Chúng ta

ĐHĐCĐ FPT 2023: Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ sứ mệnh kiến tạo hạnh phúc

Thứ năm, 6/4/2023 | 13:59 GMT+7

Bước vào năm thứ 35, FPT đặt sứ mệnh Kiến tạo hạnh phúc cùng với Chiến lược DC5 -135. Chiến lược quan trọng này sẽ được lãnh đạo nhà F chia sẻ tại ĐHCĐ năm 2023 diễn ra chiều nay (ngày 6/4).

  • 13h45

    Năm nay, ĐHĐCĐ áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Từ 13h, các cổ đông tham dự trực tiếp tại hội trường Diamond của FPT Tower đã đến sớm làm thủ tục. 

    -4016-1680778665.jpg

    Cổ đông làm thủ tục tham dự ĐHCĐ.

    -5072-1680778448.jpg

    Cổ đông tập trung tại tầng 8 FPT Tower.

  • 14h00

    Niềm tự hào về sứ mệnh Kiến tạo hạnh phúc bằng công nghệ của FPT đã được khắc hoạ đầy cảm hứng ngay trong video mở màn "35 năm kiến tạo hạnh phúc". Tiếp nối ngay sau đó là tiết mục nhảy trên nền bài hát Kiến tạo hạnh phúc của nhạc sĩ Thái Sơn. Bài hát và điệu nhảy khơi dậy tinh thần vui khoẻ - yêu thương - gắn kết, để từ đó người F cùng nhau hướng tới sứ mệnh năm 35 tuổi của Tập đoàn.

    -2974-1680765127.jpg

    Đúng 14h, Đại hội khai mạc. Trước khi bắt đầu vào các nội dung chính thức của Đại hội, theo thủ tục, ông Nguyễn Việt Thắng - Trưởng ban kiểm soát (BKS) - báo cáo kiểm tra tư cách đại biểu trước Đại hội.

    -4654-1680778988.jpg

    Thành phần tham dự ĐHĐCĐ gồm các thành viên HĐQT, Ban Điều hành, Ban Kiểm soát cùng các đại biểu đang tham dự trực tiếp tại Hội trường và trực tuyến từ khắp nơi trên thế giới. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT - lên bàn Chủ toạ để chủ trì Đại hội. Ông Bình sau đó mời Đoàn Chủ tịch cùng lên để điều hành Đại hội, gồm: ông Bùi Quang Ngọc - PCT HĐQT; ông Nguyễn Văn Khoa - TGĐ FPT; ông Nguyễn Thế Phương - PTGĐ và ông Hoàng Việt Anh - PTGĐ.

    -8159-1680778988.jpg

    Chủ tịch đoàn đề cử thư ký là bà Phạm Ngọc Anh. Ban kiểm phiếu của Đại hội gồm Trưởng ban Hoàng Hữu Chiến cùng hai thành viên là ông Hoàng Ngọc Bích và ông Trần Khương.

  • 14h15

    Toàn đại hội theo dõi video ngắn về những kết quả nổi bật FPT đã đạt được trong năm 2022. Năm qua, trong tình hình đầy khó khăn của bối cảnh hậu đại dịch, với nỗ lực cao nhất, FPT vẫn tăng trưởng 23,4%.

    -7354-1680765925.jpg

    Phó Chủ tịch HĐQT Bùi Quang Ngọc đại diện đoàn chủ tịch trình bày báo cáo của HĐQT năm 2022, đồng thời dự trù Ngân sách hoạt động và thù lao của HĐQT năm 2023.

    Đại hội tiếp tục lắng nghe các báo cáo của HĐQT, Ban điều hành và BKS đánh giá tình hình kinh doanh và các hoạt động của FPT năm 2022.

    Mở đầu, ông Bùi Quang Ngọc - Phó Chủ tịch HĐQT - trình bày báo cáo của HĐQT năm 2022 cũng như ngân sách hoạt động và thù lao của HĐQT năm 2023.

    Phó Chủ tịch HĐQT thông báo, năm 2022 lần đầu khối công nghệ FPT đạt quy mô 1 tỷ USD; mở rộng hiện diện tại 29 quốc gia vùng lãnh thổ. "Trong số 1 tỷ USD mảng công nghệ đạt được thì dịch vụ chiếm phần lớn. Đây là kết quả đáng khích lệ", ông Ngọc nói trong tràng vỗ tay tán thưởng.

    Ông Ngọc cho hay, kế hoạch năm 2023 là FPT đạt 1 tỷ USD cho dịch vụ CNTT thị trường nước ngoài. FPT sẽ nâng tầm trên bản đồ dịch vụ CNTT thế giới.

    Trong nước, Tập đoàn tiếp tục phát triển các nền tảng dịch vụ Made by FPT kết hợp với nền tảng Base.vn; Ra mắt chip cho lĩnh vực y tế.

    Tiếp đó, ông Ngọc trình bày ngân sách thu nhập của HĐQT 2023.

  • 14h30

    CEO FPT Nguyễn Văn Khoa trình bày Báo cáo của Ban điều hành về hoạt động kinh doanh FPT 2022 và kế hoạch 2023.

    -9170-1680780080.jpg

    CEO FPT Nguyễn Văn Khoa

    Mở đầu bài phát biểu là video về tiến trình vươn ra toàn cầu của FPT trong 35 năm qua với những chuyến đi “mở cõi”, những thương vụ M&A đầy khát vọng và hoài bão. “Nhiều màu da, nhiều sắc tộc, nhiều múi giờ nhưng tất cả đều chung khát vọng Kiến tạo hạnh phúc cho khách hàng, cho đối tác và cho những cổ đông của FPT” - ông Khoa khẳng định.

    Về kết quả kinh doanh 2022, người điều hành FPT nhấn mạnh lợi nhuận tăng trưởng bền vững đến từ 3 mảng chính: công nghệ, viễn thông và giáo dục, trong đó công nghệ chiếm đến 44%. Năm 2022 thị trường quốc tế đang và tiếp tục là điểm sáng về lợi nhuận của FPT với doanh số ký đạt gần 1 tỷ USD.

    Cũng trong năm qua, thương vụ M&A Intertec đã giúp FPT mở rộng quy mô tại châu Mỹ và tiến tới cân bằng 3 thị trường chính như: Nhật, Mỹ, châu Á Thái Bình Dương.

    -4520-1680780141.jpg

    Ông Nguyễn Văn Khoa cũng chia sẻ thị trường Mỹ có dấu ấn tăng trưởng thần tốc khi doanh số tăng 5 lần, lợi nhuận 10 lần, nhân sự tăng trưởng cao và có nhiều hợp đồng giá trị lớn.

    Để có được những kết quả tăng trưởng này, có nhiều nguyên nhân về thiên thời địa lợi nhân hoà mà sức đẩy lớn nhất là đến từ thị trường chuyển đổi số trên toàn cầu có nhu cầu lớn. “Năm 2022, chúng ta đã bắt trúng, chính xác thông qua khách hàng lớn. Từ kinh nghiệm thành công ở quốc tế, FPT đã mang về Việt Nam với mô hình chuyển đổi số và FPT là tập đoàn có năng lực trong CĐS từ khâu tư vấn, giám sát, triển khai dự án. Năng lực tư vấn CĐS của FPT đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đơn vị tư vấn trên thế giới” - CEO FPT nhấn mạnh.

    -6240-1680780080.jpg

    Bên cạnh đó, khối viễn thông cũng góp 37% tổng lợi nhuận, phục vụ hàng triệu hộ gia đình và hàng chục triệu người dân Việt Nam. Dịch vụ viễn thông chính là mảnh ghép quan trọng để thực hiện chiến lược DC5 trong thời gian tới tại nhà F. Khối giáo dục đã đánh dấu cốt mốc trở thành đơn vị giáo dục quy mô Mega với hệ sinh thái hoàn thiện, phủ rộng từ tiểu học lên tới sau đại học, được sự ủng hộ của địa phương, phụ huynh học sinh.

    Về kế hoạch trong năm 2023, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Khoa cam kết tăng trưởng bền vững 18,8% doanh thu và 18,2% lợi nhuận.

    “Trong bối cảnh 2023 là một năm bất định với nhiều diễn biến khó đoán, chúng tôi tiếp tục tìm nguy trong cơ và nỗ lực trở thành nơi làm việc hạnh phúc cho mỗi thành viên cũng như mỗi gia đình của nhân viên” - ông Nguyễn Văn Khoa chia sẻ.

  • 14h45

    Sau bài phát biểu của TGĐ Nguyễn Văn Khoa, ông Nguyễn Thế Phương - PTGĐ Tập đoàn FPT trình bày trước đại hội: Báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Phương án sử dụng lợi nhuận năm 2022, Chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 và Chương trình phát hành cổ phần cho người lao động giai đoạn 2023-2025.

    -5482-1680780865.jpg

    Ông Nguyễn Thế Phương - PTGĐ Tập đoàn FPT.

    Theo ông Nguyễn Thế Phương, năm 2022 FPT đạt doanh thu hơn 44.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.662 tỷ đồng.

    Với kết quả kinh doanh này, công ty trình cổ đông phê duyệt mức chi trả cổ tức tiền mặt 20% (20.000 đồng/cổ phiếu), mức chia cổ tức bằng cổ phiếu là 15%, nguồn trích từ lợi nhuận sau thuế của công ty. Việc chi trả dự kiến được thực hiện trong quý II.

    Bên cạnh đó, PTGĐ FPT trình đại hội chính sách hành cổ phần cho người lao động giai đoạn 2023-2025, đối tượng là các cán bộ chủ chốt có sự đóng góp cho sự phát triển lâu dài của công ty. Phương án cơ bản giống năm trước với tỷ lệ phát hành 0,5%/số cổ phiếu lưu hành của năm, phát hành làm 3 đợt: 2024-2025-2026.

  • 14h50

    Tiếp theo, ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng Ban Kiểm soát trình bày: Báo cáo của BKS năm 2022; Ngân sách hoạt động và thù lao của BKS năm 2023; Đề xuất danh sách công ty kiểm toán độc lập thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2023.

    -1199-1680781270.jpg

  • 14h55

    Kế tiếp, ông Hoàng Việt Anh, Phó tổng giám đốc FPT trình bày Phương án sửa đổi Điều lệ Công ty và Quy chế nội bộ về Quản trị Công ty.

    -9741-1680768355.jpg
  • 15h00

    Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ định hướng chiến lược FPT 2023-2025.

    -3628-1680781827.jpg

    Chia sẻ trước đại hội về định hướng chiến lược FPT 2023-2025, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh sứ mệnh mới của Tập đoàn: Kiến tạo hạnh phúc.

    Ông cho rằng, FPT đang có vị thế và cơ hội lớn chưa từng có trong công cuộc chuyển đổi số toàn cầu. Đầu tiên, “thế giới sẽ chuyển sang DX 365, đây là công nghệ mới mà thế giới đang thiếu nguồn lực. FPT ở vị thế có thể bảo trì các hệ thống lớn cho các tập đoàn toàn cầu vì có sự hiện diện ở mọi nơi và cam kết nói tiếng bản địa của khách hàng”, ông khẳng định.

    Cơ hội tiếp theo của FPT là Cobol, hầu hết ngân hàng đang sử dụng ngôn ngữ này. FPT có trải nghiệm của mình, dịch nhiều ngôn ngữ Cobol trên thế giới, có công nghệ và nhân lực.

    Cơ hội thứ 3: khi các hãng xe dần dịch chuyển sang ô tô điện, FPT lại có kinh nghiệm làm phần mềm cho ô tô và là công ty tin học hiếm hoi thế giới tham gia ngành ô tô điện.

    -2466-1680770000.jpg

    Theo Chủ tịch FPT, bên cạnh sự thuận tiện mang lại cho khách hàng, người dân, doanh nghiệp, quan trọng nhất là giữ được nguồn nhân lực, để nhân lực liên tục tăng trưởng theo thời gian, để mỗi nhân viên làm việc hăng say không mệt mỏi và luôn sáng tạo. “Lời giải là hạnh phúc của người lao động. Chúng tôi muốn FPT là ngôi nhà của những con người hạnh  phúc”.

    Ông Trương Gia Bình cũng cho biết tham vọng đến 2035 của FPT là có 1 triệu nhân sự chất lượng cao. “Con đường còn nhiều chông gai, gian khổ, nhưng chúng tôi đã nhìn thấy nụ cười của nhân viên. Chúng tôi hứa sẽ dấn thân và sáng tạo để bất kỳ hoàn cảnh nào thì nụ cười ấy cũng không thể bị dập tắt”.

  • 15h25

    Phần thảo luận/chất vấn.

    Sau khi các đại biểu cùng lắng nghe, theo dõi và tìm hiểu hầu hết các tờ trình, báo cáo của Đại hội đồng Cổ đông thường niên FPT 2023, Đại hội chuyển sang phần Thảo luận và đặt câu hỏi cho Chủ toạ.

    -3815-1680770988.jpg

    Tại phần thảo luận, một cổ động đã đặt câu hỏi về kết quả kinh doanh của FPT sau quý I cũng như cập nhật kết quá kinh doanh tại thị trường Mỹ.

    Tiếp lời, ông Nguyễn Thế Phương chia sẻ kết quả 2 tháng đầu năm FPT đã công bố. Quý I chưa có số liệu chính thức bởi vừa khép lại, dự kiến tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế sẽ là 18%. Các động lực chính vẫn là xuất khẩu phần mềm khi tăng trên 25% cùng mảng giáo dục. Về doanh thu chuyển đổi số, dự kiến trong quý I tăng khoảng 30%.

    Giải đáp câu hỏi trên nền tảng online về chủ đề FPT có tiếp tục M&A doanh nghiệp nước ngoài trong thời điểm kinh tế có nhiều biến động không, ông Trương Gia Bình đã khẳng định: “Muốn và rất muốn M&A. FPT đang liên tục tìm kiếm tập trung vào các công ty tư vấn”. Người đứng đầu FPT phân tích tư vấn không phải “nghề chính của FPT” do vậy FPT sẽ tập trung vào các công ty này. Đây chính là chiến lược shikensan - tàu cao tốc của Nhật Bản khi hướng tới các công ty tư vấn để “móc toa của FPT, hướng đến dự án lớn. Đi đến đâu, FPT sẽ lắp toa đến đấy để tàu đi nhanh hơn, hiệu quả hơn”.

    -2965-1680782292.jpg

    Cổ đông Trần Vân Anh đặt câu hỏi trực tuyến.

    Trả lời câu hỏi của cổ đông Trần Vân Anh tham dự online từ TP HCM, Chủ tịch FPT cho rằng sau 20 năm ra thị trường quốc tế, liên tục tăng trưởng cao kể cả trong thời gian Covid. Vậy lý do gì? Thứ nhất các công ty vươn ra thế giới có tính quy mô có 3 nước có thể làm việc: Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng hiện chỉ còn có 2 quốc gia đáng nói để vươn ra thế giới là Ấn Độ và Việt Nam.

    “Đối tác quý tình của người Việt, người Việt làm không chỉ vì công việc mà vì quý mến nhau. Chúng tôi coi đối tác cũng là người trong đại gia đình mình”, ông Bình nhấn mạnh.

    Thứ 2 là ngoại ngữ. Công ty hàng đầu của Ấn Độ là Tata đã mua một công ty ở Nhật. Ở đó có 2 kiểu nhân sự: đi gặp khách hàng là người Nhật và ở nhà dịch tiếng Nhật ra tiếng Anh.

    “Cuối cùng Việt Nam là quốc gia đông người. Chúng ta là quốc gia đông dân hiếm hoi nhưng học rất chăm. Chúng tôi là công ty Việt Nam dám làm và đạt 100% điểm hài lòng của khách hàng”, Chủ tịch FPT khẳng định. “Thị trường Hàn Quốc tăng 80%, Mỹ tăng 50% đấy là những con số đặc biệt”.

    -8165-1680782066.jpg

    Cổ đông đặt câu hỏi chất vấn.

    Trước câu hỏi: “Tham gia thị trường chip điện tử, FPT đã đi đến đâu, dự định chiếm bao nhiêu phần trăm thị trường này và Việt Nam có trở thành nơi cung cấp chip cho toàn cầu không?”, ông Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam sẽ trở thành 1 trong những trung tâm sản xuất chip của thế giới. “Đây là cơ hội của lịch sử. Hiệp hội đại diện lớn nhất cho tập đoàn sản xuất chip của Mỹ đã bàn và đánh giá Việt Nam là nơi tốt nhất cho sản xuất chip”.

    Theo người đứng đầu Tập đoàn, FPT có đơn hàng 25 triệu chip. FPT cũng có mạng lưới khách hàng và là công ty dễ bán chip nhất.

    Trả lời một câu hỏi khác về kế hoạch cho mảng giáo dục, Chủ tịch FPT cho hay: “Ý tưởng có một đại học FPT ở Pháp ở Mỹ đã đeo đuổi chúng tôi 10 năm nay rồi”. Ông chia sẻ, FPT đã tìm kiếm rất nhiều và thực tế đã mở trường ở Nhật Bản để đào tạo tiếng Nhật, SAP. “Thực sự giáo dục ở nước ngoài, chúng tôi rất quan tâm và theo đuổi nghiêm túc từ lâu nhưng cần chờ cơ hội chứ không phải bằng mọi giá”.

  • 16h22

    Trưởng ban kiểm phiếu Hoàng Hữu Chiến công bố kết quả kiểm phiếu biểu quyết. Kết quả: Đại hội đã thông qua toàn bộ tờ trình.

    Tiếp đó, ông Bùi Quang Ngọc đọc Nghị quyết đại hội; Thư ký Phạm Ngọc Anh lên đọc Biên bản Đại hội trước khi Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình phát biểu bế mạc Đại hội.

    Ông Nguyễn Đức Tài - nhà đầu tư chuyên nghiệp, ấn tượng với sự nhiệt huyết của ban lãnh đạo FPT. "Sau nhiều năm nhưng các lãnh đạo FPT vẫn giữ được nhiệt huyết sự và tận tâm. Song song đó, sức trẻ và nhiệt huyết của TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa cũng là điểm cộng. Với kinh nghiệm là một đầu tư nhiều năm, tôi vẫn sẽ tin tưởng vào sự tăng trưởng của FPT trong rất nhiều năm tới", ông Tài nhận định.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 diễn ra chiều ngày 6/4 theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp tại Hà Nội. 

Độc giả có thể truy cập và trải nghiệm thông tin báo cáo thường niên 2022 bản Digital của FPT TẠI ĐÂY.

Ý kiến

()