Việc khan hiếm vé tàu hỏa của Đường sắt Việt Nam đã đẩy giá bán của nó trên mạng xã hội lên cao. Trên website, diễn đàn... nhiều người đăng bán lại vé của mình với nhiều lý do khác nhau, như "ở lại không muốn về nữa", "có việc đột xuất không thể về", "về vào ngày khác nên sang nhượng lại", "đã đặt vé máy bay"... với điểm chung là giá cao gấp đôi, thậm chí gấp ba so với số tiền gốc.
Giá vé mua vào trên hệ thống chỉ 1,696 triệu đồng, nhưng giá rao bán trên mạng cao hơn gấp đôi. |
Các phòng vé "ảo" cũng hoạt động mạnh mẽ hơn trên mạng xã hội trong dịp Tết và khẳng định còn vé, dù trên hệ thống website của Đường sắt Việt Nam đã hết từ lâu hoặc đã bị giữ chỗ.
Tuy nhiên, việc mua bán thông qua bên thứ ba tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Theo một nhân viên tư vấn của ngành Đường sắt Việt Nam, kể cả trong trường hợp vé hợp lệ (kiểm tra trên website của Đường sắt Việt Nam), người mua không thể sử dụng do quy định thông tin hành khách đi tàu không được sửa đổi và vé đã mua không được chuyển lại cho người khác. Tại các phòng vé, người mua cũng nên đến trực tiếp để xem và dùng các thông tin cá nhân của chính mình để đặt vé, tránh mất tiền về sau.
Một số dịch vụ chào mời mua vé trên mạng xã hội. |
Để tránh "tiền mất tật mang", anh Bùi Thanh Bình (GĐ Trung tâm Giải pháp Dịch vụ vận tải hành khách FPT, thuộc FPT IS - đơn vị vận hành hệ thống vé điện tử) khuyến nghị người dân nên chủ động đặt vé trên website http://dsvn.vn thay vì mất thời gian đến nhà ga xếp hàng chờ đợi.
Hành khách sau khi đặt vé có thể thanh toán bằng các hình thức: thẻ tín dụng, thẻ ATM, hoặc tại các điểm thu hộ (các chi nhánh Ngân hàng VIB, các Bưu cục của VnPost, các nhà ga). Nếu lựa chọn hình thức trả sau, hành khách nên nhanh chóng ra các điểm thanh toán trong khoảng thời gian được quyền giữ vé theo quy định của ngành đường sắt.
Hành khách không nên mua vé qua môi giới trung gian hoặc tại các điểm bán vé không nằm trong quy định cũng như thông báo của ngành đường sắt để tránh mua phải vé giả. Trong quá trình mua vé, hành khách nên cung cấp đầy đủ thông tin về số điện thoại, giấy tờ tùy thân, địa chỉ email của cả người mua vé và hành khách đi tàu. Các thông tin này sẽ giúp đảm bảo quyền lợi và chứng minh khách sở hữu vé tàu hợp lệ ngay sau khi mua vé và trong suốt quá trình di chuyển bằng tàu hỏa.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Giải pháp Dịch vụ vận tải hành khách FPT, trong năm 2017, Đường sắt Việt Nam đã bán ra tổng số hơn 9,7 triệu vé; Trong đó có gần 1,4 triệu vé mua qua mạng, tăng 3,5 triệu vé so với năm ngoái.
Hệ thống vé tàu điện tử là sản phẩm hợp tác với FPT theo hình thức thuê dịch vụ CNTT. Trong đó, FPT cung cấp dịch vụ CNTT hoàn chỉnh từ hệ thống phần mềm quản lý bán vé điện tử đến hạ tầng CNTT. Thay vì trả chi phí một lần, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ trích tỷ lệ phần trăm doanh thu bán vé qua hệ thống điện tử để trả dần cho nhà cung cấp (FPT). Được khởi động từ tháng 7/2014, đến nay, hệ thống đã được áp dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ ngành đường sắt và người dân vì những tiện ích mang lại như tiết kiệm thời gian, giảm tải cho các nhà ga, đặc biệt là những dịp cao điểm như lễ, Tết Nguyên đán, hạn chế tối đa nạn "cò" vé... Cuối tháng 4/2016, hệ thống vé tàu điện tử do FPT IS xây dựng cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được bình chọn là một trong 10 sản phẩm tiêu biểu nhất ngành phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam. Danh hiệu này nằm trong giải thưởng Sao Khuê 2016 do VINASA tổ chức. |
>> Phân phối FPT lần đầu lập cú đúp giải thưởng của HP
Thiên Bình tổng hợp
Ý kiến
()