Không khí mua vé tại ga Hà Nội sáng 1/9 khá ổn định và trật tự. |
Sáng nay, trên đường đi từ Hà Đông lên Ga Hà Nội, bác Hảo cứ thấp thỏm lo không mua được vé về Vinh vì dịp bác đi trùng với dịp nghỉ lễ 2/9 thế mà khi đến nơi, chỉ chờ chưa đầy 10 phút, bác đã thực hiện xong các thao tác và nhận được thẻ đi tàu.
Cầm thẻ và tiền thừa trên tay, bác phải hỏi đi hỏi lại nhân viên "đây có chắc là vé đi tàu không cháu?". Sau khi được nhân viên giải thích kỹ càng rằng đây là ngày đầu tiên áp dụng bán vé điện tử, nên vé truyền thống sẽ được thay thế bằng thẻ đi tàu, có giá trị như nhau, bác mới thở phào nhẹ nhõm. Đọc kỹ thông tin trên vé, bác Hảo hồ hởi: "Hình thức bán vé này quá hay, tránh được hiện tượng người cần đi mà không mua được vé như trước. Vé có thông tin rõ ràng thì chắc chắn sẽ chấm dứt được tình trạng cò vé, vé chợ đen. Hơn nữa, quy trình mua vé cũng thuận tiện, lần sau tôi sẽ nhờ con cháu đặt vé qua mạng cho nhanh, khỏi phải ra ga".
Dù rất hay sử dụng mạng Internet để cập nhật thông tin nhưng bác Nguyễn Hồng Thái (ở Cầu Giấy, Hà Nội) lại chưa nắm được thông tin mua vé tàu qua mạng nên vẫn ra ga mua vé như trước đây.
Khi biết có thể mua vé qua mạng rồi tự in thẻ lên tàu mà không phải ra ga, bác Thái bày tỏ sự thích thú vì Đường sắt đã thay đổi cách bán vé, đem đến sự tiện lợi cho hành khách. "Từ giờ mà cứ thuận tiện thế này, tôi sẽ chăm về quê (Nghệ An) sinh hoạt tổ hưu trí hơn", bác dí dỏm.
Do quên mang chứng minh thư nên chị Thúy phải điền thông tin vào giấy cam kết do nhân viên bán vé đưa. |
Khám bệnh xong rồi sấp ngửa chạy lên ga mua vé nên chị Ngô Thị Thúy (Ba Đình, Hà Nội) quên mang theo chứng minh thư. Lúc ngồi chờ gọi theo số thứ tự, nghe mọi người nói phải xuất trình giấy tờ, chị lo lắm. Cũng may lên buồng mua vé, được nhân viên hướng dẫn điền thông tin vào tờ giấy cam kết là có thể mua được vé bình thường, chị như trút được gánh nặng. "Ban đầu tôi tưởng mua vé khó vì quên mang chứng minh thư nhưng sau khi nghe giải thích cũng thấy thuận tiện hơn nhiều. Chỉ chờ đợi lâu ở khâu lấy số, còn khi giao dịch thì rất nhanh. Đọc thông tin xong là nhân viên in vé cho liền", chị chia sẻ.
Theo chị Thuý, thẻ lên tàu mới có thông tin rõ ràng, dễ đọc, tuy nhiên thiết kế hơi dài và mềm nên dễ nhàu, rách. Khi biết từ nay có thể đặt vé trên mạng và in luôn vé tại nhà, chị phấn khởi cho biết: "Thế này thì quá tiện, tôi đỡ phải ra ga hoặc nhờ hàng xóm mua hộ".
Tất bật luôn tay từ sáng sớm đến tận trưa, chị Hoàng Linh, nhân viên bán vé, nhận định, việc bán vé điện tử khá dễ dàng và thuận tiện, không có trục trặc gì. Tuy nhiên, trong ngày đầu áp dụng, cả người bán và hành khách còn đang trong giai đoạn làm quen nên chị hơi mất thời gian khi phải kiểm tra thông tin cẩn thận và giải thích thêm cho những hành khách chưa hiểu về thẻ lên tàu mới.
Nhân viên bán vé đọc lại thông tin trong thẻ lên tàu để kiểm tra trước khi đưa cho hành khách. |
Ở Ga Sài Gòn, dù chưa phải tháng cao điểm nhưng lượng khách đến ga mua vé vẫn khá đông đúc. Ban đầu, nhiều hành khách tỏ ra lạ lẫm với loại vé tàu mới, nhưng khi được nhân viên bán vé tư vấn, họ đều cảm thấy yên tâm. Anh Bá Văn Hoàng (quận 3, TP HCM) chia sẻ, nhà ở gần Ga Sài Gòn nên mỗi khi cần di chuyển bằng tàu hỏa, anh thường mua vé trực tiếp tại ga. Theo anh, điểm khác biệt lớn nhất trên thẻ tàu loại mới là việc tích hợp thêm mã vé, giúp hành khách dễ dàng ghi nhớ và in lại trong trường hợp làm mất.
Sáng ngày 1/9, Đường sắt Việt Nam đã triển khai hình thức bán vé tàu điện tử, hóa đơn điện tử. Trong ngày đầu thực hiện hình thức bán vé mới hoàn toàn so với trước đây, ba hình thức bán vé gồm: Đặt chỗ và thanh toán online, đặt chỗ và thanh toán tại ga và mua vé tại nhà ga. Phần lớn hành khách khi được hỏi vẫn chưa biết về hình thức đặt chỗ và thanh toán online nên vẫn ra trực tiếp ga để mua. Khi biết có loại hình này, mọi người đều đánh giá là thuận tiện và mang lại nhiều lợi ích.
Ông Đỗ Quang Văn, GĐ Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết, nếu như loại vé in truyền thống vừa là vé lên tàu và vừa là hóa đơn GTGT thì loại vé điện tử mới chỉ đơn thuần dùng để kiểm soát hành khách lên tàu. Trường hợp cần in hóa đơn, hành khách có thể cung cấp thông tin cho nhân viên bán vé để hệ thống khởi tạo hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, GĐ Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng khuyến nghị hành khách cần cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân khớp với giấy tờ tùy thân khi tiến hành đặt mua vé tàu điện tử.
Kiểm tra thông tin hành khách trước giờ tàu khởi hành. |
Trước đó, để việc chuyển đổi hệ thống diễn ra trơn tru, đội dự án của FPT đã làm việc xuyên đêm, đến 4h sáng ngày 1/9, đã hoàn thành được khoảng 80% khối lượng công việc. Việc chuyển đổi hệ thống bán vé được hoàn thành trong ngày.
"Sáng ngày 1/9, hệ thống bán vé lõi (tại ga) đã hoạt động ổn định. Riêng hệ thống bán vé online còn một số trục trặc cần thêm thời gian để cập nhật", anh Nguyễn Hồng Hải, Quản trị dự án Hệ thống vé tàu điện tử, chia sẻ.
Dự kiến, trong tháng 9, FPT sẽ trang bị các ki-ốt máy in vé kết nối Internet tại các ga để hành khách có thể tự in vé khi đến ga, giảm tải cho các điểm bán vé.
Dự án Hệ thống bán vé điện tử của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được FPT IS khởi động từ tháng 7/2014. Đây là sản phẩm hợp tác với FPT theo hình thức thuê dịch vụ CNTT. Trong đó, FPT cung cấp dịch vụ CNTT hoàn chỉnh từ Hệ thống phần mềm quản lý bán vé điện tử đến hạ tầng CNTT. Thay vì trả chi phí một lần Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ trích tỷ lệ phần trăm doanh thu bán vé thu được qua hệ thống điện tử để trả dần cho nhà cung cấp (FPT). Hợp đồng dự kiến kéo dài trong 7 năm, chia làm 3 giai đoạn. Dự kiến, sau khi hoàn chỉnh vào tháng 11/2015 với thời hạn 6 năm, hệ thống sẽ được áp dụng tại tất cả ga thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trên toàn quốc. |
Đồng Bằng- Hà Dương
Ý kiến
()