Chúng ta
Thứ hai, 31/10/2022 | 16:05 GMT+7

Chợ phiên F-Ville: 'Vị' của hạnh phúc ngay chốn công sở

Suốt 8 tháng qua, cứ vào 4h chiều thứ Sáu hàng tuần, giữa lòng F-Ville lại tấp nập người mua kẻ bán, chẳng kể nắng mưa. Đó là Chợ phiên HoLa Park. Mỗi phiên chợ dần đi vào nếp sống và trở thành nét văn hóa đặc trưng của người FPT Software ở Hoà Lạc.

Chợ phiên F-Ville: 'Vị' của hạnh phúc ngay chốn công sở

Suốt 8 tháng qua, cứ vào 4h chiều thứ Sáu hàng tuần, giữa lòng F-Ville lại tấp nập người mua kẻ bán, chẳng kể nắng mưa. Đó là Chợ phiên HoLa Park. Mỗi phiên chợ dần đi vào nếp sống và trở thành nét văn hóa đặc trưng của người FPT Software ở Hoà Lạc.

“Mặt trời nửa buổi xiên xiên

Kẻ buôn người bán chợ phiên rộn ràng”

Ấy là hình ảnh chợ phiên trong dáng hình quá khứ. Còn chợ phiên giữa lòng HoLa Park mang dáng hình hiện đại với cái thứ âm nhạc của lứa Gen Z, với những món ăn mang hơi thở của phố phường Hà Nội, với kẻ bán – người mua là những kỹ sư công nghệ ngày ngày đi code. Ấy thế nhưng, chợ phiên F-Ville vẫn phảng phất chút phong vị truyền thống, của những chợ phiên Bắc Hà, chợ phiên San Thàng, chợ phiên Cán Cấu, chợ phiên Tả Sìn Thàng…

Từ giữa tháng 4/2021, chợ phiên vốn đã chạm ngõ người F-Ville với tên gọi “Hội chợ F-Ville” và chủ đề “Cũ người - Mới ta”. Tại phiên chợ ấy, người F-Ville háo hức tham gia những hoạt động bán mua, trao đổi cây và sách truyện. Ngủ đông hơn một năm, chợ phiên chính thức quay trở lại với hình hài mới mẻ.

Thứ Sáu, ngày 1/4 đánh dấu viên gạch đầu tiên cho chợ phiên HoLa Park năm Nhâm Dần. Từ đây, tuần nào tuần ấy, người FPT Software cũng phấn khởi chào đón một phiên chợ vào cuối giờ chiều thứ Sáu. Mỗi tháng có 4 phiên với 3 phiên nhỏ, 1 phiên to và mỗi quý có một phiên đặc biệt, đều như vắt tranh. Tại các phiên chợ, ngoài việc trao đổi mua bán hàng hoá, đồ cũ, sách truyện, còn có các gian hàng ẩm thực do chính người Phần mềm đăng ký kinh doanh. Cũng tại đây, người HoLa Park được túy lúy trên “chiếu nhậu”, với bia miễn phí và mồi nhắm đủ các thể loại. Phê pha chút men, bước vài bước lên xe bus, đánh một giấc là về tới nhà mà chẳng phải bận lòng đường xá, giao thông.

Nếu chợ là trung tâm của đời sống văn hóa Việt thì chợ phiên HoLa Park là một nét văn hóa đặc sắc của Phần mềm nhà F. Chợ phiên không biết tự bao giờ đã thổi một luồng sinh khí mới vào cuộc sống HoLa Park, đưa môi trường công nghệ tưởng chừng chỉ toàn những dòng code trở nên tươi mới và náo nhiệt; giúp CBNV cân bằng công việc, học tập với các thú vui ẩm thực, giải trí, từ đó mà thêm yêu, thêm gắn kết.

“Phải lòng” ốc luộc U Răm

Ốc luộc U Răm nổi tiếng khắp chợ phiên. Mùa thu nổi gió, những trái sấu vàng ruộm trong vườn F-Ville rơi lộp bộp cũng là lúc người HoLa Park thèm cảm giác được quây quần bên chiếc bàn tre, thưởng thức hương vị ốc U Răm.

Không có lấy một tiếng rao, ốc U Răm cứ nườm nượp người xếp hàng. Các chị tạp vụ chân tay liên hồi, có khéo chỉ kịp quẹt vội mồ hôi trên trán để nhanh nhanh phục vụ từng tốp, từng tốp nhân viên. Phiên nào phiên ấy, “đi bay” từ 25-30 kg ốc. Cứ thế, 8 tháng qua, ốc U Răm đã trở thành một phần hồn của Chợ Phiên.

Ốc được U Răm đặt ngay tại Hạ Bằng, Thạch Thất để đảm bảo độ tươi, có lứa mẩy đều tăm tắp nhưng cũng có lứa còi còi. Trước khi cho vào luộc cùng gừng, sả và lá chanh, U Răm sẽ ngâm ốc với nước gạo, chanh và ớt để ốc nhả nhớt, sạch sẽ tinh tươm. Giữa bộn bề hương vị tại Chợ Phiên, vị thanh thanh tỏa ra từ nồi ốc luộc cứ phảng phất mãi. Cho ra bát, những con ốc vặn vẫn còn nguyên vẩy, đậy khít, nhưng chỉ khẽ chạm vào là bật ra, đầy mời gọi.

Gây thương nhớ hơn cả là món nước chấm ăn kèm. Thiếu đi cái món này, coi như “xôi hỏng bỏng không” cả bát ốc. Nước chấm được U Răm pha rất khéo. Chút thơm dịu của quất, quyện hương chanh, chút gắt gỏng của dấm, nóng thơm của gừng, mùi hăng của tỏi, dư vị cay cay của ớt và mặn mà của mắn, tổng hòa xâm chiếm toàn bộ vị giác, khứu giác. Gẩy ốc chấm với mắm cay, nhón thêm miếng sung muối chua chua chát chát, nhấp một ngụm bia Hà Nội mát lạnh, hương vị đê mê mãi khôn nguôi.

Chiều lòng người HoLa Park, mỗi phiên chợ đặc biệt, U Răm còn chuẩn bị thêm các món như: lòng lợn luộc, chân gà luộc, nộm sứa, khoai lệ phố... Mấy món này nhắm với bia thì "đã cái nư". Chẳng vậy, trên bàn nhậu của các đội dự án, hiếm khi thiếu vắng bát ốc luộc 40K đầy ú ụ hay đĩa lòng lợn hương đồng gió nội từ quầy của U Răm.

Tiếng rao của “tạp hóa Bích Quý”

“Tàu hũ, dừa dầm đi em ơi”, “15K một cốc, 15K một cốc đê, đặt 10 cốc free ship tận nhà các em ôi”. Ngang qua quầy hàng của tạp hóa Bích Quý mà không nghe thấy văng vẳng cái nhạc tính trong tiếng rao của chị Quý thì người HoLa Park lại thấy thiếu thiếu. Chỉ với tiếng rao “thương hiệu” ấy, tạp hóa Bích Quý chẳng mấy khi ế hàng, mà nếu có ế ngày một thì sang ngày hai cũng hết vèo…

Vốn là "trùm tiểu thương" tại FPT Software Hà Nội với slogan “gi gỉ gì gi, cái gì cũng có”, chị Quý được người Phần mềm gọi thân thiện với cái tên “Tạp hóa Bích Quý”. Cứ mỗi phiên chợ, vô khối mặt hàng được bày biện từng chồng, từng xấp trên một chiếc bàn gỗ be bé. Nào bim bim, bò khô, mực, bánh đa, xúc xích… Dưới chân bàn là hai cái thùng xốp trắng đầy ắp nào dừa dầm, nào tàu hũ, nào kem.

Cứ vào 19 giờ mỗi ngày, chị Quý sẽ đến các kho để kiểm tra và nhập hàng. Thân là postwoman, mỗi ngày di chuyển 4 bận từ Cầu Giấy lên HoLa Park và ngược lại nên để đảm bảo công việc chính và nghề tay trái tại chợ phiên, chị Quý đã “sắm” cho mình một trợ thủ đắc lực - là cô nhân viên siêu thị tháo vát. Sau khi gói ghém xong công việc chính, chị sẽ chạy ra quầy hàng để bán… tiếng rao. Tiếng rao của chị dần trở thành một âm hưởng rất riêng của chợ phiên náo nhiệt ấy.

- Có quần đùi không? Bán cho anh 20 chiếc để chiều nay lãnh đạo đá bóng.

- 20 chiếc chứ 40 chiếc cũng có luôn. Nhưng mà không có hóa đơn đâu, thích hóa đơn thì mời lãnh đạo “chuổng cời” mà đá bóng.

Người FPT Software không hiểu chị Quý “móc” đâu ra 20 chiếc quần nhanh như thế, chị sở hữu chiếc túi thần kỳ của Doraemon chăng!? Chẳng vậy mà cứ đến các phiên chợ lớn, ngoài hàng ăn vặt, chị Quý còn bày biện đủ các mặt hàng gia dụng, đồ tiện ích. Quả không hổ danh là “tạp hóa Bích Quý”.

Làm nên nhịp điệu ẩm thực của chợ phiên HoLa Park cũng phải kể đến những dồi sụn FHN.JITS, xiên Quảng, nem dồi Tiến Mướp, giò Hiền, ăn vặt giải khát Việt Hà, bánh bột lọc, nộm bò khô và trà bí đao Hải Yến, bánh su kem Cẩm Vân…

Muốn có bia… chỉ cần lăn xả!

Cứ chiều thứ Sáu hàng tuần, khi âm thanh và mùi vị của Chợ phiên Hola Park bắt đầu len lỏi khắp ngõ ngách, cũng là lúc Ngô Mạnh Lưỡng (BCC.PMO) hoàn tất công việc, háo hức hòa mình vào phiên chợ. Gần như chưa buổi chợ nào, Lưỡng vắng mặt. Chưa một trò chơi nào có thể làm khó Lưỡng, và cũng chưa có món ngon nào Lưỡng chưa thử qua.

Nhịp sống của Chợ Phiên đã “ăn vào máu” của chàng trai này tự khi nào chẳng biết, chỉ biết rằng Lưỡng đam mê mấy trò chơi ở đây lắm! Cả hàng dài nối đuôi nhau chơi trò chơi tại chợ phiên chưa bao giờ thiếu vắng hình dáng của chàng Cuder với cặp kính trắng, bộ quần áo màu đen quen thuộc.

Các bạn đã sẵn sàng chưa?”, MC Ngọc Anh dõng dạc, Lưỡng cùng các đối thủ đồng thanh hô to: “Sẵn sàng!”. Tín hiệu của phần chơi game trong chợ phiên hiển hiện trong hình hài như thế. Nào nhảy xa, đá bóng, ném vòng, nhảy dây, mỗi phiên là một trò chơi mới. Cả đám thanh niên, người giầy thể thao, người dép tổ ong, người xắn quần xắn áo, muôn hình vạn trạng cùng lao vào các trò chơi giữa phiên chợ náo nhiệt. Lưỡng với thân hình khá mũm mĩm cũng ham hố không kém các IT “mình hạc xương mai” khác. Lưỡng luôn ghi danh bảng vàng những thành viên tích cực và giành được nhiều bia nhất sau mỗi phiên chợ.

Với chàng Cuder này, chơi game không chỉ để nhận bia miễn phí mà hơn hết là tinh thần thể thao và niềm vui, sự sảng khoái khi chiến thắng trò chơi. Chiến thắng về tay, Lưỡng ôm ngay mấy lon bia sà vào nhóm dự án, vừa nhắm mực nướng, chân gà vừa nâng cốc cùng anh em. “Sướng, thoải mái, cơ thể được giải tỏa năng lượng sau một tuần làm việc nên cảm giác khoái lắm”, Lưỡng cười sảng khoái.

Lưỡng không giấu nổi niềm hạnh phúc khi nhắc tới môi trường làm việc của mình. Với cậu, thật khó có một công ty nào tạo điều kiện để nhân viên được nhậu, uống bia ngay trong khuôn viên. Hòa mình vào chợ phiên có lẽ là những trải nghiệm đặc biệt nhất đối với Lưỡng cũng như hàng ngàn IT-er tại HoLa Park.

Khi bia và mồi nhậu là “tiếng lòng” của anh em dự án

“1,2,3 - Zô; 1,2,3 - Zô; 1,2,3 Uống. Uống thế nào? Uống hết”. Đó là những thanh âm vang vọng khắp khuôn viên HoLa Park vào mỗi chiều thứ Sáu. Chợ phiên mà thiếu đi cái “món” ấy thì không còn là chợ nữa. Ấy là thanh âm của sự kết nối, của khí thế anh em sau một tuần mải miết với việc làm, việc học.

Ở chợ phiên mà không nhanh mắt nhanh chân, chắc chẳng còn chỗ mà ngồi. Từ sảnh Trà đá nhìn vào sẽ thấy giữa hồ cá trải sẵn một cái chiếu, xung quanh hồ cá là những bệ đá đen cũng được phủ bởi những mẹt đồ ăn, đồ uống đa sắc. Xa xa hồ cá là những kệ bê tông điểm trên mình những túi đồ ăn, vài cốc nước, vài đĩa lòng dồi. Phía trước sân khấu là những bộ bàn ghế tre, đếm sơ sơ cũng được tầm chục bộ. Chưa kể trên mấy cái sảnh nối từ “quận” này sang “quận” khác cũng có mấy cái chiếu trực chờ. Lấp ló dưới vườn bưởi lúc lỉu quả xanh… cũng là chiếu. Không phiên nào, những nơi ấy vắng khách. Có chỗ lưa thưa 2-3 người ngồi hàn huyên. Có tụ điểm lên tới vài chục anh em ngồi thành hàng dài hoặc một vòng tròn to. Hình ảnh ấy đã trở nên thân thuộc.

Chiều thứ Sáu nọ, Tú (GAM.IVI) - thẻ vắt ra sau lưng, chân đi tông, lật đật bê đĩa lòng đi xuyên qua hồ cá. Hóa ra hôm ấy đội IVI họp dự án. Có mấy thanh niên được cắt cử ngồi giữ chiếu. Mấy thanh niên chân dài như Tú được phân công đi mua đồ ăn, người mua ốc, mua lòng, người xếp hàng chơi game nhận bia… Chẳng thế mà hôm ấy Tú và mấy ông bạn lăng xăng hết quán này sang quán khác. Đếm vội cũng tầm 50 người ngồi trên bệ gỗ, gần cây lộc vừng đang vào mùa lá rụng. Trên chiếc chiếu dài, nào đĩa lòng, đĩa vịt quay, đĩa dồi, mực nướng, chân gà nướng cho đến bánh trái, hoa quả tráng miệng. Đặc biệt, bia đã trở thành linh hồn trên bàn nhậu. Anh em dự án vừa đánh chén, vừa cười nói đủ thứ chuyện trên đời. Cứ vậy, trên tấm chiếu ở chợ phiên chỉ có những niềm vui, những tràng cười khoái chí xua đi bao dư âm của một tuần làm việc, bao đêm OT/ON.

- “Bán cho cháu 3 con vịt quay”

- Nhiều thế? Để cho người khác cùng ăn với chứ.

- Chú hay thật. Mình cháu đi mua cho 30 người ăn đó chú à! Anh em đang bận, cháu đi mua trước

- 2 con thôi, cho dự án khác còn ăn!

Thế rồi, chủ quầy vịt tay dao tay thớt, chỉ mấy đường lia đã giúp chàng IT từ FHN hai tay hai đĩa vịt đầy. Dù được khẩn cầu chặt thêm nhưng nhất định ông chú chỉ chặt hai con vịt, còn lại để dành cho những người xếp hàng kế tiếp.

Ở chợ phiên còn dở khóc dở cười như thế. Người bán đôi khi phải tem tém lại, nếu không chỉ trong nháy mắt, hàng hóa đã hết nhẵn cả. Nhất là ở mấy phiên đặc biệt trong tháng, trong quý, khi chợ có mấy món độc lạ như heo quay, bê quay, vịt quay… Thế mới thấy, dù tuần nào cũng có chợ nhưng anh em vẫn “khát” lắm. Đó không đơn thuần là thời gian ăn uống, thư giãn mà còn là khoảnh khắc đội dự án xích lại để hiểu nhau hơn.

- U ơi, cho em 2 bát ốc lẫn và ít đồ nhắm nhé!

- Chỉ bán, không cho nhá!

- Tụi em ở Cầu Giấy lên, nghe tiếng ốc U Răm đã lâu, nay mới có dịp thưởng thức U ạ.

- Ừ cứ ngồi đó, ra ngay, ra ngayyyy

Trong tích tắc, cả một khay ốc ú ụ với mấy bát nước chấm đã lọt thỏm trên chiếc bàn tre. Mấy chị em nhà FWA từ Cầu Giấy lên xuýt xoa, tấm tắc khen cái tài nấu nướng và bày biện của U Răm. Thế mới thấy tiếng lành đồn xa, anh em Phần mềm tứ phương ai cũng thèm một lần dự chợ phiên.

Lác đác ở chợ phiên là những chàng IT đến từ Mỹ, Mexico, Cuba, Nigeria, Ấn Độ… Họ cũng sớm hòa nhịp vào đời sống nơi đây, cũng xếp hàng mua thịt xiên nướng, cũng ăn lòng dồi, cũng chơi game nhận bia và cũng “Hò dô ta nào, kéo pháo ta vượt qua núi” như bao chàng IT Việt Nam. Đó là vị của chợ phiên – vị của sự kết nối, của niềm vui, niềm hạnh phúc ngay chốn làm việc.

Cucumber

Ý kiến

()
 
Tags: