Chúng ta

VinaCapital 'đua' Dragon Capital gom cổ phiếu FRT

Thứ hai, 1/7/2019 | 08:58 GMT+7

Hai quỹ ngoại đồng thời là cổ đông lớn của FPT Retail tranh thủ gom thêm cổ phiếu nhằm nâng tỷ lệ sở hữu.

Nhóm quỹ ngoại liên quan VinaCapital vừa báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) về thay đổi sở hữu của cổ đông lớn của FPT Retail (mã FRT). Cụ thể, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ VinaCapital vừa mua mới 52.650 cổ phiếu. Qua đó, tổng nhóm quỹ liên quan đến VinaCapital đã nắm tổng cộng 5,4 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu từ 7,91% lên hơn 8%.

Tại FPT Retail, nhóm VinaCapital còn có Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh VinaWealth (0,31%), Quỹ đầu tư cổ phiếu Tiếp cận thị trường Việt Nam (0,11%) và VOF Investment Limited (7,47%).

FPT-ban-FPT-Shop-4112-14586964-2287-8766

Nhóm quỹ liên quan đến VinaCapital nâng tỷ lệ sở hữu từ 7,91% lên hơn 8%.

Trong vòng một tháng trở lại đây, cổ phiếu FPT Retail đã tăng mạnh 23%. Nhóm quỹ ngoại Dragon Capital cũng liên tục gom cổ phiếu FRT. Kết quả, nhóm này nâng sở hữu cổ phiếu FRT từ 12,232 triệu đơn vị lên 12,403 triệu đơn vị, tương ứng tăng tỉ lệ sở hữu từ 17,805% lên 18,055%.

Chốt phiên giao dịch ngày 28/6, mã FRT của Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT đạt mức 64.000 đồng/cổ phiếu, bằng khoảng giá hồi tháng 2/2019 và sắp đạt mức trung bình của mã này từ nửa sau năm 2018, tức khoảng 71.000 đồng.

FPT Retail hiện sở hữu ba chuỗi bán lẻ là FPT Shop, F.Studio by FPT và hệ thống nhà thuốc Long Châu (FPT Long Châu), với 575 cửa hàng trên khắp 63 tỉnh thành vào cuối quý I/2019. Từ đầu năm tới nay, công ty liên tục mở các mảng kinh doanh mới, như mở bán mặt hàng điện máy, mua bán hàng trên trang Amazon, mới đây còn bổ sung mảng bưu chính, chuyển phát trong giấy phép kinh doanh.

Ước tính trong nửa đầu 2019, FPT Retail đạt doanh thu 7.900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 200 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận quý I là 64 tỷ đồng. Năm 2019, FPT Retail đặt mục tiêu doanh thu 17.700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 418 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 16% và 20% so với 2018.

Kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 cũng được đưa ra với tỷ lệ chi trả không thấp hơn 10% mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu). Đồng thời, nhà Bán lẻ đưa ra chính sách phát hành ESOP dựa trên kết quả kinh doanh năm 2019.

Trong báo cáo phân tích vừa được Bản Việt (VCSC) phát hàng, công ty chứng khoán này này đã nâng mức dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2019 của FPT Retail thêm 2%, chủ yếu nhờ chi phí quản lý dự báo thấp hơn. Tuy nhiên, VCSC điều chỉnh giảm lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2020-2021 thêm 4-5% do doanh số thấp hơn dự báo từ chương trình trợ giá nhà mạng.

Trong giai đoạn này, VCSC dự phóng biên lợi nhuận gộp của mảng iPhone phục hồi, cùng với đóng góp cao hơn từ doanh số bán phụ kiện và chi phí lãi vay thấp hơn sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận Công ty. Ngoài ra, theo VCSC, chỉ số được sử dụng để định giá một cổ phiếu (PEG) của FPT Retail khá hấp dẫn với dự phóng tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS trong giai đoạn 2018-2021 là 14%.

Ngày 27/6, đơn vị vận hành hệ thống FPT Shop được tôn vinh “Top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam năm 2018” tại sự kiện trang trọng diễn ra ở TP HCM do Tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức. Top 50 triển khai trên cơ sở đo lường kết quả kinh doanh các công ty liên tiếp 3 năm, dựa vào 3 chỉ số tăng trưởng: doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và lợi nhuận trên cổ phiếu. Kết quả đo lường nhằm đánh giá khách quan năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Top 50 trải qua 8 năm khảo sát và xếp hạng thành công các công ty (từ năm 2011). Đây là lần đầu tiên FPT Retail được vinh danh trong bảng xếp hạng này, ngay sau khi công ty chính thức lên sàn vào tháng 4/2018. Theo đó, Công ty Cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT được vinh danh trong Top 50 với các chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu kép (SR-CAGR) 18,73%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 39,4% và vốn hóa thị trường là 0,14 tỷ USD.

>> Dragon Capital liên tiếp gom cổ phiếu FPT Retail

Hà An

Ý kiến

()