- 7h45
Các thí sinh đã có mặt từ rất sớm tại tầng 8 FPT Tower và trò chuyện rôm rả. Đến đây sớm nhất, từ 6h30 là anh Trần Tuấn Anh từ FPT Software. “Lý do mình đến sớm nhất là vì muốn chuẩn bị tâm thế tốt nhất, tạo thế chủ động cho bản thân”, anh Tuấn Anh tự tin. “Mình còn rất trẻ, khá tự tin, vững về chuyên môn nên dù đây là lần đầu tiên được lọt Top 50 FPT 13 Under 35 thì đối với mình gặp đối thủ nào cũng được và đề nào cũng ‘chiến’. Ngoài ra đây là dịp tốt để mình có cơ hội giao lưu, học hỏi với các đồng nghiệp trong FPT nên thi đấu với ai trong lĩnh vực công nghệ cũng vui và thú vị”, anh chia sẻ.
Còn Nguyễn Tiến Thắng (FPT HO) tâm sự, anh bay từ TP HCM ra Hà Nội cùng với 3 bạn nữa và “tất cả đều không ngủ được nên đến sớm để chuẩn bị tâm lý tốt hơn”. “Rất hồi hộp”, Thắng tiết lộ cảm xúc trước khi bốc thăm. “Đây là lần 2 lọt Top 50 và tham dự vòng Bản lĩnh nên mình không quá lạ lẫm. Bản thân đã chuẩn bị tương đối để bước vào vòng thi. Cùng là thi đấu đối kháng nhưng mỗi năm BTC lại đem đến một bất ngờ khác, một kịch bản khác và đối thủ cùng đề thi cũng hoàn toàn khác nên mình sẽ cố gắng hết sức”, anh quyết tâm.
Top 50 hạng mục Công nghệ được bố trí vào phòng bí mật.
Các đội cổ động viên cũng “đổ bộ” hội trường và tạo không khí náo nhiệt. Tất cả đều tràn đầy năng lượng dù chưa mấy người ăn sáng.
Đoàn Synnex FPT “chưa thấy người đã thấy tiếng”, mang theo rất nhiều “đạo cụ” để khích lệ tinh thần của anh Vy Mạnh Cường - ứng viên duy nhất của họ trong hạng mục Công nghệ. Slogan trên băng rôn nhà Phân phối “Cường Ô Kê La là Thứ Hai thì không ai là Chủ Nhật”. “Đến động viên tinh thần cho Cường, mong Cường chiến thắng và chúng tôi cũng sẽ rinh về giải thưởng dành cho đội cổ vũ ‘chất’ nhất”, chị Ngô Thị Ngọc Loan - đại diện đội cổ động Synnex FPT quyết tâm.
FPT Telecom đầu tư rất nhiều băng rôn với thiết kế cầu kỳ và khẩu hiệu “độc”. “7 viên ngọc rồng - Tinh thông vô đối” là khẩu hiệu họ dành cho cả 7 ứng viên nhà “Cáo”, giữa tiếng trống và kèn vang dội.
- 8h00
Sau màn happy dance sôi động mở đầu chương trình. MC Ngọc Thịnh - MC “ruột” của FPT 13 Under 35 xuất hiện và gửi lời chào mừng toàn thể người FPT tới với vòng Bản lĩnh FPT của giải thưởng FPT 13 Under 35 năm 2024.
Từ số lượng kỷ lục là 386 hồ sơ, FPT 13 Under 35 năm nay đã tìm ra Top 50 xuất sắc. Họ được chia thành 5 bảng đấu tương ứng với 5 hạng mục Giải thưởng: Công nghệ, Sản xuất, Vận hành, Lãnh đạo và Kinh doanh. Top 50 sẽ tranh tài để thể hiện tố chất, năng lực và bản lĩnh. Từ sự thể hiện của họ, Hội đồng thẩm định sẽ đánh giá, cùng với kết quả bình chọn của độc giả trên landing page, để tìm ra FPT 13 Under 35.
Anh Vũ Anh Tú.
Năm nay vòng Bản lĩnh tiếp tục duy trì thể thức tranh tài tương tự năm ngoái, tuy nhiên vẫn sẽ có nhiều bất ngờ dành cho ứng viên, Hội đồng thẩm định và cả khán giả. Điều này cộng với chất lượng thí sinh kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc tranh tài vô cùng thú vị và hấp dẫn của FPT 13 Under 35 năm nay.
Và hạng mục đầu tiên tranh tài trong buổi sáng ngày hôm nay là Hạng mục Công nghệ. Đây là hạng mục dành cho các cán bộ nhân viên làm việc trong lĩnh vực Công nghệ, CNTT, Viễn thông, Hạ tầng, Kỹ thuật, khối R&D và các Dự án đầu tư đặc biệt, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của công nghệ FPT. Họ có đóng góp quan trọng vào sự phát triển và vị thế tiên phong của công nghệ FPT qua các dự án, sản phẩm, giải pháp công nghệ trong và ngoài nước. Không chỉ xuất sắc trong các hoạt động công nghệ của đơn vị/bộ phận, họ còn có niềm đam mê nghiên cứu, không ngừng trau dồi, nâng cao năng lực của bản thân thông qua việc đạt được các bằng cấp, chứng chỉ công nghệ quốc tế danh giá. Hạng mục Công nghệ sáng nay có 9 ứng viên. Trong đó, 4 ứng viên đến từ FPT Software. 5 ứng viên còn lại là đại diện của FPT Telecom, FPT IS, Synnex FPT, FPT Digital và FPT HO.
Khán giả dành tràng pháo tay lớn cho Hội đồng thẩm định cho hạng mục Công nghệ gồm: anh Vũ Anh Tú - Giám đốc Công nghệ FPT, anh Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Công nghệ thông tin FPT, anh Chu Quang Huy - Giám đốc Nhân sự FPT và Chị Phạm Thu Liên - Giám đốc Văn phòng Chuyển đổi số FPT.
MC lưu ý, phần thưởng dành cho đơn vị có màn cổ vũ “chất” nhất sẽ được trao vào cuối buổi sáng. “Đáp lời”, dàn cổ động viên trẻ trung - đặc biệt của Synnex FPT, FPT Software và FPT Telecom - hưởng ứng nhiệt thành để vừa tiếp lửa cho “gà nhà” và rinh về giải thưởng 3 triệu đồng.
Trước khi vào phần chính thức của chương trình, tất cả cùng theo dõi thể lệ vòng Bản lĩnh. Vòng Bản lĩnh năm nay có 4 phần: Trình bày, Thuyết phục, Dấu ấn - phần đặc biệt của vòng tranh tài năm nay, và Phỏng vấn với Hội đồng thẩm định.
- 8h15
Một điều thú vị của vòng Bản lĩnh FPT 13 Under 35, là đến BTC cũng không biết trước các nhóm đấu và cũng không biết câu hỏi nào sẽ dành cho nhóm đấu nào. Đây đều phụ thuộc vào lá thăm của các ứng viên.
Nhóm thi đầu tiên xuất gồm Lê Minh Nhựt - FPT Software, Nguyễn Tiến Thắng - FPT HO và Trần Tuấn Anh - FPT Software.
Nhóm thi đầu tiên xuất hiện trên sân khấu, gồm Lê Minh Nhựt - FPT Software, Nguyễn Tiến Thắng - FPT HO và Trần Tuấn Anh - FPT Software.
Để khởi động phần thi, mỗi ứng viên sẽ có 30s để tự giới thiệu bản thân theo câu hỏi gợi ý. Ứng viên có thể thể hiện bằng bất cứ hình thức nào, khuyến khích sự sáng tạo.
Với câu gợi ý: “Hãy dùng 2 từ để giới thiệu về bản thân bạn và giải thích”. Lê Minh Nhựt chọn: KOL, Tử tế, Truyền cảm hứng; Nguyễn Tiến Thắng - Kiên trì, Nhiệt huyết; và Tự tin, Sáng tạo là từ khoá của Trần Tuấn Anh.
Ngay sau phần khởi động, anh Lê Minh Nhựt bốc thăm đề bài dành cho nhóm đấu của mình và là người trình bày đầu tiên.
Anh Lê Minh Nhựt.
Đề của nhóm ứng viên Công nghệ đầu tiên: Ngoài AI, bạn nhận định xu hướng công nghệ nào sẽ lên ngôi trong vòng 5 năm tới? Hãy đánh giá thực trạng tại FPT và đưa ra 3 đề xuất để FPT có thể phát triển mạnh mẽ công nghệ này trong thời gian tới?
Theo Lê Minh Nhựt, simulation là công nghệ sẽ lên ngôi sau AI trong 5 năm tới. Và những hành động FPT có thể thực hiện là đầu tư về phần cứng công nghệ, đầu tư vào kiến thức và triển khai sáng tạo “trăm hoa đua nở” như iKhiến.
Anh Trần Tuấn Anh.
Anh Nguyễn Tiến Thắng - FPT HO
Nguyễn Tiến Thắng lại nhấn mạnh tới deep tech. Anh cho rằng FPT đang thúc đẩy chuyển đổi xanh, có lợi thế trong y tế - dược phẩm và giáo dục (edu tech).
Theo Thắng, FPT có thể vận dụng thứ FPT đang có, ứng dụng AI đẩy mạnh tiếp công nghệ này, qua việc đẩy mạnh ứng dụng AI vào các lĩnh vực, bài toán chuyển đổi xanh, thu hồi carbon; đào tạo và nghiên cứu; đầu tư nguồn nhân lực; tổ chức khuyến khích đổi mới sáng tạo trong CTTV để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ liên quan tới deep tech.
Về phần mình, Trần Tuấn Anh đề cập IoT, bảo mật, năng lượng xanh và tái tạo. Anh đề xuất việc triển khai bảo mật dữ liệu tại chính FPT, làm sao có thể đưa tất cả dữ liệu của tất cả công ty về 1 nơi và sử dụng hiệu quả nhưng vẫn bảo đảm bảo mật. Tuấn Anh cho rằng, FPT có thể phát triển nhiều công nghệ có thể sử dụng IoT, xây dựng chính sách hoặc thành lập công ty chuyên về audit và hỗ trợ chính phủ, các tổ chức về bảo mật hay tư vấn mô hình bảo mật dữ liệu.
Ngay sau phần thi đầu tiên, các ứng viên tiếp tục đến với phần 2 - Thuyết phục.
Tại phần thi này sẽ có 3 câu hỏi, ứng viên bấm chuông nhanh để giành quyền trả lời. Ngay khi câu hỏi xuất hiện trên màn hình, ứng viên có thể bấm chuông luôn. Thời gian tối đa cho bấm chuông nhanh giành quyền trả lời là 10s. Hết 10s, không có ứng viên nào bấm chuông, câu hỏi sẽ được bỏ qua.
Ứng viên giành được quyền trả lời sẽ có 1 phút để trình bày. Trong 5s đầu tiên nếu ứng viên không thể đưa ra thông tin, quyền trả lời chuyển cho các ứng viên còn lại.
Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) đánh giá bằng cách giơ biển like hoặc dislike. Nếu số like lớn hơn số dislike, ứng viên còn lại mất quyền trả lời. Nếu số like nhỏ hơn hoặc bằng số dislike, ứng viên còn lại có quyền trả lời và HĐTĐ tiếp tục đánh giá bằng cách giơ like hoặc dislike.
Ở câu hỏi đầu tiên: “Theo bạn vào năm nào GenAI sẽ thông minh hơn con người? Vì sao?”, Trần Tuấn Anh bấm chuông nhanh nhất. Và với câu trả lời “GenAI đã thông minh hơn con người rồi, mình phải thích nghi để đi lên thay vì phụ thuộc”, anh đã thuyết phục được HĐTĐ với 3 like.
Ở câu hỏi số 2: “Theo bạn chỉ số quan trọng nhất FPT cần hướng đến để khẳng định vị thế Tập đoàn công nghệ hàng đầu khu vực là gì?”, Lê Minh Nhựt bấm chuông đầu tiên nhưng không thuyết phục được HĐTĐ. Anh phải nhường quyền trả lời cho 2 ứng viên còn lại.
Nguyễn Tiến Thắng đưa ra câu trả lời với 3 chỉ số: hiên diện trên toàn cầu, có những chương trình phát triển xanh và bền vững, các chứng chỉ AI dạng giống ISO. Kết quả, anh nhận 2 like 2 dislike.
Theo luật, ứng viên còn lại có quyền trả lời. Trần Tuấn Anh quyết định bấm chuông trả lời nhưng câu trả lời của anh chỉ nhận được 4 dislike.
Đến với câu hỏi số 3: “Theo bạn yếu tố quan trọng nhất giúp ChatGPT trở thành sản phẩm cán mốc 100 triệu người dùng nhanh nhất trong lịch sử công nghệ là gì?”. Sau khi lần lượt 3 ứng viên cùng trả lời, với phong thái tự tin của một người đã 3 lần lọt Top 50 dù tuổi đời còn trẻ, Lê Minh Nhựt đã phần nào chinh phục được HĐTĐ với câu trả lời: “Bí quyết của ChatGPT là tiên phong và luôn luôn đổi mới sáng tạo, cải tiến, dẫn đến hiệu quả cao hơn, giữ được người dùng và thu hút người dùng khác”.
- 8h45
Các thành viên bảng Công nghệ trong phòng bí mật.
- 9h45
Phần đặc biệt của vòng tranh tài FPT Under 35 năm nay là Dấu ấn, dành riêng cho ứng viên có tổng số like nhiều nhất ở phần vừa rồi.
Ứng viên được hưởng đặc quyền: Đặt ra 1 câu hỏi bất kỳ cho 1 thành viên HĐTĐ. Thời gian hỏi tối đa là 30 giây, thời gian suy nghĩ và trả lời của thành viên HĐTĐ tối đa là 1 phút.
Anh Trần Tuấn Anh.
Giành quyền vào phần Dấu ấn, Trần Tuấn Anh đặt câu hỏi cho chị Phạm Thu Liên - GĐ Văn phòng Chuyển đổi số FPT: “Theo chị, chuyển đổi số của FPT nhanh hay chậm, cần điều gì làm gì để phát triển hơn nữa?
Chị Liên cho rằng FPT đang hướng đến và chuyển đổi số tốt nhất có thể. Có 2 đối tượng cần quan tâm, đó là người kinh doanh và các bên công nghệ liên quan. Chị nhấn mạnh, “việc tham gia của các bạn là điểm giúp chuyển đổi số của FPT đi nhanh hơn”.
Chị Phạm Thu Liên - GĐ Văn phòng Chuyển đổi số FPT.
Là ứng viên đầu tiên đến với phần Phỏng vấn, Lê Minh Nhựt chia sẻ trong 3 năm tới, anh muốn mình là chuyên gia, xây dựng được đội ngũ chuyên gia, xây dựng công nghệ mũi nhọn hỗ trợ kinh doanh. Anh bày tỏ mong muốn muốn tiếp xúc với cộng đồng chuyên gia công nghệ bên ngoài để có kiến thức, và nếu có thể, lôi kéo họ về FPT. Anh cũng cho rằng rào cản lớn nhất cho sự phát triển của FPT tại Nhật Bản nói riêng và các OB (chi nhánh nước ngoài) nói chung là văn hoá.
Ứng viên nhà Phần mềm khẳng định, anh từng 3 lần lọt Top 50 rồi, nên nếu năm nay lọt Top 13 thì chấp nhận mọi thách thức, trở thành KOL truyền cảm hứng cho đồng đội, còn nếu không được thì năm sau sẽ thi tiếp.
Hình dung tương lai của DC5 5 năm tới, Nguyễn Tiến Thắng mong muốn kết hợp hệ sinh thái DC5 vào các sản phẩm của FPT. Nhận được ưu đãi về các chính sách chung, khách hàng càng nhiều thì dữ liệu dày hơn, phục vụ hiệu quả các bài toán tiếp theo.
Anh Nguyễn Tiến Thắng.
Trước câu hỏi “AI là xu hướng nhưng các sản phẩm, tổ chức đang sử dụng AI như 1 chiếc áo, dùng AI để quảng bá nhưng có khi không thực chất. Bạn có thấy AI fashion có là 1 vấn nạn không?”, Thắng cho rằng đây là một trong những chiêu của chiến lược marketing - truyền thông, để tránh được việc này, cần kiểm tra tính chân thực trong việc sử dụng. Anh cũng cho biết DC5 đang có kế hoạch đưa AI vào hệ sinh thái sản phẩm FPT, có những case study thực chiến, và tin tưởng với những sản phẩm “chất”, được đầu tư nghiêm túc thì khó “fashion” được.
Thắng nhấn mạnh từ khóa kiên trì khi năm nay là cơ hội cuối cùng để tham dự FPT 13 Under 35, “không lọt Top 13 thì tôi đề xuất có chương trình tương tự lứa tuổi U45 để thi tiếp”.
Được hỏi sau khi trải qua nhiều vị trí từ làm sản phẩm đến phần mềm, điều thích và không thích ở FPT, Trần Tuấn Anh trả lời: “Trước khi vào, tôi không thích FPT. Nhưng vào rồi, tôi thấy đây là mảnh đất của mình, văn hóa FPT giúp tôi phát triển đội ngũ trẻ”. Anh cũng cho rằng, độ hấp dẫn của FPT với cán bộ công nghệ bên ngoài hiện ở mức 7/10 và cách thức để cải thiện mức độ hấp dẫn là tập trung vào cơ chế lương cho đội ngũ trẻ.
- 10h00
Nhóm Công nghệ số 2 có các ứng viên: Hoàng Khắc Thuỵ - FPT Telecom, Vy Mạnh Cường - Synnex FPT và Đào Trung Sơn - FPT IS.
Nhóm Công nghệ số 2.
Để giới thiệu về bản thân, Hoàng Khắc Thuỵ lựa chọn 2 từ khoá Kiên định, Nỗ lực; Vy Mạnh Cường - Danh giá, Đồng đội; và Đào Trung Sơn - Sáng tạo.
Đề tranh tài phần Trình bày dành cho các ứng viên nhóm 2 là: “Có ý kiến cho rằng công nghệ giúp các trải nghiệm trong cuộc sống được cá nhân hóa, nhưng đồng thời cũng khiến quyền riêng tư của con người giảm đi. Theo góc nhìn của bạn, làm thế nào để công nghệ có thể cân bằng giữa việc nâng cao trải nghiệm cá nhân và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng?”.
3 ứng viên đều đồng ý với quan điểm AI giảm thiểu quyền riêng tư. Theo Hoàng Khắc Thụy, để cân bằng nâng cao trải nghiệm cá nhân và bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, cần xây dựng và truyền thông chính sách về quyền riêng tư; xây dựng trải nghiệm khách hàng tập trung vào mục tiêu khách hàng; và nâng cao ý thức về chia sẻ quyền riêng tư. Anh Thụy chỉ dùng một nửa thời lượng cho phép để hoàn thành phần trình bày.
Anh Hoàng Khắc Thụy.
Vy Mạnh Cường cho rằng, chưa bao giờ trải nghiệm người dùng được cá nhân hóa tốt như hiện nay, và để không bị xâm phạm, trải nghiệm cá nhân cung cấp cho người dùng phải phù hợp, dữ liệu cần được sự đồng ý từ khách hàng, hệ thống cũng cần cung cấp được các tính năng đang chia sẻ cho hệ thống. Như vậy, khách hàng có thể dừng cung cấp thông tin gây khó khăn cho các đơn vị phát triển. Bên cạnh đó, anh Cường cũng nhấn mạnh, tổ chức phát triển phần mềm cần tuân thủ luật tuân thủ quyền riêng tư của người dùng.
Anh Vy Mạnh Cường.
Còn Đào Trung Sơn đưa ra 3 điểm. Đầu tiên, về kỹ thuật, cần nâng cao bảo mật để hạn chế rủi ro lộ thông tin, dùng ẩn danh, dùng AI dự đoán nguy cơ người dùng lộ/lọt thông tin để cảnh báo sớm cho người dùng. Về tính năng, cần đưa tuỳ chọn cho người dùng để bảo vệ thông tin. Về chính sách, cho người dùng quyết định việc chia sẻ thông tin, tuân thủ chính sách.
Anh Đào Trung Sơn
- 10h30
Bước vào phần Thuyết phục, các ứng viên nhận câu hỏi đầu tiên: “Tỷ phú Elon Musk đã từng bày tỏ quan ngại về nguy cơ của việc phát triển AI không kiểm soát, thậm chí nói nó còn nguy hiểm hơn so với đầu đạn hạt nhân. Theo bạn quan điểm trên đúng hay sai, vì sao?”.
Vy Mạnh Cường giành quyền trả lời. Đồng ý với quan điểm này, anh khẳng định AI đã phát triển đến mức độ cao nhất, siêu AI có thể điều khiến được thế giới vật lý.
Câu trả lời rất ngắn gọn của anh Cường nhận 3 like, 1 dislike từ HĐTĐ.
3 ứng viên trong phần thi Thuyết phục.
Ở câu hỏi số 2, các ứng viên phải vận dụng kiến thức toán học để điền số vào ô còn trống. Không ứng viên nào trả lời được câu hỏi này.
Tới câu hỏi số 3: “Sau kỷ nguyên smartphone, thiết bị công nghệ nào sẽ được con người sử dụng nhiều nhất hàng ngày?”, Đào Trung Sơn trả lời dứt khoát: “Thiết bị công nghệ sẽ ngày càng nhỏ, như hiện nay là smart watch rồi sau này là chip cấy bên trong cơ thể, con người không cần cầm thiết bị nữa”. Anh giành số like tuyệt đối từ HĐTĐ và bước vào phần Dấu ấn.
Là ứng viên Công nghệ, Trung Sơn chọn giám khảo Nguyễn Xuân Việt - GĐ CNTT FPT để đặt câu hỏi, nhưng Trung Sơn lại hỏi về sự tham gia của người thân vào các hoạt động văn hoá đoàn thể của FPT. Ứng viên hết giờ trước khi kịp đặt câu hỏi cụ thể, anh Việt nhấn mạnh sẽ cũng các lãnh đạo khác xem xét lại các sự kiện trong Tập đoàn.
Đào Trung Sơn giành quyền đặt câu hỏi cho giám khảo.
- 10h45
Mở đầu phần Phỏng vấn, Hoàng Khắc Thuỵ cho biết anh từng chán và rời FPT Telecom khi công việc lặp lại và không có nhiều sáng tạo, và tuổi trẻ mong muốn chứng tỏ nhiều hơn. Tới khi tiếp xúc bên ngoài và có cơ hội quay lại, anh đã thúc đẩy mình sáng tạo hơn nữa, đổi mới theo cách của mình. Thuỵ cũng nhắc tới những sáng tạo của mình tại nhà “Cáo” và tự hào mình chưa từng có dự án thất bại. Anh khẳng định AI không thể thay thế con người, nhưng những người không biết dùng AI sẽ bị thay thế. Các bộ phận hỗ trợ kinh doanh đều phải sử dụng AI, đặc biệt trong đào tạo hay lập kế hoạch, tối ưu năng suất lao động.
Với ứng viên Vy Mạnh Cường, GĐ Nhân sự Chu Quang Huy thông tin, nửa đầu năm 2024, Synnex FPT đã xuống vị trí số 2 trong mảng phân phối công nghệ. “Vậy công nghệ sẽ giúp gì để đưa Synnex FPT trở lại số 1?”, anh Huy hỏi. Anh Cường đính chính, doanh số công ty sẽ được cộng gộp vào cuối năm nên nửa năm đầu là thời gian chuẩn bị. Anh thông tin, công ty đã bắt đầu ứng dụng AI vào nhập liệu tự động, để CBNV có thể tập trung việc khác. Anh Huy làm khó ứng viên khi hỏi lý do hệ thống DDP chậm deadline mấy lần, anh Cường đáp do dữ liệu nhiều và phức tạp, chuyển đổi từ 4 hệ thống cũ lên 1 hệ thống mới có quá nhiều khó khăn. Được giám khảo Vũ Anh Tú hỏi về quyết định định đầu quân cho Synnex FPT, vẫn với phong thái điềm tĩnh, anh Cường cho biết bị thuyết phục với sếp hiện tại: “Nếu muốn cống hiến cho ngành công nghiệp phân phối, phải làm cho công ty top đầu”.
Đội cổ vũ của nhà Synnex FPT dành cho phần chia sẻ của anh Vy Mạnh Cường.
Đối mặt ý kiến “Sản phẩm có nhiều hào quang trong khi giải pháp khó hơn”, Đào Trung Sơn cho rằng, khi tham gia vai trò là thành viên trong dự án, chỉ cần dự án thành công thì đó là hào quang của chính anh rồi. Anh cũng chia sẻ, làm về kiến trúc hệ thống, trọng trách quyết định sử dụng công nghệ nào là do mình quyết định. Trong dự án cụ thể mảng đô thị hoá năm 2020, khi đưa vào thực tế, dự án cũng đã có những khiếm khuyết do thực tế và trên giấy có sự sai lệch tương đối, nếu được tham gia từ giai đoạn trước triển khai sớm thì sẽ có cơ hội giảm thiểu rủi ro tốt hơn.
Sau 3 phần thi đấu khá căng thẳng, 2 giám khảo Vũ Anh Tú và Phạm Thu Liên được mời lên sân khấu chơi minigame cùng 4 khán giả. 4 người chơi và 2 thành viên HĐTĐ được chia làm hai đội để tham gia thử thách Nhớ đồ.
Hai đội trưởng đều tư vấn rất nhiệt tình cho các thành viên. Kết thúc, team chị Liên giành phần thắng sít sao 9-8, khán nhận phần quà trị giá 1 triệu đồng.
- 11h00
Nhóm ứng viên Công nghệ cuối cùng bước ra sân đấu gồm: Trần Trung Hiếu - FPT Software, Nguyễn Tuấn Anh - FPT Digital và Nguyễn Văn Cường - FPT Software.
Nhanh chóng bước vào phần tranh tài đầu tiên, các ứng viên tự giới thiệu mình bằng 2 từ.
Trần Trung Hiếu tự mô tả bằng May mắn và Thiện chí. Nguyễn Tuấn Anh - Đổi mới, Dấn thân. Nguyễn Văn Cường lựa chọn Gắn bó và Kỷ luật.
Đề bài dành cho nhóm đấu được đánh giá là toàn những người có ưu điểm về trình bày: "Công nghệ đang thay đổi cách thức làm việc, từ việc tự động hóa đến làm việc từ xa. Bạn dự đoán mô hình làm việc nào sẽ trở thành chuẩn mực trong 10 năm tới và FPT cần chuẩn bị như thế nào để không bị tụt hậu?".
Theo Trần Trung Hiếu, mô hình làm việc sắp tới là “work from anywhere” - làm việc từ bất cứ đâu. Theo anh, trong đại dịch, FPT đã chứng minh có thể đám đảm bảo năng suất lao động. Để chuẩn bị cho xu hướng trên, FPT phải thay đổi về công cụ và phương thức. Về công cụ, phải cải thiện để tiến tới một AI agency, cá nhân hóa cho từng lĩnh vực, có khả năng thực hành; phương thức thực hiện đầy đủ từ hạ tầng, quy trình đến công nghệ.
Anh Trần Trung Hiếu.
Nguyễn Tuấn Anh thì cho rằng, rút ngắn cuộc họp chỉ còn 15 phút sẽ tối ưu hóa sự tập trung và năng suất của các thành viên; chuyển mô hình 1 nhân viên - không chỉ có một năng lực cốt lõi mà còn có khả năng kết nối nhiều bên… FPT hiện có những thế mạnh công nghệ là nền tảng DC5, lõi AI, công cụ cải thiện cá nhân hoá và đặc biệt là gen FPT - đổi mới, dấn thân, không ngại khó.
Anh Nguyễn Tuấn Anh.
Nguyễn Văn Cường nêu bật mô hình hybrid - vừa làm việc tại văn phòng vừa làm việc từ xa. Theo anh, với mục tiêu 1 triệu người năm 2035 của FPT, hạ tầng văn phòng không thể đáp ứng. Để đảm bảo năng suất, anh cho rằng đầu tiên phải phát triển về hạ tầng, IT, nhân sự từ xa phải được cung cấp hạ tầng làm việc tốt nhất, điều này cũng giúp tiết kiệm chi phí. Thứ hai là bảo mật về dữ liệu, cách làm việc, thông tin. Thứ ba, phải có chính sách được áp dụng từ Tập đoàn tới CTTV. Cuối cùng, đào tạo ý thức của nhân viên bằng các khóa học, buổi chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Cường.
- 11h15
Kết thúc phần Trình bày, bước sang phần Thuyết phục, các ứng viên nhận câu hỏi đầu tiên: "Theo bạn, sau chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là xu hướng chuyển đổi nào? Vì sao?".
Bấm chuông nhanh nhất, Nguyễn Tuấn Anh đưa ra câu trả lời: “Chuyển đối số và chuyển đổi xanh là cặp song sinh, sẽ tạo thành chuyển đổi thông minh. Chuyển đổi số tạo lực đẩy, chuyển đổi xanh tạo lực kéo, hợp lực tạo thành chuyển đổi thông minh, có AI hỗ trợ để đạt được mục tiêu phát triển nhanh hơn nữa”. Anh giành 4 like từ HĐTĐ.
Câu hỏi thứ 2 là một câu hỏi tưởng chừng đơn giản: “Trong hình có tất cả bao nhiêu hình vuông?”, nhưng lại làm khó cả 3 ứng viên. Trần Trung Hiếu bấm chuông trả lời nhanh nhất nhưng chỉ nhận được 4 dislike. Nguyễn Văn Cường giành quyền trả lời tiếp theo. Giống như anh Hiếu, anh Cường hiểu đây là câu đố mẹo, nên nhận 4 dislike. Nguyễn Tuấn Anh cũng đi vào sai lầm như 2 ứng viên còn lại.
Do tính chất tranh tài căng thẳng, cả 3 đều suy nghĩ xa xôi, trả lời lạc đề, vĩ mô. Sau những tràng cười vì bất ngờ bởi trí tưởng tượng của 3 ứng viên, khán giả trong hội trường đồng thanh trả lời thay: 10 hình vuông. Câu hỏi với câu trả lời rất đơn giản khiến ứng viên khá ngỡ ngàng.
3 ứng viên đều nhận dislike từ HĐTĐ với phần trả lời "khá xa xôi" của mình.
Câu hỏi cuối dành cho nhóm ứng viên cuối cùng hạng mục Công nghệ: “Theo bạn sản phẩm công nghệ nào là đáng tự hào nhất của FPT trong 5 năm vừa qua? Vì sao?”.
Nguyễn Tuấn Anh nhanh nhẹn khẳng định đó là DC5, bởi thể hiện tầm nhìn chiến lược rất lớn về dữ liệu, là nền tảng giúp FPT tạo mô hình kinh doanh mới, giá trị mới. Câu trả lời này không thuyết phục được bất kỳ thành viên HĐTĐ nào.
Trần Trung Hiếu tiếp tục giành quyền trả lời. Anh tự hào về AlertIQ - một sản phẩm an toàn thông tin được đội ngũ phát triển trong vòng hơn 5 năm, chứng minh năng lực an toàn thông tin của FPT không thua bất cứ công ty nào. Gần đây sản phẩm đã thắng thầu khách hàng Đức, giá trị hàng triệu USD. Với câu trả lời này, Hiếu nhận 3 like 1 dislike, đồng thời kết thúc phần Thuyết phục của cả 3 ứng viên.
Phần trả lời của anh Trần Trung Hiếu nhận được 3 like từ HĐTĐ.
Giành quyền bước vào phần Dấu ấn, Nguyễn Tuấn Anh đặt câu hỏi cho giám khảo Vũ Anh Tú - GĐ Công nghệ FPT: “Vai trò FPT là gì trong xu hướng tương lai là chuyển đổi thông minh - AI?”.
Anh Tú cho hay, trong lịch sử của mình, FPT đầu tư lớn nhất vào AI. Chặng đường này cần sự góp sức của các CTTV. “Chúng ta cần làm sao cho khách hàng sử dụng được AI, cần chuyển đổi từ hệ thống cũ sang hệ thống AI”, anh Tú nói.
Anh Vũ Anh Tú chia sẻ sau câu hỏi của anh Nguyễn Tuấn Anh.
- 11h30
Trần Trung Hiếu là ứng viên đầu tiên của nhóm đấu thứ 3 bước vào phần Phỏng vấn. Anh nhận định, vị thế về mảng bảo mật của FPT hiện xếp hạng số 2, nhưng cơ hội vươn lên số 1 chưa bao giờ lớn như vậy. Điểm mấu chốt mà FPT có thể tận dụng là mức độ linh hoạt và dẻo dai.
Anh cũng cho rằng, đây là thời điểm hợp lý nhất để FPT kiện toàn hệ thống an toàn thông tin. Nói rõ hơn về điều này, Trung Hiếu lí giải, do mảng này của Tập đoàn chưa toàn diện nhưng còn rất nhiều “đất” phát triển và đã có rất nhiều bài học. Hiếu cũng bày tỏ niềm tự hào khi FPT trở thành doanh nghiệp hàng đầu về dịch vụ an toàn thông tin.
Trước câu hỏi “Khi vợ (chị Ngô Thu Hồng) từng đạt danh hiệu FPT 13 Under 35 khi còn rất trẻ, thì đây là áp lực hay động lực?”, anh Hiếu chưa kịp trả lời hết ý thì đã hết giờ.
Anh Trần Trung Hiếu trình bày.
Nguyễn Tuấn Anh nhận câu hỏi: “Với tư cách là chuyên gia tư vấn chuyển đổi xanh, bạn cho biết FPT cần làm gì để tham gia vào xu hướng này?”. Theo anh, FPT có thể cân nhắc 3 nhóm: trong ngắn hạn, cung cấp giải pháp cho phát thải; cung cấp sản phẩm IT cho lĩnh vực chuyển đổi năng lượng; tham gia xu hướng mới: kinh doanh chứng chỉ carbon.
Anh Vũ Anh Tú đưa ra thắc mắc tại sao Tuấn Anh có background tài chính lại chuyển sang chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Như hai từ khóa giới thiệu bản thân: Đổi mới và dấn thân, Tuấn Anh cho rằng không thay đổi sẽ bị tụt hậu. Anh luôn tìm thử thách mới để có bài học mới.
Nguyễn Văn Cường bước vào phần thi của mình. Theo anh, để bản thân nổi bật giữa tập thể 30.000 người FPT Software, cần có mức độ ảnh hưởng qua những cống hiến về chiến lược, sản xuất; và được đánh giá qua số lượng người được hưởng lợi và bị ảnh hưởng từ mình. Cường cũng cho biết tại đơn vị, anh đã đào tạo được 40 bạn trong thế hệ kế cận, nhờ có nền về công nghệ tốt và truyền đạt thông tin dễ hiểu. Theo Cường, chăm sóc y tế (healthcare) là một trong những bệ phóng giúp anh phát triển. Anh cũng chia sẻ, thi cuối bất lợi vì thành viên HĐTĐ cũng mệt rồi, nhưng lại có lợi thế là phán đoán - dự đoán được các anh chị hỏi gì để chuẩn bị tốt hơn.
- 11h45
9 ứng viên Công nghệ kết thúc phần tranh tài vòng Bản lĩnh. Chiều nay, 12 ứng viên Kinh doanh sẽ thể hiện tài năng của mình. Cuối buổi sáng, đội cổ vũ từ Synnex FPT với năng lượng tích cực đã giảnh giải Đội cổ cũ “chất” nhất, trị giá 3 triệu đồng.
Synnex FPT giành giải đội cổ vũ "chất" nhất trong hạng mục Công nghệ sáng nay.
Top 50 FPT 13 Under 35 năm nay sẽ tham gia vòng Bản lĩnh (Top 50 Challenge), được tổ chức vào hai ngày 8 và 9/8. Các ứng viên được chia theo hạng mục đề cử và tham gia các phần thử thách. Tham gia vòng Bản lĩnh, ứng viên sẽ có cơ hội thể hiện rõ tố chất, năng lực và khả năng ứng biến linh hoạt của bản thân. Giống như năm trước, toàn bộ thể lệ và cách thức thi đấu của vòng Bản lĩnh sẽ không được công bố trước. Chỉ bước vào phòng chờ của buổi thi, ứng viên mới được BTC thông báo.
Đồng đội và người thân của ứng viên đều có thể đến hội trường tầng 8, FPT Tower (Hà Nội) để cổ vũ tinh thần. Năm nay, giải thưởng Đội cổ vũ "chất" nhất cho mỗi buổi thi được nâng lên con số 3 triệu đồng.
Tiêu chí chấm điểm của vòng Bản lĩnh xoay quanh khả năng ứng biến, lý lẽ thuyết phục, tư duy logic cũng như phong thái tự tin, trình bày mạch lạc. Đánh giá của Hội đồng thẩm định sẽ chiếm đến 70% trên tổng điểm, 30% còn lại đến từ bình chọn của độc giả trên chuyên trang FPT 13 Under 35. Diễn biến của 2 ngày tranh tài sẽ được cập nhật trực tiếp tại Chungta.vn, với phiên sáng bắt đầu từ 8h và phiên chiều bắt đầu từ 13h.
Ý kiến
()