Chúng ta

VND đã bị mất giá bao nhiêu?

Thứ năm, 25/11/2010 | 03:17 GMT+7

Đáp ứng thắc mắc của nhiều bạn đọc, Tòa soạn giới thiệu bài viết riêng cho Chúng ta của Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Đức Độ, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Kinh tế-Tài chính, Bộ Tài chính về mức độ trượt giá của tiền VND trong thời gian qua.


Trong bối cảnh hiện nay, khi giá của hầu hết các "hàng hóa" đều gia tăng mạnh mẽ, câu hỏi về mức độ mất giá của VND đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân. Tuy nhiên, câu trả lời sẽ phụ thuộc vào mục đích của việc tính mức độ trượt giá, các "hàng hóa" được sử dụng để làm tham chiếu, cũng như khoảng thời gian tính mức độ trượt giá.

Để biết xem mức sống của người dân đã bị ảnh hưởng ra sao khi giá hàng hóa thay đổi, người ta thường sử dụng chỉ số giá tiêu dùng CPI (Consumer Price Index).

Theo cách so sánh này, tốc độ mất giá của VND trong một thập kỷ đã qua là 108%, bởi chỉ số CPI trung bình hàng năm của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi (từ mức 100 vào năm 2000 lên mức 208 vào năm 2010 - số liệu năm 2010 là dự báo). Nói cách khác, sau một thập kỷ số lượng hàng hóa mà 1 VND mua được đã giảm mạnh và còn khoảng một nửa. Nếu tính trung bình, mỗi năm VND mất giá khoảng 7,6%, trong đó riêng năm 2008 VND mất giá tới 23%.

Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng CPI không cho biết nhiều về việc các khoản tiết kiệm của người dân bị ảnh hưởng ra sao trong bối cảnh đồng tiền bị mất giá. Để trả lời câu hỏi này, người ta hay sử dụng giá của các loại tài sản để so sánh. Tại Việt Nam, giá USD và giá vàng là những tham chiếu thông dụng nhất, bởi nó liên quan đến khoản tiền tiết kiệm của phần lớn người dân. Một số người "giàu" hơn có thể quan tâm đến giá bất động sản hay giá cổ phiếu.

Trong một thập kỷ qua, giá USD đã tăng từ mức khoảng 14.000 VND/USD vào giữa năm 2000 lên mức 21.000 VND/USD hiện nay.

Như vậy, tính tổng thể, VND đã mất giá khoảng 50% so với USD trong cả giai đoạn. Nếu tính trung bình, VND mỗi năm bị mất giá so với USD khoảng 4%.

Tuy nhiên, mức độ mất giá của VND so với USD trong giai đoạn 2000-2007 chỉ vào khoảng 2% mỗi năm, còn trong giai đoạn 2007-2010 mức độ mất giá lên tới khoảng 10% mỗi năm.

Giá vàng trong một thập kỷ qua đã tăng gấp khoảng 7 lần, từ mức 5 triệu VND/lượng vào năm 2000 lên mức 35-36 triệu VND/lượng hiện nay. Tính trung bình, giá vàng đã tăng khoảng 21 - 22%/năm.

Nếu sử dụng VN-Index để làm tham chiếu khi so sánh, thì giá cổ phiếu trong vòng một thập kỷ qua đã tăng 4,3 lần, từ mức 100 điểm vào năm 2000 lên mức trên 430 điểm hiện nay. Tính trung bình, mỗi năm giá cổ phiếu tăng khoảng 16%.

Tuy nhiên, khi so sánh mức độ mất giá của VND so với giá các tài sản khác, cần phải tính cả lãi suất mà việc gửi VND, USD, hay thậm chí cả vàng tại ngân hàng mang lại, bởi không nhiều người giữ tiền tiết kiệm của mình ở dưới gối. Nếu sử dụng cách tính này, trong một thập kỷ qua việc nắm giữ VND trung bình mỗi năm đem lại mức lãi suất khoảng 8 - 9%, cao hơn một chút so với mức tăng của chỉ số CPI.

Thông thường, giá các "hàng hóa" được sử dụng để làm thước đo mức độ trượt giá của một đồng tiền nói chung và VND nói riêng, xét trong dài hạn, biến động cùng chiều với nhau (và đều có xu hướng tăng), bởi lượng tiền được cung ra thị trường luôn có xu hướng tăng từ năm này qua năm khác và điều này xảy ra ở mọi quốc gia. Tuy nhiên, tốc độ tăng giá của các "hàng hóa" này không phải lúc nào cũng như nhau, thậm chí cùng chiều nhau, bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Chính vì vậy, trong ngắn hạn, thậm chí trong cả trung hạn, việc lựa chọn các hàng hóa để bảo vệ các khoản tiết kiệm khỏi bị mất giá vẫn có ý nghĩa, nhất là khi tính tới cả các yếu tố rủi ro do giá cả biến động.

Vậy trong một thập kỷ qua, tại Việt Nam "hàng hóa" nào đạt được hiệu quả cao nhất trong việc chống lại xu hướng mất giá của VND?

Các tính toán ở trên cho thấy, nếu tính cả lãi suất tiền gửi, việc nắm giữ rổ hàng hóa tiêu dùng CPI hay USD không hiệu quả hơn việc nắm giữ VND tại các ngân hàng (lãi suất huy động USD thường dưới 5%/năm).

Vàng là tài sản chống lại sự trượt giá của VND hiệu quả nhất và sau đó là cổ phiếu, mặc dù giá vàng và giá cổ phiếu dao động rất mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu chỉ tính trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2007, thì cổ phiếu lại giữ vị trí quán quân, do trong khoảng thời gian này chỉ số VN-Index đã tăng khoảng 10 lần trong khi giá vàng chỉ tăng khoảng hơn 3 lần.

Còn nếu tính trong giai đoạn 2007 - 2010, vàng vẫn là phương tiện tốt nhất để chống lại xu hướng mất giá của VND khi tăng khoảng hơn 2 lần (từ mức 16 triệu đồng/lượng lên mức 35-36 triệu đồng/lượng). Trong khoảng thời gian này, việc nắm giữ cổ phiếu lại bị lỗ nặng, thua cả việc giữ VND ở dưới gối.

Ý kiến

()