoảng sân tòa nhà Viettel ở gần đấy. "Chắc họ nghĩ mấy ông du lịch xe đạp này thiếu gì tiền ở khách sạn, tại sao phải ngủ tạm bợ ngoài sân. Nhưng nghe tôi bảo thích ngủ vậy, họ cũng không nói gì nhiều, vô tư cho vào. Anh bảo vệ còn cho tôi mượn phòng tắm".
Hôm sau, chưa đến Phnom Penh, trời đã chập choạng tối. Nếu ở Việt Nam, anh không ngại ngần đạp đêm nhưng ở đó mới 18h mà ngoài đường quốc lộ vắng tanh, còn nghe nói có cướp, thổ phỉ. Cả thị xã lại không có nhà nghỉ, khách sạn nào. "Không lẽ phải ngủ ngoài đồng sao" - Phong tự nhủ. Thấy có quán nước võng, người lữ khách độc hành vào ngả lưng. Lúc tỉnh dậy đã 7h tối, không kịp đi đâu. May mắn quán có người biết chút tiếng Anh, hỏi chuyện và cho anh ngủ nhờ.
Nhưng khổ nỗi quán không có phòng tắm. Họ đưa cho anh chiếc xà rồng bảo quấn rồi ra lu nước ngoài đường lấy gáo múc tắm. "Tôi vừa tắm vừa nhìn xe trên quốc lộ vẫn đang chạy qua, nhưng không còn lựa chọn nào nữa, không dám đi tiếp".
Sáng hôm sau, khi chia tay, Phong xin gửi tiền nhưng nhất định chủ quán không lấy. "Tôi luôn dự định lần nào đó có dịp đạp lại ghé thăm họ. Không biết họ có nhớ tôi không. Tôi thật sự trân trọng những người giúp đỡ vào lúc mình không còn gì bấu víu".
Đến nay, cùng nhóm bạn, Quách Tô Phong duy trì các chuyến đạp xe đến những tỉnh thành Nam bộ như Vũng Tàu, Cần Thơ, Bến Tre… Nhiều khi chỉ đi đến nơi, vào rạp địa phương xem một bộ phim rồi về. "Đạp đến 220km/ngày, nhiều người đùa sao giống hành xác quá vậy. Nhưng tôi không giải thích được. Chỉ là tôi thích thôi". Với Phong, những chuyến đi như vậy có đến 3 lợi ích: tập luyện, xem phim và tận hưởng quãng đường đi.
"Nhiều lúc cũng hơi chán. Quan trọng là phải vượt qua sự chán đó. Hầu như khi đạp xe, tôi không suy nghĩ gì nhiều, hoặc nghĩ tới công việc. Cứ đạp từ từ, từng km sẽ qua. Cứ đi rồi sẽ đến". Âm nhạc cũng giúp thời gian trôi qua nhanh hơn và thú vị hơn. Phong mang theo loa bluetooth, khi đi một mình thì mở nhạc nghe. Có lúc nghe hết một danh sách nhạc là tới Vũng Tàu lúc nào không biết.
Để thêm phần thú vị cho những hành trình, 8X nhà F treo lên xe mấy con thú "cho vui". Anh cũng thường đội nón lá - nhất là lúc đạp xe qua Campuchia - vừa để tạo sự thân thiện, vừa để…che nắng. "Nhưng trước khi ra khỏi TP HCM, tôi chỉ treo nón lá sau xe. Ra khỏi thành phố, đến Long An mới bắt đầu đội, đỡ bị người ta nhìn".
Ngày thường, Phong có thể đạp xe đi làm với quãng đường hơn 30km cả đi lẫn về, và mang theo 2-3 cái áo để thay. "May là tòa nhà Tân Thuận có phòng tắm. Bên châu Âu, việc đạp xe đi làm đã trở nên phổ biến từ lâu và ở Việt Nam, trong giới xe đạp tôi cũng thấy đã có rất nhiều người đạp xe đi làm rồi. Vừa bảo vệ môi trường vừa rèn luyện sức khỏe".
Chia sẻ về "xế cưng" hiện tại, Phong kể chiếc xe này gắn bó với anh từ trước chuyến TP HCM - Huế. Bộ phận đắt tiền nhất là sườn xe - khoảng 17 triệu đồng. Anh cũng chú trọng từng bộ phận để đảm bảo đi xa giảm khả năng gặp sự cố nhất có thể. "Mỗi lần nâng cấp là đổ một mớ tiền. Nhưng khi mình đam mê, mình thích thì bỏ ra cũng đáng".
Anh cũng tự trang bị cho mình kỹ năng thay và vá ruột xe. "Thông thường nếu gặp sự cố ruột xe giữa đường, tôi chọn thay ruột là nhanh nhất, tới nơi mới lấy ruột cũ ra dò chỗ vá. Thú thật tôi đạp xe chứ không học nhiều kỹ thuật sửa xe. Nếu hư nặng quá cũng bó tay à".
Đam mê cả xe đạp và chạy bộ, Phong luôn sắp xếp để có thể kết hợp hai môn nhiều nhất có thể. Thời gian rảnh, anh thường đều dành cho xe đạp hay đi bộ. Việc đạp xe thường được thực hiện vào cuối tuần hoặc cách tuần. Chạy thì dù bận mấy anh vẫn cố giữ nhịp.
Có những cuối tuần, Phong đạp xe tới một nơi xa, buổi sáng chạy bộ, sau lại đạp về. Có lần anh đạp xe đến núi Bà Đen ở Tây Ninh - cách nhà hơn 90km, đến nơi chạy bộ 42km rồi lại chạy xe về. "Nhiều người nghĩ tôi điên nhưng nếu mình thấy xứng đáng thì không quan tâm người khác nghĩ gì, miễn không vi phạm pháp luật".
Có giải chạy tổ chức ở Vũng Tàu hay Vị Thanh (Hậu Giang), trong khi runners khác chạy xe máy xuống, Phong lại đạp xe xuống. "Tôi cũng chú ý chạy xe vừa phải, đạp không nhanh quá để dưỡng sức. Sau khi chạy xong, chặng về lại bung sức. Nhiều khi tôi còn tự thấy rất điên nhưng vẫn có gì đó rất thích thú".
Tết hằng năm, Phong đều đi du lịch xa bằng xe đạp, vài lần có sự đồng hành của đồng nghiệp thuộc Ban dự án Hi FPT. Trước Covid, cung đường yêu thích của anh là hướng thị xã Hà Tiên qua Sihanoukville - thành phố biển duy nhất Campuchia. Năm nay, anh đang lên kế hoạch mồng 2 Tết tới sẽ đạp xe đường biển hướng Long Hải - Bình Thuận.
Theo anh Phong, tại FPT, đạp xe cự ly ngắn có thể thành phong trào. Đạp xe đường dài sẽ khó hơn với đại đa số mọi người do cần sức bền nhiều hơn, cần thời gian rảnh cuối tuần, đặc biệt là ý chí, tinh thần để vận động cả ngày - xuyên trưa, xuyên nắng.
Với những người quan tâm và muốn thử sức với bộ môn xe đạp, lời khuyên của Phong là nên đạp cự ly ngắn trước và tăng dần, ví dụ nội thành Sài Gòn - rồi đi Củ Chi, xa hơn là Cần Giờ trước khi chinh phục Vũng Tàu. Những người có sức khỏe, sức bền tốt có thể đẩy nhanh tiến độ này. Người đạp xe cũng nên đưa ra mục đích của chuyến đi để có thêm động lực, như xuống Cần Giờ ăn hải sản chẳng hạn.
"Bạn không cần một chiếc xe xịn quá. Tôi từng thấy có người chạy xe Martin 107 - chỉ hơn 1 triệu thôi - đã đi xuyên Việt. Nhưng xe nên có bộ truyền động tốt chút là được, khoảng 7 líp (tập hợp các bánh răng xếp tầng nằm trên trung tâm bánh sau. Quan trọng không kém là tìm người hợp để cùng luyện tập" - Phong khẳng định.
Hà An
Ý kiến
()