Chúng ta

‘Tưởng vào FPT được chơi game, ai ngờ phải làm giám đốc’

Thứ ba, 18/7/2017 | 16:31 GMT+7

Anh Lâm Khánh Phương, Giám đốc FPT Telecom Sài Gòn, tiết lộ chọn FPT bởi đơn vị vừa là nhà cung cấp Internet mạnh và game nhưng rồi ‘vỡ mộng’, anh phải làm quản lý chứ không được chơi.

"Các bạn nghĩ tôi học ngành gì mà hiện nay lại làm kinh doanh?", diễn giả Lâm Khánh Phương đặt câu hỏi cho sinh viên Đại học Mở TP HCM trong chương trình "Kết nối FPT - Chuyển cơ hội thành hiện thực”.

Hàng loạt cánh tay giơ lên với đáp án là: Kinh doanh, Kinh tế, Marketing… Nhưng tất cả đều chưa đúng. “Xưa tôi học ngành CNTT của ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM (HUFLIT)”, anh Phương trả lời và tiết lộ thời sinh viên ham chơi, nợ đến 18 môn khiến khán phòng rộn những tràng vỗ tay dài.

1500256650-fpt4-7503-1500359603.jpg

Bộ ba diễn giả (từ phải qua): Lâm Khánh Phương, Phan Phước Nhật và Nguyễn Ngọc Đỉnh.

Chật vật trả nợ để ra trường, anh Phương mong muốn theo lĩnh vực kinh doanh thay cho ngành đã học. Trước nhiều lựa chọn, chàng kỹ sư CNTT nhắm đến FPT Telecom vì nghĩ “vào đây làm có thể được chơi game thỏa thích”.

‘Như cá gặp nước’, công việc đúng đam mê cứ cuốn đi khiến salesman Khánh Phương không còn thời gian tơ tưởng đến game như ban đầu nữa. Lần lượt anh được cân nhắc lên vị trí Trưởng phòng rồi Phó Giám đốc FPT Telecom Bình Dương trước khi quay lại Sài Gòn đảm nhiệm vị trí Giám đốc Trung tâm Kinh doanh 11 - một trong những đơn vị lớn nhất TP HCM. “Dù bạn học bất cứ ngành gì cũng có cơ hội thành công với FPT”, anh Phương khẳng định.

Với mong muốn tạo cơ hội để sinh viên có thể tiếp cận gần hơn với đơn vị tuyển dụng sau khi ra trường và góp phần đa dạng hoá các kênh ứng tuyển các vị trí tuyển dụng, buổi giao lưu giữa các lãnh đạo trẻ tại FPT Telecom tại Đại học Mở TP HCM đã giải đáp được nhiều thắc mắc cho hơn 350 sinh viên đang theo học các ngành như: Quản trị kinh doanh, Marketing...

Tham gia chia sẻ tại buổi talkshow là các lãnh đạo trẻ tài năng và giàu kinh nghiệm gồm: Anh Lâm Khánh Phương, GĐ Trung tâm Kinh doanh Sài Gòn 11; anh Nguyễn Ngọc Đỉnh, Trưởng phòng Phát triển Ứng dụng di động; anh Phan Phước Nhật, Trưởng phòng Văn hoá - Đoàn thể, và chị Trần Thị Trúc Minh, Phó phòng Tuyển dụng và Phát triển nguồn nhân lực.

1500256768-fpt16-8577-1500359603.jpg

Các diễn giả đã đem đến cho hơn 350 sinh viên những kiến thức cơ bản về Tập đoàn FPT, FPT Telecom; giá trị cốt lõi, văn hoá, môi trường làm việc trong công ty...

Phần giao lưu với các vị diễn giả diễn ra trong bầu không khí cởi mở cùng những câu hỏi từ các sinh viên và giải đáp nhiệt tình. Tuy là công ty viễn thông nhưng với môi trường làm việc tại FPT Telecom sẽ không giới hạn các sinh viên thuộc các khối ngành CNTT hay kỹ thuật mà còn có rất nhiều vị trí liên quan đến các chuyên ngành khác như: Quản trị kinh doanh, Marketing, Truyền thông...

Không dừng lại ở việc giải đáp thắc mắc, các diễn giả còn chia sẻ về quãng thời gian sinh viên, về những khó khăn đã từng gặp, về cách giải quyết áp lực, về những kỷ niệm trong công việc… chính điều này đã tạo ra rất nhiều động lực cho các bạn. Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc, ba diễn giả cũng đã truyền đạt những bí quyết, những kỹ năng dành cho sinh viên khi tham gia phỏng vấn, ứng tuyển vào FPT Telecom.

Anh Phan Phước Nhật, Trưởng phòng Văn hóa - Đoàn thể FPT Telecom, chia sẻ tổng quan về tinh thần "Tôn - Đổi - Đồng - Chí - Gương - Sáng"', qua đó giúp các sinh viên có thể hình dung được FPT đã và đang có những gì, nhất là văn hóa nhà F. "Các bạn đừng bận tâm ra trường sẽ làm gì hoặc ở FPT sẽ làm những gì vì ở FPT luôn cho phép các bạn thử, đây là nét đặc trưng của FPT Telecom”, anh Nhật chia sẻ. “Nếu bạn có một công việc tốt, rất tuyệt vời. Nhưng nếu bạn tìm được một nơi để là chính mình, đó mới là sống”.

1500256638-fpt1-2061-1500359603.jpg

Đại diện FPT Telecom, chị Trần Thị Trúc Minh, Phó phòng Tuyển dụng và Phát triển nguồn nhân lực, hy vọng buổi giao lưu sẽ tạo tiền đề chuẩn bị cho các bạn sinh viên chuẩn bị chuyển từ môi trường học đường sang môi trường khởi nghiệp.

Trong khi đó, chia sẻ về câu hỏi làm thế nào để vượt qua và giải quyết các áp lực trong công việc, anh Nguyễn Ngọc Đỉnh, Trưởng phòng Phát triển Ứng dụng di động, cho biết: "Đối với tôi, áp lực chính là cơ hội và là thử thách giúp mỗi người  trưởng thành hơn. Vì thế, các bạn hãy tập thói quen suy nghĩ tích cực và tìm niềm vui từ công việc. Khi đó, các áp lực sẽ không còn và còn có thể biến thành động lực, giúp các bạn phát triển hơn trong công việc".

Trước đó, các đại diện đã có buổi chia sẻ với sinh viên Cao đẳng CNTT TP HCM về việc chuẩn bị những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết như viết CV, phỏng vấn xin việc, hòa nhập văn hóa doanh nghiệp, bán hàng... giúp các bạn tự tin hơn khi rời ghế nhà trường. 

>> SCIC quyết giữ 'con gà đẻ trứng vàng' FPT Telecom

Chi Vy

Ý kiến

()