Sáng 25/8, tại khách sạn Hòa Bình, 27 Lý Thường Kiệt (Hà Nội), diễn ra hội thảo "Kỷ nguyên kinh tế trí tuệ nhân tạo chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam" do Tổ chức Giáo dục FPT tổ chức. Với chủ đề "Chiến lược đột phá kinh tế trí tuệ nhân tạo cho Việt nam", buổi tọa đàm đã thu hút hơn 50 học viên trong và ngoài đơn vị.
Dưới sự dẫn dẵn của diễn giả Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập báo Vietnamnet, GĐ Học viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sáng tạo (MDI), bức tranh về trí tuệ nhân tạo trong phát triển kinh tế được khái quát rõ nét.
Theo diễn giả, thực tế Việt Nam là quốc gia có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế AI. Đơn cử, kinh nghiệm 30 năm đổi mới của nước ta là nền tảng và niềm tin để phát triển thành một đất nước văn minh trên thế giới trong thời đại AI.
Diễn giả Nguyễn Anh Tuấn, nguyên tổng biên tập báo Vietnamnet, GĐ Học viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sáng tạo (MDI) trình bày những khó khăn, thách thức, giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Thúy Ngân |
Ông Tuấn dẫn chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói "Có khát vọng và nhiệt huyết xây dựng Việt Nam văn minh giàu mạnh". Đây cũng chính là khát vọng làm giàu, khát vọng đổi thay của con người Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Tuy nhiên, con đường thực hiện ước mơ đang bị "ngáng chân" bởi nhiều yếu tố. Trong đó, việc thiếu chuyên gia hàng đầu về AI, thiếu nhà hoạch định chiến lược kinh tế về trí tuệ nhân tạo ở Việt Nam là lỗ hổng quan trọng trong ngành kinh tế. Hơn nữa, những yếu tố như môi trường doanh nghiệp; cơ chế pháp luật chậm chạp; phong cách làm việc mang dư âm nông nghiệp... khiến con đường phát triển kinh tế AI trở thành bài toán khó giải.
"Câu hỏi đặt ra là, để trở thành quốc gia có vai trò đầu cầu về AI trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta cần làm gì?", ông Tuấn đặt câu hỏi và đưa ra 4 khía cạnh: nên tiên phong trong hệ thống ra quyết định thông minh, sử dụng và phân bổ nguồn lực quốc gia; tiên phong trong ứng dụng AI vào quản trị doanh nghiệp, quản lý nhà nước với doanh nghiệp, quản lý thuế; tiên phong trong ứng dụng AI vào tự động hóa, lành mạnh hóa dịch vụ công trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội; và cuối cùng, tiên phong trong phát triển năng lực, xác lập tâm thế công dân Việt Nam thời đại AI.
Để làm được điều đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tạo cho mình những chiến lược đột phá. Nó bao gồm nhiều yếu tố: Con người, cơ chế, thu hút trí tuệ hàng đầu; tổ chức, khơi gợi mọi động lực để phát triển. Hướng đi có thể bắt đầu từ việc kết nối với các trung tâm hàng đầu thế giới về AI, áp dụng mô hình kinh tế, chia sẻ trí tuệ để xây dựng sản phẩm đột phá như Chính phủ trí tuệ nhân tạo và văn hóa thời đại AI.
Ngoài việc chia sẻ những thông tin về trí tuệ AI đối với các ngành kinh tế, diễn giả cùng học viên giải quyết nhiều vấn đề thắc mắc liên quan. Đáng chú ý là câu hỏi "Trí tuệ AI có bổ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ không?"
Các học viên tới dự hội thảo cùng nhau trao đổi những vấn đề liên quan tới chiến lược đột phá kinh tế trí tuệ nhân tạo. Ảnh: Thúy Ngân |
Ông Tuấn phân tích, công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam đang là một ngành tiềm năng, nền tảng cho các ngành kinh tế khác phát triển như: công nghiệp, dịch vụ...
Ví dụ, trong quá trình sản xuất chi tiết máy. Khi áp dụng công nghệ AI, thời gian hoàn thành sản phẩm nhanh hơn, chất lượng, mẫu mã sản phẩm tốt hơn. Trong khi trước đây, việc chế tác sản phẩm đều dựa trên mẫu của nhà sản xuất đưa ra, hạn chế về mẫu mã, kiểu dáng.
Theo chuyên gia, không chỉ ngành công nghiệp phụ trợ, tất cả ngành nghề trong nền kinh tế nên vận dụng điểm tiến bộ của trí tuệ nhân tạo trong sản xuất sản phẩm dịch vụ. Ông Tuấn chứng minh, Việt Nam được biết đến là quốc gia đứng thứ 2 về xuất khẩu nông nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm đều xuất dưới dạng thô. Việc buôn bán chủ yếu đi theo con đường tiểu ngạch, nếu áp dụng tốt những công nghệ trí tuệ nhân tạo trong quá trình sản xuất, thu hoạch, chế biến... chúng ta không lo bị thương lái "kìm kẹp" hoặc thất bại ngay trên "sân nhà".
"Ngành du lịch tại Việt Nam cũng vậy", ông Tuấn khẳng định. "80% doanh thu dịch vụ đến từ danh lam thắng cảnh tự nhiên, của "trời cho" nhưng nếu cứ khai thác thô, tài nguyên dần cạn kiệt. Nếu doanh nghiệp khai thác mảnh đất màu mỡ này dựa trên tiến bộ công nghệ, đặc biệt là dịch vụ quảng bá du lịch... du lịch hứa hẹn còn phát triển hơn nữa".
Là người chăm chú theo dõi, phát biểu trao đổi trong hội thảo, anh Đinh Khắc Tiến, luật sư thuộc đoàn luật sư TP HN nhận định, đây là chương trình có ý nghĩa quan trọng giúp cho học viên và các nhà kinh doanh định hướng được bước đi trong thời đại 4.0. Sau những chia sẻ của diễn giả, những người làm doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về trí tuệ nhân tạo, những cơ hội và khó khăn khi hoạt động kinh doanh.
"Với tư cách là luật sư, qua buổi trao đổi ngày hôm nay, tôi hiểu rõ hơn về hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh liên quan tới trí tuệ nhân tạo", anh Tiến nói.
Thúy Ngân
Ý kiến
()