Đếm ngược
16/3/2016
Sếp triệu tập vào họp gấp. Phòng họp chỉ có mình và mấy sếp.
- Thích đi Myanmar không?
- Có ạ.
15 phút sau nhận lệnh 7 ngày nữa lên đường Tây tiến, thăm dò đổ bộ cho nhà Cáo.
17/3/2016
8 giờ sáng lò dò đi làm hộ chiếu rồi về công ty bàn giao công việc. Bắt đầu chuỗi ngày đi học bổ túc cấp tốc ở các trung tâm khác, cũng là chuỗi ngày chia tay.
21/3/2016, hận Hộ chiếu. 22/3, nhận vé máy bay.
23/3/2016, lên chào mọi người lần cuối.
24/3/2016
Dóng dả ra sân bay. Tiễn mình chỉ có con bạn thân chục năm. Hộ chiếu trắng tinh, vé một chiều, suýt nữa thì bị ở lại. May, cuối cùng cũng yên ổn sang đây được hơn 2 năm rồi.
Hạ cánh
Yangon chào đón mình bằng nhiệt độ 35 độ lúc 8 giờ tối, tắc đường dài khủng khiếp từ sân bay về đến nhà. Mình được các anh cho đi ăn vịt quay, chiêu đãi thằng em lần đầu xuất ngoại; được cho một chiếc sim, số dùng chính thức luôn.
Nhà FTI ngày đấy chưa có mạng. "Mạng mẽo" Yangon hồi 2016, dù đã tiến xa hơn nhiều so với 2013, nhưng nếu so với Việt Nam thì chắc chỉ gần bằng mấy khu ven đô. 3G đắt. Tất cả những gì anh em dùng là phát wifi từ một cái sim 3G để chia nhau. Vẫn nhớ như in cảnh 5 anh em nhà mất điện, trời hầm hập cởi trần mỗi ông một góc hứng sóng từ cục phát.
Hai hôm sau, đội NOC từ HCM bay sang setup DC, tiện thể hỗ trợ team kéo mạng từ văn phòng về nhà. Cả buổi sáng hì hụi đục tường kéo cáp, đến giữa chiều thì đưa mạng về miền cao thành công. Mạng dây ở Miến đắt. Đến giờ cũng rẻ bớt rồi, nhưng vẫn đắt. Bá tánh ở đây dùng điện thoại là nhiều, thành ra lúc nào cũng tự hào là hộ gia đình có Internet hàng đầu Myanmar.
Cuộc sống chiến đấu xa nhà
Yangon, cũng như miền trung-nam Miến, có 2 mùa khô và mưa giống Sài Gòn. Cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 là mưa, còn lại mà mùa khô. Mưa tầm tã cả ngày, nắng cháy da cháy thịt. Nhưng cây cối rất rất nhiều, tưởng như cả thành phố là một công viên vậy. Không khí thích vô cùng! Hai năm ở đây, giờ cứ về nhà là ốm.
Điện đóm chập chờn. Tháng 3-4 là cao điểm mùa nóng Miến, mỗi tuần mất điện 5-6 lần là bình thường. Có khi, mất từ hôm trước đến tối hôm sau. Ở mãi thành quen, không mất điện lại thấy thiếu thiếu. Mà mùa nào cũng mất được chứ chẳng phải mỗi mùa nóng.
Đi lại ở các thành phố chủ yếu là ô tô, đặc biệt Yangon cấm xe máy nên càng nhiều ô tô hơn. Xe cứ chạy huỳnh huỵch. Mỗi lần phải đi họp trên Thủ đô (Naypyitaw, không phải Yangon, cách Yangon cỡ hơn 300km, mà chính phủ bên này rất thích họp trên đấy), anh em dậy từ 4 giờ, nhảy lên xe, ngủ tiếp mấy tiếng trên con xe lắc lư chạy như bay, 9 giờ chạm đích phòng họp. Mà chỉ họp 2 tiếng là về. Lại đóng ngược lại, 7-8 giờ tối mới về đến nhà, người nhừ như đi mát-xa Thái. Có tuần chạy bốn cữ như thế, mình hao hẳn 2 lạng mông sấn.
Đường thì hay tắc, tắc hơn Hà Nội nhiều. Khủng khiếp! Bá tánh quen với chuyện tắc đến mức mà mua sẵn tập báo đi đọc trong lúc chờ tắc, rất thong thả. Luyện tắc đường bên này, về nhà mình cũng bị thảnh thơi theo, từ tốn và kiên nhẫn đến mức thượng thừa.
Người Miến ăn trầu nhổ phèn phẹt, miệng đỏ loè, mùi sực lên như mùi…trầu. Hội nhập rồi họ cũng ít ăn hơn, nhưng vẫn nhiều. Lên phải cái taxi nào bác tài vừa nhai trầu, vừa hách nôi thì số phận chắc chắn đang muốn thử thách bạn. Xuống xe như người mất hồn, cho chó ăn chè hơn cả khi đi nhậu. Mà nói chung là ai hỏi mình mùi Miến là mùi gì, mình xin khẳng định chắc kèo chính là mùi trầu. Ám ảnh!
90% người dân Miến theo đạo Phật. Nghèo đến mấy họ vẫn sẽ dành tiền để quyên góp cho nhà chùa. Rất sùng đạo nên bà con thân thiện, mà quý người Việt lắm! Lần nào đi chợ mình cũng bảo “Tao là người Việt”; bà con lập tức “Ồ thế à! Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!”, nhưng vẫn không giảm giá tiền thịt. Đi taxi quên điện thoại thì toàn được người ta đem trả. Chỉ phải cái bà con sống rất cảm tính, nếu mà không vui thì sẽ nghỉ làm luôn, còn chẳng cần nhắn tin cho sếp. Sếp mà mắng là bà con cũng nghỉ luôn việc, "cóc" cần làm. Bên này lãnh đạo chăm nhân viên cũng gần bằng chăm con. Đùm bọc thương yêu lắm, rất đúng tinh thần FPT.
Ẩm thực Miến là một sự dung hoà giữa kha khá văn hoá: Miến, Thái, Trung, Ấn, Hồi. Đặc trưng của sự hoà hợp này chính là rất nhiều dầu mỡ, hoặc rất cay, hoặc rất mùi, hoặc tất cả những cái đấy. Có món ngon, có món không hợp. Những món ăn hợp miệng nhất thì lại mang âm hưởng "Tung Của". Sang bên này nhớ bánh mỳ ở nhà khủng khiếp, vì không có món nào tương đương cả. Mỗi lần lên cơ vã bánh mỳ lại vật lên vật xuống, nước miếng cứ nuốt ừng ực. Hiếm lắm được một lần có ai từ nhà sang, xách tay chiếc bánh mỳ pate thập cẩm. Bánh mỳ chưa từng lúc nào quý giá đến thế. Rồi thì bún chả, phở, nộm, bao nhiêu là món. Đúng là có đi mới thấy, ẩm thực Việt Nam là quá sức tinh tế luôn!
Viết đến đây thèm quá, làm gói mì Bốn Tôm cho đỡ nhớ nhà.
Yangon, tối cuối cùng của tháng 5, 2018.
Đinh Ngọc Tú, FPT Telecom
Ý kiến
()