Chủ tịch Trương Gia Bình: 'Công nghệ sẽ đưa Việt Nam hùng cường vào năm 2045'
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhìn nhận, 'công nghệ vị nhân sinh' sẽ giúp Việt Nam thắng dịch, trở thành điểm sáng kinh tế của thế giới.
Thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy trong 11 tháng đầu năm 2021, cả nước có 106.441 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 52.108 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chiếm 49% tổng số doanh nghiệp. 90% doanh nghiệp phải giảm quy mô dẫn đến 62% lao động mất việc. Những con số biết nói cho thấy sự tác động tiêu cực của đại dịch đến "sức khỏe" của các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế.
Dịch Covid-19 đã giáng một đòn cực mạnh vào nền kinh tế toàn cầu. Chia sẻ tại Diễn đàn Công nghệ thường niên FPT Techday 2021, trước hơn 5.700 doanh nghiệp tham gia, anh Nguyễn Hữu Hùng Cường, Giám đốc Tư vấn của Công ty Tư vấn chuyển đổi số FPT Digital, cho biết ảnh hưởng cao nhất của đại dịch là gián đoạn và đứt gãy chuỗi cung ứng gây tổn thất to lớn đến doanh thu của doanh nghiệp, gây khó trong việc huy động vốn. Khó khăn từ chuỗi cung ứng cũng tác động trực tiếp đến tinh thần và thu nhập của người lao động.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Tuấn Hồng Phúc – Phó Tổng Giám đốc Bộ phận chiến lược và hoạt động KPMG Việt Nam, cho rằng rủi ro từ chuỗi cung ứng chính là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Theo khảo sát toàn cầu của KPMG, 72% doanh nghiệp được khảo sát, hiện phải quản lý chuỗi cung ứng thông qua excel, ở Việt Nam có thể tỷ lệ này còn cao hơn; 58% tổ chức không muốn áp dụng công nghệ mới; nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đang đối mặt với thiếu hụt lao động do tác động của đại dịch.
Có 3 yếu tố mà theo ông Phúc, các doanh nghiệp cần quan tâm để thích ứng linh hoạt khi xảy ra đứt gãy chuỗi trong bối cảnh đại dịch vẫn còn. Một là đa dạng hóa các đối tác cung cấp, tập khách hàng, công tác xuất nhập khẩu. Hai là cần chuyển đổi số, xem xét các công nghệ phù hợp vào vận hành. Ba là quản trị rủi ro một cách hiệu quả hơn để chủ động ứng phó.
Còn theo ông Cường, khủng hoảng là thời điểm vàng để các doanh nghiệp chuyển mình. "Theo kinh nghiệm và các nghiên cứu của chúng tôi, để trở thành doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp cần phải trải qua 3 giai đoạn: ứng phó, phục hồi và bứt phá. Trong đó, giai đoạn bứt phá đóng vai trò thiết yếu để doanh nghiệp có thể tiếp tục tự bảo vệ mình khỏi những thách thức khó lường, đảm bảo an toàn phòng chống dịch và sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao và không bị bỏ lại phía sau bởi các doanh nghiệp mới phát triển nhanh", ông Cường cho biết.
Trong đó, công nghệ chính là yếu tố quyết định, thúc đẩy quá trình tái thiết, bứt phá của doanh nghiệp trong bình thường xanh. Trong đó, bình thường xanh được hiểu là khi toàn bộ hoạt động của chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và đời sống của cá nhân được vận hành theo phương thức mới "sống chung với lũ".
Trong khuôn khổ FPT Techday 2021, Chủ tịch Trương Gia Bình nhận định, để chế ngự và chiến thắng Covid, chỉ có một cách là hành động phải nhanh hơn Covid, và công nghệ có thể làm được điều này.
"Tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng bằng công nghệ Việt Nam sẽ chiến thắng Covid, trở thành một điểm sáng phát triển kinh tế của thế giới, sẽ là một địa điểm hấp dẫn cho đầu tư nước ngoài. Và vào năm 2045, kỷ niệm 100 năm bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, Việt Nam sẽ xứng vai các cường quốc năm châu", anh Bình khẳng định.
Dẫn chứng cho nhận định "muốn thắng đại dịch phải dùng công nghệ", anh Bình đưa ra những con số thực tế trong đợt dịch tại Bắc Giang vào tháng 6 và 7, các trợ lý ảo FPT.AI đã tham gia hỗ trợ kiểm soát, sàng lọc và truy vết các ca nhiễm. Chỉ trong một ngày, chatbot đã thực hiện 120.000 cuộc gọi để truy vết, sàng lọc các ca bệnh. Số cuộc gọi này nếu để nhân viên y tế làm sẽ mất 60 ngày. FPT đã góp phần giúp Bắc Giang trở thành tỉnh xanh trong vòng một tháng.
"Trong đại dịch vừa qua, các chatbot dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo FPT.AI đã thực hiện 2,6 triệu cuộc gọi như vậy với mọi người và đấy là sứ mạng vẻ vang mà chúng tôi không ngờ tới FPT.AI đã làm được", anh Bình cho hay.
Những câu chuyện về "công nghệ vị nhân sinh" như anh Bình dẫn chứng, vừa qua đã được chia sẻ tại 11 hội thảo chuyên sâu trong sự kiện FPT Techday. Tại đây, những vấn đề nóng nhất của doanh nghiệp xoay quanh xu hướng công nghệ cũng được đưa ra thảo luận.
Không chỉ đóng góp cho công tác chống dịch, công nghệ chính là chìa khóa để doanh nghiệp mở cửa "bình thường xanh", tái thiết, bứt phá trong giai đoạn mới. Đại dịch, đã góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Những doanh nghiệp đi đầu trong số hóa quy trình làm việc đã và đang gặt hái được "trái ngọt".
Trong bối cảnh Covid-19, ngành gỗ và nội thất Việt Nam không những giữ được thị phần mà còn duy trì xuất khẩu, vượt qua đối thủ trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn nhất vào Mỹ.
Chia sẻ tại FPT Techday 2021, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, Tổng giám đốc công ty aKa Furniture đánh giá trong bối cảnh dịch bệnh Việt Nam vẫn giữ được liên lạc với các bạn hàng thông qua công nghệ với các showroom ảo trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có. Nếu Covid-19 xảy ra 5 năm trước đây, ông Phương cho rằng sẽ gây thiệt hại kép là vừa đứt gãy thị trường vừa không đảm bảo liên lạc với khách hàng.
Có những thời điểm ngành gỗ Việt Nam tăng trưởng 60% doanh số trong hai năm qua. Với sự hỗ trợ công nghệ thông tin, sức mua vẫn đang rất tốt. Một số thị trường như Mỹ, Hàn Quốc có nhu cầu tăng cao. Trong suốt đợt dịch lần thứ tư có 50% các nhà máy vẫn duy trì được sản xuất 3 tại chỗ, giúp thích ứng nhanh. "Vượt qua Covid-19 lần này có đóng góp rất lớn của công nghệ, và sự gan lỳ của người Việt", ông Phương nói.
Ở lĩnh vực bất động sản, ứng dụng công nghệ fintech và Prop-tech được xem là hai thành tố phát triển mặc nhiên trên thị trường vì trình độ của khách hàng được nâng lên rất cao, nhất là khi nhu cầu giao tiếp offline không có điều kiện thực hiện trong đại dịch.
Thấu hiểu điều này, Tập đoàn Hưng Thịnh từ lâu đã đẩy mạnh chuyển đổi số vào vận hành, quản lý. Ông Lê Nguyễn Hoàng Minh – Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh Innovation thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết: "Từ nhiều năm trước chúng tôi đã định hướng phát triển Prop-tech và hệ sinh thái đi liền với Prop-tech. Hiện nay gần như đã hoàn chỉnh hệ sinh thái giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, giúp người mua và người bán hưởng nhiều quyền lợi. Làm sao để những người ít tiền vẫn có thể sở hữu được tài sản. Đó là những điều chúng tôi chuẩn bị cho tương lai".
Hưng Thịnh sắp tới tập trung phát triển các công nghệ trên nền tảng platform, triển khai triệt để các thế mạnh của AI và Blockchain để thay đổi những giao dịch thông thường của cuộc sống hàng ngày chuyển sang nền tảng số.
Trong khi đó, bất chấp đại dịch, Tập đoàn FPT trong 10 tháng đầu năm 2021 đã tuyển dụng thêm 10.000 nhân viên, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Để đạt những con số đáng mơ ước, Tập đoàn đã áp dụng triệt để công nghệ vào vận hành, quản lý.
Anh Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT, cho biết từ 3-4 năm qua, Tập đoàn đã không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn bộ các hoạt động quản trị, vận hành, kinh doanh hướng đến mô hình văn phòng không giấy tờ và hoạt động dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.
Trong đó, FPT chuyển toàn bộ môi trường làm việc tại văn phòng được bảo mật, quy trình hóa, sắp xếp mọi thứ theo lịch làm việc, mang môi trường công sở về tận nhà nhân viên. Tiếp theo, tập đoàn này đưa tất cả hoạt động về zero paper thông qua hợp đồng, hóa đơn điện tử, giao việc, nhận việc điện tử.
"Chúng tôi không thể có kết quả này nếu không có những giải pháp công nghệ, không có những ý tưởng sáng tạo, hay đột phá, thay đổi về quy trình, công việc. Công nghệ chính là phép thuật. Tôi xin nhắc lại, công nghệ chính là phép thuật", anh Khoa nhấn mạnh trong chia sẻ tại FPT Techday 2021.
Trung bình cứ 10-20 năm, thế giới lại diễn ra một cuộc cách mạng. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh tiến trình này. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã diễn ra và giờ là lúc chuẩn bị cho cách mạng 5.0, nơi mọi hoạt động của nền kinh tế có thể dựa trên nền tảng số.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc làm chủ công nghệ, tái thiết, bứt phá trong "bình thường xanh", FPT Techday 2021 đã giới thiệu nhiều giải pháp số hóa, được các chuyên gia hàng đầu của FPT nghiên cứu, xây dựng và phát triển.
FPT đang tập trung và phát triển 4 nền tảng công nghệ lõi: Hyper automation; Blockchain; AI và Cloud. Trong đó, các giải pháp Hyper Automation giúp doanh nghiệp tự động hóa thông minh cho nhiều quy trình có giá trị lớn nhưng dữ liệu phi cấu trúc, phân mảnh, như đối soát hóa đơn, tổng đài ảo gọi điện nhắc về tình trạng hồ sơ... Với AI, FPT dự định tạo ra những trợ lý ảo có khả năng suy luận gần như con người và xây dựng hệ sinh thái phục vụ nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Lĩnh vực Cloud sẽ đẩy mạnh mô hình PaaS (cung cấp nền tảng như một dịch vụ) và SaaS (cung cấp phần mềm như một dịch vụ).
Bên cạnh đó, FPT đã thành lập hai công ty FPT Digital và FPT Smart Cloud, quy tụ tất cả hiểu biết, kinh nghiệm và sức mạnh công nghệ của FPT về trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. FPT trang bị "vaccine công nghệ" được gọi là FPT eCovax, bảo vệ và phòng bệnh, tăng sức đề kháng cho chính sức khoẻ doanh nghiệp.
Chỉ trong 4 tháng, FPT đã cho ra mắt các gói giải pháp FPT eCovax Không chạm, FPT eCovax Pháo đài xanh..., giải quyết các nhu cầu bức thiết và giúp doanh nghiệp vận hành linh hoạt trong dài hạn. Các giải pháp chuyển đổi số FPT được xây dựng với các tiêu chí: ứng dụng đơn giản, không tốn chi phí đầu tư hạ tầng ban đầu; phù hợp cho các quy mô doanh nghiệp khác nhau; thời gian triển khai vô cùng thần tốc.
Anh Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT, cho biết tập đoàn cam kết mang lại các giá trị an toàn, linh hoạt, tăng tốc. Với những bài toán đang giải quyết cho doanh nghiệp, FPT tiếp tục nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ mới để giúp doanh nghiệp giải những bài toán một cách nhanh hơn, chính xác hơn và ưu việt hơn.
Để tiếp tục chữa "nỗi đau" của các doanh nghiệp, FPT đã công bố thêm các nhóm giải pháp gồm: đảm bảo nguồn lực FPT eCovax nhân sự; tăng tốc kinh doanh với FPT.AI Advisory Virtual Assistant, FPT.eContract & FPT.CA và vận hành linh hoạt thông qua FPT.AI ReaderFlex, Ubot.
FPT eCovax nhân sự giúp doanh nghiệp số hóa quy trình tuyển dụng thông qua tuyển dụng online, không cần tiếp xúc trực tiếp, đảm bảo an toàn mùa dịch. Giải pháp cũng hỗ trợ phỏng vấn sàng lọc, định hướng công việc phù hợp bằng Bot AI; lưu trữ - phân tích - dự báo nhu cầu của ứng viên. FPT eCovax nhân sự xanh giúp doanh nghiệp số hóa toàn bộ quy trình tuyển dụng và ứng viên có thể thi tuyển, phỏng vấn mọi lúc, mọi nơi, không có độ trễ, không cần di chuyển, không tốn công sức.
FPT.AI Advisory Virtual Assistant là trợ lý ảo ứng dụng AI thế hệ thứ 2 với những tính năng vượt trội nhất tạo bước ngoặt cho doanh nghiệp trong chăm sóc khách hàng. Trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế con người chăm sóc hàng triệu khách hàng đồng thời, liền mạch và chuyên nghiệp. Giải pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao đến 70% hiệu suất vận hành.
Trong khi đó, FPT.eContract & FPT.CA là bộ đôi giải pháp ký kết không chạm với khả năng linh hoạt, giúp giao kết hợp đồng với khách hàng, tài liệu nội bộ trong tổ chức chỉ trong 10 phút. Cuối cùng, bộ sản phẩm giúp doanh nghiệp vận hành linh hoạt, nâng cao hiệu suất FPT AI Reader Flex và Ubot giúp trích xuất thông tin từ mọi dạng tài liệu văn bản, giúp giảm 70% các thao tác thủ công.
Chúng tôi tin tưởng, với việc ra mắt bộ giải pháp công nghệ đảm bảo nguồn lực – tăng tốc kinh doanh – vận hành linh hoạt tại FPT Techday 2021, FPT sẽ hiện thực hoá cam kết cùng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp trên con đường tái thiết toàn diện, bứt phá trong bình thường xanh", anh Vũ Anh Tú, Giám đốc Công nghệ FPT khẳng định.
Câu chuyện về những thành tựu công nghệ giúp doanh nghiệp vận hành thông suốt, ổn định, hiêụ quả tại FPT Techday 2021 nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Trong hai ngày diễn ra sự kiện, đã có gần 10.000 lượt đăng ký tham gia với hơn 5.700 doanh nghiệp trên cả nước. 11 phiên hội thảo tại FPT Techday 2021 thu hút hơn 132.000 lượt xem trực tiếp. Các chuyên gia của FPT cũng tư vấn trực tiếp 1:1 cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó đưa ra giải pháp giúp họ tái thiết, bứt phá trong tương lai. "Đấu trường công nghệ" cũng có gần 3.000 thí sinh tham dự.
VnExpress
Ý kiến
()